Thế giới nghiêng mình
Hàng loạt hãng thông tấn và báo chí trên thế giới đồng loạt đăng tin về sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tất cả đều viết về cuộc đời và sự nghiệp của vị tướng huyền thoại của Việt Nam.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao đổi với nữ nhà báo Mỹ Catherine Larnow - người có cha là một nhà báo nổi tiếng từng được đích thân Đại tướng mời tháp tùng tới Điện Biên Phủ
New York Times (Thời báo New York) – Mỹ: “Một nhà quân sự uyên bác”
Với đầu đề “Vị Tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp qua đời ở tuổi 102″, hãng tin AP mô tả Đại tướng là một nhà chỉ huy quân sự tài ba, một người anh hùng dân tộc, một “Napoleon Đỏ” đã từng đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Thời báo New York mô tả Đại tướng Võ Nguyên Giáp là “một người rất lôi cuốn và hoạt bát, một nhà quân sự uyên bác và một người theo chủ nghĩa dân tộc quyết liệt. Ông có thể dùng sức hút của bản thân để lên tinh thần cho quân sỹ, làm bùng cháy trong họ sự sẵn sàng cống hiến cho đất nước”.
Prensa Latina – Cuba: Mất mát lớn lao
Hãng tin Prensa Latina của Cuba ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một chiến lược gia quân sự lỗi lạc, đã chỉ huy quân đội Việt Nam đánh đuổi thực dân Pháp với đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, sau đó ông tiếp tục áp dụng một cách tài tình chiến lược chiến tranh toàn dân để đánh đuổi đế quốc Mỹ. Prensa Latina cũng nhấn mạnh nghệ thuật chiến tranh du kích của Tướng Giáp là nguồn cảm hứng cho các chiến sỹ đấu tranh vì độc lập dân tộc trên cả thế giới, và các cuốn sách của ông về chiến lược quân sự vẫn là những tài liệu quý giá mà các chuyên gia quân sự trên thế giới vẫn tìm đọc.
Trang điện tử cubadebate khẳng định sự ra đi của Đại tướng là một mất mát lớn lao không chỉ đối với nhân dân Việt Nam, mà cả với hàng triệu triệu người ngưỡng mộ ông trên thế giới.
“Financial Times” (Thời báo Tài chính) – Anh: Hội tụ tầm nhìn chiến lược sâu sắc
Báo này bình luận Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những nhà lãnh đạo quân sự kiệt xuất nhất của thế kỷ 20, đồng thời trích hồi ký của Peter Mac Donald, một thiếu tướng Anh đã nghỉ hưu nhận xét rằng: “Tướng Giáp hội tụ một tầm nhìn chiến lược sâu sắc, với sự tinh thông nghệ thuật chiến tranh du kích cũng như công tác hậu cần mà kịch tính nhất là việc tạo ra tuyến đường mòn Hồ Chí Minh để tiếp viện cho miền Nam trong cuộc chiến tranh chống Mỹ”.
Báo La Stampa – Italia: Thế giới nghiên cứu “kiệt tác” Điện Biên Phủ
Video đang HOT
Trang điện tử của tờ La Stampa ca ngợi Tướng Giáp là người anh hùng của toàn bộ các nước thuộc Phong trào không liên kết. Nghệ thuật quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã giúp Việt Nam giành thắng lợi trước thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Tờ La Stampa cho rằng giờ đây các học viện trên thế giới đều đang nghiên cứu “kiệt tác” của ông – trận Điện Biên Phủ.
Còn theo trang điện tử của tờ La Repubblica, Đại tướng là một nhân vật huyền thoại và danh tiếng của ông đã vượt ra ngoài đường biên giới của Việt Nam. Tướng Giáp là tác giả của cuốn “Vũ trang quần chúng cách mạng, xây dựng quân đội nhân dân” và tác phẩm này đã có phiên bản tiếng Italia.
Báo Le Monde (Thế giới) – Pháp: Vị tướng vĩ đại nhất thế kỷ 20
Báo Le Monde số ra ngày 4-10 của Pháp đã đăng bài viết ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị anh hùng của nền độc lập Việt Nam: “Tên tuổi của ông sẽ đi vào lịch sử như một trong những vị tướng vĩ đại nhất của thế kỷ 20, vị tướng duy nhất đã liên tiếp đánh bại quân đội Pháp và dám đương đầu với nước Mỹ”.
Hãng tin AFP – Pháp: “Tượng đài trong lòng nhân dân
Hãng tin Pháp AFP gọi ông là “kiến trúc sư của các thắng lợi của Việt Nam trước quân đội Pháp và Mỹ” và bình luận những chiến công đó đã đưa ông trở thành một “tượng đài trong lòng nhân dân”.
Báo L’Humanité (Nhân đạo) – Pháp: “Vị tướng của hòa bình”
Báo Nhân đạo của Đảng Cộng sản Pháp thì gọi ông là “nhà chiến lược cho nền độc lập của Việt Nam”, đồng thời nhắc lại câu trả lời khiêm tốn và dung dị của ông với báo chí nước ngoài khi được hỏi về nguyên nhân của những chiến thắng: “Chiến lược của tôi là chiến lược của hòa bình, tôi là vị tướng của hòa bình chứ không phải vị tướng của chiến tranh”.
Báo điện tử Rue 89 (Phố 89) – Pháp: “Một núi lửa dưới lớp tuyết trắng
Báo điện tử Rue 89 trích dẫn các cảm xúc của cựu Đại sứ Pháp tại Việt Nam Claude Blanchemaison tại buổi gặp Đại tướng lần đầu tiên tại Hà Nội với tư cách là Đại sứ Pháp. Ông đã bị ấn tượng mạnh bởi một “nhân vật xuất chúng” với tầm vóc nhỏ bé, đôi mắt tinh nhanh, vầng trán cao và mái tóc bạc, và dùng hình ảnh “một núi lửa dưới lớp tuyết trắng” để mô tả tính cách mạnh mẽ và quyết đoán của Đại tướng.
Báo Le Parisien (Người Paris) – Pháp: “Nhà chiến lược quân sự lỗi lạc nhất” của Lịch sử
Báo Le Parisien (Người Paris) đánh giá Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những “nhà chiến lược quân sự lỗi lạc nhất” của Lịch sử với từ “Lịch sử” được viết hoa, một trong những “gương mặt nổi bật nhất” của Việt Nam sau Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Tên tuổi và ảnh hưởng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã vượt qua biên giới của lãnh thổ Việt Nam, tạo nguồn cảm hứng cho các phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc từ châu Á qua châu Phi, đặc biệt là tại Algeria”.
Báo “Thời đại” – Đức: “Người thắng cuộc ở Điện Biên Phủ đã qua đời”
Tờ báo đã đăng bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong bộ quân phục trắng tại lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (2004) cùng bài viết dài điểm lại những chiến thắng lẫy lừng của Đại tướng. Bài báo trích lời cựu Tổng thống Nam Phi Thabo Mbeki: “Trong cuộc đấu tranh của chúng tôi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những vị anh hùng dân tộc”.
Báo “Làn sóng Đức”: “Ước mơ của vị thống lĩnh quân đội
Báo “Làn sóng Đức” cũng đăng bài viết về nhà giáo, nhà báo, vị thống lĩnh quân đội tự học, tự rèn – Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bài báo nhắc lại lời phỏng vấn báo chí nước ngoài của Đại tướng nói: “Khi còn bé, tôi từng mơ một ngày được thấy nước tôi tự do, thống nhất. Và giấc mơ của tôi ngày đó đã trở thành sự thật”.
Nhiều tờ báo khác của Đức như báo “Tấm gương hàng ngày”, “Nước Đức mới”, hãng tin DPA… cũng đã có bài viết đánh giá cao công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam.
Báo “Hoàn cầu” – Trung Quốc: “Ông là Hùm xám Điện Biên”
Trang quân sự của mạng Hoàn Cầu nêu bốn điểm nổi bật về Đại tướng Võ Nguyên Giáp: ông là một trong những nhà sáng lập của quân đội Việt Nam trực tiếp tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chỉ huy hàng loạt chiến dịch chống Pháp, đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ, dư luận phương Tây mệnh danh ông là “Hùm xám Điện Biên”.
Giáo sư Carl Thayer – Australia: “Nhân vật anh hùng huyền thoại
Với tiêu đề “Danh tướng chống Pháp, chống Mỹ của Việt Nam Võ Nguyên Giáp, người mà kẻ địch cũng phải kính trọng đã từ trần, hưởng thọ 102 tuổi”, bài báo của tờ Thương báo (Hồng Kông) nhắc đến việc tạp chí “Thời đại” của Mỹ từng dẫn đánh giá của người Pháp, gọi ông Võ Nguyên Giáp là “núi lửa phủ tuyết trắng”, miêu tả ông là một kỳ tài quân sự, bên ngoài phẳng lặng nhưng nội tâm sục sôi. Tờ báo dẫn lời Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia nhận định Đại tướng Võ Nguyên Giáp là “nhân vật anh hùng huyền thoại của Việt Nam”.
Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain: “Tướng Võ Nguyên Giáp đã qua đời. Ông là một chiến lược gia quân sự tài ba, ông từng nói với tôi rằng: chúng ta là những kẻ thù danh dự”.
Ông Angelo Tomaselli Vladi (Chủ tịch Hội hữu nghị Italia-Việt Nam vùng Veneto): “Tướng Giáp là tấm gương sáng để nhân dân Việt Nam và toàn thế giới noi theo. Ông là một người con trung thành của dân tộc Việt Nam, suốt đời đi theo con đường của Đảng Cộng sản để góp phần đưa Việt Nam tiến tới tự do và độc lập”.
Ông Saman Vinhakek (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Lào): “Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần là một mất mát quá lớn không chỉ đối với nhân dân Việt Nam mà đối với cả nhân dân Lào. Đất nước Lào không bao giờ quên công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong việc sáng lập Đảng NDCM Lào, Mặt trận Lào Yêu nước và Quốc hội Lào. Đất nước và nhân dân Lào luôn nhớ mãi hình ảnh của Đại tướng”.
Theo ANTD
Nỗi tiếc thương vô hạn
Từ ngã năm Chu Văn An - Tôn Thất Đàm - Chùa Một Cột trước cửa lăng Bác, dòng người cứ nhích từng chút một. Lặng lẽ, nghiêm cẩn và tiếc thương, họ tiến về ngôi nhà số 30 đường Hoàng Diệu, nơi mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã sống và làm việc suốt mấy chục năm qua. Đường Điện Biên Phủ hôm nay, ngày mai... sẽ chứng kiến dòng người như dài thêm mãi, hệt như dòng người 59 năm về trước đã theo Đại tướng lên Điện Biên đánh Pháp...
Rất nhiều thanh niên mang hoa đến tư gia của Đại tướng chia buồn. Ảnh: Phú Khánh
5h30 chiều 6-10, theo quy định của Ban tổ chức sẽ chỉ còn 30 phút nữa là hết giờ vào thăm tư gia Đại tướng, nhưng không một ai muốn về. Người dân vẫn từ khắp mọi tỉnh, thành tiếp tục đổ về đây, ai cũng mong sẽ tới lượt mình vào thăm nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp để bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn với vị anh hùng vừa ra đi mãi mãi. Họ là những em học sinh, sinh viên, sỹ quan trẻ măng; những bà con tiểu thương, cán bộ, nông dân đứng tuổi hay những cựu chiến binh, thanh niên xung phong với mái đầu bạc trắng. Phần nhiều trong số đó chưa một lần được gặp mặt vị tướng lỗi lạc, nhưng tất cả đều biết đến ông qua 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Với người dân, Đại tướng giống như một huyền thoại và đến nhà ông trong những giờ phút này là cơ hội cuối cùng để bày tỏ lòng kính trọng trước mất mát to lớn của đất nước.
Từ sáng sớm, dòng người ấy đã tới đây. Tấm bảng thông báo bắt đầu "Đón khách từ 14h30" trước cửa tư gia Đại tướng không những không khiến người dân vãn bớt mà ngược lại càng khiến người ta đổ về ngày càng đông hơn. Hay tin Đại tướng qua đời, bác Ngô Lê Lợi - Bí thư chi bộ số 38 phường Trung Hòa nguyên là cựu binh chống Mỹ của Sư đoàn 4, Quân khu 9 miền Tây Nam bộ đã có mặt ở đây từ sáng sớm. Ông kể từng được một lần bắt tay Đại tướng tại mặt trận chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. "Với những người lính chúng tôi, Đại tướng là cấp chỉ huy tối cao. Nay Đại tướng qua đời, tôi tự thấy mình có nghĩa vụ phải tới chào thủ trưởng lần cuối. Tôi không chắc sẽ được vào viếng Đại tướng hôm tổ chức lễ tang nên chọn cách tới tư gia của ông để bày tỏ lòng thành", vị cựu binh xúc động.
Cũng hòa trong dòng người lặng lẽ vào dâng hoa tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, anh Nguyễn Đức Anh - cán bộ Công ty thiết bị điện Đông Anh còn dẫn theo vợ, cô em gái và đứa con nhỏ mới 15 tháng tuổi của mình. Từ sáng sớm anh đã tự tay kết một lẵng hoa hồng mang hình cờ đỏ sao vàng để bày tỏ tấm lòng tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của vị tướng mà anh thần tượng. Anh Đức Anh sinh ra khi chiến tranh đã kết thúc và cũng chưa một lần được thấy sự khốc liệt của 2 cuộc chiến. Nhưng anh bảo: "Cha ông tôi đều đã từng theo Đại tướng đi đánh giặc. Tôi biết đến Đại tướng qua những câu chuyện mà cha ông từng kể từ thuở ấu thơ. Sau này, khi lớn lên biết thêm nhiều câu chuyện về Đại tướng qua sách báo, tôi nghiêng mình trước đức độ, tài năng và nhân cách của ông. Có lẽ không chỉ với riêng tôi, ông mãi mãi là Đại tướng trong tâm thức những người Việt Nam yêu nước".
Cả bác Lợi, anh Đức Anh và hàng vạn người dân khác trong dòng người hôm nay có lẽ đều suy nghĩ như vậy. Họ đều nóng ruột và không thể chờ tới lúc lễ tang chính thức để tiễn biệt một trái tim vĩ đại vừa ngừng đập. Ngày mai, dòng người chắc chắn sẽ dài thêm. Và nỗi tiếc thương này chưa biết tới bao giờ mới dứt.
Theo ANTD
Phong cách sống bình dị của Đại tướng qua lời kể người thân "Bác sống rất giản dị, mỗi lần về quê bác chỉ thích ăn những món ăn dân dã, nghe những làn điệu hò khoan, ân cần thăm hỏi bà con lối xóm, căn dặn con cháu phát huy tính tự lập, không được ỷ lại và không làm ảnh hưởng đến gia phong, dòng họ..." Từng là Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng...