Thế giới cũng ngạc nhiên vì giá 3G của Việt Nam
Theo tính toán của các mạng di động, cước 3G của Việt Nam đang rẻ hơn khoảng 10 lần so với Trung Quốc và rẻ hơn khoảng 40 lần so với các nước Châu Âu.
Ngay cả những “đại gia” tên tuổi như Google và Qualcomm cũng tỏ ra ngạc nghiên với cước 3G của Việt Nam.
Google và Qualcomm tỏ ra ngạc nghiên với cước 3G của Việt Nam.
Mức chi phí sử dụng 3G “tẹt ga” nhưng chỉ phải trả chưa đến 2 USD mà các mạng di động Việt Nam đưa ra đã khiến nhiều đại gia CNTT thế giới cũng phải ngạc nghiên. Tại buổi tọa đàm về Internet Việt Nam được tổ chức hồi tháng 6/2012, đại diện của Google tỏ ra ngạc nhiên một đất nước như Việt Nam lại có thể triển khai 3G rộng khắp đến gần 100% dân số và có nhiều gói cước 3G khoảng 2 USD.
Trang web PC World New Zealand (pcworld.co.zn) vừa đăng tải bài của phóng viên Juha Saarinen viết về sự thuận tiện và giá rẻ khi du khách nước ngoài đến Việt Nam và sử dụng dịch vụ Wi-Fi, 3G. Điều đáng nói nhất trong bài viết là Juha Saarinen rất thán phục con đường phát triển, đi lên phía trước thông qua công nghệ của Việt Nam.”Tại Việt Nam, tôi có thể tìm thấy Wi-Fi ở khắp mọi nơi – và thường là được dùng miễn phí. Ngoài ra, 3G ở đây cũng rất rẻ và chạy rất tốt. Du khách nước ngoài có thể dễ dàng sử dụng 3G bằng cách mua một thẻ SIM trả trước với giá 65.000 đồng, tương đương 4 đô la New Zealand”.
Juha Saarinen kể rằng: “Khách hàng được dùng gói cước dữ liệu 3G mức giá rẻ, từ 1,5 đến 5 GB dữ liệu với 120.000 đồng đến 150.000 đồng. Nếu cẩn trọng với việc dùng dữ liệu của mình, bạn có thể bỏ ra 10 đô la New Zealand (168.000 đồng) và dùng 3G tốc độ cao”. Phóng viên công nghệ của PC World cũng đã ao ước: “giá có một hãng viễn thông nào đó của Việt Nam đến New Zealand để kinh doanh, thay đổi các dịch vụ và giá cước tại thị trường New Zealand”.
Theo tính toán của các mạng di động Việt Nam, 3G của Việt Nam đang rẻ hơn khoảng 10 lần so với Trung Quốc và rẻ hơn khoảng 40 lần so với các nước Châu Âu.
Trả lời báo chí tuần trước, ông Thiều Phương Nam – Giám đốc Qualcomm Đông Dương cũng đưa ra thêm số liệu: mỗi ngày có khoảng 1 triệu kết nối 3G mới trên thế giới, đặc biệt nó đã lan tỏa khắp các lĩnh vực như y tế, giáo dục, đánh bắt hải sản… Kết nối 3G tăng trưởng rất nhanh ở các nước phát triển, chẳng hạn như khu vực Đông Nam Á tỉ lệ tăng trưởng hàng năm lên tới 226%, Ấn Độ 161%, Nga 251%…
Video đang HOT
Còn tại Việt Nam, phía Qualcomm đưa ra nhận định cơ sở hạ tầng 3G ở Việt Nam là một trong những nước tốt nhất Châu Á, số thuê bao 3G trong nước đạt khoảng 20 triệu và theo số liệu từ Bộ TT&TT mạng 3G đã phủ tới 90% dân số Việt Nam. Sở dĩ có sự phát triển nhanh chóng này do các gói cước 3G tại Việt Nam có mức giá cực kì hợp lí.
Các mạng di động cho biết, trong khoảng 1 năm trở về đây số lượng khách hàng sử dụng smartphone tăng lên nhanh chóng. Theo ước tính thì gần một nửa số điện thoại bán ra trên thị trường hiện nay là smartphone. Thêm vào đó thị trường cũng có nhiều ứng dụng data cho điện thoại smartphone hơn so với trước. Điều này kéo theo nhu cầu sử dụng dữ liệu của khách hàng tăng lên nhanh chóng và đòi hỏi chất lượng ngày càng cao.
Mới đây, VinaPhone và MobiFone quyết định điều chỉnh gói cước 3G không giới hạn của mình. Theo đó, từ ngày 1/4, MobiFone và VinaPhone chính thức công bố và điều chỉnh giá cước, dung lượng sử dụng dịch vụ Mobile Internet 3G. Trong đó, gói Internet không giới hạn của VinaPhone (gói MAX) và MobiFone (gói MIU) đều tăng 10.000 đồng so với giá cũ là 40.000 đồng/tháng. Các gói cước dành cho thuê bao học sinh, sinh viên cũng tăng 15.000 đồng, lên mức 35.000 đồng. Hai nhà mạng này cho biết đã tăng thêm 100 MB dung lượng miễn phí ở tốc độ tối đa 7,2 Mbps (mức cũ là 500 MB) cho 2 gói cước MAX và MIU, sau khi dùng hết thì băng thông vẫn chuyển về 256 Kbps như quy định trước đây.
Như vậy, giá gói cước Internet không giới hạn của VinaPhone và MobiFone đã ngang bằng với gói MIMAX của Viettel áp dụng hiện nay (cước duy trì thuê bao 3G 10.000 đồng/tháng và gói dịch vụ là 40.000 đồng nhưng có dung lượng 3G cao hơn 100 MB).
Theo số liệu thống kê của MobiFone có tới thì 70% khách hàng đăng kí gói cước Mobile Internet không giới hạn (MIU) sử dụng hết 500 MB với tốc độ tối đa. Như vậy, việc điều chỉnh gói cước này sẽ phù hợp hơn với nhu cầu sử dụng của số đông khách hàng hiện nay.
Đại diện VinaPhone phân tích, dù giá cước dữ liệu của Việt Nam thuộc diện thấp trong khu vực và thế giới nhưng số lượng thuê bao sử dụng 3G trên mạng VinaPhone chỉ chiếm 15-20% tổng số thuê bao có trên mạng và doanh thu từ dữ liệu 3G ở mức 5-10% doanh thu toàn mạng. Trong khi đó, chi phí đầu tư cho mạng 3G rất lớn nên VinaPhone quyết định tăng giá cước 10.000 – 20.000 đồng để mở rộng đầu tư và cung cấp dịch vụ cho khách hàng ngày một tốt hơn.
Theo ICTnews
Phải trả phí mới được dùng ứng dụng liên lạc miễn phí?
Đại diện VinaPhone, MobiFone, Viettel đều khẳng định dịch vụ OTT là xu hướng không thể cưỡng được và nó đang ảnh hưởng mạng đến các dịch vụ thoại truyền thống. Vì vậy, các nhà mạng muốn hợp tác với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT như nhắn tin, gọi điện miễn phí qua Internet thông qua những gói cước 3G mới.
Sự phát triển của các dịch vụ chat, gọi điện miễn phí qua Internet đã làm các nhà mạng thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Dịch vụ OTT ảnh hưởng khoảng 9 - 10% doanh thu
Ông Đỗ Vũ Anh - Trưởng ban Viễn thông Tập đoàn VNPT cho biết, các dịch vụ OTT (Over The Top) như gọi điện thoại, nhắn tin di động miễn phí qua môi trường Internet bao gồm WhatsApp, Viber, Line, Kakao Talk, Zalo... đã gây thiệt hại rất lớn đến doanh thu của các mạng di động Việt Nam cũng như thế giới. "Dịch vụ này đã ảnh hưởng 9 -10% doanh thu của các nhà mạng trên thế giới", ông Đỗ Vũ Anh dẫn chứng.
Cùng quan điểm trên, đại diện MobiFone cho rằng, dịch vụ nhắn tin, gọi điện miễn phí qua Internet đã làm dịch vụ truyền thống như SMS của các nhà mạng trên thế giới thất thu hơn 13 tỷ USD/năm, chiếm 9% doanh thu của các nhà mạng. Số liệu mới nhất của hãng nghiên cứu thị trường di động Flurry (Mỹ) cho thấy Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về tốc độ tăng trưởng số lượng smartphone, tablet chạy Android và iOS trong năm 2012; cộng thêm việc cước 3G của Việt Nam thấp hơn các nước khoảng 40% càng chứng tỏ Việt Nam đang là một thị trường thích hợp để các ứng dụng OTT phát triển.
Như ứng dụng Viber, ở Việt Nam hiện có khoảng 3,5 triệu người sử dụng, riêng tháng 2/2013 có thêm khoảng 500.000 người dùng và mỗi ngày có xấp xỉ 20.000 người sử dụng đăng ký mới. Thống kê của MobiFone cho thấy, số lượng cuộc gọi trên Viber ở Việt Nam khoảng 280.000 cuộc/ngày và 8,7 triệu SMS/ngày. "Như vậy, mỗi năm nhà mạng ở Việt Nam sẽ tổn thất hơn 1.000 tỷ đồng trong khi lượng tiền data thu về không đáng bao nhiêu" đại diện MobiFone nhấn mạnh.
Chưa dừng ở đó, cũng theo MobiFone, trong dịp Tết Nguyên Đán vừa qua, số lượng thuê bao và lưu lượng 3G tăng rất mạnh, gấp khoảng 5 lần so với ngày bình thường, khi nhiều thuê bao đã sử dụng các dịch vụ trên nền 3G như SMS, thoại miễn phí, mạng xã hội. Vì vậy, các dịch vụ SMS và thoại truyền thống của MobiFone trong dịp Tết đã giảm gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Giám đốc Viettel Telecom nhận định rằng, do xu hướng các dịch vụ OTT như gọi điện thoại, nhắn tin di động miễn phí qua Internet tăng rất nhanh nên Viettel bị tác động giảm doanh thu hàng nghìn tỷ đồng/năm.
Tương tự, ông Phan Sào Nam, Chủ tịch HĐQT VTC Online khẳng định, nhà mạng chịu thiệt hại rất lớn do các dịch vụ OTT. "Bản thân tôi trước kia trung bình mỗi tháng sử dụng khoảng 800.000 - 900.000 đồng cước điện thoại nhưng khi dùng các dịch vụ nhắn tin, gọi điện miễn phí qua Internet thì mỗi tháng chỉ mất khoảng 320.000 đồng, trong đó đã bao gồm 120.000 đồng cước 3G", ông Nam dẫn chứng.
Gói cước mới sử dụng OTT chỉ tăng thêm khoảng 20.000 đồng?
Ông Đỗ Vũ Anh cho biết, các giải pháp có thể áp dụng đối với dịch vụ OTT gồm: bắt tay với doanh nghiệp nội dung để đưa ra gói cước mới, ăn chia doanh thu với những doanh nghiệp nội dung như ở Pháp (các nhà mạng nước này đã đòi ăn chia với Google nếu không sẽ "bóp" băng thông đối với các dịch vụ của Google hay thu phí, kiểm soát thông qua các biện pháp kỹ thuật). Dù mỗi giải pháp đều có những ưu và nhược điểm riêng nhưng quan điểm của VNPT là chấp nhận dịch vụ OTT như một xu thế công nghệ mới và nhà mạng không thể "cưỡng" lại được. Trên cơ sở đó, VNPT sẽ ngồi lại, thống nhất với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT để đưa ra giải pháp phù hợp nhằm đảm bảo lợi ích của các doanh nghiệp, nhà mạng và nhất là quyền lợi của người dùng di động.
Cũng giống như VNPT, đại diện MobiFone và Viettel đều khẳng định mong muốn hợp tác với doanh nghiệp nội dung để đưa ra những gói cước phù hợp. Mặc dù vậy, để tránh việc các doanh nghiệp di động cạnh tranh quá mức dẫn đến phá giá, Bộ TT&TT nên quy định các gói cước cũng như giá sàn cước dữ liệu.
Theo ông Phan Sào Nam, giá cước 3G ở Việt Nam hiện rất rẻ do các nhà mạng cạnh tranh nhau nên đã giảm mức giá xuống rất sâu. Khi dịch vụ OTT phát triển, các nhà mạng đã bị ảnh hưởng nặng nề về doanh thu do phải đầu tư hạ tầng mạng lưới rất lớn. Vì vậy, thay vì là một "nạn nhân", với lượng khách hàng lớn, nhà mạng di động nên tham gia và hợp tác sâu với các doanh nghiệp nội dung để cùng "kích cầu" thị trường thông qua những gói cước mới để từ đó kinh doanh các dịch vụ giá trị gia tăng và ăn chia doanh thu.
Trao đổi bên lề với phóng viên ICTnews, đại diện một nhà mạng cho rằng, họ đang chờ ý kiến chính thức của Bộ TT&TT về việc chặn hay hợp tác với các ứng dụng OTT. Trên cơ sở đó, nhà mạng mới có thể đưa ra những phương án hợp tác hay có gói cước phù hợp. "Giá cước mới để sử dụng các dịch vụ nhắn tin, gọi điện miễn phí qua Internet có thể chỉ tăng thêm từ 10.000-20.000 đồng so với các gói cước 3G hiện tại", vị này kết luận.
Phát biểu về vấn đề này, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, các giải pháp đối với dịch vụ OTT như cấm toàn bộ các ứng dụng hay để các dịch vụ OTT tự do phát triển đều phải xem xét lại và không nên áp dụng. Cục Viễn thông sẽ tiếp nhận các ý kiến đóng góp của doanh nghiệp trên website để đề xuất với Lãnh đạo Bộ trên cơ sở nguyên tắc đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các nhà mạng di động, doanh nghiệp nội dung Việt Nam cũng như doanh nghiệp nước ngoài và đem lại cơ hội tốt nhất cho người dùng.
Ông Hải cho rằng, do các dịch vụ OTT đã có mức độ ảnh hưởng rất lớn nên cơ quan chức năng phải có biện pháp quản lý, nhưng ở mức độ nào thì cần tiếp tục bàn bạc để không gây khó chịu với người sử dụng. Vì các doanh nghiệp nội dung đều mong muốn hợp tác với nhà mạng nên Cục Viễn thông đề nghị các doanh nghiệp viễn thông xem xét lời đề nghị của doanh nghiệp nội dung OTT trên cơ sở cởi mở, bảo đảm lợi ích cho các bên tham gia và phục vụ tốt nhất cho người sử dụng. Bởi vì, dù giá thành giảm đi nhưng do "miếng bánh" tăng lên và có nhiều người sử dụng nên thực chất các doanh nghiệp đều có lợi. "Doanh nghiệp cung cấp OTT có thể chủ động đưa ra giải pháp hợp tác với nhà mạng và nếu khó khăn có thể gửi kiến nghị lên Cục Viễn thông", ông Hải khẳng định.
Việc "bùng nổ" các dịch vụ OTT làm ảnh hưởng đến "nồi cơm" của các nhà mạng bắt đầu được dấy lên từ phát biểu của ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel tại tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm 2013 của Bộ TT&TT ngày 24/12. Khi đó, ông Hùng cho rằng, dịch vụ OTT giúp nhắn tin, gọi điện miễn phí qua mạng Wifi, 3G như Viber, WhatsApp đang là một nguy cơ với các doanh nghiệp viễn thông nói riêng và các ngành CNTT, truyền thông, truyền hình nói riêng. Bởi vì, những dịch vụ viễn thông cơ bản như điện thoại, nhắn tin và truyền hình đang chiếm đến 80% doanh thu của các doanh nghiệp viễn thông (khoảng trên 100.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, các dịch vụ này lại đang được cung cấp miễn phí trên mạng bởi các công ty nước ngoài, để từ đó kinh doanh những dịch vụ khác ngoài viễn thông.
Theo Thế Phương
Ictnews
Đánh giá 6 ứng dụng nhắn tin nền smartphone phổ biến tại Việt Nam (Phần 1) Với sự phát triển thần tốc của mạng 3G, các nhà mạng đua nhau đưa ra những gói cước 3G trọn gói giá với mức giá rất mềm chỉ vài chục ngàn một tháng. Bật 3G cả ngày là điều đã quá hiển nhiên trong thời điểm hiện tại. Thật khó có thể tưởng tượng rằng chỉ vài ba năm trước đây, người...