Thế giới “bất lực” trong phòng, chống suy dinh dưỡng ở Yemen?
Chưa đầy một tuần sau lời cảnh tỉnh thống thiết từ Tổng Thư ký Antonio Guterres tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về hệ thống lương thực toàn cầu: “Hệ thống lương thực toàn cầu đang bị phá vỡ và hàng tỷ người đang phải trả giá!”, ngày 30/7, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) chính thức thông báo: Họ sẽ phải đình chỉ công tác phòng, chống suy dinh dưỡng ở Yemen vào tháng 8 này, do thiếu kinh phí nghiêm trọng.
Như một lần bỏ cuộc
“Sự thiếu hụt kinh phí trầm trọng, cùng với việc các nguồn tài trợ bị gián đoạn liên tục, buộc chúng tôi phải đình chỉ hoàn toàn hoạt động phòng, chống suy dinh dưỡng ở Yemen, bắt đầu từ tháng 8 tới. Điều này sẽ ảnh hưởng đến 2,4 triệu người bị suy dinh dưỡng ở đất nước này, những người dễ bị tổn thương nhất” – đại diện WFP thừa nhận.
Đây không phải lần đầu, WFP đành chấp nhận một lựa chọn bất khả kháng như vậy. Liên tiếp trong một quãng thời gian ngắn, những chương trình hoạt động tại Dải Gaza, tại Syria, tại nhiều quốc gia châu Phi hay tại Haiti… cũng đã bắt buộc phải bị thu hẹp, bởi những nguyên nhân liên quan đến tài chính.
Song, bởi vì từ nhiều năm nay, kể từ khi xung đột bùng nổ tại đây năm 2014, Yemen đã và vẫn đang được xem là “một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới”, quyết định mới nhất của WFP, hơn bao giờ hết, thể hiện rõ rệt tình cảnh “lực bất tòng tâm” của Liên hợp quốc.
Sau chừng ấy năm nỗ lực làm tất cả những gì có thể, số liệu mới nhất của chính WFP vẫn cho thấy rằng ở Yemen còn tới 21,6 triệu người (xấp xỉ 80% dân số quốc gia ấy) cần được hỗ trợ nhân đạo. Trong đó, 17 triệu người đã chính thức ở trong tình trạng mất an ninh lương thực, nghĩa là rơi vào nạn đói.
Ngay từ trước khi các cuộc giao tranh nổ ra vào đầu năm 2015, Yemen đã là một trong những quốc gia nghèo nhất trong thế giới Arab. Với tuổi thọ trung bình dưới 64, quốc gia này xếp thứ 183 trên 191, ở bảng xếp hạng Chỉ số Phát triển con người năm 2021.
7 năm xung đột đã khiến hàng nghìn thường dân thiệt mạng và 4,5 triệu người phải di tản trong nước. Tác động của nó đối với cơ sở hạ tầng của đất nước đã bị tàn phá nghiêm trọng, với các tuyến đường bộ và sân bay chính bị hư hại nặng nề.
Một đất nước bị tàn phá đến tận cùng, với 80% dân số trông chờ vào các khoản cứu trợ để tồn tại.
Video đang HOT
Những cố gắng phối hợp cứu trợ của cộng đồng quốc tế đã phần nào ngăn chặn thảm họa ở Yemen. Song, nếu những sự can thiệp cần thiết ấy dừng lại hoặc bị cản trở, tình hình có thể sẽ xấu đi nhanh chóng.
Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở phụ nữ và trẻ em ở Yemen vẫn thuộc hàng cao nhất thế giới, với 1,3 triệu phụ nữ mang thai và đang cho con bú và 2,2 triệu trẻ em dưới 5 tuổi cần được điều trị suy dinh dưỡng cấp tính. Trong số những đứa trẻ này, 538.500 em có nguy cơ tử vong nếu không được điều trị.
Bên cạnh đó, sự khó khăn trong những phương thức tiếp cận tiếp tục đặt ra thách thức rất lớn đối với WFP ở một số khu vực, đặc biệt là những vùng chiến sự. Đơn cử, mới ngày 22/7 vừa qua, các tay súng không rõ danh tính đã bắn thẳng vào đoàn nhân viên cứu trợ tại thị trấn Turbah, nằm ở tỉnh Taiz, phía Tây nam Yemen, làm một người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.
Ông David Gressly, đại diện Liên hợp quốc, đánh giá sự vụ này là “một thảm kịch không thể chấp nhận được”. Đương nhiên, những vụ tấn công kiểu ấy cũng góp phần làm tăng thêm những gánh nặng lên WFP, khi họ không chỉ thiếu nguồn tài trợ mà còn suy giảm cả nhân lực.
Năm 2023 này, WFP đặt mục tiêu cung cấp hỗ trợ lương thực cho 15 triệu người dưới dạng khẩu phần hiện vật, gồm bột mì, đậu, dầu, đường, muối… hoặc phiếu mua hàng, hay là tiền mặt để mua cùng một lượng thực phẩm.
Nhưng, đến hiện tại, để giảm thiểu tình hình nghiêm trọng ở Yemen, cơ quan Liên hợp quốc ấy chỉ còn cách chuyển hướng các nguồn ngân sách eo hẹp còn lại, tập trung điều trị cho những trường hợp suy dinh dưỡng nghiêm trọng nhất. Hơn 900.000 người đang hưởng lợi từ trợ cấp tiền mặt sẽ phải bằng lòng với hệ thống phân phối thực phẩm bằng hiện vật.
Bản báo cáo cũng nhấn mạnh: Kế hoạch đã đề ra của WFP trong 6 tháng tới, từ tháng 8/2023 đến tháng 1/2024, chỉ được đáp ứng 28% kinh phí cần thiết (khoảng 1,05 tỷ USD). Vậy mà, ngày 25/1/2023, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) đưa ra ngân sách dự trù cho cả năm là 4,3 tỷ USD, dựa trên những thành tựu của năm ngoái, khi OCHA đã chi 4,27 tỷ USD cho các động động nhân đạo tại Yemen.
Những dự cảm âm u
Tuy vậy, điều khủng khiếp nhất không chỉ hiện hữu trong phạm vi biên giới Yemen, với thất bại mới nhất của WFP. Những diễn biến mới nhất trong dòng chảy đời sống quốc tế đang đặt ra một câu hỏi ghê rợn: Liệu chuỗi các cuộc khủng hoảng nhân đạo sẽ được nối dài và gia tăng ở mức độ nào?
Ngày 27/7, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhận định đầy sợ hãi: “Kỷ nguyên Trái đất nóng lên đã chấm dứt. Thay vào đó, là kỷ nguyên toàn cầu sôi lên!”. Phát biểu này được đưa ra sau khi Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cảnh báo: Nắng nóng khắc nghiệt sẽ xảy ra thường xuyên hơn và rải rác trong tất cả các mùa.
Sau lúa mỳ, nguồn cung gạo trên thế giới cũng trở nên khan hiếm hơn.
Hệ lụy tất yếu của nó, không gì khác, chính là sự suy giảm mạnh mẽ khả năng sản xuất lương thực của toàn thế giới. Một cách ngắn gọn, điều đó có nghĩa là càng ngày sẽ càng khó khăn hơn, trong việc cung cấp đủ “cái ăn” cho tám tỷ người, đặc biệt là tại các khu vực kém phát triển và dễ bị tổn thương nhất.
Không đủ kinh phí hoạt động đã đành, nhưng cho dù các nguồn tài trợ có được cung cấp dồi dào trở lại, WFP nhiều khả năng cũng sẽ phải “vật vã” tìm cách cân đối, bởi có ngân sách là một chuyện, dùng ngân sách đó để mua lương thực từ đâu lại là một chuyện khác.
Các cuộc chiến tranh hay xung đột liên tiếp bùng nổ, tiêu biểu như chiến dịch quân sự đặc biệt của nước Nga tại miền Đông Ukraine, đang không chỉ khiến giá thực phẩm hay phân bón, cũng như chi phí sinh hoạt toàn cầu cùng chi phí sản xuất nông nghiệp tăng cao, mà còn đặt ra những thách thức cho mọi chính phủ về việc phải bảo đảm an ninh lương thực cho chính công dân của quốc gia ấy trước tiên.
Với kinh phí ngày càng eo hẹp, những sứ mệnh nhân đạo của WFP cũng vì thế mà càng lúc càng trắc trở, gian nan.
Ngày 20/7, Ấn Độ – một trong 2 quốc gia đông dân nhất thế giới, cũng là nước chiếm 40% lượng gạo xuất khẩu thế giới – ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo. Điều này tạo nên hệ lụy là tâm lý đổ xô đi mua gạo để tích trữ, ở không ít quốc gia Nam Á lân cận, gây khủng hoảng thiếu cục bộ.
Đến ngày 28/7, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) áp đặt lệnh cấm xuất khẩu và tái xuất khẩu gạo, trong vòng 4 tháng. Dự kiến, cũng sẽ còn nhiều quốc gia hành động tương tự.
Nguồn cung gạo – lương thực chính của hơn 3 tỷ người – bị thắt lại. Nguồn cung các loại ngũ cốc chủ chốt khác, thí dụ như lúa mỳ, cũng “lao đao” với việc thỏa thuận Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen không thể được gia hạn sau ngày 17/7. Mọi hoạt động của WFP ở các “điểm nóng nhân đạo” quốc tế, do đó, cũng càng trở nên khó khăn.
Bối cảnh này khiến tuyên bố tiếp tục cung cấp ngũ cốc (cả thương mại lẫn miễn phí) cho châu Phi của Tổng thống Nga Vladimir Putin càng trở nên giàu sức nặng, trên phương diện mở rộng tầm ảnh hưởng địa chính trị của nước Nga.
Yemen – cuộc khủng hoảng nhân đạo đã được nhận diện từ nhiều năm nay.
Tuy nhiên, song song, bối cảnh này cũng tô đậm thêm một đúc kết của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về hệ thống lương thực toàn cầu (vừa khép lại ngày 26/7 tại thủ đô Rome của nước Ý): “Việc các hệ thống đầu tư vào lương thực bị bỏ đói, theo đúng nghĩa đen, khiến người dân chết đói”.
Ở đó, bên cạnh việc kêu gọi dừng ngay các cuộc xung đột, bên cạnh việc kêu gọi nước Nga cân nhắc về việc tham gia trở lại Sáng kiến Biển Đen, ông cũng đề xuất một gói đầu tư cấp bách, với số tiền ít nhất 500 tỷ USD hằng năm, nhằm hỗ trợ các nước nghèo và các nước đang phát triển, bằng những cơ chế giúp họ đủ khả năng tự xử lý những vấn đề của mình trong tương lai, nhằm tái xây dựng hệ thống lương thực toàn cầu.
Đồng thời, ông cũng kêu gọi các chính phủ cũng như các doanh nghiệp hợp tác để “đặt con người lên trên lợi nhuận”, “khám phá những cách thức mới nhằm cải thiện chất lượng thức ăn, giữ cho thị trường thực phẩm luôn mở bằng cách loại bỏ các rào cản thương mại cùng các hình thức hạn chế xuất khẩu”. Và, hơn cả, là để chung sức ngăn chặn những tác động khủng khiếp của tiến trình biến đổi khí hậu.
Thế nhưng, có ai đáp lại những lời kêu gọi ấy hay không lại là một mệnh đề vô định. Trong năm 2022, WPF chỉ nhận được tổng cộng khoảng 14 tỷ USD tài trợ từ các nước giàu (như Mỹ, Đức, Canada, Thụy Điển…). Bên cạnh Yemen, bóng đen của những cuộc khủng hoảng nhân đạo giờ cũng đã bao trùm lên cả khu vực Sahen hay khu vực Sừng châu Phi của Lục địa Đen. Và, ở cả Syria, hay Dải Gaza..
WFP cắt giảm viện trợ cho Haiti do thiếu kinh phí
Ngày 17/7, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) thông báo cắt giảm viện trợ khẩn cấp dành cho Haiti vì thiếu kinh phí hỗ trợ.
Theo đó, khoảng 100.000 người Haiti sẽ không được viện trợ lương thực trong tháng 7 này. Giám đốc WFP khu vực Caribe, ông Jean-Martin Bauer, nhấn mạnh đây là một quyết định "đau lòng".
Phân phát nhu yếu phẩm cho người dân bị ảnh hưởng bởi trận động đất ở Les Cayes, Haiti. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Theo WFP, hết nửa năm 2023, kế hoạch viện trợ của WFP ở Haiti mới chỉ nhận được 16% kinh phí cần có. Sau quyết định cắt giảm nêu trên, mức viện trợ cho Haiti trong tháng 7 giảm khoảng 25% so với tháng 6. Ông Jean-Martin Bauer cho biết WFP buộc phải đưa ra quyết định "đau lòng" cắt giảm viện trợ dù người dân Haiti vẫn không ngừng đối mặt với khủng hoảng nhân đạo, đời sống và sinh kế bị đảo lộn do bạo lực, mất an ninh, suy thoái kinh tế và biến đổi khí hậu. Ông cũng cho biết WFP có thể tiếp tục cắt giảm viện trợ nếu không nhận được nguồn tài trợ thời gian tới.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, WFP đã hỗ trợ thực phẩm hoặc tiền mặt cho khoảng 1,5 triệu người ở Haiti, trong đó có các bữa trưa tại trường học cho khoảng 450.000 trẻ em. Nếu không nhận được tài trợ, WFP ước tính khoảng 225.000 trẻ em sẽ không được cấp bữa ăn trưa tại trường trong năm học tới.
WFP ước tính cần 121 triệu USD để cấp viện trợ cho Haiti đến hết năm nay. Theo LHQ, hiện khoảng 50% dân số Haiti, tương đương 5,2 triệu người, trong đó có 3 triệu trẻ em, cần viện trợ nhân đạo. Tình hình càng khó khăn hơn do khủng hoảng chính trị trầm trọng tại Haiti trong bối cảnh bạo lực băng đảng hoành hành.
Giới khoa học tạo ra 'siêu chuối' giàu dinh dưỡng có thể cứu hàng triệu người Một nhóm nhà khoa học đã tạo ra loại "siêu chuối" biến đổi gien chứa rất nhiều chất dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin A. Ảnh minh hoạ: Unplash Trong hàng trăm năm qua, tình trạng thiếu vitamin A đã gây khó khăn cho các nước nghèo ở khu vực châu Phi cận Sahara và một số nước Đông Nam Á. Tình trạng...