Thay việc dạy môn học bằng dạy theo chủ đề
Phần Lan đang chuẩn bị triển khai những chương trình cải cách giáo dục cấp tiến nhất từ trước tới nay – loại bỏ việc “dạy theo môn học” truyền thống và ủng hộ việc “giảng dạy theo chủ đề”.
Nhiều năm qua, Phần Lan có một nền giáo dục rất hiệu quả, luôn nằm trong nhóm dẫn đầu trên các bảng xếp hạng khả năng đọc hiểu và tính toán của thế giới.
Chỉ có một số quốc gia châu Á như Singapore và Trung Quốc có thứ hạng cao hơn Phần Lan trong bảng xếp hạng của Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA). Chính trị gia và chuyên gia giáo dục từ khắp nơi trên thế giới – bao gồm cả Anh – đã đến Helsinki với hy vọng có thể tìm hiểu và nhân rộng những bí quyết thành công của quốc gia Bắc Âu này.
Học sinh trường tiểu học Siltamaki đọc ráp trong một buổi học theo chủ đề
Đáng chú ý hơn là Phần Lan đang chuẩn bị triển khai những chương trình cải cách giáo dục cấp tiến nhất từ trước tới nay – loại bỏ việc “dạy theo môn học” truyền thống và ủng hộ việc “giảng dạy theo chủ đề”.
Video đang HOT
Giám đốc phát triển thành phố Helsinki, ông Pasi Silander cho biết:
“Những gì chúng ta cần bây giờ là một hình thức giáo dục khác có thể chuẩn bị cho mọi người về đời sống làm việc. Những người trẻ giờ đều biết sử dụng các loại máy tính công nghệ cao. Trước đây, trong ngân hàng cần rất nhiều nhân viên để tính toán các con số. Nhưng giờ đây điều đó đã thay đổi. Chính vì vậy, chúng ta cũng cần phải thay đổi nền giáo dục để phù hợp với xã hội công nghiệp và hiện đại”.
Các bài học theo môn học cụ thể – một giờ học lịch sử buổi sáng, một giờ học địa lý vào buổi chiều – đã bị loại bỏ trong chương trình học của học sinh 16 tuổi tại các trường học trong thành phố.
Các bài giảng theo môn học được thay thế bởi các bài học dạy theo “hiện tượng” – hay giảng dạy theo chủ đề. Ví dụ, một học sinh theo học một khóa học hướng nghiệp có thể học các bài học về “dịch vụ căn tin”, trong đó sẽ bao gồm các yếu tố toán học, ngôn ngữ (để phục vụ những khách hàng nước ngoài), các kỹ năng viết và giao tiếp.
Sẽ có nhiều học sinh theo chương trình học để thi đại học được dạy các chủ đề liên môn học hơn, chẳng hạn như chủ đề Liên minh châu Âu – trong đó kết hợp các yếu tố kinh tế, lịch sử (của các nước liên quan), ngôn ngữ và địa lý.
Bên cạnh đó còn có những thay đổi khác như thay đổi về khuôn mẫu truyền thống: học sinh ngồi theo hàng ngang thụ động trước mặt giáo viên, lắng nghe những bài học hay chờ đợi để được giáo viên hỏi. Thay vào đó, học sinh sẽ học bài theo phương pháp hợp tác hơn: làm việc theo nhóm nhỏ hơn để giải quyết vấn đề, đồng thời có thể cải thiện kỹ năng giao tiếp.
Theo Giám đốc Giáo dục thành phố Helsinki – bà Marjo Kyllonen, cải cách sẽ được áp dụng trên khắp đất nước Phần Lan chứ không chỉ dừng lại ở Helsinki.
Bà Marjo Kyllonen cho biết: “Chúng ta thực sự cần phải suy nghĩ lại về nền giáo dục và cải tổ lại hệ thống giáo dục nước nhà. Nhờ vậy, chúng ta có thể chuẩn bị cho con em những kỹ năng cần thiết cho hôm nay và ngày mai”.
Học sinh trường tiểu học Siltamaki đã biểu diễn một đoạn rap trong một bài học theo phương pháp mới:
“Có những trường học vẫn dạy theo cách cổ xưa từ đầu thập niên 90. Nhưng nhu cầu ngày nay đã khác. Chúng ta cần những điều hợp với thế kỷ 21″.
Tuy nhiên, những cải cách này cũng vấp phải sự phản đối từ các giáo viên và các nhà lãnh đạo – nhiều người trong số họ đã dành cả cuộc đời tập trung theo đuổi một môn học chỉ để được bảo rằng họ phải thay đổi cách giảng dạy.
Bà Kyllonen tán thành phương pháp “đồng giảng dạy” để lên kế hoạch bài giảng. Nhờ đó, bài học sẽ có kiến thức không chỉ từ một giáo viên chuyên dạy một môn học. Những giáo viên áp dụng hệ thống mới này có thể nhận được một khoản tăng lương.
Theo ông Silander, khoảng 70% giáo viên cấp ba đã được đào tạo để áp dụng phương pháp giảng dạy mới. Ông cũng cho biết không dễ dàng gì để giáo viên bắt đầu làm quen với cải cách nhưng một khi đã tiếp cận phương pháp mới, họ không hề muốn quay về cách dạy cũ.
Những thống kê ban đầu cũng cho thấy lợi ích của cải cách với học sinh. Trong hai năm kể từ khi các phương pháp giảng dạy mới được triển khai, kết quả học tập của học sinh đã được cải thiện.
Các trường học ở Phần Lan có nghĩa vụ phải dành một thời gian áp dụng phương pháp “giảng dạy dựa trên các hiện tượng” ít nhất một lần trong năm. Các dự án này có thể kéo dài vài tuần. Tại Helsinki, cải cách được đẩy mạnh ở tốc độ nhanh hơn. Các trường được khuyến khích dành hai giai đoạn trong năm áp dụng các phương pháp mới. Kế hoạch chi tiết của bà Kyllonen công bố vào cuối tháng này, dự kiến đến năm 2020, cải cách sẽ được áp dụng trên tất cả các trường học của Phần Lan.
Trong khi đó, các trường mầm non cũng đang tiến hành thay đổi thông qua một dự án sáng tạo. Trung tâm học tập vui chơi đã tham gia thảo luận với ngành công nghiệp game máy tính về việc giới thiệu một phương pháp học tập “vui chơi” nhiều hơn cho các em nhỏ.
Sự quan tâm của giáo dục thế giới sẽ đổ dồn về Phần Lan bởi quyết định thay đổi của đất nước này. Liệu rằng những thay đổi này có thể giữ vững hoặc cải thiện vị trí của Phần Lan trong bảng xếp hạng PISA do Hiệp hội các nước phát triển (OECD) khởi xướng và chỉ đạo?
Nếu câu trả lời là có thể, phản ứng của thế giới về việc này sẽ như thế nào?
(Theo Independent)