Thầy Văn Như Cương trong ký ức học trò
“Về trường Lương Thế Vinh có thầy Văn Như Cương như về nhà có người ông, cảm giác rất ấm áp”, một học sinh chia sẻ.
Là học sinh trường THPT Lương Thế Vinh khóa 2005-2008, Nguyễn Kim Chi (27 tuổi, Hà Nội) vẫn nhớ hình ảnh thầy giáo cao lớn với bộ râu dài, tóc bạc phơ, mùa đông mặc áo vest đội mũ nồi “đẹp như ông Tây” say sưa giảng bài. Môn Hình học của PGS Văn Như Cương bao giờ cũng bắt đầu bằng ví dụ về đồ vật xung quanh, gần gũi với học sinh, từ đó dẫn dắt đến nội dung bài học.
Chưa bao giờ Kim Chi thấy một giáo viên không dùng sách, vào lớp chỉ mang theo chiếc thước kẻ vẽ hình, có thể giảng bài rành mạch, dễ hiểu và thú vị đến vậy. “Giờ học của thầy rất thoải mái, không bài tập về nhà hay kiểm tra trên lớp, nhưng chúng em vẫn nắm rõ kiến thức. Thầy Cương còn thường xuyên nghĩ ra các đề Toán để thầy và trò cùng suy ngẫm, tìm cách giải”, Kim Chi kể.
Ở trường, thầy Cương nổi tiếng hiền, chưa một lần nặng lời với học sinh, luôn giúp đỡ trò khi gặp khó khăn trong học tập cũng như cuộc sống. Với Chi và nhiều thế hệ học sinh trường Lương Thế Vinh, PGS Văn Như Cương gần gũi như người ông, người bố của mình. “Về trường Lương Thế Vinh có thầy Văn Như Cương như về nhà có ông, cảm giác rất an toàn, ấm áp”, Kim Chi nói.
PGS Văn Như Cương qua đời ngày 9/10 khi 80 tuổi. Ảnh: Quỳnh Trang.
Trần Thị Thu Hằng (31 tuổi, Hà Nội) từ khi học THCS Lương Thế Vinh luôn dành sự cảm ơn, kính trọng hiệu trưởng đã nhận mình vào trường. Năm đó, Hằng thiếu điểm để đỗ vào lớp 6 do ngày thi bị ốm nặng. Mẹ Hằng đến gặp Ban giám hiệu xin thêm cơ hội để con chứng minh đủ điều kiện vào trường.
Trong khi các thành viên khác của Hội đồng từ chối, riêng thầy Văn Như Cương lại ngợi khen tinh thần “quyết tâm để được học ở Lương Thế Vinh” của cô học trò. Thầy thuyết phục Ban giám hiệu, cho Hằng được thử sức một tháng học ở trường, nếu kết quả tốt sẽ giữ lại.
“Nghe mẹ thông báo, tôi rất cảm kích. Qua một tháng, tôi được thầy cô đánh giá tốt, đặc biệt ở môn Toán nên được tiếp tục học tại trường. Ngày tôi cùng mẹ đến gặp thầy để cảm ơn, thầy xoa đầu tôi, cười nói Con làm tốt lắm. Lúc ấy, tôi rất hạnh phúc, cảm thấy yêu kính thầy và quyết gắn bó với ngôi trường này”, Thu Hằng kể. Kết thúc THCS, chị tiếp tục thi đỗ và học ở THPT Lương Thế Vinh.
Nghe tin thầy Văn Như Cương mất, chị Lê Mai Hương (44 tuổi, Hà Nội) xúc động chia sẻ kỷ niệm với thầy trên Facebook: “Ngày con học cấp 2, thầy thương con nhà nghèo mà ham học, cứ đi dạy thêm trong khu Chuyên ngữ (THPT chuyên Ngoại ngữ) là lại vòng qua chở con đi. Ròng rã bao nhiêu năm, đến tận khi thi đại học”.
Chị Hương cho biết, điểm Hình học không gian của thầy chị luôn đạt tuyệt đối và đam mê hình khối đến tận bây giờ. Đến khi mở trường Lương Thế Vinh, thầy nói “con cứ vào học, tiền học thầy cho”, nhưng tiếc là chị đã không học.
Với cựu học sinh khóa 2014-2017 Đặng Thanh Vân (18 tuổi), ký ức về thầy Văn Như Cương không gắn liền với những giờ lên lớp mà là những điều nhắn nhủ về cách sống, đạo làm người.
“Thầy nhiều lần nói chúng em có thể trở thành những lao động chân chính, những nhà kỹ thuật có chuyên môn giỏi, những người nghiên cứu thành công… nhưng trước hết phải là người tử tế. Thầy cũng dạy chúng em phải có tấm lòng nhân ái, biết làm việc thiện dù rất nhỏ, thân thiện với mọi người. Và chính thầy đã là tấm gương của sự thân thiện, tử tế ấy”, nữ sinh nói.
Thanh Vân kể mỗi sáng sớm đến trường luôn bắt gặp hình ảnh thầy Cương râu tóc bạc phơ tưới cây trong khuôn viên, tươi cười trò chuyện với học trò. Ngày trời mưa, thầy đứng trước phòng làm việc, mắt hướng về cổng trường dõi theo bước chân các trò ra về. Thầy luôn dặn dò bảo vệ che ô cẩn thận cho học sinh. Không dịp lễ Tết hay hoạt động lớn nào của trường vắng mặt thầy Cương, khi là cùng gói bánh chưng ngày Tết, lúc là hòa mình vào hội trại cuối năm…
Dù tuổi cao, sức khoẻ yếu nhưng PGS Văn Như Cương luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động của học sinh trường Lương Thế Vinh.
Video đang HOT
“Năm ngoái, thầy Cương vẫn cùng toàn thể học sinh dự lễ đón năm học mới. Khi đang phát biểu, thầy phải dừng lại để vào phòng nghỉ ngơi. Chúng em đều hiểu thầy bệnh, mệt lắm, nhưng vẫn cố gắng tham dự ngày lễ quan trọng của học trò. Đứa nào cũng xúc động, lo cho sức khoẻ của thầy và thầm cảm ơn thầy đã hết lòng tận tuỵ với chúng em”, Thanh Vân kể.
5 năm học ở trường Lương Thế Vinh, Đặng Thanh Vân cảm thấy đây như là ngôi nhà thứ hai của em. Ở đó có những người anh em là bạn bè, những bố mẹ vừa quan tâm vừa nghiêm khắc là thầy cô giáo và người ông đáng kính là Chủ tịch Hội đồng quản trị Văn Như Cương. “Nếu không có môi trường giáo dục, kỷ luật tốt của trường, có lẽ em đã không thể đỗ đại học và thành người hiểu chuyện, biết cảm thông như ngày nay”, tân sinh viên Đại học Hà Nội nói.
Dù biết PGS Văn Như Cương bệnh nặng đã lâu nhưng sự ra đi của thầy ngày 9/10 vẫn khiến nhiều thế hệ học sinh hụt hẫng, “cảm giác như mất đi người cha, người ông trong gia đình”.
0h27 ngày 9/10, PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Lương Thế Vinh (Hà Nội), qua đời sau ba năm chống chọi với bệnh ung thư gan, hưởng thọ 80 tuổi. Sinh ra trong một gia đình nhà giáo ở Nghệ An, thầy Cương từng công tác tại Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Vinh, là tiến sĩ toán học, phó giáo sư, chủ biên của hơn 60 đầu sách liên quan đến Toán.
Thầy Cương thành lập trường THPT Lương Thế Vinh năm 1989, là trường dân lập đầu tiên tại Việt Nam. Không chỉ là nhà giáo, nhà quản lý, thầy còn được biết đến với tài văn thơ, khả năng truyền lửa cho các thế hệ học trò và những phản biện sắc sảo trước các vấn đề nóng của giáo dục.
Theo VNE
Nội quy nghiêm khắc của trường Lương Thế Vinh
Nữ sinh không được nhuộm tóc, đi học muộn quá 5 phút phải lao động công ích suốt thời gian một tiết, học sinh có biểu hiện gian dối khi mời phụ huynh đến trường sẽ bị đình chỉ.
Lương Thế Vinh - ngôi trường nổi tiếng của thủ đô - bị một phụ huynh tố có nền giáo dục hà khắc "chưa vơi nụ cười đã rơi nước mắt", tạo nên luồng tranh luận trái chiều về phương pháp giáo dục trên mạng xã hội.
Bà Văn Thùy Dương - Hiệu phó trường Lương Thế Vinh - cho Zing.vn biết về nội quy năm học 2017-2018 của trường.
Cấm nữ sinh nhuộm tóc, xử phạt nặng khi ăn kẹo cao su
Theo quy định của trường Lương Thế Vinh, học sinh phải mặc đúng quy định đồng phục, không đi dép lê, dép quai hậu xỏ ngón, giày cao gót. Nam sinh không được để tóc dài, nữ sinh không để những kiểu đầu tóc thời trang, không nhuộm tóc.
Học sinh ra vào trường phải quẹt thẻ theo đúng quy định, nếu quá 3 lần/một kỳ không quẹt thẻ sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm của kỳ học đó.
Học sinh vào lớp muộn quá 5 phút (bất cứ tiết học nào) đều không được vào lớp và phải lao động công ích trong suốt thời gian còn lại của một tiết.
PGS Văn Như Cương - Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Lương Thế Vinh - cho rằng trường không hà khắc, chỉ nghiêm khắc. Ảnh: Hoàng Hà.
Ngoài ra, trường Lương Thế Vinh đưa ra rất nhiều điều "không" như: Không đi xe máy khi chưa có bằng lái xe; không văng tục, gây gổ, đánh chửi bạn; không vào quán chơi điện tử trước hoặc sau giờ học.
Học sinh không mang sách, truyện nhảm nhí và hung khí đến trường, nếu phát hiện sẽ bị tịch thu, không trả lại và sẽ bị xử lý kỷ luật. Cấm mang quà bánh, nước uống vào lớp. Cấm chơi trò ăn tiền. Cấm mang chất nổ, chất dễ cháy đến trường.
Học sinh phải tắt máy điện thoại di động trước khi vào trường và chỉ được bật máy khi ra khỏi cổng. Không mang máy nghe nhạc, máy chơi điện tử đến trường. Cấm hút thuốc lá trong trường.
Học sinh tuyệt đối không được mang và ăn kẹo cao su trong trường, nếu vi phạm sẽ xử phạt nặng.
Khi đến lớp, học sinh đến trường phải học bài, làm bài tập đầy đủ, chú ý nghe giảng, ghi chép, làm bài nghiêm túc trong giờ học. Học sinh tuyệt đối không được làm việc riêng trong giờ học. Nếu mất trật tự, làm ảnh hưởng đến bài giảng của thầy cô và tiếp thu của bạn, học sinh sẽ bị giáo viên hoặc giám thị mời ra khỏi lớp.
Những em nghỉ học không phép 3 ngày sẽ bị đình chỉ học tập.
Những điều cấm kỵ trên Facebook
Ngoài những quy định chung về nề nếp, trường Lương Thế Vinh còn có quy định riêng về việc sử dụng Facebook gây sốt trên mạng xã hội từ năm 2013, có hiệu lực đến hiện tại.
Theo đó, trên mạng xã hội, học sinh không được nói tục, chửi bậy hoặc văng bậy, kể cả chửi bậy bằng những từ viết tắt; phải sử dụng ngôn từ trong sáng, thuần Việt.
Nội quy của trường THPT Lương Thế Vinh.
Học sinh tuyệt đối không dùng Facebook để nói xấu người khác, chỉ like status khi đã đọc kỹ nội dung. Nếu like những status có nội dung xấu, chủ nhân Facebook sẽ bị quy trách nhiệm.
Nội quy trường Lương Thế Vinh nhắc nhở học sinh rằng mọi việc đều có hai mặt. Facebook là mạng chia sẻ, vui buồn. Tuy nhiên, việc chia sẻ này như thế nào là đúng tùy thuộc vào sự thông minh, hiểu biết của mỗi người. Bởi thế, người sử dụng Facebook luôn phải cân nhắc để thể hiện sự thông minh và hiểu biết của mình.
Facebook cũng là nơi thể hiện được sự văn hóa của mỗi cá nhân, bởi vậy nên cân nhắc kỹ trước khi lên like một comment, hoặc viết status thể hiện tâm trạng của bản thân.
Bị đuổi học trong những trường hợp nào?
Khi vi phạm nội quy tại trường Lương Thế Vinh, tùy theo lỗi nặng nhẹ sẽ bị nhắc nhở, phê bình, khiển trách, cảnh cáo trước lớp. Trường hợp bị cảnh cáo trước lớp, học sinh phải làm bản kiểm điểm và mời cha mẹ đến trường bàn bạc biện pháp giáo dục.
Nếu học sinh tiếp tục vi phạm nội quy, giáo viên chủ nhiệm sẽ mời cha mẹ học sinh đến thông báo ý định cho thôi học của trường. Nếu cha mẹ học sinh có nguyện vọng, nhà trường sẽ cho tiếp tục thử thách một thời gian.
Đặc biệt, khi nhà trường có giấy mời cha mẹ, nếu có biểu hiện gian dối hoặc trì hoãn việc chuyển giấy mời, học sinh sẽ bị đình chỉ học tập.
Trường hợp không chịu sửa chữa khuyết điểm (sau khi đã thông báo cho cha mẹ) nhà trường sẽ kiên quyết cho thôi học. Hội đồng kỷ luật và ban giám hiệu nhà trường sẽ quyết định việc từ chối giáo dục hay đề nghị chuyển trường đối với học sinh vi phạm.
Bà Văn Thùy Dương cho rằng phụ huynh tố nhà trường hà khắc không cùng quan điểm giáo dục với THPT Lương Thế Vinh. Ảnh: Quyên Quyên.
'Nghiêm khắc tốt cho học sinh'
Tuấn Ngọc - cựu học sinh trường Lương Thế Vinh, đang học tại ĐH Kinh tế Quốc dân, Hà Nội, cho biết: Hình phạt của nhà trường là rửa bát hay cắt cỏ đã áp dụng với nhiều thế hệ học trò. Phạt để răn đe, có khổ lần sau mới nhớ, bản thân Tuấn Ngọc từng phải rửa bát tại trường nhiều lần.
Việc viết bản kiểm điểm khi mắc lỗi là chuyện đã xưa và không phải do trường Lương Thế Vinh nghĩ ra. Tuy nhiên, việc giáo viên gọi phụ huynh lên làm việc và gặp mặt quá nhiều làm căng thẳng cho cả hai là điều không nên.
"Những biểu hiện như nói chuyện trong lớp, thiếu bài tập về nhà, đi muộn, đổi chỗ, ngủ gật trong giờ, không ghi chép bài trên lớp đầy đủ, quần áo đầu tóc không ngay ngắn là thể hiện sự thiếu tôn trọng với thầy cô và vi phạm luật lệ nhà trường, viết bản kiểm điểm có gì sai?", Tuấn Ngọc nêu quan điểm.
Một học sinh khác là Nguyễn Đức Minh (khóa 2013 - 2016) cho rằng kỷ luật thép là có thật nhưng không đúng như những gì tài khoản Giáng Hương tố cáo trên Facebook.
"Đúng là trong những năm học ở Lương Thế Vinh, mình cảm thấy kỷ luật ở nơi đây nghiêm khắc nhiều hơn những trường khác. Nhưng theo quan điểm của mình, điều đó đúng", cựu học sinh này nói.
Đức Minh lấy ví dụ một bạn đi học muộn, không làm bài tập ngủ trong lớp sẽ bị rửa bát, chép phạt, làm bản kiểm điểm, quét sân trường. Những hình phạt này không có gì quá nặng nhọc và tạo cơ hội cho học sinh có ý thức học khi trải nghiệm cảm giác phải lao động thay cho vì học. Theo học sinh này, việc ai bị phạt nhiều cần xem lại nếp sinh hoạt, việc học tập là điều cần thiết.
"Nếu các giáo dục của trường là hà khắc, mình không nghĩ chất lượng học sinh Lương Thế Vinh ra trường lại được như bây giờ. Đối với mình, lựa chọn Lương Thế Vinh là quyết định đúng. Bởi vì có sự nghiêm khắc cần thiết, các thầy cô giáo giỏi và bạn bè thông minh, chăm chỉ, mình đã có 3 năm cấp 3 ý nghĩa", cựu học sinh này bày tỏ.
Tuy nhiên, một số bạn khác cho rằng việc quy định của trường có phần quá nghiêm khắc và học tập căng thẳng, khiến không phải học sinh nào cũng theo được.
Một cựu giáo viên từng dạy tại trường Lương Thế Vinh 11 năm cho hay với một môi trường giáo dục đã có gần 30 năm được thành lập, chỉ dựa vào kết quả đầu vào và kết quả đầu ra của trường đủ để có câu trả lời về chất lượng, phương pháp giáo dục.
Theo đó, bất cứ trường nào cũng cần có nội quy riêng, trường Lương Thế Vinh còn có quy định thêm như Những điều cấm kỵ trên Facebook.
Việc môi trường giáo dục có những quy định nghiêm khắc là tốt cho học sinh. Nghiêm khắc ở đây không tuyệt đối, không phải là hà khắc, để tạo ra những sản phẩm giống nhau.
Theo Zing
PGS Văn Như Cương: Trường Lương Thế Vinh không hà khắc PGS Văn Như Cương phủ nhận sự hà khắc như lời tố cáo phụ huynh trên mạng xã hội. Ông thừa nhận cách giáo dục của nhà trường nghiêm khắc. Những ngày vừa qua, Facebook Giáng Hương chia sẻ bài viết "Bên trong cánh cửa Lương Thế Vinh - chưa vơi nụ cười, đã rơi nước mắt" nhận được sự quan tâm của...