Thầy Văn Như Cương người mở đường giáo dục ngoài công lập
Nhắc đến lịch sử giáo dục Việt Nam không thể không nhắc đến thầy Văn Như Cương – người đặt những viên gạch đầu tiên cho giáo dục ngoài công lập.
Thầy Văn Như Cương là người thầy lớn, người anh cả, người ông, người cha, người bạn của nhiều thế hệ giáo viên và học sinh. Trọn vẹn cuộc đời thầy cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, ươm mầm những thế hệ tương lai của đất nước vừa hồng vừa chuyên, vừa có kiến thức tốt vừa có nhân cách tốt. Thầy đã để lại cho thế hệ sau nhiều di sản trong chuyên môn, tư tưởng, phương pháp giáo dục. Trong ký ức của hàng chục thế hệ học sinh, hình ảnh thầy Văn Như Cương hiện lên như một ông tiên giữa đời thực, cương nghị, thẳng thắn, nghiêm khắc nhưng đầy bao dung, nhân hậu và đầy lòng vị tha.
Thầy giáo Văn Như Cương
Năm 1989, thầy Văn Như Cương là người đặt những viên gạch đầu tiên cho giáo dục ngoài công lập Việt Nam, là người tiên phong mở đường xây dựng hệ thống giáo dục tư thục – nơi đề cao giáo dục dân chủ với tinh thần độc lập và tư duy phản biện, nơi đề cao nhân cách con người hơn kiến thức sách vở, nơi mà học sinh được học làm người tử tế trước khi học để thành công trên đường đời.
Nằm trong chuỗi sự kiện kỉ niệm 30 năm ngày thành lập trường Lương Thế Vinh, để tưởng nhớ thầy giáo Văn Như Cương – người thầy vĩ đại của rất nhiều thế hệ học sinh, Hội thảo “Thầy Văn Như Cương – Người mở đường” được tổ chức vào ngày 1/10/2019 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, 35 Hùng Vương, Ba Đình, Hà Nội.
Hội thảo sẽ có sự tham gia của nhiều nhà báo, nhà nghiên cứu, quản lý giáo dục và đặc biệt là nhiều thế hệ thầy trò trường Lương Thế Vinh – những người đã có cơ hội được học tập, làm việc cùng thầy giáo Văn Như Cương.
Hội thảo được đánh giá không chỉ là một chương trình với các bài phát biểu, tham luận của những người tham gia mà còn là một không gian để tưởng nhớ và tri ân người thầy vĩ đại, là nơi để ôn lại những ký ức đẹp, là nơi để lan tỏa, tiếp nối và phát huy tinh thần, tư tưởng và triết lý giáo dục của thầy giáo Văn Như Cương.
Video đang HOT
Theo Gia Đình Việt Nam
Hành trình 60 năm xây dựng và phát triển Khoa Toán - Ngành Toán Trường Đại học Vinh
Khoa Toán (nay là Ngành Toán) là một trong hai khoa đầu tiên có mặt những ngày đầu thành lập Trường Đại học Vinh. Trong 60 năm qua, khoa không ngừng lớn mạnh về quy mô và chất lượng đào tạo, luôn đồng hành cùng quá trình xây dựng và phát triển của "mái nhà" chung ấy.
Ngày 16/7/1959, Bộ Giáo dục ra Nghị định số 375/NĐ thành lập Phân hiệu Đại học Sư phạm Vinh (ngày nay là Trường Đại học Vinh). Ngay sau khi Phân hiệu Đại học sư phạm Vinh bắt đầu vận hành, ban Toán - Lý (tiền thân của Khoa Toán) được thành lập và đi vào hoạt động. Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, với những tên gọi: Ban Toán - Lý, Khoa Toán, Khoa Toán - Tin, Khoa Sư phạm Toán học và bây giờ là Ngành Toán - thuộc Viện Sư phạm Tự nhiên đã cùng nhà trường vượt qua nhiều giai đoạn khó khăn, viết nên những trang sử hào hùng trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
Mặc dù trong hoàn cảnh sơ tán, nhưng quy mô đào tạo của khoa Toán vẫn tăng lên, chất lượng giảng dạy và học tập vẫn được giữ vững.
Khi mới thành lập, đội ngũ của Ban Toán - Lý chỉ có 7 cán bộ giảng dạy, trong đó có những thầy cô giáo mà tên tuổi, uy tín và tài năng đã trở thành niềm tự hào của Khoa Toán - Ngành Toán và Trường Đại học Vinh, là các thầy: Nguyễn Thúc Hào, Nguyễn Văn Chù, Văn Như Cương, Hoàng Kỳ, Đào Luyện, Nguyễn Văn Bàng, Nguyễn Hữu Phúc... Đến năm học 1962 - 1963, sau khi có thêm nhiều thầy, cô giáo từ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Tổng hợp Hà Nội chuyển về công tác và có nhiều sinh viên giỏi khóa 1 được giữ lại giảng dạy, Khoa Toán đã có đội ngũ lên tới 34 cán bộ, biên chế thành 4 nhóm chuyên môn: Giải tích, Đại số, Hình học và Phương pháp dạy học Toán.
Thầy, cô và sinh viên khoa Toán tại Hội thi nghiệp vụ sư phạm.
60 năm đã qua ghi dấu cho một chặng đường dài phát triển với rất nhiều gian nan, thử thách. Quên sao được năm 1964, đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, ném bom vào thành phố Vinh, biến nơi đây thành trận địa ác liệt. Để đảm bảo an toàn, nhà trường đã phải lần lượt sơ tán qua các huyện Nghi Lộc, Thanh Chương (Nghệ An); Thạch Thành, Hà Trung (Thanh Hóa); Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành (Nghệ An). Thầy và trò phải song song thực hiện các nhiệm vụ giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng cán bộ, xây dựng đời sống và sẵn sàng chiến đấu, lên đường nhập ngũ. Mặc dầu trong hoàn cảnh sơ tán, nhưng quy mô đào tạo của khoa vẫn tăng lên, chất lượng giảng dạy và học tập vẫn được giữ vững. Đặc biệt từ tháng 10/1966, Khoa Toán được Bộ Giáo dục và nhà trường giao thêm nhiệm vụ thành lập lớp chuyên Toán đặc biệt (trực thuộc Khoa Toán), là tiền thân của Trường THPT Chuyên Đại học Vinh ngày nay.
Sau 9 năm sơ tán (năm 1973) trở về thành Vinh, thầy trò Khoa Toán cùng với cả trường, người lên rừng khai thác nứa mét, người ở lại dựng lớp học, nhà ở, phòng làm việc trên vùng đất còn vương mùi bom đạn... Công cuộc tái thiết nhà trường chỉ thực sự bắt đầu khi đất nước thống nhất, thầy và trò trong khoa sôi nổi không khí vừa học tập, vừa biểu dương khí thế chiến thắng. Tuy nhiên, sau 30 năm chiến tranh, hậu quả để lại cho đất nước còn rất nặng nề. Giai đoạn 1978 - 1985, những khó khăn về kinh tế, về cơ chế trên cả nước đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác giảng dạy và học tập. Nhiều thầy cô giáo chuyển đi, số lượng sinh viên giảm, cuộc sống sinh hoạt rất khó khăn nhưng các thế hệ thầy trò đã tìm cách vượt qua khó khăn, vươn lên trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học và tiếp tục đào tạo ra nhiều giáo viên giỏi.
Bước sang thời kỳ đổi mới, xây dựng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển giáo dục và đào tạo được xác định là nhiệm vụ quan trọng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước. Giai đoạn từ 1986 - 2001, trước khi Trường Đại học sư phạm Vinh đổi tên thành Trường Đại học Vinh là giai đoạn phát triển thuận lợi trên nhiều lĩnh vực công tác của Khoa Toán. Bên cạnh hoạt động giảng dạy được nâng cao hiệu quả, thì hoạt động nghiên cứu khoa học và biên soạn các tài liệu, giáo trình được tăng cường mạnh mẽ, đáp ứng được sự thay đổi cả về chất lượng và số lượng cho hoạt động dạy và học của khoa.
Từ năm 2001 - 2017, Khoa Toán đã mở rộng quy mô đào tạo, nâng cao chất lượng và phát triển hội nhập, gặt hái được thành công trên nhiều lĩnh vực. Giai đoạn này khoa đã được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo thêm các ngành chính quy: Cử nhân Tin học, Cử nhân Toán học, Cử nhân Toán - Tin học ứng dụng, trong đó ngành Sư phạm Toán học là ngành truyền thống mũi nhọn... Năm 2017, theo chủ trương tái cấu trúc và phát triển ngành sư phạm của nhà trường, Viện Sư phạm Tự nhiên được thành lập gồm 5 ngành đào tạo sư phạm: Toán học, Tin học, Vật lý, Sinh học, Hóa học. Ngành Toán học có cơ cấu chuyên môn gồm 4 bộ môn: Giải tích, Đại số - Hình học, Xác suất thống kê và Toán ứng dụng, Phương pháp dạy học Toán. Cũng từ thời điểm này, Ngành Toán đào tạo theo chương trình tiếp cận CDIO nhằm bám sát chuẩn đầu ra, đáp ứng yêu cầu của xã hội và chú trọng phát triển năng lực nghề nghiệp cho người học. Năm 2018 - 2019 vừa qua, Trường Đại học Vinh được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo giáo viên Trung học phổ thông mã ngành Sư phạm Toán học hệ chất lượng cao, đưa Trường Đại học Vinh trở thành trường thứ hai của cả nước (sau Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) có đào tạo mã ngành này.
Đội tuyển Olympic Toán Toàn quốc năm 2017 của Khoa Toán, Trường Đại học Vinh.
Năm 2019 đánh dấu sự kiện trọng đại khi Khoa Toán - Ngành Toán Trường Đại học Vinh kỷ niệm tròn "60 tuổi". Trải qua chặng đường hơn nửa thế kỷ xây dựng và không ngừng phát triển, khoa đã được ghi nhận xứng đáng bằng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý. Hiện khoa đã có 1 thầy giáo được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân; 24 thầy giáo được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú; tập thể cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên khoa được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba; 1 thầy giáo được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất và 11 thầy giáo được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba; 4 thầy giáo được phong học hàm Giáo sư và 41 thầy, cô giáo được phong học hàm Phó giáo sư. Khoa Toán - Ngành Toán đã đào tạo được 104 tiến sĩ, gần 1.800 thạc sĩ và trên 12.000 cử nhân...
Cùng với công tác đào tạo, Khoa Toán - Ngành Toán đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật về nghiên cứu khoa học. Các cán bộ, giảng viên đã công bố được gần 1.000 bài báo khoa học, trong đó có 295 bài báo trên các tạp chí quốc tế được trích dẫn trong cơ sở dữ liệu MathSciNet của Hội Toán học Mỹ; chủ trì hoàn thành hơn 220 đề tài khoa học, trong đó có 15 đề tài cấp Nhà nước (bao gồm cả các đề tài NAFOSTED) và hơn 50 đề tài cấp Bộ. Có 25 sinh viên được Bộ GD&ĐT tặng giải thưởng "Sinh viên nghiên cứu khoa học"; 148 lượt sinh viên đạt giải trong các cuộc thi Olympic Toán học sinh viên toàn quốc; 4 sinh viên đạt giải thưởng Tài năng khoa học trẻ Việt Nam.
GS Ngô Bảo Châu chụp ảnh lưu niệm cùng các sinh viên Khoa Toán, Trường Đại học Vinh. Ảnh: PV
TS. Thiều Đình Phong - Phó Viện trưởng Viện Sư phạm Tự nhiên phụ trách Ngành Toán chia sẻ: Nhìn lại những thành quả đạt được của khoa trong thời gian qua, nhiều bài học kinh nghiệm đã được đúc rút sâu sắc qua nhiều thế hệ. Trong đó, sự đoàn kết thống nhất đồng thuận thực hiện các chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo sát sao của Ban Giám hiệu nhà trường đối với tập thể cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên là yếu tố then chốt tạo nên sự thành công. Mặt khác, tập thể khoa phải phát huy tính dân chủ, tinh thần tự lực, tự cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách, luôn lấy chất lượng và sản phẩm đào tạo, nghiên cứu khoa học làm tiêu chí hàng đầu cho mọi hoạt động dạy học. Thế hệ đi trước có trách nhiệm bồi dưỡng, giúp đỡ thế hệ sau, tạo sự ủng hộ, giúp đỡ thường xuyên trong đội ngũ những người dạy Toán, học Toán ở trong và ngoài trường. Duy trì và phát triển các mối liên kết hợp tác làm việc với các nhà khoa học, các cơ sở đào tạo, trung tâm nghiên cứu có uy tín chất lượng trong nước và quốc tế.
60 năm - một chặng đường dài xây dựng và phát triển, mặc dù có nhiều biến động, thay đổi về quy mô, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cho phù hợp với từng giai đoạn lịch sử, nhưng dưới sự lãnh đạo của Ban Giám hiệu nhà trường, sự chung sức phấn đấu của tập thể, Khoa Toán đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện giáo dục đào tạo, xứng đáng với vị thế của một đơn vị đào tạo cơ bản, truyền thống của nhà trường...
Trong thời gian tới, Ngành Toán Trường Đại học Vinh quyết tâm thực hiện những bước đột phá để khẳng định là một trung tâm đào tạo giáo viên Toán có chất lượng và uy tín cao, có nhiều liên kết đào tạo và nghiên cứu khoa học với các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu trong nước và trên thế giới; đưa chương trình đào tạo ngành sư phạm Toán học đạt tiêu chuẩn kiểm định của Mạng lưới đảm bảo chất lượng các trường đại học ASEAN (AUN-QA). Tin tưởng rằng với truyền thống, thương hiệu sẵn có, tập thể cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên Khoa Toán - Ngành Toán sẽ phát huy tốt những thành tích đã đạt được trong 60 năm qua để vững bước tiến lên giành nhiều thành công, thắng lợi trong chặng đường mới.
TS. Trần Anh Nghĩa (Ngành Toán - Viện SPTN, Trường Đại học Vinh)
Theo baonghean
Từ vụ đại náo sân bay bàn về chuyện dạy con Trên các kênh thông tin, khi bàn về clip nữ đại úy công an Lê Thị Hiền lăng mạ nhân viên hàng không, nhiều ý kiến lên tiếng về trường hợp đứa bé con của bà đại úy, cháu là nạn nhân của chính mẹ mình. Những yêu ghét luận bàn rồi cũng qua đi, nhưng điều còn lại chính là tâm lý...