Thầy Tưởng như người bạn, người anh, người cha của học trò
Ngày từ những ngày đầu lên lớp, thầy Đặng Văn Tưởng luôn chú trọng công tác định hướng, kích thích niềm cảm hứng học tập cho học sinh trong các tiết dạy.
Tốt nghiệp đại học ngành sư phạm Hóa học, thầy giáo Đặng Văn Tưởng về Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền, Phú Quý, Bình Thuận công tác từ năm học 2008 – 2009 đến nay.
Ngày từ những ngày đầu lên lớp, thầy luôn chú trọng công tác định hướng, kích thích niềm cảm hứng học tập cho học sinh trong các tiết dạy.
Thầy tranh thủ thời gian đầu tiết để đọc hoặc kể các mẩu chuyện ngắn liên quan đến nội dung tiết học, nhằm truyền lửa cho các em, giúp các em cảm thấy nhẹ nhàng, giảm áp lực trong tiết học.
Với học sinh chủ nhiệm, thầy Tưởng luôn gần gũi với các em như người thân của mình.
Thầy giáo Đặng Văn Tưởng (bìa trái) và học sinh lớp 12A1 Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền – Bình Thuận.
Thầy Tưởng tham gia tiết đọc sách “Thư viện truyền cảm hứng” để kích thích, hướng dẫn các em nhiều kĩ năng trong cuộc sống, đặc biệt là truyền cảm hứng đọc sách đến các em học sinh.
Thầy giáo Tưởng cùng học sinh trong tiết đọc sách tại sân khấu “Thư viện truyền cảm hứng”
Để tăng hứng thú học tập cho học sinh, thầy luôn khai thác hết chức năng của phòng thực hành bộ môn Hóa học trong giảng dạy. Từ kiến thức sách vở, thầy luôn tạo điều kiện để kiến thức liên hệ với thực tiễn cuộc sống.
Tăng cường các thí nghiệm hóa học vui trong các tiết thực hành, cho các em làm các sản phẩm có ứng dụng trong cuộc sống từ kiến thức bộ môn Hóa học như: Cho nhóm học sinh làm thí nghiệm chiết xuất tinh dầu sả, tinh dầu bưởi…và làm xà phòng.
Video đang HOT
Học sinh lớp 11A5 tiến hành thí nghiệm làm “Cầu vồng hóa học”
Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền tiên phong trong ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học; giáo viên trong toàn trường đã có tài khoản trên Office 365; đây là thành tích nổi bật, ban giám hiệu nhà trường đã khơi dậy được phong trào đổi mới phương pháp pháp dạy học, tự học, sáng tạo cho giáo viên, dù là một địa phương đảo xa.
Thầy giáo Đặng Văn Tưởng là một trong những giáo viên đã và đang khai thác có hiệu quả các ứng dụng có trên Office 365 như onenote, forms, classdojo…
Sử dụng các phần mềm trả lời câu hỏi trực tuyến như plicker, kahoot… để tạo hứng thú trong việc tiếp nhận kiến thức của học sinh.
Tiến hành thí điểm kiểm tra 15 phút trên máy tính hoặc điện thoại, giao bài tập về nhà và các bài tập tự rèn luyện trên ứng dụng forms.
Học sinh thí điểm làm kiểm tra 15 phút môn Hóa học trên điện thoại di động
Thầy Tưởng tâm sự “Em về Ngô Quyền công tác, được sống, làm việc trong một ngôi trường như một gia đình; đặc biệt Ban giám hiệu, thầy cô đi trước luôn là tấm gương cho em noi theo. Dạy học ở nơi đảo xa, thiếu thốn đủ bề, càng thấy thương yêu học trò hơn.
Chính sự hy sinh gian khổ của các thầy cô giáo thế hệ trước của trường, giúp em vượt qua tất cả. Em chưa làm được gì nhiều cho học sinh, chỉ biết cố gắng, cố gắng hơn nữa”.
Bạn Nguyễn Đoàn Linh Nguyên, cựu học sinh Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền đã viết tri ân thầy giáo Tưởng:
“Vốn dĩ con không có hứng thú với mấy môn tự nhiên, nhất là Hóa, vì con chỉ yêu mỗi môn Văn thôi. Chỉ cần nhìn các phương trình rối não hay lý thuyết khô khan, đầu con đã muốn nổ tung rồi.
Nhưng học với thầy hoàn toàn khác, tuy là dạy Hóa nhưng đôi khi văn lẫn hóa lại song hành cùng nhau. Ngay cả tờ bìa tài liệu môn hóa thầy cũng thiết kế vô cùng đặc biệt với những lời nhắn nhủ đến học sinh của mình.
Cách giảng dạy của thầy lôi cuốn và hấp dẫn. Thầy rất vui tính, với con, thầy không chỉ là người thầy mà còn là người cha, người anh luôn che chở và bảo bọc cho con và là người bạn luôn lắng nghe, thấu hiểu.
Thầy còn là người hiểu rất rõ tâm lý của từng học sinh. Con rất tự hào và cảm thấy may mắn khi được thầy dạy dỗ.
Tự hào bao nhiêu, con lại thấy thương thầy bấy nhiêu vì chưa một lần thầy than vãn với ai về những nặng nhọc trong hành trình dạy chữ dạy người của mình”.
Nói về đồng nghiệp của mình, thầy hiệu trưởng Nguyễn Hải Thọ vui vẻ:
“Thầy giáo Tưởng có chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, đặc biệt là tự học, tự trau dồi kiến thức công nghệ thông tin. Bất cứ việc gì nhà trường giao đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Với học sinh có nhu cầu phụ đạo, bồi dưỡng môn Hóa, thầy dạy nhiệt tình và hoàn toàn miễn phí. Thầy Tưởng được anh em tin tưởng; học trò, phụ huynh tin yêu”.
Ghi nhận những đóng góp của thầy Tưởng cho giáo dục, hai năm liền gần đây, thầy được công nhận Chiến sĩ thi đua cơ sở.
Chuyến tàu rời đảo về đất liền mùa gió chướng làm tôi say sóng mất mấy ngày; trào lên mong ước cho học trò lớp 12 huyện đảo Phú Quý được thi tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia tại trường; giúp các em có điều kiện làm bài thi tốt hơn.
Tập thể giáo viên Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền nói riêng, giáo viên trên huyện đảo Phú Quý nói chung đã và đang hoàn thành xuất sắc sự nghiệp trồng người nơi đảo xa; những người giáo viên – những người lính đảo, đã vì học sinh thân yêu.
Xin gửi “ước mơ nhỏ” của người viết, của người dân đảo Phú Quý lên các cấp lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận, vì học sinh thân yêu, tạo cho các em điều kiện làm bài thi tốt nhất.
Tin rằng, bất cứ giáo viên nào được cử làm công tác thi tại đảo Phú Quý đều sẵn lòng vì học trò nơi đảo xa; vì học sinh thân yêu, tin rằng các cấp ở Bình Thuận sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho học trò lớp 12 Phú Quý được thi tốt nghiệp tại địa phương.
Bài và ảnh: Sơn Quang Huyến
Theo giaoduc.net
Chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam (20-11): Thầy giáo trẻ đam mê nghiên cứu
Tiến sĩ Trần Văn Tân, chuyên ngành đào tạo cao học Hóa lý thuyết và hóa lý (Trường đại học Đồng Tháp) là một giảng viên có niềm say mê nghiên cứu khoa học và là người thầy được mọi người tin yêu, quý trọng.
Tiến sĩ Trần Văn Tân (thứ hai từ trái sang) hướng dẫn sinh viên thực hành môn Hóa học.
Lớn lên tại quê hương Châu Thành, Đồng Tháp, trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhưng suốt bốn năm trên giảng đường đại học, sinh viên Trần Văn Tân luôn nhận được nhiều học bổng, tình yêu thương, giúp đỡ của thầy cô, bạn bè. Tốt nghiệp ra trường, Tân được vinh danh là thủ khoa môn Hóa và trúng tuyển giảng viên tại Trường cao đẳng Sư phạm Đồng Tháp, nay là Trường đại học Đồng Tháp.
Và Trường đại học Đồng Tháp đã trở thành nơi nuôi dưỡng niềm đam mê nghiên cứu khoa học của giảng viên trẻ Trần Văn Tân. Ở tuổi 31, thầy Tân là một trong những giảng viên trẻ nhất của Trường được xét học bổng thuộc chương trình Đề án 322 đào tạo nghiên cứu sinh nước ngoài bốn năm và được cấp bằng tiến sĩ ngành Hóa học, chuyên ngành Hóa lý thuyết và hóa lý tại Trường KU Keuven, Vương quốc Bỉ.
Với niềm đam mê nghiên cứu và có nhiều sáng tạo trong giảng dạy, từ năm 2016, thầy Tân được giao trọng trách Trưởng chuyên ngành đào tạo cao học Hóa lý thuyết và hóa lý của trường. Quá trình giảng dạy, thầy luôn truyền lửa đam mê nghiên cứu khoa học cho các học viên, sinh viên. Học viên Nguyễn Hoàng Lin, lớp cao học Hóa lý thuyết và hóa lý, khóa bảy, Trường đại học Đồng Tháp, chia sẻ: "Quá trình hướng dẫn làm tiểu luận, luận văn, thầy luôn tạo động lực cho học viên, đặt ra những tình huống gợi mở cho học viên tìm tòi. Ngoài ra, thầy rất thương và quan tâm học viên".
Vừa tích cực trong giảng dạy, vừa đam mê nghiên cứu, TS Trần Văn Tân đã tạo nên nhiều dấu ấn khi làm Chủ nhiệm đề tài khoa học cấp quốc gia do Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) tài trợ (đã được nghiệm thu và cấp giấy chứng nhận năm 2019). Đáng chú ý, TS Trần Văn Tân đã có gần 30 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín và năm bài báo trên tạp chí khoa học trong nước. Thầy cũng đồng chủ biên hai giáo trình phục vụ đào tạo sau đại học do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xuất bản. Ngoài việc hướng dẫn nhiều học viên bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ chuyên ngành Hóa lý thuyết và hóa lý tại Trường đại học Đồng Tháp, TS Trần Văn Tân còn hướng dẫn một sinh viên đoạt giải Sinh viên nghiên cứu khoa học do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
Trong công tác chuyên môn, TS Trần Văn Tân tích cực cùng nhà trường tham gia phát triển chương trình đào tạo đại học sư phạm Hóa học và cao học Hóa lý thuyết và hóa lý. Trong đó, chương trình đại học sư phạm Hóa học đã được Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) đánh giá chất lượng. Thầy cùng nhà trường xây dựng thành công hệ thống máy vi tính hiệu năng cao với các phần mềm tính toán hóa học lượng tử mã nguồn mở, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo tại Trường đại học Đồng Tháp. Hệ thống máy vi tính hiệu năng cao đã mang đến những kết quả nghiên cứu được xuất bản trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín.
Nói về người đồng nghiệp, cũng từng là học trò của mình, PGS, TS Trần Quốc Trị, Trưởng khoa sư phạm Lý, Hóa, Sinh (Trường đại học Đồng Tháp) cho biết: "Từ ngày làm giảng viên đến nay, TS Tân vẫn giữ tinh thần cần cù, luôn là một người thầy gương mẫu, nhiệt huyết với nghề, yêu thương sinh viên, tận tụy giúp đỡ, hợp tác với đồng nghiệp để làm tốt nhất những phần việc được giao. Điều đáng quý ở thầy giáo Tân là phẩm chất của người làm khoa học: trung thực, hết mình vì khoa học".
Với những nỗ lực nghiên cứu khoa học không ngừng nghỉ, năm 2019, TS Trần Văn Tân vinh dự được Hội đồng giáo sư nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn phó giáo sư. TS Trần Văn Tân chia sẻ: Tôi rất vui khi được cộng đồng, các nhà khoa học ghi nhận. Bản thân tôi sẽ cố gắng phát triển khả năng dạy học, trình độ chuyên môn, truyền thụ kiến thức khoa học cho các sinh viên, giúp các em hình thành những kỹ năng tốt, để ra trường công tác tốt.
BÀI, ẢNH: HỮU NGHĨA VÀ QUẾ ANH
Theo nhandan
Thầy giáo trẻ tâm huyết với sự nghiệp "trồng người" Thầy giáo Lê Văn Tú, giáo viên Hóa học Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) được biết đến là thầy giáo trẻ nhất trong lịch sử của trường. Không chỉ tâm huyết với sự nghiệp "trồng người", thầy Tú còn có nhiều thành tích nổi bật trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. Những ngày cuối tháng 11, chúng tôi...