Thầy trông trẻ trên non cao: Lời ca từ đỉnh núi
Sáu thầy giáo dạy ở các điểm trường mầm non xa xôi, hẻo lánh nhất của huyện vùng cao Trạm Tấu ( Yên Bái) mà tôi đã gặp là những điều gần gụi, mát lành và bình dị nhất trên vùng Tây Bắc.
Thầy Giàng A Ly dạy trẻ học múa – ẢNH: M.T.H
Họ như những ngôi sao xanh tỏa sáng trên đỉnh núi mù xa.
Buổi trưa, lớp mầm non 4 – 5 tuổi của điểm Trường Tống Ngoài, Trường mầm non Hoa Sen (Túc Đán, H.Trạm Tấu, Yên Bái) im phăng phắc. Nhìn qua khung cửa, thấy một người đàn ông ngồi thu lu trên ghế cạnh dãy phản trên có 36 đứa trẻ đang say ngủ. Thi thoảng, người đó lại khẽ khàng kê lại gối, ém thẳng tay chân bọn trẻ ú ớ ngủ mê cựa quậy. Đó là thầy giáo Thào A Tủa, năm nay 43 tuổi nhưng đã có thâm niên 23 năm dạy học, trong đó 2 năm dạy mầm non. Nhìn mặt trẻ vậy, nhưng Tủa đã có 3 con và cậu con trai cả 22 tuổi đã lấy vợ sinh con, đôn Tủa lên chức ông nội. “Hết giờ dạy học ở trường, về nhà mình lại được giao chăm sóc cháu nội”, thầy Tủa cười và bảo: “Muốn bọn trẻ nghe lời thì phải yêu thương chúng nó như con cháu trong nhà thôi”.
Thầy giáo Thào A Tủa, giáo viên điểm Trường mầm non Tống Ngoài (Túc Đán, Trạm Tấu) chăm sóc giấc ngủ cho trẻ
Đầu giờ chiều trẻ dậy, thầy tíu tít lau mặt mũi chân tay cho chúng, dọn các tấm phản ngủ và chăn gối vào góc phòng sạch sẽ, xong mới bắt đầu hoạt động học buổi chiều. Đứng trước hàng trẻ xếp thành hình móng ngựa, thầy giáo khẽ khàng: “Hôm nay chúng mình cùng học hát bài Hoa bé ngoan. Các con phải chăm ngoan, vâng lời cha mẹ để xứng đáng là bông hoa đẹp trong nhà nhé!” và cuộn tay phụ họa lời hát: “Hoa nào mẹ yêu nhất, hoa nào thơm ngát hương. Hoa nào tươi thắm nhất, đó là hoa bé ngoan. Em được mẹ thương nhất, em được cô giáo yêu. Khi mà em ngoan nhất, sẽ là hoa bé ngoan”. Tiếng Mông dạy lời tiếng Kinh, kiên nhẫn đến từng đứa bé. Chợt cậu bé Vàng A Lềnh giơ tay nói một tràng tiếng Mông khiến thầy Tủa cười đỏ mặt. Tôi gặng hỏi mãi, thầy mới nói: “Cháu bảo: Phải là thầy giáo yêu chứ không phải cô”.
Thầy giáo trẻ Vũ Công Hậu rửa rau nấu bữa trưa cho trẻ tại điểm Trường mầm non Đề Chơ (Làng Nhì, Trạm Tấu)
Cô Nguyễn Thị Lê, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Sen, kể: “Những bé do thầy Tủa dạy đều rất có ý thức kỷ luật. Tiếng lành về thầy giáo hát hay múa giỏi lan khắp trong ngoài huyện và thậm chí có người còn tìm đến tận nơi để xem thực hư”.
Hì hục đổ bô
Thầy giáo Giàng A Ly, năm nay 42 tuổi, chính gốc người Mông của xã Xà Hồ, H.Trạm Tấu dạy lớp mầm non điểm Trường Tà Gênh, Trường mầm non Hoa Hồng (Xà Hồ), người chắc nịch như cây gỗ lim trên đỉnh Tà Nhì Chù. Xòe bàn tay, thầy Ly tính: “19 tuổi học xong sơ cấp sư phạm là đi dạy học khắp các điểm hang cùng rừng tận của miền Trạm Tấu hoang vu, xong mới dần dần đi học trung cấp sư phạm, sư phạm mẫu giáo. Tính đến nay cũng được 23 năm” và cười: “Hồi ấy cứ nghĩ đi học sư phạm mẫu giáo cũng theo phong trào, đâu ngờ mấy năm nay dạy thật, giờ thành quen”.
Video đang HOT
Tháng 11.2016, khi được chuyển sang dạy mầm non, thầy giấu tiệt chuyện này với vợ và 3 đứa con. Mãi mấy tháng sau, câu chuyện “đàn ông người Mông giờ chăm cả trẻ con ẵm ngửa” lan đến bản, cả nhà mới biết và cứ lo thầy bị… kỷ luật. “Mình là người giáo viên nhân dân, cấp trên cử đi đâu thì mình đi đấy. Dạy lớn hay bé thì cũng đều là con em dân tộc Mông”, thầy Ly nói mãi vậy, mọi người trong nhà mới nguôi, thi thoảng chỉ hé mắt nhìn trộm “người đàn ông Mông” tự học hát bên bếp lửa.
Nếu như ở bậc tiểu học chỉ đơn thuần truyền giảng kiến thức thì ở lứa tuổi mầm non, phải có mọi kỹ năng chăm sóc, kiên nhẫn. Mỗi sáng, nguyên việc rửa mặt cho 31 bé đã chiếm đến cả nửa tiếng. “Trẻ con đi học xa, đến lớp là mặt mũi nhem nhuốc. Vừa rửa mặt xong nhưng nó lại khóc, chảy hết mũi dãi nên mình phải lau lại”, thầy Ly giải thích vậy khi tôi nhìn thấy 2 bên túi quần thầy lòng thòng 2 mẩu khăn xô. Ngay việc hướng dẫn vệ sinh cho trẻ cũng là chuyện đau đầu: Đang học, có đứa đứng dậy xin đi tè nhưng cũng có đứa lao phắt ra ngoài cửa, thản nhiên tụt quần tồ tồ khiến thầy phải ra bế vào tận nhà vệ sinh. Sau thấy mất thời gian, thầy Ly chuẩn bị sẵn gần chục cái bô nhựa để ngoài cửa, vừa dạy trong lớp vừa trông chừng đám nhí nhéo ị tè ngoài cửa. Buổi trưa trẻ ngủ và chiều về, thầy lại hì hục đi đổ bô.
Nụ cười tuổi 23
Nói đến thác Háng Đề Chơ của xã Làng Nhì, H.Trạm Tấu thì dân phượt Tây Bắc ai cũng biết. Nhưng ít ai biết ở bản Đề Chơ của Làng Nhì, đang có thầy giáo trẻ Vũ Công Hậu dạy lớp mầm non cắm bản. Hậu năm nay 23 tuổi, là một trong những sinh viên nam hiếm hoi của Trường trung cấp Sư phạm mầm non Hải Dương, học xong về công tác ngay tại quê nhà. Bố Hậu là ông Vũ Công Hưng, nguyên Giám đốc Trung tâm văn hóa thông tin và thể thao H.Trạm Tấu, khi biết con được phân công lên xã vùng cao Làng Nhì, ngay lập tức gọi điện cho cô Hiệu trưởng Trần Khánh Vân nhờ: “Cô cho cháu nó vào dạy điểm xa xôi khó khăn nhất, để nó hiểu giá trị cuộc sống”. Thực ra chẳng cần bố nói, Hậu cũng đã xung phong đến điểm khó nhất, với lý do đơn giản: “Em là đàn ông con trai mà dạy le ve ngoài trong khi các chị ở chỗ khổ hơn, thì không đáng mặt”.
Đề Chơ là thôn vất vả nhất của xã Làng Nhì. Từ trung tâm xã tới đó khoảng 45 km. Từ nhà thầy Hậu ở TX.Nghĩa Lộ lên tới điểm trường thì phải tắt qua địa bàn H.Văn Chấn, lên khoảng 25 km và chỉ đi được xe máy ngày nắng ráo, với tay lái cứng. Bản không điện thắp sáng, sóng điện thoại thì phải với tay lên dò tậm tịt mới gọi được, nước sinh hoạt dùng khe suối, điểm trường làm bằng gỗ mục nát… Mọi thứ ban đầu giống thuở hồng hoang, khiến thầy giáo trẻ phải thốt lên với cô hiệu trưởng: “Không ngờ lại cực như vậy, chị ơi!”. Kêu xong, Hậu lại quày quả sáng thứ hai lên điểm trường, ba lô sau lưng lỉnh kỉnh lạc rang, cá khô, muối vừng để ăn trong tuần, chiều thứ sáu mới bò xuống núi, mặt mũi nhem nhuốc đất chơi với vợ (cũng dạy mầm non nhưng ở H.Văn Chấn gần đó) và con gái 3 tuổi vài tiếng, rồi thay đồ khoác ba lô nhảy xe khách giường nằm về Hà Nội tranh thủ học nâng cao lên đại học, nguyên 2 ngày thứ bảy và chủ nhật.
Một mình bám điểm trường, mọi tâm tưởng của Hậu dành hết cho 13 đứa trẻ lít nhít đến lớp từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Từ dạy tiếng, dạy chữ, dạy múa hát cho đến bữa ăn giấc ngủ buổi trưa, xi ị tè, thay giặt quần áo… một tay cậu trai 23 tuổi làm hết.
Bản Đề Chơ xa xôi hẻo lánh, cả năm may ra có 1 – 2 đoàn từ trường chính, Đảng ủy – UBND xã lên làm việc, nên Hậu được coi như “cầu nối” giữa người Kinh người Mông, miền xuôi miền ngược. Dân trong bản cứ có việc gì là hỏi ý kiến thầy Hậu. Bọn trẻ con thì sáng sớm là đòi đi học lớp thầy Hậu và đến giờ dạy hát múa, dân trong bản lại chạy xuống xem thầy Hậu vòng tay múa dẻo, trầm ấm giọng hát cùng bọn trẻ say mê, líu lo.
Cô Hiệu trưởng Trần Khánh Vân nói với tôi: “Thầy Hậu múa dẻo hát hay hơn nhiều cô giáo mầm non, là tài sản quý của trường em đấy”, khiến Hậu cười lỏn lẻn: “Tuổi trẻ mà. Việc người ta không làm được thì mình phải gắng mà làm. Có vậy sau này mới vượt qua mọi khó khăn cuộc đời” và bắt tay tôi, chạy ù ra đường vẫy chuyến xe về Hà Nội học. Phía sau khung cửa nhỏ, vẫn tươi tắn nụ cười hiền…
“Tuổi trẻ mà. Việc người ta không làm được thì mình phải gắng mà làm. Có vậy sau này mới vượt qua mọi khó khăn cuộc đời”
Thầy giáo Vũ Công Hậu
Theo thanhnien
Người "thổi hồn" cho giáo dục miền núi
Không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giảng dạy, những thầy cô giáo ở xã đặc biệt khó khăn Đạ Chais, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng còn là những người giỏi tuyên truyền, vận động học sinh đến lớp.
Thầy cô vừa giỏi dạy học vừa "chuyên" vận động học sinh đến trường
Điểm trường Đưng K'Si thuộc trường mầm non xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương cũng giống như nhiều điểm trường mầm non khác thuộc các xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Lâm Đồng. Công việc hàng ngày của các cô giáo ngoài nhiệm vụ giảng dạy, chăm sóc học sinh còn có nhiệm vụ không kém phần quan trọng: Vận động học sinh đến lớp.
Bữa trưa có cơm, cá, rau của các em học sinh trường THCS Đạ Chais do chính các thầy cô nấu.
Điểm trường Đưng K'Si có hơn 180 học sinh chia làm 7 lớp học. Để học sinh đến lớp, tuyên truyền, vận động không thôi chưa đủ. Ở đây, mỗi lớp mầm non có 2 giáo viên. Cứ sáng đến, một cô trông lớp, cô còn lại đến từng nhà chia kẹo, chở học sinh đến trường...
Nhưng để giữ vững sĩ số học sinh thì những giải pháp trên vẫn chưa đủ. Nhà trường kết hợp với chính quyền UBND xã, hội phụ nữ, trưởng thôn, mặt trận, đoàn thể cùng vào cuộc tuyên truyền vận động phụ huynh cho học sinh đến trường.
Khi chúng tôi đến thăm trường Trung học cơ sở Đạ Chais cũng vừa đúng giờ ăn trưa. Thầy giáo trẻ Nguyễn Phi Hùng ngoài nhiệm vụ chuyên môn là dạy tin học và phụ trách kỹ thuật của trường thì còn kiêm thêm nhiệm vụ nấu bữa trưa cho học sinh ở xa.
Hiệu trưởng Trường THCS Đạ Chais Phan Văn Cầu, người có thâm niên gần 40 gắn bó với giáo dục vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Lâm Đồng. Thầy bảo: "Giáo viên công tác vùng miền núi đặc biệt khó khăn yêu nghề thôi chưa đủ. Các thầy cô phải dành cả lòng nhiệt huyết! Ở đây, bên cạnh nâng cao chất lượng giáo duc thì vận động học sinh đến trường, duy trì sĩ số là nhiệm vụ vô cùng quan trọng".
Suốt gần 40 găn bó giáo dục miền núi cũng là ngần đó năm thầy miệt mài tuyên truyền, vận động phụ huynh đưa con đến trường học. Một mình thầy làm không xuể mà phải truyền lửa, thổi hồn để các giáo viên, để chính quyền địa phương cùng vào cuộc. Phần lớn giáo viên về công tác tại xã đặc biệt khó khăn là giáo viên trẻ. Vì thế, thầy hiệu trưởng vừa khuyến khích động viên các thầy cô giáo làm tốt nhiệm vụ giảng dạy, đồng thời kiên trì, vận động học sinh đến trường. Đây là hai nhiệm vụ quan trọng và song song. Nếu không kịp thời động viên, khích lệ các thầy cô giáo thì rất khó hoàn thành sứ mệnh của người giáo viên ở các xã khó khăn.
Thầy Cầu kể: "Ngay từ tháng 8, nhà trường phối hợp với UBND xã xây dựng kế hoạch vận động học sinh đến trường học đúng ngày. Theo đó, lãnh đạo UBND xã, các đoàn thể và thầy cô đến từng nhà vận động, tuyên truyền đặc biệt là nhóm học sinh có nguy cơ cao "trốn học".
Đối với nhóm học sinh vừa vận động được đến trường hay học sinh có nguy cơ "trốn học", hàng ngày cứ 6h sáng, đích thân thầy hiệu trưởng cùng một giáo viên nữa đến nhà vận động, nhắc nhở các em đến trường....
Thầy Nguyễn Phi Hùng nấu bữa trưa cho các học sinh.
Phối hợp chính quyền cùng vận động các em đến lớp
Trường THCS Đạ Chais có 124 học sinh thì có đến 115 em học sinh dân tộc thiểu số. Đời sống người dân nơi đây tuy đã phát triển hơn trước nhưng vẫn là xã đặc biệt khó khăn. Do nhận thức chưa cao nên vẫn còn nhiều gia đình chưa quan tâm đến việc con cái học hành. Ngoài giờ lên lớp, các em lại phải phụ gia đình lên nương, lên rẫy. Đó là chưa kể đến truyền thống văn hóamẫu hệ, các em gái thường "bắt chồng" từ khá sớm... Để vận động học sinh đến lớp đầy đủ là cả một hành trình dài của các giáo viên và chính quyền nơi đây.
"Danh sách học sinh đến trường được nhà trường cập nhận hàng ngày để báo cáo ban tuyên truyền vận động học sinh đến trường. Chỉ thầy cô đến nhà vận động chưa chắc gia đình đã nghe nên chúng tôi phối hợp với chính quyền, đoàn thể và đặc biệt là các trưởng thôn, bí thư chi bộ, hội nông dân, hội phụ nữ, mặt trận tổ quốc,... cùng vào cuộc. Đồng bào dân tộc nói với nhau thì người dân nghe và tin hơn", thầy Cầu cho hay.
Thầy Phan Văn Cầu cho biết, năm học 2018 - 2019, trường Dân tộc nội trú tỉnh giao chỉ tiêu cho xã Đạ Chais 8 học sinh. Các học sinh theo học ở đây được học, ăn ở hoàn toàn miễn phí nhưng tuyển mãi vẫn không đủ chỉ tiêu! Đích thân hiệu trưởng trường Dân tộc nội trú tỉnh cùng một giáo viên là người đồng bào dân tộc, thầy phụ trách đội đưa xe ô tô về tận trường, đến tận nhà vận động nhưng đến nay chỉ có 6 em đồng ý nhập học.
Điểm trưởng mầm non Đưng K'Si.
Trước đây, chuyện thầy cô lên rẫy cách trường cả chục km để vận động gia đình cho con em đi học là chuyện thường. Ngoài trình độ dân trí hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo đói trong đồng bào còn cao, còn là việc nhận thức về chuyện học cái chữ của một bộ phận người dân chưa đúng mức.
Nhớ lại cách đây khoảng chục năm, thầy Phan Văn Cầu kể: "Thầy cô lên rẫy vận động phụ huynh cho con đi học thì họ bảo: "Con mình đấy, thầy cô kêu được nó đi học thì đi, mình không biết đâu!". Còn nay, dù vẫn phải tuyên truyền vận động học sinh đến lớp nhưng không còn khó khăn như trước. Phụ huynh cũng đã bắt đầu có ý thức nhắc nhở con đến trường".
Được tuyên truyền vận động nhiều, kinh tế phát triển, đời sống người dân được nâng lên tỷ lệ thuận với việc trẻ đến trường. Bởi trong cùng xã Đạ Chais nhưng thôn Đồng Mang nằm cách trường gần chục km nhưng các em vẫn có ý thức đi học. Còn học sinh ở các thôn Klong Klanh, Đưng K'Si chỉ cách trường mấy trăm mét nhưng thầy cô, chính quyền vận động mãi mới chịu đến trường.
Dù công tác giáo dục ở các xã đặc biệt khó khăn được Đảng, Nhà nước quan tâm nhưng vẫn còn nhiều vất vả. Suốt 3 năm nay, chính sách hỗ trợ sách vở cho học sinh dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn không còn, thầy Cầu cùng các thầy cô giáo tận dụng các mối quan hệ, kết nối để xin tài trợ sách vở, bút, mực đủ cho các em. Đến ngày lễ, tết hay khai giảng, tổng kết năm học, các thầy cô lại kêu gọi các nhà hảo tâm tài trợ quà, bánh cho các em, kịp thời động viên, khích lệ các em đến trường. Để các em thôn Đông Mang có chỗ ăn, nghỉ vào buổi trưa, thầy Cầu vận động Công đoàn giáo dục tỉnh Lâm Đồng xây tặng trường nhà bán trú.
Thương học sinh không quản ngại đường xa nên hàng ngày các thầy cô chia nhau nấu cơm trưa cho các em ở thôn Đồng Mang có bữa trưa chắc bụng để tiếp tục học ca chiều mà không phải về nhà hay cơm đùm, cơm nắm.
Thầy giáo Nguyễn Phi Hùng là một trong số những thầy cô giáo nằm trong tổ nấu cơm trưa cho học sinh. Thầy Hùng bảo, nghĩ các em đi học xa nên thầy cô ai cũng thương đông viên các em đến lớp. "Học sinh người dân tộc thiểu số vẫn còn nhút nhát nên có hôm thầy cô đã nấu cơm cho các em những không dám vào ăn. Biết thế, cứ đến giờ học buổi trưa, các thầy cô phải đón các em từ các lớp, dẫn về phòng ăn rồi đưa đến nhà bán trú nghỉ ngơi, chiều tiếp tục học", thầy Hùng kể.
Chưa kể xong câu chuyện thầy cô nơi đây kiên trì dạy học, vận động học sinh đến trường, thầy Cầu phấn khởi khoe: "Nhà báo đừng nghĩ nơi đây khó khăn, đến việc đi học hàng ngày của học sinh còn phải vận động thì chất lượng giáo dục không được quan tâm. Năm học vừa qua, nhà trường có 4 em đạt danh hiệu học sinh gỏi huyện, 3 học sinh vinh dự được tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh. 2 học sinh của trường làm sản phẩm sáng tạo khoa học kỹ thật dành cho học sinh đạt giải khuyến khích cấp tỉnh.... Có được những thành tích đó là nhờ sự nỗ lực cố gắng của các em học sinh và sự tận tâm của đội ngũ giáo viên nhà trường".
Vẫn biết, giáo dục ở xã miền núi đặc biệt khó khăn vẫn còn nhiều thách thức nhưng với sự tận tâm của đội ngũ giáo viên nơi đây cùng nỗ lực cố gắng của học sinh, kinh tế xã hội phát triển ý thức phụ huynh được nâng lên hy vọng hy vọng giáo dục nơi đây sẽ ngày càng khởi sắc. Bởi giáo dục là nền tảng để phát triển kinh tế, xã hội. Chỉ khi nào, dân trí được nâng cao, đời sống người dân nơi đây sẽ càng phát triển đi lên...
VÂN KHÁNH
Theo baodansinh
Hóa ra hotgirl ảnh thẻ mới nổi từng lọt chung kết Miss teen 2017 và sở hữu bảng thành tích học tập 'khủng' như thế này đây Minh Tuyền là gương mặt nổi bật của mùa Miss Teen 2017 vì không chỉ hát hay, nhảy giỏi mà còn xinh đẹp. Sau 1 năm, 9x lại khiến cộng đồng mạng không khỏi bất ngờ với ảnh thẻ xinh đẹp vạn người mê. Khi bức ảnh thẻ vô tình được chia sẻ, Nguyễn Thị Minh Tuyền (năm 2, khoa Thẩm định giá,...