Thầy, trò viết chữ đẹp nhất nước
Trường tiểu học Nghĩa Ninh (TP.Đồng Hới, Quảng Bình) có nhiều giáo viên và học sinh viết chữ rất đẹp.
Đào Thị Thảo, giải nhất (khối 2) cuộc thi viết chữ đẹp toàn quốc, rèn chữ ở lớp – Ảnh: T.Q.N
Giải nhất quốc gia viết chữ đẹp
Có dịp đến Trường tiểu học Nghĩa Ninh, ai cũng trầm trồ trước những nét chữ trên bảng công việc ở văn phòng trường. Chữ rất đều, đẹp kỳ lạ, nhiều hoa văn và có nét đậm nét nhạt. Hỏi ra mới hay đó là chữ của cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Huyền.
Cô hiệu trưởng cười xòa bảo: “Có gì đâu, trường còn nhiều học sinh viết chữ đẹp hơn kìa”. Rồi cô Huyền giới thiệu Đào Thị Thảo, học sinh lớp 3A. Thảo đoạt giải nhất (khối 2) cuộc thi viết chữ đẹp “nét chữ, nết người” toàn quốc năm học 2012-2013 được tổ chức vào tháng 4.2013 tại Hà Nội.
Đúng là nét chữ, nết người, Thảo rất lễ phép trong nói chuyện. Em cho hay, ngoài những môn học bình thường, hằng ngày em đều luyện chữ viết trong một quyển vở riêng, luyện ở trên lớp và cả ở nhà; niềm đam mê luyện chữ như đã ăn vào máu, hễ rảnh là em lại luyện viết.
Chúng tôi càng ngạc nhiên hơn khi biết hoàn cảnh gia đình Thảo. Hiện em đang ở trong ngôi nhà có đến 8 người, gồm cả ông bà nội, bố mẹ, cô ruột. Vì điều kiện kinh tế khó khăn nên bố Thảo thường đi làm ăn dài ngày, còn mẹ cũng lăn lộn đủ thứ việc làm thuê làm mướn để kiếm tiền.
Video đang HOT
Chữ viết trong các bài thi của Thảo lúc học lớp 2 thật đẹp. Những hàng chữ nghiêng đều một cách kỳ lạ và có thể nói nó đẹp hơn chữ in máy bởi những hoa văn, đường cong uốn lượn, nét thanh đậm diệu kỳ thể hiện cái hồn của người viết. Khó ai tin rằng đó là nét chữ của một học sinh lớp 2.
Cô Huyền cho biết bản thân mình cũng đoạt giải nhất cuộc thi viết chữ đẹp toàn quốc lần đầu tiên dành cho giáo viên vào năm học 2002-2003.
Bước tiến thần tốc của trường nghèo
Không giấu nổi sự tự hào và niềm vui của mình khi có một thế hệ học sinh viết chữ đẹp như thế, cô hiệu trưởng lấy cho chúng tôi xem một loạt tập bài thi chữ đẹp của học sinh được đóng lại thành từng quyển để lưu giữ.
Trường tiểu học Nghĩa Ninh chỉ mới thành lập từ năm học 2006-2007. Nằm trên địa bàn khó khăn nhất nhì thành phố nên trường luôn nằm áp chót bảng về thành tích. Thế nhưng từ năm 2010 đến nay, 2 năm liền trường đạt danh hiệu đơn vị xuất sắc toàn tỉnh; đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và hiện đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.
Trong 3 năm học từ 2010, từ 55% học sinh khá giỏi trường đã vượt trên 95%, đoạt hàng chục giải học sinh giỏi thành phố và tỉnh, một giải quốc gia. Riêng về chữ đẹp, năm học 2011-2012, đoạt 5 giải cấp tỉnh (có một giải nhất) và một giải ba quốc gia, năm học 2012-2013, đoạt 11 giải thành phố, 8 giải tỉnh và một giải nhất quốc gia. Cô Huyền bật mí: “Cách truyền đạt, phương pháp dạy rất quan trọng. Tạo cho các cháu sự hứng khởi, say mê học, rèn luyện và rèn đúng hướng thì sẽ đạt kết quả tốt”.
Theo TNO
Thầy - trò ngày càng cách xa?
Phải chăng mối quan hệ giữa thầy và trò ngày càng xa cách như nhận định của nhiều người ?
Thầy - trò mãi là tình cảm đặc biệt mà mỗi người học trò luôn khắc sâu ghi nhớ - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Có khoảng cách vô hình ?
Không ít sinh viên của nhiều trường ĐH, CĐ kể lại chuyện suốt 4 năm học vẫn không biết tên giảng viên (GV) bộ môn, GV chủ nhiệm, hiệu trưởng. Từ đó dẫn đến nhiều câu chuyện bi hài: chen lấn, cãi vã với GV ở nơi gửi xe; tranh giành thang máy ở trường...
Trâm Dương, sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, nhận xét: "Đúng là có thực tế như vậy, thời buổi bây giờ học sinh và thầy cô không còn thân thiết nữa".
Thậm chí có sinh viên Trường ĐH Văn Lang phản ánh khi làm đồ án, luận văn, GV không cần gặp SV mà chỉ hướng dẫn trao đổi qua điện thoại, email. Hay hiện trạng nhiều GV vì vật chất mà không ngại hạ, bớt điểm của sinh viên để buôn bán điểm nhận tiền. Cả thói vị kỷ, thực dụng trong xã hội đã len lỏi vào nhà trường... Theo họ, những điều này vô tình trở thành nguyên nhân nới rộng mối quan hệ thầy trò.
Tưởng chừng chỉ SV học trong những giảng đường quy mô lớn, ít có cơ hội tâm sự với GV mới có những nhận định này. Nhưng nhiều học sinh cũng xác nhận. "Thực sự là có khoảng cách đó. Nhiều GV cố gắng tạo cho mình những vỏ bọc nghiêm khắc. Cả tiết dạy chẳng nở một nụ cười nên học sinh phải học trong trạng thái sợ sệt, không thoải mái" - Đức Nghiêm, học sinh lớp 12 Trường THPT Trấn Biên (Đồng Nai), nói.
Nhiều học sinh, SV đưa ra khá nhiều vụ việc suốt thời gian qua: học sinh hỗn xược với giáo viên vì bất mãn; thầy cô ngược đãi học trò, học trò hăm dọa thầy cô... Không ít ý kiến của thầy cô giáo cũng có chung suy nghĩ: "Đúng là ngày càng có khoảng cách giữa GV với SV. Mối quan hệ ân tình không còn được như xưa" - ông Nguyễn Thành Trung, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, tâm sự.
Để xích lại gần nhau
Tuy vậy vẫn có những cách nhìn khác, như Uyên Phương, sinh viên Trường ĐH Quốc tế TP.HCM, cho rằng tùy mỗi người suy nghĩ khác nhau nên đôi khi có những cái nhìn phiến diện, chứ không hẳn mối quan hệ thầy trò xa cách.
Ông Huỳnh Lưu Đức Toàn, GV Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM và ông Võ Đăng Khoa, giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Vũng Tàu) cùng nhận định: tình cảm, quan hệ thầy trò ngày càng gần hơn chứ không hề có khoảng cách. Bởi thông tin liên lạc phát triển, qua nhiều kênh mà giáo viên biết được tâm tư của học trò...
Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu - GV Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, khoảng cách giữa thầy trò ngày nay gần hơn và cũng xa hơn so với ngày xưa rất nhiều. "Gần là vì họ có thể kết nối với nhau bằng mạng xã hội, có cơ hội để "tám" qua email hay điện thoại. Nhưng vì ngày nay học sinh vận động quá nhanh, nên một số giáo viên nếu không vận động sẽ không theo kịp. Từ đó, khoảng cách giữa thầy trò ngày càng xa nhau ra, có một bờ vực ở giữa hai bên", ông Hiếu giải thích.
Cũng theo ông, nguyên nhân của sự xa cách này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như: sự kết nối của giáo viên và học sinh mờ nhạt do giáo viên phải tất bật với cuộc sống, học sinh phải tất bật với học hành. Ngoài ra, vị thế của người thầy ít nhiều bị lung lay do hàng loạt tiêu cực nảy sinh trong nhà trường liên quan đến đạo đức của giáo viên, và giáo viên cũng ít nhiều cảnh giác hơn khi đứng trước đông đảo học sinh...
"Học trò hãy hiểu và thông cảm cho vị trí của người thầy vì đôi lúc cũng phải nghiêm nghị để giữ gìn nguyên tắc và kỷ luật. Đừng làm tổn thương người thầy mà hãy thể hiện tình cảm chân thành đến tất cả thầy cô, dù là trẻ hay lớn tuổi. Cho đi điều gì sẽ nhận lại được điều tương tự. Còn giáo viên hãy hiểu tâm lý của học trò, trẻ trung trong phong cách dạy và giao tiếp, để dù tuổi tác có bao nhiêu đi chăng nữa thì cũng "chạm" được vào tâm hồn của học trò, khiến họ cảm thấy thân thiết hơn", ông Hiếu hiến kế để có thể xích lại khoảng cách này.
Trong khi đó học sinh, SV cho rằng phần lớn họ đều tham gia các mạng xã hội. Vì thế, thầy cô nên chăng cũng tham gia để qua những kênh này có thể trò chuyện, chia sẻ nhiều vấn đề, không chỉ là học tập nhằm giúp người trẻ có cảm giác thầy cô thân thiện và gần gũi nhiều hơn.
Theo VNE
Nghề giáo - Bao người quên, mấy người nhớ: Cô, trò cùng ghi điểm Những bạn trẻ, học trò ngày nay có rất nhiều cách thể hiện tình cảm riêng với thầy, cô giáo và chính thầy cô giáo trẻ của họ, cũng có cách riêng để đi vào tim học trò. Cô và trò Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (Q.4, TP.HCM) chụp ảnh lưu niệm nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay...