Thầy trò tìm nhau trên ‘phây’
Bẵng đi hơn cả chục năm, nhiều giáo viên bỗng thấy được những ‘đứa con’ thân thương của mình. Những học trò cũng tìm được thầy cô giáo từng dìu dắt mình trong những tháng ngày ngồi trên ghế nhà trường. Họ tìm nhau trên ‘phây’.
Nhiều học trò có cơ hội tìm lại và kết nối với thầy cô giáo cũ nhờ Facebook – SHUTTERSTOCK
“Thằng lớp trưởng phải không?”
Tốt nghiệp THPT đã được 12 năm, Lê Viết Khiêm, cựu HS Trường THPT Đông Hà (Quảng Trị) không ngờ một ngày có cơ hội được trò chuyện lại với cô giáo chủ nhiệm.
Vì vào TP.HCM học tập và lập nghiệp, Khiêm không nhiều thời gian để về quê cũng như kết nối với những thầy cô giáo năm xưa. Rồi một ngày, lên Facebook, thấy bình luận để lại trên tường của người bạn cùng lớp: “Em khỏe không”, thấy tài khoản có tên “Thuy Son” quen quen, Khiêm đoán đó là cô giáo cũ. “Lục tung” hình ảnh trên trang cá nhân ấy, Khiêm khấp khởi vui mừng vì mình đoán đúng. Những câu bình luận liên tiếp được để lại, người giáo viên ấy cũng nhận ra và hỏi: “Phải Khiêm không, thằng lớp trưởng phải không?”… Cứ thế, những kỷ niệm của 12 năm trước dần được gợi lại trong những bình luận, trong những cuộc hội thoại.
Những trường hợp thầy trò tìm thấy nhau sau bao năm xa cách, nhờ Facebook, có rất nhiều. Khi mà những năm trước, mạng xã hội chưa phát triển, điện thoại di động không phổ biến, chỉ có sổ lưu bút là quen thuộc, thì những mối quan hệ thầy trò dần xa cách bởi mỗi người một phương, thầy cô vẫn đứng lớp hằng ngày, còn từng thế hệ học trò đi muôn phương để học tập, sinh sống. Và giờ đây, trong thời đại 4.0, công nghệ thông tin nói chung và mạng xã hội phát triển, nhất là Zalo, Facebook, Twitter… ngày càng được nhiều người sử dụng, thì họ, những giáo viên và học trò cũ, đã có cơ hội tìm thấy nhau.
Tìm thấy nhau trên Facebook, những kỷ niệm xưa cũ thuở còn ngồi trên ghế nhà trường lại ùa về – ẢNH: NHẪN NGUYỄN
Tốt nghiệp THCS 26 năm trước, rồi sau đó theo gia đình rơi quê ở H.Đông Hòa (Phú Yên) đến sinh sống ở H.Krông Pa (Gia Lai), Nguyễn Văn Hiếu, đang là Giám đốc công ty TNHH Nguyễn Trường Nguyễn (Q.Tân Bình, TP.HCM) không ngờ có một ngày lại thấy được người thầy hiệu trưởng năm xưa, cũng từ Facebook.
Hiếu kể thêm không những chỉ tìm lại được người thầy thân thương ấy, mà khi nhớ lại tên từng người thầy giáo, cô giáo cũ, rồi tìm kiếm trên Facebook, Hiếu đã có thể kết nối được nhiều người từng dìu dắt mình nên người. “Mình tìm kiếm tên, hay vào Facebook bạn bè để ‘lục’ coi có tên nào quen quen, có khi xem ảnh trong từng trang cá nhân để xem có ai quen thuộc không để kết bạn. Nhờ vậy, mình tìm được nhiều thầy cô giáo”, anh Hiếu cho biết.
Cơ hội để kết nối cựu học sinh
Thầy Trần Hà Quang (Trường THPT Đắk Mil, Đắk Nông) chia sẻ rất bất ngờ khi một ngày, chính bản thân ông cũng quên đi sinh nhật của mình, nhưng lại được học trò cũ, đã không gặp nhau 16 năm, nhắn lời chúc mừng qua Facebook.
“Đúng là cuộc sống ngày càng hiện đại, đem lại những cuộc gặp gỡ tình cờ đầy bất ngờ”, ông Quang nói.
Cũng nhờ thấy học trò trên “phây”, mà ông Quang được gợi lại biết bao điều xưa cũ, những kỷ niệm về những ngày đứng lớp hàng chục năm trước, cả những hình ảnh từ thời “xa lắc xa lơ”… chụp chung với những học trò tinh nghịch.
Nhiều giáo viên khoe trang cá nhân của mình có đến cả ngàn người bạn, ngoài đồng nghiệp, người thân, thì phần lớn là những học trò cũ. Và họ tìm lại được nhau cũng từ Facebook.
Hiện nay, ở hầu hết các trường, nhất là bậc THPT, đều có những Fan Page. Đây cũng là nơi để những người bạn đồng niên “thấy” nhau sau bao năm xa cách, bao thế hệ học trò có cơ hội “thắp” lại tình cảm với những người đưa đò sau những tháng năm bị cuốn theo cuộc sống, nỗi lo cơm áo gạo tiền để mưu sinh.
Nhiều cựu học sinh có cơ hội về thăm và giúp trường cũ từ những cuộc kết nối trên Facebook – ẢNH: V.S
Và cũng nhờ tìm thấy nhau, kết nối cùng nhau như vậy, mà giới cựu học sinh đã giúp đỡ nhiều cho trường, cho các thế hệ học sinh sau này. Không ít quỹ học bổng dành cho học sinh nghèo đã được hình thành chỉ từ những cuộc gặp tình cờ như thế. Đấy là chưa kể những hoạt động kỷ niệm ngày thành lập trường, viết bài cho tập san nhân những ngày lễ lớn… cũng được giới cựu học sinh nhiệt tình tham gia.
Với nhiều giáo viên, Facebook nói riêng và mạng xã hội nói chung, đã giúp rất nhiều trong việc tìm lại những cựu học sinh. Như trên trang Facebook của ông Phạm Thạch Sinh, Hiệu trưởng Trường THPT Bình Sơn (Quảng Ngãi), có rất nhiều người vào để “chào thầy”, “thầy có nhớ em không”, “em là học sinh cũ của trường mình nè”…
Cũng ở trường này, nhiều học trò cũ, đã và đang có được những thành công trong cuộc sống, đã nhờ Facebook… se duyên, để rồi tìm về lại trường, giúp đỡ các học sinh khóa dưới. Như chuyên viên tâm lý Đỗ Văn Sự, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo nhân lực và hợp tác quốc tế INTIC, đã có cơ hội quay về trường cũ, thăm những thầy cô giáo cũ, cũng như để hướng dẫn, chia sẻ về tâm lý, hướng nghiệp cho học sinh đàn em.
Theo thanhnien
Hà Tĩnh: Ông thầy không bằng cấp
Mới học xong lớp 7, không có bằng cấp gì trong tay nhưng ông Đặng Tiến Dũng ở Hà Tĩnh được hàng ngàn em học sinh gọi là thầy. Các em yêu mến, "bái sư" bởi cái tâm và trí tuệ hiếm có của ông.
Ông thầy không bằng cấp Đặng Tiến Dũng chia sẻ về sự nghiệp trồng người
Con học cha, cha học con!
Ông Đặng Tiến Dũng say sưa truyền giảng cho các em
Hơn 20 năm qua, dù phải chịu biết bao đớn đau của bệnh tật mỗi lúc trở trời, khó khăn của cuộc sống, nhưng ông "giáo làng" Đặng Tiến Dũng (63 tuổi) ở thôn 5, xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) ấy vẫn chèo lái con thuyền tri thức để đưa bao thế hệ học trò cập bến tương lai.
Ông Dũng là con thứ 3 trong một gia đình 5 anh em. Từ lúc mới chào đời, tuổi thơ ông cũng bình thường như bao bạn bè cùng trang lứa trong làng. Đến năm lớp 1, trong một lần sốt nặng khiến nửa người dưới của ông bị liệt, dù được cha mẹ đưa đi chữa bệnh khắp nơi nhưng vẫn không đỡ.
Từ đó, ngày ngày ông Dũng đến trường trên đôi lưng của cha mẹ.
"Lúc đó tôi rất ham học và mong muốn sau này trở thành một người thầy. Biết được mơ ước ấy mặc dù tôi bị bệnh nhưng cha mẹ cứ thay phiên cõng tôi tới trường", ông Dũng chia sẻ.
Thế nhưng mọi cố gắng, ước mơ của ông đã phải dừng lại giữa chừng khi vừa lên lớp 5 (lớp 7 bây giờ - PV), căn bệnh cũ của ông tái phát và chuyển biến xấu hơn. Suốt 2 năm điều trị, tiêu tốn biết bao tiền của nhưng cũng chỉ chữa được một chân, chân còn lại vĩnh viễn chịu cảnh tàn phế.
"Khi biết mình không còn cơ hội để đến trường, tôi khóc rất nhiều. Mãi một thời gian sau tôi mới bình tâm lại. Tôi cứ nghĩ có thể là do duyên số, cứ để mặc số phận, mình cứ lạc quan mà sống. Ông trời không cho ai tất cả, cũng không lấy đi của ai tất cả", ông Dũng chia sẻ về quãng thời gian khó khăn nhất của cuộc đời mình.
Không còn đi học nữa, ông Dũng lại học đủ thứ nghề để tự nuôi thân và phụ giúp gia đình từ nghề sửa xe, đến làm thợ mộc.
Sau những buổi dạy học, ông Dũng lại tiếp tục mày mò, sách vở để tìm kiếm thêm kiến thức
Đến năm 1984, niềm hạnh phúc đến với ông khi được người con gái cùng xã tên Phạm Thị Hồng đem lòng yêu mến và quyết lấy ông để xây dựng cuộc sống gia đình.
Rồi hạnh phúc của ông được nhân lên gấp bội khi 5 người con lần lượt ra đời.
"Đời tôi đã không được học hành đến nơi đến chốn nhưng với các con thì phải được đến trường. Và bằng mọi cách để giúp các con đạt được những ước mơ của mình", ông Dũng nói.
Và ông đã trở thành người thầy bất đắc dĩ.
Sau thời gian làm thợ mộc, đêm về ông lại mày mò sách vở để có kiến thức kèm cặp cho các con. Con học cha, rồi cha học con cứ như thế sau nhiều năm trời ông đã "đủ kiến thức" để chỉ dạy cho các con từ lớp nhỏ đến lớp lớn.
"Các con của tôi học rất giỏi nên ngoài các cuốn sách giáo khoa thì thường được nhà trường tặng thêm các cuốn sách nâng cao. Trong quá trình chỉ dạy cho con, cái nào con không hiểu thì hỏi cha, cái nào cha chưa hiểu thì nhờ con", ông Dũng cười chia sẻ.
Và món quà vô giá mà ông có được là cả 5 người con của ông đều đỗ đạt vào những trường tốp đầu và đã có công ăn việc làm ổn định.
Đến người thầy của hàng ngàn học sinh
Đến bây giờ ông đã có hàng ngàn học sinh "bái sư" theo học
Ông kể: Năm 1994 có 28 em ở nhiều xã khác nhau trên huyện Hương Khê đến xin ông học làm thợ mộc. Sau đó, tìm hiểu thì ông mới biết các em đều vừa mới trượt trong kỳ thi tốt nghiệp vào cấp 3.
"Lúc đó thấy các em còn nhỏ quá mà phải bỏ học giữa chừng, tôi lại nhớ đến tình cảnh của mình hồi xưa. Khi hỏi thì các em đều nói mong muốn được đến trường như các bạn. Thế là buổi ngày thì tôi dạy chúng làm mộc, đêm về thì dạy chữ. Sau đó thì cả 28 em đều đậu tốt nghiệp và đậu vào các trường đại học, trong đó có những trường thuộc tốp đầu cả nước", ông Dũng chia sẻ.
Tiếng thơm vang xa, kể từ đó, hàng ngàn em học sinh trên địa bàn đã kéo nhau tới gặp ông "bái sư".
Đến năm 2000 ông bỏ hết các công việc để tập trung dạy, ôn tập cho các em học sinh.
Trong căn nhà nhỏ, vợ chồng ông dành phần lớn diện tích để làm nơi dạy bài cho các em.
Những ngày bình thường thì chỉ có lớp học buổi tối. Còn ngày nghĩ thì dường như ông Dũng không còn thời gian rỗi. Ông dạy từ sáng đến chiều tối, chia thành nhiều ca học, nhiều lớp khác nhau. Ông Dũng có thể dạy được các môn học từ cấp 1 đến cấp 3 nhưng mạnh nhất là các môn Toán, Lý và Hóa.
"Không phải ngẫu nhiên mà hàng ngàn học sinh xuống theo học. Trong mọi vấn đề thì điều cốt lõi là đi đúng trọng tâm, đặc biệt là giữa người thầy và học trò phải gần gũi, xem nhau như bạn thì việc học sẽ dễ dàng hơn", ông Dũng chia sẻ về phương pháp dạy học của mình.
Năm 2010 ông vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về tấm gương rèn luyện, làm theo Bác Hồ trong dịp tổng kết cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và nhiều phần thưởng khác.
Đến bây giờ, ông Dũng không còn nhớ rõ đã có bao thế hệ học sinh đã được ông truyền dạy.
"Để trả công cho tôi nhiều gia đình thì đưa tôi ít tiền, có gia đình thì cho gạo. Hay những em có hoàn cảnh khó khăn thì tôi dạy miễn phí. Điều làm tôi hạnh phúc nhất là thấy các em tiếp thu tốt những gì tôi truyền dạy và chứng kiến các em trưởng thành", ông Dũng chia sẻ.
Với những cống hiến thầm lặng cho sự nghiệp trồng người, thầy "giáo làng" Đặng Tiến Dũng đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của xã, huyện và tỉnh. Đặc biệt, năm 2010 ông vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về tấm gương rèn luyện, làm theo Bác Hồ trong dịp tổng kết cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" được tổ chức tại thủ đô Hà Nội.
Xuân Sinh
Theo Dân trí
Cấm lạm thu, trường vẫn tìm cách "móc túi" phụ huynh? Nhiều khoản cấm thu hoặc cho thu nhưng phải đúng quy định tuy nhiên trường THCS Đông Thọ (TP. Thanh Hóa) vẫn cố tình triển khai thu rồi tìm cách hợp thức hóa sai phạm. "Chi vặt" lên đến hơn 160 triệu đồng Theo phản ánh của một số phụ huynh có con đang theo học tại trường THCS Đông Thọ thì dù...