Thầy tổng phụ trách Đội xuất sắc, tiêu biểu của thành phố Cảng
Công việc tổng phụ trách Đội luôn khó khăn, vất vả, mất nhiều thời gian nên phải thực sự yêu nghề, yêu học trò, đặt mình vào vị trí các em mới có thể làm được.
Đó là những lời tâm sự của thầy giáo Nguyễn Văn Bình, giáo viên Tổng phụ trách Đội, Trường tiểu học Quang Trung ( huyện An Lão, Hải Phòng).
Năm 2008, tốt nghiệp Đại học Hải Phòng chuyên ngành Sử – Đoàn đội, thầy Bình xin về làm giáo viên hợp đồng tại Trường Trung học cơ sở Quang Trung.
Làm tại trường được một thời gian, năm 2009, thầy Bình đang đi trên đường về nhà thì gặp cô hiệu trưởng cũ của Trường tiểu học Quang Trung.
Thầy giáo Nguyễn Văn Bình cùng cô giáo Phạm Thị Thanh An, Hiệu trưởng Trường tiểu học Quang Trung chia sẻ về việc thực hiện công trình măng non tại trường (Ảnh: Lã Tiến)
Qua trao đổi, trò chuyện, cô hiệu trưởng đã động viên thầy về Trường tiểu học Quang Trung làm giáo viên Tổng phụ trách Đội.
“Lần gặp gỡ với cô hiệu trưởng cũ của trường là định mệnh khiến mình quyết định lựa chọn con đường làm giáo viên tổng phụ trách đến bây giờ”, thầy Bình chia sẻ về cơ duyên đến với nghề.
Theo thầy Bình, tại hầu hết các nhà trường, giáo viên Tổng phụ trách đội thường là nữ vì giáo viên nữ thích hợp với các hoạt động múa hát.
“Mới đầu về nhận nhiệm vụ, mình rất ngại bởi không hiểu công việc tổng phụ trách là gì và phải làm như thế nào.
Nhiều đêm sau đó, mình khá lo lắng vì công việc mới nhiều bỡ ngỡ. Kỹ năng nghiệp vụ và kinh nghiệm công tác đều bắt đầu từ số 0.
Thêm vào đó, với đặc thù trường ngoại thành, phong trào và công tác Đoàn, Đội chưa được các bậc phụ huynh quan tâm, ủng hộ.
Tuy nhiên, được Ban giám hiệu nhà trường tạo điều kiện, đồng nghiệp giúp đỡ, và nhất là tình yêu nghề, mến trẻ tiếp thêm động lực để mình tích cực tìm tòi, học hỏi, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ”, thầy Bình cười nói.
Thầy còn thường xuyên tham gia các lớp tập huấn kỹ năng về dân vũ, lớp tiểu giáo viên hè của huyện An Lão… để trau dồi thêm kinh nghiệm.Để có thể nhanh chóng hòa nhập với công việc, thầy Bình dành nhiều thời gian học hỏi thêm kinh nghiệm từ các đồng nghiệp và tìm đọc những tài liệu trên mạng internet.
Theo lãnh đạo nhà trường, trước đây, học sinh Trường tiểu học Quang Trung rất ngại lên sân khấu biểu diễn, không tự tin thể hiện mình trước đám đông.
Từ khi thầy Bình đảm nhận nhiệm vụ Tổng phụ trách đội, các hoạt động ngoài giờ tại nhà trường được thường xuyên tổ chức.
Hằng năm, nhà trường tổ chức từ 1-2 chuyên đề đội cấp thành phố, qua đó giúp các em học sinh rèn được nhiều kỹ năng như: kỹ năng giao tiếp, múa hát, đọc, viết, bảo vệ môi trường,…
Thầy giáo Tổng phụ trách Đội Nguyễn Văn Bình hướng dẫn học sinh thắt khăn quàng đỏ (Ảnh: Lã Tiến)
Điểm nhấn trong năm học 2018-2019, Liên đội Trường tiểu học Quang Trung cũng thực hiện thành công công trình măng non: Khu thư viện xanh và khu vui chơi cho thiếu nhi.
Để thực hiện được công trình măng non này, trên cơ sở đề xuất của nhà trường, 16 phụ huynh tự nguyện đứng ra mang nguyên vật liệu để thi công tặng nhà trường.
Công trình măng non này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần khắc phụ tình trạng thiếu phòng đọc, tạo nơi đọc sách cho học sinh.
Cùng với công trình măng non, thầy Bình cũng tích cực huy động thanh niên nhà trường, học sinh thực hiện công trình thanh niên bằng việc vẽ tranh tường trang trí khu nhà vệ sinh, khu nhà đa năng.
Video đang HOT
Qua đó, góp phần cải tạo, chỉnh trang khu nhà vệ sinh nhà trường thành nhà vệ sinh thân thiện.
Thầy giáo Nguyễn Văn Bình hướng dẫn các em học sinh lựa chọn, đọc sách (Ảnh: Lã Tiến)
Sau nhiều năm công tác, thầy giáo Bình cho rằng, công việc tổng phụ trách là xây dựng kế hoạch để giáo dục, rèn luyện các kỹ năng cho học sinh, giúp các em học tập tốt hơn.
Hơn nữa, giáo viên tiểu học, nhất là giáo viên tổng phụ trách rất khó khăn, lại mất nhiều thời gian và cần sự đầu tư, quyết tâm từ chính bản thân người nhận nhiệm vụ này.
Do đó, giáo viên tổng phụ trách Đội phải thực sự yêu nghề, yêu học trò, đặt mình vào vị trí của các em mới có thể làm được.
“Mình luôn coi học sinh như một người bạn và dành nhiều thời gian lắng nghe, nói chuyện để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các em.
Khi các em nhận thấy được tình cảm của thầy dành cho công việc, cho mình thì các em sẽ tích cực tham gia các hoạt động tại nhà trường”, thầy Bình chia sẻ.
Công trình măng non: Khu thư viện xanh và khu vui chơi cho thiếu nhi của Trường tiểu học Quang Trung (Ảnh: Lã Tiến)
Theo cô giáo Phạm Thị Thanh An, Hiệu trưởng Trường tiểu học Quang Trung, thầy Nguyễn Văn Bình là giáo viên có năng lực, chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, có trách nhiệm với công việc.
Thầy có tính cách hài hước, tinh thần cầu tiến, lối sống thân thiện, gần gũi với mọi người, được phụ huynh, học sinh quý mến.
Đồng thời có tư tưởng vững vàng, thực hiện nghiêm túc các quy định của ngành, các năm học đều hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
Với những cống hiến hết mình cho các hoạt động tại nhà trường, 8 năm liền thầy giáo Nguyễn Văn Bình đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và liên tục nhận bằng khen của Trung ương Đoàn, Thành đoàn Hải Phòng.
Thầy Bình còn vinh dự khi 2 lần được nhận bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng.
Thành tích đặc biệt nhất, trong năm học 2018-2019, công tác Đội của Trường tiểu học Quang Trung xếp thứ nhất toàn huyện An Lão; đạt danh hiệu lá cờ đầu khối huyện toàn thành phố Hải Phòng.
Đây cũng là lần đầu tiên khối Đội của huyện An Lão nhận lá cờ đầu phong trào công tác Đội và phong trào thiếu nhi thành phố.
Thành tích đó đã giúp thầy giáo Bình vinh dự là 1 trong 14 giáo viên tổng phụ trách trên toàn quốc nhận giải thưởng “Cánh én hồng” do Trung ương Đoàn và Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
Vào tháng 8/2019, thầy Bình còn vinh dự là một trong 398 đảng viên trẻ tiêu biểu toàn quốc được gặp gỡ Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Những thành tích đáng tự hào mà thầy Bình cùng Trường tiểu học Quang Trung đã đạt được đã góp phần làm đẹp hình ảnh người giáo viên quê hương An Lão anh hùng, mảnh đất Núi Voi giàu truyền thống.
LÃ TIẾN
Theo giaoduc.net
Rời giảng đường đại học, em muốn được làm cô giáo
Đạt nhiều thành tích xuất sắc khi ngồi trên ghế giảng đường Đại học Hải Phòng, cô sinh viên Minh Nguyệt ấp ủ ước mơ khi ra trường sẽ trở thành cô giáo.
Học giỏi, năng động, nhiệt huyết, có trách nhiệm cao với công việc, giàu hoài bão là những điều chúng tôi cảm nhận được khi trò chuyện với Nguyễn Minh Nguyệt (sinh năm 1997), Bí thư Chi đoàn lớp Đại học sư phạm Toán K16, Trường Đại học Hải Phòng.
Sinh viên 5 tốt
Nhìn dáng người nhỏ nhắn, nước da trắng cùng nụ cười hiền khô của Nguyệt có lẽ ít ai nghĩ, em lại là một cán bộ đoàn rất nhiệt huyết, luôn sẵn sàng "cháy" hết mình vì phong trào.
4 năm học tại Trường Đại học Hải Phòng là từng ấy năm em tham gia làm cán bộ lớp với chức danh Bí thư Chi đoàn.
Đồng thời, nhiều năm liền Nguyệt tham gia phong trào của trường, của khoa và của lớp với tư cách Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội sinh viên Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội sinh viên Trường Đại học Hải Phòng;
Nguyệt còn là Phó Bí thư Liên chi đoàn Khoa Toán, Chủ nhiệm Câu lạc bộ "Sinh viên 5 tốt" Trường Đại học Hải Phòng, Bí thư Chi đoàn lớp Đại học Sư phạm toán K16.
Không chỉ học giỏi, Nguyễn Minh Nguyệt còn là một cán bộ đoàn năng động của Trường Đại học Hải Phòng (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Minh Nguyệt cho biết: "Em rất thích hoạt động phong trào bởi từ những hoạt động đó em học hỏi được rất nhiều từ các thầy cô giáo và các bạn.
Hơn nữa, tuổi trẻ qua đi rất nhanh, nếu em không thực sự "cháy" hết mình cho những đam mê thì e nghĩ sau này khó có thể làm được nữa".
Có lẽ chính vì niềm đam mê hoạt động phong trào, mà dù đảm nhiệm cùng một lúc nhiều vị trí nhưng với cương vị nào Nguyệt làm cũng rất tốt.
Ngay từ những năm học đầu tiên trên giảng đường đại học, Nguyệt đã xung phong trong chiến dịch sinh viên tình nguyện về xã Đoàn Lập (huyện Tiên Lãng) để góp sức vào phong trào xây dựng nông thôn mới cùng cán bộ đoàn cơ sở.
Hằng năm, em đều tham gia chương trình tiếp sức mùa thi, hoạt động tình nguyện viên trong Lễ hội Hoa phượng đỏ.
Chính vì thế, thời gian học tập tại Trường Đại học Hải Phòng, Nguyệt nhận được rất nhiều giấy khen, bằng khen của Hội sinh viên Việt Nam, Thành Đoàn Hải Phòng, Ban chấp hành Đoàn trường Đại học Hải Phòng, như:
Giấy khen đạt thành tích xuất sắc trong phòng trào thi đua giai đoạn 2013-2018 nhân dịp 70 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc;
Bằng khen thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên năm học 2017- 2018;
Bằng khen thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào sinh viên nhiệm kỳ 2015- 2018; Giải thưởng Sao tháng Giêng năm 2017...
Kể về những kỷ niệm trong thời sinh viên, Nguyệt cho biết, em nhớ mãi lần đi tình nguyện tại xã Đoàn Lập, huyện Tiên Lãng (Hải Phòng).Đặc biệt, năm 2018, Minh Nguyệt vinh dự là một trong 2 sinh viên của Trường Đại học Hải Phòng được vinh danh "sinh viên 5 tốt" cấp thành phố.
Một đoàn sinh viên chúng em có 23 người, được hoạt động và sinh hoạt cùng nhau hai tuần tại Nhà văn hóa xã rất vui.
Được cùng các anh chị đoàn viên cơ sở đi vớt bèo, cắt cỏ, bê gạch xây chùa, dọn đường làng, ngõ xóm cho khu dân cư là một trải nghiệm thú vị không bao giờ em quên được.
Không chỉ sôi nổi trong hoạt động đoàn và phong trào thanh niên, sinh viên mà Nguyệt học rất giỏi, luôn say mê trong nghiên cứu khoa học.
4 năm học qua, cô sinh viên này đều đạt thành tích xuất sắc trong học tập và được nhận học bổng của nhà trường.
Minh Nguyệt là gương mặt sinh viên tiêu biểu Trường Đại học Hải Phòng với nhiều thành tích vượt trội.
Năm học 2017-2018, em đạt giải Nhì sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường; Giải Ba môn Đại số trong kỳ thi Olimpic toán học sinh, sinh viên toàn quốc năm 2016, 2017 và 2018;
Nhiều năm liền được nhà trường khen thưởng sinh viên có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh...
Ra trường, em sẽ chọn nghề dạy học
Khi hỏi về lý do chọn ngành sư phạm, Minh Nguyệt cho biết: "Ngày học cấp 3, cô giáo chủ nhiệm của em cũng là cô giáo dạy Toán.
Suốt 3 năm học, em rất thần tượng cô nên em mong ước được trở thành người giáo viên như cô".
Minh Nguyệt chia sẻ: "Trong khi các bạn cùng lớp chọn những ngành học "hot" như: kinh tế, ngoại thương, công nghệ thông tin.. thì em lại chọn ngành sư phạm.
Bởi đơn giản là em yêu trẻ con, thích gần gũi chúng và quyết định của em được ba mẹ em rất ủng hộ.
Cô giáo tương lai Nguyễn Minh Nguyệt đang kiểm tra bài cho học sinh tại lớp chủ nhiệm thực tập (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Nguyệt chọn học tại Trường Đại học Hải Phòng, một trường ở gần nhà để tiện đi lại, bớt chi phí cho ba mẹ và có thời gian phụ mẹ dạy bảo em trai.
Thương ba mẹ vất vả nên rời khỏi giảng đường là em lại đi gia sư để kiếm thêm thu nhập.
"Em đi dạy từ năm nhất đại học nên đến nay số lượng học sinh của em cũng tương đối nhiều.
Em chủ yếu dạy học sinh ôn thi vào lớp 10 và ôn thi đại học", Nguyệt tâm sự.
Năm nay cậu em trai của Nguyệt thi vào lớp 10 nên mặc dù rất bận rộn cho đợt thực tập cuối khóa nhưng Nguyệt vẫn sắp xếp thời gian ôn tập môn toán cho em.
Nguyệt cho biết, thu nhập hàng tháng của em từ việc dạy gia sư cũng được hơn chục triệu đồng.Ngoài ra, Nguyệt vẫn dạy thêm hai nhóm học sinh ôn thì vào lớp 10 với 13 học sinh và dạy kèm thêm một vài học sinh tại nhà.
Thông minh, nhanh nhẹn nên Minh Nguyệt sắp xếp thời gian học tập, hoạt động phong trào và thời gian đi làm thêm rất khoa học vì thế kết quả học tập của em luôn đứng tốp dẫn đầu khoa Toán.
Nói đến Minh Nguyệt không chỉ sinh viên trong khoa mà rất nhiều sinh viên khác trong trường biết đến với tấm gương một sinh viên học giỏi, một Bí thư Đoàn năng động.
Khi được hỏi về định hướng công việc sau khi ra trường, Nguyệt thủ thỉ, em sẽ tiếp tục học lên cao học kết hợp với việc đi dạy thêm để có thu nhập trang trải cuộc sống.
Song hành với đó là em đi học một lớp nhiếp ảnh để thực hiện ước mơ đã ấp ủ từ lâu.
Xa hơn, em sẽ tích lũy thêm kinh nghiệm và trau dồi kiến thức, em muốn được làm cô giáo và sẽ thi tuyển vào làm giáo viên dạy toán tại Vinschool Hải Phòng.
TUẤN KIỆT
Theo giaoduc.net
Chuyện người "gieo chữ" ở Hang Kia - Hòa Bình Với lòng yêu nghề, cô giáo Hà Thị Hằng đã gieo cái chữ làm thay đổi cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông, ở Hang Kia, tỉnh Hòa Bình. Hang Kia - tỉnh Hòa Bình là một xã đặc biệt khó khăn, với trên 95% dân số là đồng bào dân tộc Mông. Vì vậy, công tác phổ cập giáo dục, xóa...