Thầy “sống khỏe” nhờ luyện thi
“Tôi chăm chỉ đi dạy ở các trung tâm luyện thi, ngày 4 – 6 ca từ sáng đến tối, không nổi tiếng nhưng có uy tín, tôi vẫn nuôi được con đang đi du học tự túc ở Mỹ. Nhiều đồng nghiệp của tôi cũng mua được căn hộ tiền tỷ ở trung tâm”.
Trên đây là chia sẻ của một giáo viên ở tỉnh về TPHCM mở lớp luyện thi đại học ở quận 5.
200.000 đồng/buổi học 2 tiếng. Đó là giá “hữu nghị” của nhiều giáo viên luyện thi có tiếng ở TPHCM. Cứ mỗi mùa thi, hàng trăm học sinh chen chúc tại các lớp học này mà chưa rõ hiệu quả thế nào.
“Săn” thầy tốt để luyện thi
Cuối tháng trước, đến đăng ký học một thầy luyện thi toán nổi tiếng tại một trung tâm luyện thi đại học ở quận 1 với lớp học có sĩ số lên tới hơn 100, Thanh Nam – học sinh lớp 12 ở quận 5 được giáo viên xếp lớp căn dặn:
“Con có thể học thử 2 buổi, nếu thấy hợp thì đóng học phí từ giờ tới kỳ thi đại học là 4 triệu đồng/20 buổi học, mỗi buổi 2 tiếng. Chú ý là không được nói chuyện trong giờ học, không được bỏ về sớm, bài tập giao về nhà làm đủ, nếu không thầy sẽ đuổi học đó”.
Theo lời Nam, giáo viên chính ở đây là trưởng khoa toán của một trường đại học nên phong cách giảng rất khác. Dù học phí đắt gấp đôi em vẫn cố theo học…
Một lớp luyện thi đông tới hàng trăm em.
Video đang HOT
Khác với Nam, Bảo Hòa – một học sinh trường chuyên đã luyện thi từ 2 năm nay tại căn biệt thự của thầy T – một giáo viên có tiếng ở khu vực quận 10. “Em học luyện thi từ năm lớp 11 để thi đại học đạt kết quả cao. Học ở nhà thầy rất thích vì rộng rãi, mát mẻ, không phải chen chúc ở trung tâm. Thầy giảng bằng micro nên lớp đông, hơn 100 bạn mà vẫn nghe rõ” – Bảo Hòa cho hay.
Hòa cũng cho biết, trước đây thầy có thuê lớp học ở một trường trung học, nhưng do học sinh đến đăng ký luyện thi ngày một đông, phòng học quá tải nên thầy quyết định xây nhà to để có đủ chỗ cho học sinh học, hơn nữa thầy cũng không phải di chuyển vì một ngày dạy mấy ca liền.
Về lý do vì sao chọn thầy này, trung tâm kia để luyện thi đại học, nhiều em nói chỉ vì “mách nhau”, hoặc “nghe nói thầy có trò giỏi, đỗ cao”. Em Mai Phương Thảo – học sinh một trường THPT ở quận Tân Bình nói: “Em chọn lớp của thầy vì có một thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011 và một thủ khoa của trường đại học hàng đầu ở TPHCM đã từng luyện ở đây”.
“Siêu sao” luyện thi đại học
Tại TPHCM, có một vài giáo viên đã nổi lên như một “siêu sao” luyện thi đại học. Nếu như mỗi lớp luyện thi đại học thông thường chỉ có khoảng vài chục học sinh thì sĩ số của giáo viên có tiếng lên tới hơn 100, thậm chí gần 200 học sinh/lớp. Với mức học phí từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng/học sinh/năm, những giáo viên luyện thi đại học nổi tiếng có thể thu được tiền tỷ mỗi năm.
Thầy H.M.L. – một giáo viên ở tỉnh về TPHCM mở lớp luyện thi ở quận 5 bày tỏ: “Tôi chăm chỉ đi dạy ở các trung tâm luyện thi, ngày 4- 6 ca từ sáng đến tối, không nổi tiếng nhưng có uy tín, tôi vẫn nuôi được con đang đi du học tự túc ở Mỹ. Nhiều đồng nghiệp của tôi cũng mua được căn hộ tiền tỷ ở trung tâm. Giáo viên có tiếng hay không chỉ hơn nhau cái duyên giảng bài làm học sinh thích thú”.
Trao đổi với phóng viên NTNN, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Theo ghi nhận của tôi, hàng năm có rất nhiều thủ khoa đại học từ các vùng quê, không đi học thêm bao giờ vì nhà nghèo, chỉ cần học kỹ kiến thức giáo viên dạy trên lớp và về nhà chịu khó làm bài tập là đạt điểm cao. Điều đó cho thấy, chỉ cần học sinh quyết tâm và chăm chỉ học tập là có thể thi đậu đại học, không nên đổ xô chọn thầy, chọn lớp có tiếng, vừa tốn kém, vừa học chen chúc, không mấy hiệu quả.
Tuy nhiên, không phải học sinh nào theo luyện thi giáo viên “nổi tiếng” cũng thành công. Năm ngoái, Thanh Hoài ở quận Gò Vấp bỏ 5 triệu đồng theo khóa luyện thi nhưng điểm thi đại học cho môn luyện ở lớp thầy giỏi chỉ đạt 3 điểm. Kinh nghiệm “xương máu” của Hoài là phải biết lượng sức mình, nếu học tốt thì luyện với thầy giỏi mới theo kịp.
Còn với mức học thường thường bậc trung, hãy chọn lớp học ít học sinh để có điều kiện hỏi thầy những kiến thức nào chưa rõ. Tại các lớp luyện có tiếng trên trăm học sinh, người học chỉ biết nghe giảng chứ không thể hỏi được gì.
Sinh viên Trần Hưng Đạt (Trường ĐH Quốc tế – ĐH Quốc gia TPHCM) chia sẻ: Thí sinh tự do hoặc học sinh các trường bình thường nên tham khảo các thông tin từ học sinh các trường THPT chuyên tại TPHCM, các em này biết khá nhiều thông tin về các thầy cô dạy giỏi các bộ môn, sau đó đến đăng ký học vì các giáo viên này tổ chức luyện thi ĐH bắt đầu từ tháng 3 hàng năm.
Theo Hà Vũ – Quốc Hải
Dân Việt
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: "ISEF thu hút sự quan tâm của giới khoa học"
Đánh giá sau năm đầu tiên Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức Hội thi Khoa học kỹ thuật (ISEF) trên phạm vi toàn quốc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, cuộc thi đã nhận được sự quan tâm lớn của giới khoa học nước nhà.
Trao đổi riêng với PV Dân trí ngày 4/4, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển ( ảnh) nói: "Bộ đã mời hơn 100 nhà khoa học tới để giới thiệu chi tiết về ISEF, đề xuất các thầy có điều kiện tham gia hướng dẫn học sinh. Nhiều thầy đã nhiệt tình nhận lời, và từ đó nhiều học sinh đã tận dụng được cơ sở nghiên cứu của các thầy".
Bên cạnh đó, nhiều giáo sư, tiến sỹ sau khi hiểu về cuộc thi đã nhận lời tham gia các hội đồng chấm thi, giúp nâng cao chất lượng cuộc thi. Một số trường đại học, các tổ chức, doanh nghiệp... đã tham gia trao các giải riêng cho các nhóm thí sinh.
Ngoài ra, theo Thứ trưởng, Bộ cũng đã mời một nhóm các thầy dạy tiếng Anh của các trường Đại học tham gia tư vấn, đánh giá khả năng thuyết trình bằng tiếng Anh của các thí sinh. Năm nay, Bộ có khuyến khích thuyết trình bằng tiếng Anh nhưng không bắt buộc, mà sẽ chỉ bắt buộc với những nhóm được chọn đi Mỹ dự thi quốc tế. Theo đánh giá của Thứ trưởng, nhìn chung năm nay tiếng Anh của nhiều nhóm đã có sự tiến bộ so với thí sinh các năm trước.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển (bên trái) trao đổi với PV Dân trí.
Sau mấy năm liền triển khai ở các địa phương, tiếp đà thắng lợi của năm 2012 khi Việt Nam lần đầu tiên có nhóm thí sinh đoạt giải (và là Giải Nhất)
tại ISEF quốc tế, năm qua Bộ GD-ĐT đã mở rộng quy mô cuộc thi ra toàn quốc.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, việc tổ chức ISEF trên diện rộng đáp ứng được nhu cầu của học sinh, phụ huynh học sinh, ngành giáo dục, cũng như toàn xã hội. "Lâu nay chúng ta vẫn nói việc dạy học đơn điệu, kiến thức không áp dụng được vào thực tiễn, nhà trường dạy nặng về lý thuyết..., thì ISEF đáp ứng được yêu cầu về thay đổi, tăng cường hình thức giáo dục, tạo môi trường cho học sinh vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Từ việc học gắn liền với thực tiễn nên mới phát hiện ra vấn đề, từ đó không chỉ vận dụng kiến thức trên lớp mà còn tham khảo nhiều tài liệu, một số em còn tham khảo tài liệu cấp trên, ví dụ có em học sinh lớp 9 đã tham khảo tài liệu lớp 11, 12, và tham khảo Internet", ông nói.
Theo Thứ trưởng, ISEF giúp sớm phát hiện và khuyến khích những nhà khoa học tương lai. Ông tâm sự, đã tiếp xúc với những em học sinh phát
biểu rất say mê và hồn nhiên về những phát hiện trong thực tế, và ông cảm nhận được niềm tin rằng những em này chắc chắn sẽ tiếp tục theo đuổi việc nghiên cứu những vấn đề khoa học này.
Không chỉ tập trung vào nghiên cứu đơn thuần, ISEF còn giúp thúc đẩy tư duy tổ chức, lên kế hoạch, thực hiện kế hoạch, trình bày báo cáo, làm việc nhóm, tận dụng sự hỗ trợ từ các thầy cô giáo trong nhà trường, các nhà khoa học, các cơ sở sản xuất... "Đó chính là yêu cầu về tác phong làm việc khoa học", ông Hiển nói.
Về phía tổ chức, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, Bộ đã ban hành quy chế, tuyên truyền kết hợp tập huấn cho các sở và ngành GD-ĐT các địa phương, để hiểu được ý nghĩa cũng như cách tổ chức thực hiện. Bộ chỉ thực hiện quy chế của bộ, hướng dẫn yêu cầu của cuộc thi, các tiêu chí đánh giá, và để các địa phương tự vận dụng trên cơ sở tự nguyện.
Tuy nhiên, ông Hiển đánh giá, do năm đầu triển khai toàn quốc, hội thi ISEF quốc gia còn nhiều hạn chế trong công tác thông tin, tuyên truyền đối với toàn xã hội cũng như với chính ngành giáo dục cả nước. Vì vậy, lãnh đạo Bộ mong muốn, từ năm sau sẽ nhận được sự phối hợp, hỗ trợ thông tin tích cực, hiệu quả hơn từ phía giới báo chí, trong đó có Báo Dân trí.
Tiếp lời Thứ trưởng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Vũ Đình Chuẩn bày tỏ mong muốn Báo Dân trí sẽ tham gia đồng hành cùng ISEF Việt Nam từ năm tới với vai trò nhà bảo trợ thông tin, sau khi Dân trí đã là tờ báo độc quyền tường thuật trực tiếp cuộc thi ISEF quốc tế tại Mỹ trong 2 năm liền, và góp phần quan trọng trong việc quảng bá về cuộc thi này tại Việt Nam.
Tuấn Anh
Theo dân trí
5 giáo viên luyện thi tiếng Anh 'đình đám' tại Hà Nội Cô Phạm Chi Mai, Vũ Mai Phương, Nguyễn Diệp Hồng là cái tên được rất nhiều sĩ tử nhắc đến khi đi tìm giáo viên luyện thi tiếng Anh. Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có hàng trăm các trung tâm ngoại ngữ, điều đó khiến nhiều sĩ tử khối D băn khoăn không biết đâu là địa chỉ tin cậy giúp...