Thầy ơi, con đã hiểu
Đã lâu lắm tôi chưa gặp lại thầy. Nhưng khuôn mặt ấy, dáng đi ấy và đặc biệt là những lời thầy giảng đã trở thành hành trang không thể thiếu trong hành trình cuộc sống mà tôi không thể quên.
Người tôi đang nói đến là thầy Nguyễn Văn Đạt – giáo viên dạy toán Trường THPT Đặng Thai Mai (Thanh Chương, Nghệ An).
“Thầy Nguyễn Văn Đạt (áo đỏ) và tập thể lớp 12A1 hè cuối năm 2009. Hình này tôi chụp lại từ một hình gốc nên hơi mờ và có dòng chữ kỷ niệm. Đó cũng là tấm hình duy nhất tôi có về thầy” – Ảnh và chú thích ảnh do tác giả bài viết cung cấp
Ba năm phổ thông, tôi học chuyên ban D, thầy dạy chuyên ban A nên chỉ được học với thầy vào những buổi học thêm. Nhưng tôi biết thầy ngay trong những ngày đầu tiên bước vào lớp 10. Thầy là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, là cánh chim đầu đàn của tổ toán, luôn dẫn đầu trong thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp toàn trường. Và hơn hết, hoàn cảnh gia đình thầy với những đứa con không may nhiễm chất độc da cam làm tôi xúc động vô cùng.
Trong những bài giảng của thầy, ngoài kiến thức chuẩn môn toán, chúng tôi còn được thầy dành ít phút tái hiện những tháng ngày đất nước đứng lên chống Mỹ cứu nước và thầy cũng là một chiến sĩ Trường Sơn năm xưa sống sót trở lại quê hương. Những câu chuyện kể, những tâm sự rất đời thường của chính bản thân thầy làm tôi có ý chí, có sức mạnh để vượt qua những khó khăn của cuộc sống.
Nhớ đến thầy, trong tôi là hình ảnh một ông giáo luôn đội mũ cối đứng bên dòng nước chảy xiết dắt từng chiếc xe đạp cho học sinh trong những ngày lụt lội, chờ cho đứa cuối cùng lên xe thầy mới yên tâm mang đôi dép rọ đã phai màu theo năm tháng tới trường. Chưa bao giờ tôi thấy thầy bận bộ quần áo đạo mạo mà nghề giáo cần phải thế để lên lớp. Thầy vẫn giản dị và mộc mạc như chính con người thầy vậy.
Tôi nhớ nhất là ngày biết tin mình rớt đại học, niềm tin và hoài bão trong tôi tưởng chừng vụt tắt. Tôi ngồi trên hành lang tầng hai của trường cả tiếng đồng hồ chỉ để khóc. Sân trường mùa hè vắng lặng đến đáng sợ, tôi như con chim non bay ngược chiều gió chao đảo và sắp rơi. Tôi chỉ biết khóc, tiếc công 12 năm đèn sách đã đổ sông đổ biển và trách bản thân.
Tôi không dám về nhà, không dám đối diện với bất kỳ ai vì xấu hổ. Bao nhiêu suy nghĩ dại dột thoáng qua trong đầu. Vừa đúng lúc thầy lên trường đi dạo, thấy tôi, thầy nhẹ nhàng đến bên hỏi han, động viên. Thầy khuyên tôi ôn thi lại thêm một năm nữa. Rồi thầy hướng mắt về phía đường chạy của sân thể dục ôn tồn: “Con biết không, trên đường chạy đó, nếu chỉ vì vấp ngã mà bỏ cuộc thì sẽ chẳng bao giờ về tới đích. Nhưng nếu biết đứng lên ngay chính nơi ngã thì đôi chân ấy sẽ đưa con đến bất kỳ đâu con muốn”. Sau đó, thầy gửi tôi vào lớp luyện thi gần nhà để có điều kiện học hành và giúp đỡ bố mẹ.
Ngày tôi nhận giấy báo trúng tuyển với số điểm khá cao, tôi cố chạy thật nhanh về khoe thầy. Thầy xoa đầu tôi khen: “Được”. Tôi vặn vẹo sao thầy chưa bao giờ khen ai giỏi mà luôn ở mức “được”. Thầy nhoẻn miệng hiền lành: “Thầy muốn con sẽ luôn cố gắng. Thầy sợ các con lại thỏa mãn với những thành công ban đầu”.
Thầy ơi! Con đã đã hiểu. Giờ đây đã là sinh viên đại học năm thứ ba, con biết được thêm những điều mới mẻ và đầy bất ngờ của cuộc sống. Con hiểu rằng đường con đi không trải hoa hồng mà đầy những thử thách. Con sẽ tự mình đứng lên và đi tiếp như ngày xưa thầy đã đỡ con dậy.
Ở nơi xa ấy, nếu thầy đọc được những dòng tâm sự này, con tin rằng thầy vẫn mỉm cười khen “Được!”. Từ sâu thẳm trong trái tim, con vẫn luôn nguyện cầu thầy luôn mạnh khỏe để tiếp tục sự nghiệp trồng người.
NGUYỄN THỊ HIỂU (lớp 10cbc, khoa ngữ văn, ĐH Sư phạm Đà Nẵng)
Video đang HOT
Theo tuổi trẻ
Học trò có cảm hứng học nhờ những thầy cô 'xì tin'
"Thầy cô trường em rất "xì tin", bắt nhịp trình độ CNTT để ứng dụng. Các thầy cô tạo một trang mạng xã hội để chia sẻ bài tập, giải đáp thắc mắc của học sinh", bạn Lưu Trung Hiếu chia sẻ.
Đề án "Đổi mới giáo dục căn bản và toàn diện" do Bộ GD&ĐT và Ban Tuyên giáo T.Ư xây dựng để trình hội nghị BCH T.Ư 6 khóa XI đang là mối quan tâm của dư luận. Tờ trình đã đưa ra hình hài các phần đề xuất: thực trạng GD&ĐT, phương hướng chủ yếu đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT, những điểm mới của đề án, tổ chức thực hiện và những vấn đề xin ý kiến T.Ư.
Tuy nhiên, câu chuyện đổi mới giáo dục bắt đầu từ đâu vẫn là dấu hỏi lớn, và các em học sinh, những người có sự ảnh hưởng nhất của vấn đề này cũng có những chia sẻ về việc điều gì khiến các em thích thú khi đến trường và thầy cô có vai trò ra sao trong các bài học. Dưới đây là những ý kiến của các em về điều đó.
Chuyên Ams: Thầy cô xì tin, hoạt động ngoại khoá là chìa khoá giải toả áp lực
Lưu Trung Hiếu, THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam
Lưu Trung Hiếu, 12 Pháp, THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam cho rằng: "Đi học, nói chung, đa phần các học sinh đều không thích nhắc tới từ này. Nhưng mà khi không được đi học lại nhớ trường nhớ lớp, em cũng thế.
Em đang học lớp 12 nên lịch học khá dày. Thậm chí, lớp em chỉ có thứ 4 là 3 tiết thì cô chủ nhiệm cũng cho thêm 2 tiết vào dạy bổ sung để thi. Bây giờ cả tuần ngày nào cũng 5 tiết và học 2 buổi chiều (không kể 2 buổi học nữa nếu bạn nào tham gia đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia).
Việc học vốn dĩ khô khan nhưng học trường Ams cho em một không khí khác với thời còn học cấp 1, cấp 2.
Em rất thích đi học ở Ams vì rất nhiều lí do. Thứ nhất, cơ sở vật chất rất tuyệt vời, trường rộng rãi thoải mái, các khu để hoạt động ngoại khóa rất đầy đủ (sân bóng đá, bóng rổ, bể bơi...). Thứ hai là thầy cô trường em rất xì tin, bắt nhịp trình độ công nghệ thông tin để ứng dụng. Các thầy cô tạo một trang trên mạng xã hội dùng để chia sẻ các bài tập thêm và cách giải bài tập, giải đáp thắc mắc, yêu cầu của học sinh. Trang này hoạt động khá hiệu quả, đầu tàu là thầy Lê Đức Thuận, thầy Sơn "Onizuka"...
Có thể hình dung Ams như thế này: khi ngồi trong lớp không khí học rất cao, nhưng mỗi khi có dịp gì, sức chơi cũng hừng hực không kém. Vừa rồi, bọn em có ngày hội anh tài, ngày hội sáng tạo, ngày hội thể thao... nhiều ngày hội tới mức em không nhớ hết tên nữa. Được thay đổi không khí liên tục nên em không bao giờ cảm thấy nhàm chán lớp học, áp lực bài vở cũng giảm đi nhiều.
Chỉ hơi tiếc là trường Ams mới không thơ mộng, cổ kính như trường cũ mà theo lối kiến trúc hiện đại. Xung quanh trường không có hàng quán hay chỗ nào để bọn em vui chơi giải trí.
Tuy vậy, ở trường có một nơi học sinh rất thích, đặc biệt là nam sinh. Đó là sân thượng, phong cảnh rất đẹp và mát. Nhưng nơi này lại bị cấm, chắc các thầy cô cho rằng nó nguy hiểm nên đã khoá cửa là phong toả mọi con đường khiến cho "đám quỷ" bọn mình chẳng thể nào leo lên sân thượng. Còn một chuyện, chỉ Amser mới biết là khoảng tầm 3h chiều, bóng của toà nhà cao tầng bên cạnh sẽ đổ xuống che đúng sân bóng, lúc này mà đá bóng thì tuyệt".
Học sinh thích học là do thầy cô tạo được hứng thú
Lê Thị Hương Giang
Lê Thị Hương Giang, học sinh THPT Marie Cuire (Hà Nội) cũng cùng quan điểm với, em cho rằng: "Ở trường, chính thầy cô là người quyết đinh học sinh có hứng thú với việc học hay không. Cách dạy của thầy cô hay, chúng em sẽ rất tập trung.
Về chuyên môn thì em không đánh giá cụ thể, nhưng cái em cảm nhận được là thầy cô nhiệt huyết, biết sẻ chia với học sinh và rất bình đẳng. Trường Marie Cuire có ưu điểm là không bị gò bó về lễ nghi như nhiều trường công lập, cô và trò không có cảm giác xa cách.
Riêng chuyện kết quả học tập có tốt hay không, em nghĩ học sinh cấp 3 rồi, phải biết tự vận động, cho nên chủ yếu là do bản thân mình thôi.
Tuy nhiên, khác với Trung Hiếu tự hào về ngôi trường có khuôn viên, sân chơi thể thao..., Hương Giang tỏ ra tiếc nuối khi không gian trong trường Marie Cuire hơi chật chội, không có sân trường.
Nguyên Thùy Linh, lớp 11 THPT Nhân Chính
Nguyên Thùy Linh, lớp 11 THPT Nhân Chính (Hà Nội) cũng cho rằng mình khá áp lực với việc học hành: "Em thây các anh chị khóa trên nói lớp 11 học rât căng nên phải cô gắng nhiêu mới hoàn thành tôt. Hơn nữa, em học hành cũng không phải loại xuất sắc, nhiêu lúc cũng lười, ham chơi nhưng vì tương lai cũng phải học cho mình".
Tuy nhiên, đồng quan điểm với các bạn trẻ trên, Thùy Linh cho biết phương pháp giảng dạy của thầy cô là yếu tố quyết định cho việc học: "Thây giáo lớp em rất nhiêt tình, khi giảng bài nêu những ví dụ gân với thực tê thì học sinh hào hứng hơn. Lớp học sôi nôi chắc chắn lượng kiên thức sẽ không những nhẹ đi mà học sinh còn tiêp thu được dê hơn".
Cần lồng ghép những câu chuyện thực tế trong bài giảng, kết hợp trò chơi
Vũ Thị Hải Yến, THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm
Vũ Thị Hải Yến, học sinh lớp 11 THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cũng như hầu hết các bạn trẻ khác đều rất thích đi học: "Đến trường, việc em thích nhất là được gặp gỡ, vui vẻ với bạn bè, thiếu đi bạn bè thì việc tới trường chỉ là hoàn thành nghĩa vụ học sinh.
Giáo viên chủ nhiệm lớp em khá tâm lý, hiểu học trò nhưng cũng không kém phần nghiêm khắc. Học sinh ai chẳng có lần phạm lỗi, quậy phá chỗ này chỗ kia, mình cũng vậy. Khi có chuyện, thầy cô phạt nặng những vẫn bao dung, động viên mình cố gắng học tập.
Em thích nhất là cô Thuỷ dạy Văn, cô hay đưa những câu chuyện thực tế về cuộc sống vào trong bài học và đôi lúc có cả trò chơi để học hành không bị nhàn chán.
Gần đây, trường em hay tổ trức các sự kiện để học sinh vui chơi như các lễ hội, mới nhất là đêm rằm trung thu, sắp tới là sự kiện lễ hội halloween có nhiều trò vui phân theo từng khối... Ai cũng nói là thầy hiệu trưởng tâm lý nên học sinh sướng".
Bạn bè, lớp học vui vẻ là động lực tới trường
Nguyễn Thuý Tâm Đan, THPT Việt Đức
Nguyễn Thuý Tâm Đan, lớp 12, THPT Việt Đức (Hà Nội) thì có lý do riêng về việc đến trường: "Em thích đi học vì có nhiều bạn bè. Những ngày nghỉ ở nhà lủi thủi một mình rất chán. Trường em rất nhiều các bạn hot boy, hot girl. Đi học là được nhìn thấy các bạn mình lúc nào cũng xinh xắn, dễ thương.
Em thấy học vui nhưng mệt vì lớp 12 rồi. Lịch học căng thẳng, ngày nào cũng 5 tiết. Em không thích phải thi nhiều, rất mệt, đủ các loại thi từ thi thật đến thi thử... Dù vậy, các giáo viên trường em khá thoải mái và tuyệt đối không có chuyện trù dập học sinh.
Thế nhưng, em phải nói thật một điều, đó là em không thích mặc đồng phục thể dục, nó vừa nóng vừa không đẹp lắm".
Tâm Đan cũng rất thú vị với ngôi trường của mình: "Trường em có dãy nhà A, kiến trúc Pháp, rất lãng mạn, tiếc là mình không được học ở khu này. Căng tin trường khá phong phú, có có mỳ tôm chanh, bánh mì nem khoai là hai món khoái khẩu của em. Trước cổng trường có nhiều quán ăn teen, là nơi học sinh Việt Đức ngồi "chém gió" với nhau sau mỗi buổi học".
MAI CHÂM
Theo Infonet
Tuyệt chiêu của thầy giáo khiến teen 'cuồng' Thầy Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu đã và đang khiến teen ở các trường THPT "phát cuồng" với những chuyên đề kĩ năng sống và giáo dục giới tính và ngôn ngữ rất xì tin. Trong một giờ dạy học trò về tình cảm lứa tuổi "Tuyệt chiêu" của thầy chính là mượn những trò chơi để "dẫn dụ" teen vào bài học một...