Thấy học trò chơi game quá giỏi, thầy chủ nhiệm từng đề nghị bố mẹ Bin cho cậu… bỏ học thêm để tập trung try-hard
Bin có được thành tựu như ngày hôm nay, ngoài nỗ lực cá nhân của anh cũng phải kể đến sự tác động rất lớn từ gia đình và nhà trường.
Mới đây, một đoạn phóng sự về Bin – Tuyển thủ Đường trên của Suning đã được ra mắt và phiên bản vietsub cũng được đăng tải trên kênh Youtube của SofM. Trong đoạn phóng sự này, chúng ta sẽ biết được thêm nhiều thông tin thú vị về hành trình đến với LMHT chuyên nghiệp của “bạn cùng phòng với SofM”.
SN BIN LÀ AI ? – AI MỚI LÀ NGƯỜI ĐỀ NGHỊ CHO BIN THI ĐẤU CHUYÊN NGHIỆP ? | VIETSUB – Kênh Youtube SofM
Bin bắt đầu gắn bó với LMHT sau khi thấy anh họ mình chơi tựa game này. Sau đó, bố cậu cũng tỏ ra rất hứng thú, và 2 bố con cùng nhau chơi. Vì nhà chỉ có một chiếc máy tính, nên bố con Bin thường xuyên… rủ nhau ngồi net.
Bố của Bin kể lại: “Tôi thích chơi Tryndamere, rank Đồng thôi, lúc ở nhà mà gặp trận đấu mình chơi kém quá là lại gọi con trai: ‘Con ơi vào gánh bố hộ cái’, dù ở hoàn cảnh nào thì khi nó chơi thay tôi cũng cứ 1 cân 4 như thường.”
Bin cho biết, so với các vị phụ huynh khác, bố anh là người cởi mở và không quá nghiêm khắc, có thể nói, Bin đã trải qua một tuổi thơ vô cùng hạnh phúc, êm đềm, không phải vì sự dư dả vật chất, và vì có được người cha sẵn sàng lắng nghe, thấu hiểu cho những sở thích và đam mê của mình.
Trong mắt mọi người, bố con Bin như 2 người bạn, dễ dàng chia sẻ những tâm sự, cảm thông và thấu hiểu lẫn nhau
Đến ngay cả khi đi học trung học, sự nghiệp tuyển thủ của Bin cũng được những người xung quanh vun đắp. Người bạn thân của Bin vì thấy anh rất chăm chú xem livestream và nghiên cứu thông tin, liền nhận ra ước mơ của Bin, và nói chuyện với thầy giáo chủ nhiệm, với mong muốn thầy sẽ tạo điều kiện giúp đỡ Bin thực hiện mục tiêu.
Người thầy này lại cũng là lần đầu tiên nắm quyền chủ nhiệm một lớp học, tính cách vô cùng cởi mở, sau khi nghe bạn học phản hồi về năng lực của Bin, liền hẹn gặp bố mẹ tuyển thủ này và đề nghị… không bắt Bin phải tham gia giờ tự học buổi tối nữa, thay vào đó, thầy giáo đề nghị gia đình hãy thử tạo điều kiện để Bin được chơi game nhiều hơn, xem tiềm năng của cậu bé này có thể phát triển đến đâu.
Công bằng mà nói, với việc thể thao điện tử chưa phải là một nghề được thừa nhận rộng rãi, việc các thầy cô trong trường đồng cảm với trường hợp của những học sinh muốn theo đuổi đam mê này đã là cực kỳ đáng trân quý rồi. Nhưng thậm chí, với trường hợp của Bin, thầy giáo chủ nhiệm của anh còn tham gia “vẽ đường cho hươu chạy”.
Thầy giáo chủ nhiệm của Bin đề nghị gia đình cho cậu bé được “học ít đi” để có thời gian phát triển tiềm năng chơi game
Thậm chí, thầy giáo còn nói một câu khiến bố mẹ Bin cực kỳ thấm thía: “Thằng bé làm nghề gì cũng được, cũng là một con đường, ít nhất thằng bé cũng có ước mơ.”
Đường đường là một giáo viên, lại xui phụ huynh cho học sinh… “học ít đi, chơi game nhiều vào”, quả thật là một câu chuyện hi hữu. Đến bây giờ, mẹ của Bin khi hồi tưởng lại vẫn tếu táo nói rằng: “Quyết định để Bin thôi học và đi đánh chuyên nghiệp là do thầy giáo ‘chỉ điểm’ đấy nhé!”
Và rốt cuộc, Bin cũng không phụ sự tâm huyết, chăm lo của bố mẹ và thầy giáo, chỉ sau 1 năm ra mắt đội hình chính của Suning, Bin đã cùng các đồng đội góp mặt tại CKTG – giải đấu danh giá bậc nhất của thể thao điện tử quốc tế, và hành trình của Bin chắc chắn sẽ còn tiếp diễn, khi giờ đây, động lực của anh chàng đã không còn gói gọn trong việc theo đuổi ước mơ nữa, mà trên vai Bin còn là những niềm tin, hi vọng của gia đình, bạn bè và người thầy tâm huyết năm xưa.
Hướng nghiệp theo cách phụ huynh ngành nhân sự
Làm ngành nhân sự, hiểu về xu hướng nghề nghiệp và những kỹ năng cần thiết để thành công trong sự nghiệp hơn ai hết, cách hướng nghiệp cho con cái, người thân của những phụ huynh này có gì đặc biệt?
Anh Dũng (giữa) trao đổi với các nhân sự trẻ trong giờ giải lao công ty - ẢNH: THÚY HẰNG
Hướng nghiệp "3 không"
Không chọn việc "hot", không cố chấp "một đời một nghề" và không bị cuốn vào "hội chứng đam mê", đó là quy tắc "3 không" mà chị Tiêu Yến Trinh, Tổng giám đốc Talentnet (Q.1, TP.HCM), chuyên tư vấn chiến lược và giải pháp nhân sự, phụ huynh của hai con đang học THCS và THPT, áp dụng.
Chị Trinh dẫn chứng những năm 2008 - 2010, nghe đến khái niệm "kỹ thuật viên", "lập trình viên", nhiều bạn trẻ còn ngồi trên ghế nhà trường không mấy mặn mà vì nghĩ công việc khô khan, đãi ngộ thấp. Nhiều bạn hào hứng đăng ký vào các khối ngành "hot" như tài chính, ngân hàng, thế nhưng vài năm sau bị bão hòa nhân lực.
Trong khi đó, công nghệ phát triển như vũ bão, các ngành công nghệ thông tin lên ngôi, thậm chí chơi game cũng tạo ra được thu nhập khổng lồ.
"Mỗi người trẻ nên tập quan sát, phân tích bối cảnh thị trường lẫn thời cuộc. Thay vì bị thu hút bởi hào quang các ngành đang "lên ngôi", quan trọng hơn là liệu mục tiêu đó có phù hợp với sở thích, sở trường của bản thân mình", chị Trinh nói.
Không cố chấp "một đời, một nghề", tức là luôn sẵn sàng để thích ứng, sáng tạo, đổi mới sẽ giúp các bạn trẻ đủ linh hoạt vượt qua được những nghịch cảnh trên con đường sự nghiệp. Chị Trinh ví dụ dịch Covid-19 vừa qua, nhiều bạn đang trong ngành du lịch, khách sạn ở các vị trí lễ tân, chăm sóc khách hàng... buộc phải đi tìm kiếm cơ hội ở những ngành nghề khác để có thu nhập.
Đáng chú ý, phụ huynh làm nhân sự hướng con cái "không bị cuốn vào hội chứng đam mê". "Công việc phù hợp với sở thích sẽ cho chúng ta động lực để làm việc, nhưng công việc phù hợp với tiềm lực của bản thân sẽ giúp ta xác định rõ ràng mục tiêu nghề nghiệp và tiến nhanh hơn đến cột mốc thành công, đặc biệt với những bạn trẻ còn "loay hoay" với sở thích và đam mê của mình", chị Trinh phân tích.
Hướng kỹ năng
Gặp gỡ, trao đổi với nhiều thầy cô giáo về hướng nghiệp, đồng thời cũng tư vấn nghề nghiệp cho các bạn trẻ, nhiều trong số đó là em hoặc cháu trong gia đình, anh Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc nhân sự Công ty eSmart (Q.3, TP.HCM), nói dù nắm được xu hướng nghề nghiệp, những ngành đang "hot", cơ hội việc làm cao hoặc cho thu nhập lớn trong thời gian tới, nhưng anh không vẽ sẵn con đường. Anh lý giải, để mỗi bạn trẻ hiểu thế mạnh của mình, đi tìm đam mê và khẳng định bản thân, có thể sẽ có lúc sai lầm nhưng phải thử, rồi sửa, ngã ở đâu đứng lên ở đó.
"Ví dụ hướng nghiệp cho một học sinh 15 tuổi, nhưng 8 năm sau khi em học xong, đi làm, mọi thứ đã thay đổi rồi. Nên tốt nhất, tôi chọn giải pháp hướng các em về những kỹ năng quan trọng hiện nay trên toàn cầu, đó là thẩm định vấn đề, nhạy bén với ý tưởng, không ngừng học hỏi, phản ứng với thách thức và điều quan trọng mọi doanh nghiệp cần là thái độ, văn hóa ứng xử khi làm việc. Nhiều bạn trẻ tôi phỏng vấn, bằng cấp ĐH có nhưng thái độ, sự cầu tiến, học hỏi để làm sao hoàn thành tốt hơn nữa công việc được giao thì không", anh Dũng chia sẻ.
Quy tắc mà anh Dũng áp dụng với các em trong gia đình (lứa tuổi THCS và THPT) là không sử dụng điện thoại thông minh, không sử dụng mạng xã hội và phải thường xuyên đọc sách. Nguyên tắc đọc sách hằng ngày cũng được anh khuyên các nhân viên. Theo anh Dũng, tất cả kiến thức, kỹ năng và thái độ làm việc mọi người trẻ cần khi đi làm đều có từ trang sách.
Hướng nghiệp "không màu hồng"
Chị Trần Thị Sáu, 29 tuổi, làm tại phòng nhân sự, Công ty TNHH Vina Union (Vĩnh Phúc), cho biết trong 6 năm làm nhân sự, một trong những điều cô thường nhấn mạnh với người thân và nhiều bạn trẻ khác, đó là cuộc sống không đúng màu hồng.
"Trong trường học và công ty làm việc là hoàn toàn khác nhau. Các bạn đi học thường nghĩ mọi thứ toàn màu hồng, mơ ước ra trường phải làm cái này, cái kia, đúng ngành nghề, nhưng thực chất cuộc sống không cho ta chọn dễ dàng như vậy. Nhiều bạn suy nghĩ đơn giản, lúc phỏng vấn thì nói rất hay kiểu "em sẽ cố gắng..." nhưng chỉ trong 1 tuần đầu là nản, cảm thấy nhụt chí, gặp khó khăn dễ rơi vào cảm giác stress, có bạn nghỉ việc luôn", chị Sáu kể.
Những ngành nghề theo chị Sáu nhiều công ty thường xuyên tuyển dụng, sẽ là cơ hội cho nhiều bạn trẻ như quản lý SMT (công nghệ dán bề mặt), nhân viên kế toán, xuất nhập khẩu, nhân viên mua hàng, nhân viên công nghệ thông tin, phiên dịch tiếng Hàn hoặc tiếng Trung. Tuy nhiên, để không bị sốc khi mới đi làm, bạn nên đi làm thêm ít nhất từ năm thứ 4 ĐH để có những trải nghiệm công việc.
"Các bạn nên tìm một môi trường để đi thực tập thực chất chứ không chỉ xin dấu chứng nhận, trau dồi tiếng Anh, tập luyện kỹ năng giao tiếp, lắng nghe, làm việc nhóm, chuẩn bị tốt cho mình kiến thức tin học văn phòng. Rất nhiều bạn ra trường nhưng không biết viết email, soạn văn bản, làm bảng biểu cho chuyên nghiệp", chị Sáu nói.
Từ cậu bé mê game trở thành sinh viên đại học Top 20 thế giới Hiếm khi người ta thấy cậu bé ấy cầm bút học bài, chỉ thấy cậu cầm điện thoại, máy tính để chơi game. Người ta bảo có khi cậu "hỏng" mất, vậy mà cậu bé mê game ngày ấy nay đã làm bao người phải kinh ngạc vì sự bứt phá ngoạn mục khi đồng thời được nhận được cái "gật đầu" của...