Thầy hiệu trưởng khơi nguồn đổi mới, sáng tạo
Hai năm về công tác với cương vị là hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TPHCM), nhà giáo Huỳnh Thanh Phú đã tạo được nhiều dấu ấn của mình trong nhà trường, từ việc cùng tập thể sư phạm nâng cao chất lượng dạy học đến tăng cường các hoạt động phong trào cho HS, cải thiện về cơ sở vật chất, đặc biệt chủ động tạo môi trường dân chủ trong nhà trường qua việc tổ chức các cuộc đối thoại với HS, giáo viên, phụ huynh.
Thầy Huỳnh Thanh Phú – hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du
Tạo môi trường dân chủ trong nhà trường
Về công tác tại Trường THPT Nguyễn Du từ tháng 9/2016, hình ảnh người thầy hiệu trưởng đứng dưới sân trường đón chào, nở nụ cười với từng HS để làm quen vẫn còn in đậm trong tâm trí của các em. Khi đã quen với thầy rồi, nhiều HS cũng không ngần ngại chia sẻ những tâm tư, các vấn đề mình gặp phải trong học tập, cuộc sống cần được tư vấn với người hiệu trưởng mà các em vô cùng quý mến, kính trọng. Sự thân thiện, vui vẻ và thấu hiểu tâm tư của học trò, của giáo viên là ưu điểm thấy rõ nơi thầy Phú qua 2 năm học về công tác nơi đây.
Ngoài những việc làm cụ thể như công khai số điện thoại, email, phòng hiệu trưởng luôn rộng cửa để tiếp các em HS, các giáo viên, phụ huynh bất cứ lúc nào…, điều mà thầy Phú “ghi điểm” chính là liên tiếp mở các cuộc đối thoại dân chủ để lắng nghe những ý kiến tâm tư, nguyện vọng của giáo viên, nhân viên, học trò và cả phụ huynh.
Từ những ý kiến trong buổi đối thoại, thầy hiệu trưởng hiểu rõ hơn về mong muốn của giáo viên học sinh, về kỳ vọng của các bậc phụ huynh với nhà trường để có những điều chỉnh phù hợp, cùng góp phần đưa chất lượng giảng dạy, học tập của nhà trường vươn lên.
Dân chủ trong nhà trường là điều không mới, nhưng để làm đến nơi, đến chốn như Trường THPT Nguyễn Du thì rất hiếm, không phải trường nào cũng làm tốt. “Tôi có con đang học ở lớp 11A13, cháu đã học sang năm thứ hai tại đây. Tôi cũng là người có 30 năm công tác trong nghề dạy học, đi các trường, các nơi nhiều, chưa thấy nơi nào, thầy hiệu trưởng lại có tâm và có tầm như vậy, thay đổi được các hoạt động phong trào của trường. Việc dạy và học của trường đã có nhiều khởi sắc. Khi gửi con em vào đây, chúng tôi rất yên tâm” – lời một vị phụ huynh HS trong một buổi đối thoại với nhà trường.
Ngoài tăng cường đối thoại dân chủ, thầy Huỳnh Thanh Phú cùng hội đồng nhà trường chung tay soạn thảo xây dựng quy chế dân chủ, quy chế công khai chi tiêu nội bộ. Thầy Phú cho biết tất cả hoạt động của trường đều được công khai từ tài chính, cơ sở vật chất, nhân sự, con người. Và khi làm được điều này, thầy nhận được sự ủng hộ của toàn thể sư phạm nhà trường.
Khi được hỏi về lý do có những ý tưởng đổi mới như trên, thầy Phú cho rằng, từ việc gắn bó với nghề giáo, trải qua nhiều cương vị như giáo viên, trợ lý thanh niên, tổ trưởng, chủ tịch công đoàn, phó bí thư, phó hiệu trưởng cho đến hiệu trưởng, thầy rất hiểu các em học sinh cần gì, giáo viên mong muốn ra sao. Từ đó, giúp thầy có những điều chỉnh hợp lý, mang tính tích cực vì lợi ích môi trường giáo dục, vì các em học sinh.
“Điều quan trọng là kế hoạch mình đưa ra phải thiết thực, phải tôn trọng ý kiến tập thể và đặt hội đồng trường lên trên hết. Mục tiêu của tôi trong tương lai là xây dựng Trường THPT Nguyễn Du đúng chuẩn mô hình tiên tiến hội nhập, sẽ là nơi để học sinh có cơ hội cọ xát với chương trình quốc tế” – thầy Phú nhấn mạnh.
Video đang HOT
Thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với HS
Ngôi trường “nhộn nhịp” phong trào
Nhằm tạo cho HS một môi trường học tập năng động, giúp các em không chỉ trau dồi kiến thức mà còn rèn luyện kĩ năng, phát huy sở trường, 2 năm học gần đây, Trường THPT Nguyễn Du đã có nhiều hoạt động thiết thực, bổ ích và đầy hiệu quả từ ý tưởng của vị hiệu trưởng. Trường đã thành lập hàng loạt CLB như CLB bóng đá, bóng rổ, flashmob, hùng biện tiếng Anh… và sắp xếp để HS có trọn vẹn ba buổi chiều tham gia sinh hoạt tại các CLB.
Các em HS cũng đã được trải nghiệm các hoạt động dã ngoại, hoạt động ngoài giờ lên lớp, như thi bóng rổ, bóng đá; các buổi sinh hoạt chuyên đề như “bí mật ba chữ T” (tình bạn, tình yêu, tình dục), “sử dụng facebook thông minh”, “học khôn ngoan”… hay các chương trình văn hóa văn nghệ như Nguyễn Du’s Got Talent và Endee Coupe; đưa âm nhạc dân tộc như đờn ca tài tử, cải lương… đến gần hơn với HS.
Với chương trình độc đáo “Một ngày làm giáo viên”, HS đã có những trải nghiệm đầy ý nghĩa khi được đứng trên bục giảng để thấu hiểu hơn về nghề giáo, yêu quý thầy cô của mình hơn, đồng thời đây cũng là cách để hướng nghiệp, bồi dưỡng cho HS có mơ ước trở thành nhà giáo về sau. Đặc biệt, trường cũng mời những người nổi tiếng và thành đạt đến giao lưu với HS, truyền cảm hứng học tập cho các em HS. Thầy Phú là người lên ý tưởng đặt tên cho 4 dãy nhà chính của trường các tên gọi Trường Sa, Biển Đông, Hoàng Sa, Gạc Ma để giáo dục cho HS về tình yêu với biển đảo quê hương.
Không chỉ có HS, giới phụ huynh cũng được nhà trường thành lập riêng một CLB có tên “Giá trị truyền thống Việt” sinh hoạt định kỳ với nhiều chủ đề khác nhau. Ví dụ mới đây nhất, nhà trường tổ chức chuyên đề “Đồng hành cùng con mùa tuyển sinh” để giúp phụ huynh hiểu hơn về các quy chế thi, lựa chọn ngành, về vấn đề tâm lý mùa thi, dinh dưỡng cho con…
Bên cạnh phong trào cho HS, thầy Phú cũng rất chú trọng đến đội ngũ sư phạm nhà trường bằng việc từng bước chăm lo về mọi mặt cho GV, từ tăng tiền khám sức khỏe định kỳ, tăng mức mua bảo hiểm tai nạn, tặng trang phục đầu năm… cho đến trang bị ti vi, máy in, máy vi tính nối mạng, tủ lạnh, lò vi ba, đồ ăn nhanh và đồ uống tự chọn… trong nhà trường để phục vụ thầy cô giáo. Dịp hè 2017, trường thực hiện kế hoạch “48 giờ học tiếng Anh” với người nước ngoài và 5 chuyên đề bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm thiết thực cho GV. Mới đây trường tổ chức lớp Tin học văn phòng quốc tế và lớp Yoga dành cho giáo viên.
Từ những đổi mới ấy, năm học vừa qua, thành tích học tập nhà trường đã nâng lên rõ rệt. Năm học 2016-2017, 100% HS đỗ tốt nghiệp và 100% đỗ ĐH, trong đó có 58 em được tuyển thẳng, 23 giải HS giỏi với 5 giải Nhất, 11 giải Nhì và 11 giải Ba; giải Olympic tháng 4 đạt 19 HCV, 18 HCB, 11 HCĐ. Kế tiếp, năm 2017-2018, trường có em Ngọc Khánh đạt giải Á quân toàn quốc cuộc thi Tự hào Việt Nam do Trung ương Đoàn và Bộ GD&ĐT tổ chức, có 24 giải HS giỏi với 5 giải Nhất, 12 giải Nhì, 7 giải Ba, có 41 giải Olympic tháng 4…
Phan Nga
Theo giaoducthoidai.vn
Chăm lo 'tận răng' cho giáo viên, học sinh
Vị hiệu trưởng liên tục nghĩ ra việc để giáo viên và học sinh trường phải vất vả chạy theo. Lạ một điều là mặc dù mệt nhưng mọi người đều vui và ủng hộ.
Thầy Phú (giữa) ân cần trò chuyện với học sinh, một hình ảnh quen thuộc với giáo viên và học sinh Trường THPT Nguyễn Du. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Người đó là thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TP.HCM. Đã từng trải qua nhiều công việc ở các vị trí khác nhau như giáo viên, trợ lý thanh niên, tổ phó, tổ trưởng, chủ tịch công đoàn, phó bí thư, phó hiệu trưởng cho nên bản thân ông hiểu giáo viên, học sinh cần gì và nên làm gì.
Chăm lo "tận răng" cho giáo viên
Nhắc đến thầy Phú, cô Nguyễn Thị Hoa Hồng, giáo viên trường, nở nụ cười tươi. Chỉ tay vào khu nhà vệ sinh của trường, cô Hồng nói: "Trước khu nhà này chật hẹp, mất vệ sinh, nam nữ dùng chung nên rất bất tiện khi sử dụng. Vậy nhưng khi thầy Phú về trường, thầy đã quyết định làm lại, dời nhà vệ sinh nam ra hẳn bên ngoài để mở rộng nhà vệ sinh nữ. Ngày 20-11 vừa rồi, công trình đã hoàn thành với tiêu chí rộng rãi, thông thoáng, đẹp, tiện nghi, có phòng tắm, phòng thay đồ, bàn trang điểm và luôn thoang thoảng mùi hương. Đặc biệt, thầy còn đầu tư nước máy cho chị em dùng thay vì nước giếng như trước" - cô Hồng cho hay.
Sau đó, cô Hồng lại phấn khởi đưa khách sang phòng giáo viên của trường. Một căn phòng rộng, được sắp xếp gọn gàng, trang bị đầy đủ từ tivi, máy in, máy vi tính nối mạng, tủ lạnh, lò vi ba, đồ ăn nhanh, đồ uống tự chọn... và có cả hai chậu hoa rất đẹp. "Những chậu hoa này đều do thầy Phú tự tay chọn lựa. Tất cả trang thiết bị đều được mua từ khi thầy về làm hiệu trưởng. Thầy biết giáo viên cần gì và sẵn sàng đáp ứng" - cô Hồng thêm.
Cô Hồng cho biết thầy Phú luôn chăm lo cho đời sống giáo viên. Cụ thể, hằng tháng trường đều tổ chức sinh nhật cho giáo viên có ngày sinh trong tháng. Những ai được nhận huân chương cao quý vì sự nghiệp giáo dục đều được nhà trường tặng thưởng, đặc biệt những thầy cô mới lập gia đình được tặng một chuyến du lịch hưởng tuần trăng mật.
Là người gắn bó với ngôi trường này 25 năm và đã trải qua rất nhiều đời hiệu trưởng, thế nhưng thầy Phú là người để lại ấn tượng nhất đối với cô Hồng.
Từ khi về trường, thầy không đưa ra bất cứ quy định hay kỷ luật gì nhưng chính cách thầy đối xử với giáo viên đã khiến họ tự thay đổi. "Mọi kế hoạch thầy đưa ra sau khi thống nhất đều được triển khai ngay ngày hôm sau. Vì thế, trong năm đầu tiên, bản thân tôi và nhiều thầy cô của trường đều phải gồng mình lên để chạy theo thầy. Ai cũng mệt nhưng vui vì thấy trường đang dần đổi thay" - cô Hồng cười bảo.
Thầy còn thường xuyên dành thời gian trò chuyện với giáo viên để lắng nghe tâm tư, suy nghĩ của họ. "Khi giáo viên cảm thấy được tôn trọng, yêu thương thì bản thân họ sẽ luôn cống hiến hết mình cho ngôi trường mà mình đang giảng dạy" - cô Hồng nói thêm.
Trò gặp khó, có ngay thầy Phú
Đối với học sinh Trường THPT Nguyễn Du, thầy Phú là thần tượng, là tấm gương các em noi theo.
Em Nguyễn Đức Bình, học sinh lớp 11A4, cho biết đến bây giờ em vẫn còn nhớ mãi hình ảnh thầy đứng vẫy tay chào học sinh vào mỗi buổi sáng với một nụ cười thân thiện và cái nhìn ấm áp.
Trong khi đó, em Dương Minh Thành, học sinh lớp 11A9, lại tâm sự thầy là người luôn lắng nghe tâm tư của học trò. "Trong một lần em đang chơi với các bạn ở sân trường, thầy từ từ bước đến với nụ cười ấm áp và ôn tồn bảo: "Các con tham gia trò chơi thể thao có cần thầy hỗ trợ gì không?". Tại thời điểm đó, cái cột bóng rổ bị hư, khung thành lại không có lưới. Sau khi nghe chúng em tâm sự, thầy đã nhanh chóng mua dụng cụ mới ngay vào hôm sau. Đặc biệt, khi biết chúng em gặp khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức, chính thầy đã tới lớp dự giờ và những cách học hay và bổ ích" - Bình nhớ lại.
Không chỉ thế, vào những buổi ăn trưa ở căn tin trường học, thầy thường tới từng bàn hỏi xem học trò ăn ngon không, các em ngủ được không. Thầy quan tâm mọi người từ những việc nhỏ nhất.
Cũng theo em Bình, trước khi về trường, nghe các anh chị khóa trên thường than thở chương trình học quá nhiều lại không có hoạt động giải trí, em đã có phần hụt hẫng. Thế nhưng khi em vào trường, mọi việc đã thay đổi.
Trường đã thành lập nhiều câu lạc bộ như bóng đá, bóng rổ, Judo, flasmob, diễn thuyết, hùng biện tiếng Anh. Và bản thân học sinh có trọn vẹn ba buổi chiều thứ Ba, Năm, Bảy để tham gia sinh hoạt tại các câu lạc bộ. Đặc biệt, thầy cùng nhà trường tổ chức ngày hội "Một ngày làm giáo viên" mà ở đó học sinh được nhập vai làm giáo viên để đồng cảm hơn với những thầy cô của mình.
Đối với học sinh khối 12, em Kiệt Hoàn Mỹ, lớp 12A10, cho biết ngoài việc tăng cường việc ôn tập, thầy còn mở chương trình "hướng nghiệp tương lai", mời đại diện các trường đại học về trường tư vấn cho học sinh những ngành nghề đang khát nhân lực. Qua đó giúp học sinh cuối cấp dễ dàng hơn trong việc chọn lựa trường đại học. "Thầy còn tổ chức các hoạt động xã hội như nấu cơm cho bệnh nhân nghèo, xây nhà tình nghĩa. Những hoạt động nhân văn này giúp em thay đổi nhận thức rất nhiều" - Mỹ .
Mở ra môi trường dân chủ hết mức
Nói về công việc của mình, thầy Phú cho hay khi về làm hiệu trưởng từ tháng 9-2016, thầy liên tiếp mở các cuộc đối thoại dân chủ để lắng nghe những ý kiến tâm tư, nguyện vọng của giáo viên, nhân viên. Ngoài ra, thầy cùng hội đồng nhà trường ngồi lại xây dựng quy chế dân chủ, quy chế công khai chi tiêu nội bộ. Thầy Phú cho biết tất cả hoạt động của trường đều được công khai từ tài chính, cơ sở vật chất, nhân sự, con người. Và khi làm được điều này, thầy nhận được sự ủng hộ của mọi người.
Hỏi vì sao thầy lại có những ý tưởng đổi mới như thế, thầy cười bảo: "Chỉ cần mình muốn và sự thay đổi đó mang tính tích cực. Điều quan trọng là kế hoạch mình đưa ra phải thiết thực, phải tôn trọng ý kiến tập thể và đặt hội đồng trường lên trên hết. Mục tiêu của tôi trong tương lai là xây dựng Trường THPT Nguyễn Du đúng chuẩn mô hình tiên tiến hội nhập, sẽ là nơi để học sinh có cơ hội cọ xát với chương trình quốc tế" - thầy Phú nhấn mạnh.
Góp phần nâng cao chất lượng dạy và học
Từ nhiều cố gắng đổi mới môi trường giảng dạy của thầy Hiệu trưởng Huỳnh Thanh Phú dẫn đến thành quả của nhà trường. Cụ thể, năm học 2016-2017, Trường THPT Nguyễn Du có 100% học sinh đỗ tốt nghiệp và đỗ đại học, trong đó có 58 em được tuyển thẳng. Về thi học sinh giỏi cấp TP, lần đầu tiên trường đoạt 26 giải, trong đó có chín giải nhất.
Theo Phapluattp.vn
Đưa nội dung khởi nghiệp vào chương trình đào tạo Đó là một trong những nội dung Bộ GD-ĐT vừa yêu cầu các ĐH, học viện, hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ sư phạm, trung cấp sư phạm về việc triển khai đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025". Sinh viên Lê Hoàng Minh Nhật (bìa trái) khởi nghiệp từ việc đi giặt giày - Ảnh: NGỌC...