Thầy Hiệu trưởng khiến học sinh yêu trường như nhà
“Thầy làm thế nào mà trò nó yêu trường vậy? Mùng 2 Tết vẫn ra trường tưới cây”. Đó là câu hỏi của bà con khiến thầy Nguyễn Tiến Trình vừa tự hào, vừa vui mừng.
Trong chuyến công tác đến trường Trung học phổ thông Quế Lâm (huyện Đoan Hùng – tỉnh Phú Thọ), chúng tôi đã có ấn tượng đầu tiên rất tuyệt vời khi đi qua gần 100m cổng trường với hai bên trải đầy các loại hoa tươi đầy màu sắc rực rỡ.
Không chỉ ấn tượng bởi cổng trường, bước vào khuôn viên, chúng tôi ngỡ mình đang lạc vào một công viên. Bởi cây cối trong vườn trường được bài trí có ý tưởng rõ ràng.
Mỗi cây xanh, khóm hoa trong trường đều được treo những tấm bảng màu đỏ ghi rõ tên loài, đặc điểm sinh trưởng, khu vực phân bố.
Bất ngờ hơn nữa khi một người dân sống gần trường tiết lộ với chúng tôi, ngày mùng 2 Tết, học trò của trường còn tự giác đến trường tưới, chăm sóc những luống hoa ở cổng và trong vườn trường.
Thầy Nguyễn Tiến Trình – Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Quế Lâm (ngoài cùng bên phải). Ảnh: Nhà trường cung cấp.
Quả thật, tôi đã quen với những ngôi trường ở thành phố quanh năm là các khối tường bê tông, cây xanh còn hiếm huống hồ hoa tươi theo mùa.
Vì thế, khung cảnh có nét dịu dàng của hoa cỏ, của sự chỉn chu về kiến thức sinh học khiến chúng tôi rất tò mò về sự đầu tư này.
Chúng tôi đã tìm gặp thầy Nguyễn Tiến Trình – Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Quế Lâm để hiểu rõ hơn.
Khá bất ngờ khi chúng tôi được biết thầy Nguyễn Tiến Trình lại chính là tác giả của những tấm biển treo trên hệ thống cây xanh trong trường.
“Khi có ý tưởng làm điều đó, tôi mong muốn biến tất cả cây cỏ đều trở thành tài liệu học tập. Muốn các con có thói quen nhìn vào mỗi cây hay sự việc phải tìm hiểu kỹ.
Video đang HOT
Chúng ta nói đến trường học thân thiện. Theo tôi, nội hàm của nó không chỉ là giáo viên thân thiện mà cảnh quan, môi trường học tập cũng phải xanh, sạch, gần gũi với các em.
Một ngôi trường với cây xanh, hoa tươi tràn ngập cũng sẽ giúp tinh thần của học sinh, thầy cô thư thái hơn. Chính vì vậy, ngay từ khi về nhận nhiệm vụ ở trường (gần một năm – PV), tôi đã hiện thực hóa các ý tưởng này”, thầy Trình nhấn mạnh.
Đặc biệt, vị Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Quế Lâm tâm sự: “Điều vui nhất là khi tôi đến trường sau dịp nghỉ Tết vừa qua, bà con sống gần cổng trường hỏi tôi: “Thầy làm thế nào mà trò nó yêu trường vậy? Mùng 2 Tết vẫn ra trường tưới cây”.
Bạn biết không, lúc đó thực sự tôi rất vui. Vui vì các con gắn bó, yêu thương ngôi trường như chính nhà mình. Các con có gắn bó, liên kết với trường thì sẽ có động lực để học tập hơn”.
Thầy Trình khẳng định, có được cảnh quan cây xanh, hoa tươi bốn mùa trong trường là nhờ sự đồng tâm hiệp lực của tất cả thầy cô và đặc biệt là các con học sinh.
Thầy Nguyễn Tiến Trình giới thiệu với chúng tôi người phụ trách chính thiết kế, hướng dẫn chăm sóc cây cảnh, hoa tươi trong trường – giáo viên bộ môn Sinh học, cô Lê Hạnh Tâm.
Chia sẻ với chúng tôi, cô Lê Hạnh Tâm cho rằng, vai trò của Hiệu trưởng nhà trường rất quan trọng để làm nên sự thay đổi cảnh quan của trường trong một năm vừa qua.
Cổng trường bốn mùa đều có hoa tươi. Ảnh tư liệu nhà trường cung cấp.
“ Thầy Hiệu trưởng mong muốn các em mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Ở đây vui không chỉ là có hứng thú trong học tập mà còn có môi trường tạo được sự hứng khởi tươi mới. Bốn mùa đều có hoa tươi rực rỡ.
Từ hoa ở cổng đến cây cối xung quanh trường đều được thầy Hiệu trưởng và các giáo viên lĩnh vực sinh học, công nghệ đầu tư ý tưởng, làm một cách bài bản.
Ê kíp được giao phụ trách đều là các giáo viên có chuyên ngành”, cô Tâm cho biết.
Cảnh quan của trường được tạo nên bởi công sức của cả tập thể. Mỗi cá nhân đều được góp công, góp sức vào đó.
Các em học sinh của trường góp phân bón là phế phụ phẩm nông nghiệp, cây giống, công chăm sóc. Mỗi ngày, các em dành khoảng 5-10 phút đầu giờ luân phiên tưới cây, nhổ cỏ.
Nhà trường cũng dành ra một khoảnh đất làm vườn ươm hạt giống, cây con trước khi đem ra trồng đại trà ở khuôn viên trường.
“Bản thân tôi cũng là một người yêu hoa, ở nhà tôi cũng trồng nhiều loại hoa. Vì thế, mùa nào trồng hoa gì tôi cũng biết rất rõ. Cùng với kiến thức dạy sinh học đã giúp ích rất nhiều cho việc trồng, chăm sóc để cho hoa đẹp.
Trường học là nơi công cộng nên chúng tôi ưu tiên các loại hoa dễ chăm, dễ sống, có màu rực rỡ.
Kết hợp sự đam mê và kiến thức của mình cùng thầy cô, các em học sinh góp phần tạo dựng một cảnh quan tươi mới giúp học sinh, thầy cô giảm bớt căng thăng sau giờ học”, cô Tâm nói.
Cô Tâm cho biết, vào mùa xuân, hai loại hoa chính được trồng chủ yếu là hoa ngọc thảo và hoa đồng tiền. Hai loại hoa này được trồng suốt từ tháng 12 âm lịch đến cuối tháng 3 mới tàn.
Cô giáo Lê Hạnh Tâm chia sẻ về ý tưởng thiết kế hoa tươi theo mùa của trường Trung học phổ thông Quế Lâm. Ảnh: Đỗ Thơm
Đến mùa thu bắt đầu vào năm học mới, chúng tôi trồng các loại hoa như hoa huệ mưa, hoa bóng nước, cúc bách nhật, hoa mười giờ, cúc vạn thọ…
Ngoài ý tưởng biến cổng trường, cảnh quan trong trường tràn ngập hoa tươi theo mùa, thầy Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Quế Lâm còn quan niệm, mỗi cây xanh trong trường là một học phẩm, học liệu phục vụ việc học tập, tìm hiểu cho học sinh,
“Thầy yêu cầu giáo viên bộ môn trong phần kiểm tra nội dung liên hệ thực tế, sẽ có câu hỏi hỏi về chính các cây trong trường.
Nó tạo một thói quen, giáo dục kỹ năng sống nhìn vào cảnh quan, cụ thể như một cây xanh kỹ hơn, học hỏi được gì từ đó.
Nói thực, nếu các cây xanh không có biển ghi tên, đặc điểm sinh học, không gian phân bố thì nhiều loại cây chưa chắc các em đã biết tên là gì”, cô Tâm vui vẻ tâm sự.
Đỗ Thơm
Theo giaoduc.net.vn
Vẹn tròn một tình yêu
Hơn 30 năm gắn bó với giáo dục tiểu học nơi vùng đất khó, cô Vũ Thị Bích Liên, giáo viên Trường Tiểu học (TH) Hòa Phú (H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) đã dành trọn tình yêu thương cho trẻ em vùng cao, lặng thầm chèo lái không biết bao chuyến đò sang sông.
Cô Liên ân cần hướng dẫn học sinh trong giờ học.
Hòa Phú những ngày tháng 4, nắng xuân trải vàng trên khắp núi rừng, thôn xóm. Giữa vùng nông thôn vắng lặng, Trường TH Hòa Phú rộn rã tiếng ê a đọc bài, tiếng cười nói, vui đùa của các em học sinh. Vừa đặt chân đến lớp 4/1, không khí ấm áp, đầy tình yêu thương của cô trò lan tỏa ngập tràn. Cô Liên, giáo viên chủ nhiệm lớp nhẹ nhàng hướng dẫn từng em đọc bài, làm toán. Những đứa trẻ ở đây vẫn thân mật gọi cô là mẹ Liên. Sinh ra trong gia đình hiếu học ở miền quê Tiên Phong (H. Tiên Phước, Quảng Nam), ngay từ nhỏ cô Liên đã xác định theo nghề giáo. Năm 1983, sau khi ra trường, cô về công tác tại xã miền núi Tiên Hà (H.Tiên Phước). Đến năm 1991, cô chuyển về dạy tại Trường TH Hòa Phú và gắn bó cho tới bây giờ. Trường TH Hòa Phú có 3 khu vực: Hòa Thọ, Hội Phước và Phú Túc. Cô Liên dạy ở khu vực chính là Hòa Thọ. Ba năm một lần, cô lại đến khu vực Phú Túc giảng dạy một năm. Cô Liên cho biết, học sinh các điểm trường hầu hết là con em hộ nghèo, cận nghèo, tại thôn Phú Túc thì đa số là con em đồng bào dân tộc Cơ Tu nên con đường đến trường của các em còn nhiều khó khăn. Những năm 90 thế kỷ trước khi cô Liên mới về Hòa Phú, tuyến đường ĐT604 nối liền từ trung tâm huyện đến xã gập ghềnh sỏi đá, các tuyến đường toàn là đất đỏ, "nắng bụi, mưa bùn". Chứng kiến cuộc sống còn nhiều gian khổ của người dân nơi đây, cũng như cảnh học trò phải lặn lội đi bộ đến trường kiếm con chữ, cô Liên khát khao các em không ai phải chịu thiệt thòi so với trẻ em miền xuôi, mong các em vươn xa hơn để cuộc sống sau này đỡ vất vả. Chính vì vậy, cô và các đồng nghiệp luôn tìm mọi cách, không quản ngại gian khổ, hàng ngày miệt mài gieo từng con chữ trên mảnh đất còn nghèo khó này.
Nhớ lại những ngày đầu đi dạy, cô Liên tâm sự, ngày trước, các bậc phụ huynh không biết hết ý nghĩa của việc học nên không cho con đến trường. Vận động được các em đến trường đã khó, nhưng giữ chân các em ở lại trường còn khó khăn gấp vạn. Nhiều em số buổi đến lớp đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu ở nhà chăm sóc em nhỏ hoặc đi làm cùng bố mẹ. Những hôm vào vụ mùa, lớp học chỉ có vài ba em. Nhiều giáo viên cũng đến rồi vì khó khăn quá đã xin chuyển đi nơi khác, thậm chí có người còn bỏ cả nghề. Cô Liên vẫn một lòng bám trụ, kiên trì vận động học sinh đến lớp và xây dựng gia đình tại nơi này. Chồng cô là giáo viên, cũng chọn Hòa Phú để "gieo mầm" ước mơ cho các em học sinh. Giờ đây, cuộc sống và việc dạy học của giáo viên đã được cải thiện, trường học ngày một khang trang. Trường TH Hòa Phú là ngôi trường duy nhất trên địa bàn tỉnh thực hiện Mô hình trường học mới (VNEN) nên cô Liên luôn cố gắng nỗ lực, tiếp thu cái mới, có nhiều sáng kiến để nâng cao chuyên môn đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Em Nguyễn Văn Công, học sinh người Cơ Tu, học trò cũ của cô Liên chia sẻ, được học cô là một hạnh phúc lớn của em. Cô Liên chủ nhiệm năm em học lớp 4 (2014-2015) tại Trường TH Hòa Phú khu vực Phú Túc. Ấn tượng cô để lại trong em không chỉ là những bài dạy đầy lý thú, bổ ích mà là cả tình yêu thương, quan tâm học sinh hết mực. Hồi đó, nhà em nghèo lắm, em bị đau mắt nặng nên ba mẹ cho em nghỉ học. Cô Liên đã nhiều lần tìm đến nhà, khuyên nhủ, động viên ba mẹ cho em đến trường. "Đến bây giờ, em vẫn còn nhớ như in buổi trưa nắng gắt ấy, cô Liên lặn lội đến nhà, tặng em chiếc mũ rộng vành để em bảo vệ mắt khi đi học. Giờ em vẫn còn giữ nó cẩn thận. Nhờ cô, em mới có thể bước tiếp trên con đường học vấn, nay em đã là học sinh lớp 8 tại Trường THCS Ông Ích Đường", em Công nghẹn ngào.
"Học trò tôi bây giờ có nhiều em đã trưởng thành, thi đậu đại học, có em đã đi làm, công việc ổn định và có cuộc sống hạnh phúc. Đặc biệt, những em dân tộc thiểu số đã tiến bộ, vươn xa, có thể giúp ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Đó chính là những món quà vô giá và ý nghĩa nhất mà các em dành tặng cho tôi", cô Liên hạnh phúc. Thầy Trần Minh Nghĩa, Hiệu trưởng Trường TH Hòa Phú cho biết, cô Liên nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ Thi đua cấp cơ sở, giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp huyện. Không chỉ tận tâm, hết mực yêu thương học sinh, cô luôn gương mẫu trong công tác giảng dạy, thực hiện tốt phong trào thi đua, học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. "Cô Liên như người mẹ hiền, âm thầm, lặng lẽ dành trọn tình yêu cho học trò. Sự tận tụy của cô đã mang về những "trái ngọt" khi tất cả các lớp mà cô chủ nhiệm luôn duy trì được sĩ số, không có trẻ bỏ học, chất lượng ngày càng nâng cao, đồng thời các em học sinh cô bồi dưỡng học sinh giỏi đều đạt giải trong các cuộc thi", thầy Nghĩa vui mừng.
MỘC MỘC
Theo CAND
Sáng kiến của hiệu trưởng Mỹ giúp đẩy lùi nạn bắt nạt Biết một số học sinh thường bị bắt nạt vì quần áo bẩn, thầy hiệu trưởng lắp máy giặt tự động miễn phí ngay tại trường. Khi Akbar Cook trở thành lãnh đạo của trường trung học West Side ở Newark (New Jersey, Mỹ), anh biết mình có khả năng tạo ra những ảnh hưởng nhằm thay đổi cuộc sống của học sinh...