Thầy giáo Việt được chọn làm giám khảo cuộc thi khoa học kỹ thuật ở Mỹ
Thầy Đặng Minh Tuấn (giảng viên khoa Sư phạm, Trường ĐH Giáo dục – ĐH Quốc gia Hà Nội) vừa được chọn làm giám khảo của cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế cho học sinh trung học Intel ISEF 2023 tổ chức tại Mỹ.
Intel ISEF (The Intel International Science and Engineering Fair) được coi là cuộc thi về khoa học kỹ thuật lớn và lâu đời nhất thế giới dành cho học sinh phổ thông.
Mỗi năm, hơn 1.800 học sinh đại diện cho khoảng 80 quốc gia và vùng lãnh thổ dự thi để cạnh tranh các giải thưởng với tổng trị giá hơn 5 triệu USD. Thí sinh là những người đạt giải cao nhất tại cuộc thi ISEF cấp quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Thầy Đặng Minh Tuấn từng tham gia hướng dẫn các nhóm học sinh tham dự cấp quốc gia rồi dự thi quốc tế ngay trong giai đoạn đầu Bộ GD-ĐT tổ chức cuộc thi Intel ISEF tại Việt Nam. Cách đây 10 năm, thầy Tuấn cũng là thành viên ban huấn luyện đội tuyển Intel ISEF Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam thi các cấp.
Việc thầy Đặng Minh Tuấn trở thành giám khảo quốc tế của Intel ISEF 2023 được giới chuyên môn đánh giá là một vinh dự, cú hích lớn cho “làng STEM Việt Nam” vốn chỉ hơn 10 năm kinh nghiệm.
Thầy Đặng Minh Tuấn (giảng viên Trường ĐH Giáo dục – ĐHQGHN) được chọn làm giám khảo cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế cho học sinh tại Mỹ.
Chia sẻ với VietNamNet, thầy Tuấn kể, “do đã theo dõi cuộc thi này hằng năm nên khi ban tổ chức đăng tin tuyển người vào hội đồng giám khảo, tôi đã mạnh dạn đăng ký lĩnh vực Vật lý và Thiên văn học”.
Đây là lĩnh vực mà thầy quan tâm sâu và trước đây có kinh nghiệm huấn luyện. “Tôi cũng muốn qua vai trò giám khảo để có thể cập nhật những chủ đề, đề tài mới cũng như những cách nghiên cứu, tiếp cận mà học sinh các nước sử dụng”.
Tiêu chí, yêu cầu của vị trí này là phải có ít nhất 6 năm kinh nghiệm làm việc liên quan đến lĩnh vực ứng tuyển hoặc có bằng tiến sĩ hay nghiên cứu sinh có 4 năm nghiên cứu về lĩnh vực trở lên…
“Nhận thông báo được chọn làm giám khảo, tôi khá bất ngờ và thực sự rất vui. Tuy nhiên, tôi cũng hiểu, việc trúng tuyển vị trí giám khảo một cuộc thi lớn đi chăng nữa, cũng đơn giản chỉ là phù hợp tiêu chí của cuộc thi. Tôi ý thức được rằng đây một công việc tình nguyện phục vụ cộng đồng khoa học chung, chứ không phải chức danh hay điều gì đó ghê gớm”, thầy Tuấn chia sẻ khiêm tốn về vai trò tới đây của mình.
Video đang HOT
Thầy cũng cho rằng lý do thuyết phục được ban tổ chức có lẽ bởi hồ sơ của anh đã thể hiện được rõ đam mê, có kinh nghiệm nhiều năm huấn luyện, đào tạo các đội tuyển đạt giải và hiện bản thân đang nghiên cứu sâu về giáo dục STEM.
Xác định ý nghĩa, trách nhiệm “cầm cân nảy mực” quan trọng của giải thưởng lớn, thầy Tuấn ý thức bản thân cần tự nâng cấp kiến thức, năng lực trong thời gian tới.
“Tôi sẽ phải đọc thêm rất nhiều, bởi trong lĩnh vực Vật lý và Thiên văn học, có nhiều mảng chuyên môn hẹp liên quan đến nguyên tử, phân tử, quang học, vũ trụ học, thiên văn học, vật liệu, cơ học,… Rồi phải cập nhật những hiểu biết về xu hướng, vấn đề mới để làm sao đưa ra đánh giá khách quan nhất. Đây không chỉ là trải nghiệm cá nhân mà còn là trách nhiệm với cộng đồng khoa học”.
Thầy Tuấn (áo xanh) dẫn đoàn Việt Nam dự trại hè khoa học dành cho học sinh và sinh viên xuất sắc 2016 tại Ấn Độ
Trong suốt những năm tháng đi dạy, thầy Tuấn luôn ủng hộ đưa nghiên cứu khoa học vào cho học sinh từ sớm. Bởi việc này giúp các em rèn cách tư duy, giải quyết vấn đề theo khoa học.
“Việc này giúp trẻ không bị tư duy theo lôi mòn, tức không phải chỉ những thứ có sẵn mà giáo viên dạy trên lớp. Các em sẽ làm quen việc đối mặt với những ‘bài toán’ không có sẵn và áp dụng những kiến thức, thậm chí không chờ đến khi thầy cô dạy mà tự tìm hiểu thêm, để giải thích hay tìm ra giải pháp”.
Thầy luôn hướng cho học sinh, sinh viên hiểu rằng trong nghiên cứu khoa học, cần những cái mới, song không có nghĩa lúc nào cũng phải là mới hoàn toàn.
“Có thể vẫn là những vấn đề cũ nhưng học sinh dùng phương pháp, cách thức mới để tiếp cận, giải quyết nó. Không nhất thiết phải phát minh ra một điều gì đó to lớn mới là làm khoa học”, thầy Tuấn nói.
Thời gian này, thầy Tuấn đang nghiên cứu về việc đào tạo đội ngũ giáo viên dạy Khoa học tự nhiên – môn học mới trong Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Vì vậy, thầy hy vọng trải nghiệm mới sẽ mang lại cơ hội học hỏi thêm về giáo dục STEM.
“Làm việc với các thành viên ban giám khảo đến từ các nước khác nhau, tôi không chỉ xây thêm mạng lưới khoa học mà còn muốn học hỏi cách họ dạy học sinh tiếp cận vấn đề nghiên cứu, để vận dụng ở Việt Nam”.
Với những kiến thức học hỏi được từ cuộc thi tầm quốc tế, thầy Tuấn kỳ vọng sẽ có những bài giảng cập nhật hơn tiến bộ khoa học của thế giới cho sinh viên sư phạm của mình. “Có như vậy, khi trở thành giáo viên, các em cũng sẽ có những cách tiếp cận mới, cập nhật và chỉ dạy cho học sinh những cách học hiệu quả hơn”.
Học sinh 'hóa thân' thành thầy cô để hiểu hơn về nghề giáo
Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) đang tổ chức cuộc thi 'Một giờ làm thầy cô' để các em học sinh hiểu hơn về nghề giáo viên.
Năm học 2022-2023, Trường THPT Phan Đình Phùng tiếp tục tổ chức cuộc thi "Một giờ làm thầy cô" cho học sinh khối 12.
Giúp hoàn thiện mình hơn
Thời điểm này, Trường THPT Phan Đình Phùng (Ba Đình, Hà Nội) đang tổ chức cuộc thi "Một giờ làm thầy cô" lần thứ 2 năm 2022. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 của trường.
Cô Nguyễn Thị Nhâm Huyền - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ý tưởng của hoạt động này bắt nguồn từ việc những năm gần đây, tỉ lệ học sinh đăng ký vào ngành Sư phạm thường không cao bằng các khối ngành khác. Dù áp lực về công việc hay thu nhập là có, nhưng nghề giáo vẫn giữ cho mình những giá trị và vị thế nhất định trong xã hội ngày nay.
"Qua cuộc thi này, chúng tôi mong muốn các em sẽ được hóa thân vào vai một giáo viên để hiểu được các công việc thường nhật cũng như những áp lực, khó khăn mà thầy cô sẽ phải trải qua để có được hành trang tốt nhất trước khi lên lớp. Dù mới ở tuổi học sinh nhưng các em đều đã bước đầu thể hiện được sự nỗ lực, chỉn chu từ trang phục, tác phong đến phương pháp giảng dạy" - cô Nhâm Huyền chia sẻ.
Lên lớp trong trang phục công sở với bộ vest trẻ trung, em Trần Đức Anh đến từ lớp 12D3 tâm sự, để chuẩn bị cho giờ dạy các kiến thức về mặt tròn xoay trong môn Toán, nam sinh này đã mất khá nhiều thời gian cũng như sự góp ý từ cô giáo. Đức Anh cũng bộc bạch, ước mơ làm thầy giáo dạy Toán đã hình thành từ khi còn là cậu học trò lớp 7, nên khi nhà trường phát động cuộc thi em đã đăng ký ngay để tham gia.
Cô Nguyễn Thị Nhâm Huyền (bìa trái), em Trần Đức Anh (thứ 3 từ phải sang) cùng các bạn sau giờ giải lao.
Theo Đức Anh, được trực tiếp cầm phấn đứng trên bục giảng và sử dụng các giáo cụ cần thiết cho bài học đã giúp em có được những trải nghiệm tuyệt vời về nghề giáo. Các khái niệm về hình nón mình giảng giải cho các bạn phía dưới hiểu được và cùng trao đổi một cách hào hứng, đó chính là thành công của người thầy. Đây là sân chơi bổ ích giúp em hoàn thiện mình hơn về mọi mặt.
"Ngay sau khi kết thúc giờ dạy, em cảm thấy rất hài lòng vì mình đã hiểu được sự tâm huyết, vất vả của các thầy cô nên vô cùng trân trọng. Đặc biệt, trong bối cảnh gần đến ngày 20/11, khát khao trở thành sinh viên Khoa Sư phạm Toán của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội vào năm tới của em ngày càng cháy bỏng hơn. Dù điểm chuẩn đầu vào sẽ rất cao nhưng em sẽ cố gắng để chinh phục mục tiêu này" - Trần Đức Anh nói.
Nuôi dưỡng đam mê với nghề giáo
Đam mê, yêu thích những áng văn chương từ hồi học cấp 2, em Vũ Huyền Linh - học sinh lớp 12D6 đã hoàn thành xong giờ giảng của mình với tâm trạng khá thoải mái. Trong tiết dạy của mình, nữ sinh này đã cùng các bạn hòa mình vào những vần thơ giàu hình ảnh trong tác phẩm Sóng của nhà thơ Xuân Quỳnh.
Nữ sinh Vũ Huyền Linh đến từ lớp 12D6 bày tỏ sự xúc động, niềm vui khi được trải nghiệm làm cô giáo dạy Văn cho các bạn học sinh tại cuộc thi.
Không chỉ là sở thích, thông qua cuộc thi lần này, Linh mong muốn tự "test" khả năng của mình tới đâu cũng như kỹ năng truyền đạt kiến thức của mình cho người khác. Đồng thời, đây cũng là dịp để em chuẩn bị các bước cần thiết cho hành trình chinh phục Khoa Sư phạm Ngữ văn - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trong năm 2023.
Nữ sinh này cũng thừa nhận, để soạn một bài giáo án chuẩn chỉnh là không hề dễ dàng. Trong mỗi một tác phẩm văn học đều ẩn chứa rất nhiều tầng giá trị. Nhiệm vụ của người dạy là cần dùng cái tâm để khám phá và cảm nhận. Mỗi một lần suy nghĩ là lại ra một phát hiện mới, sau đó em sẽ chắt lọc để giáo án của mình hoàn thiện nhất có thể. Từ đó sẽ cùng trao đổi, phân tích cùng các bạn học sinh về tác phẩm.
Em Vũ Huyền Linh lần đầu tiên được trải nghiệm làm cô giáo dạy Ngữ văn trên bục giảng.
"Khác với các môn khoa học tự nhiên, văn chương chúng ta cần cảm nhận. Dạy Văn quan trọng nhất là mình cảm nhận được linh hồn của tác phẩm cũng như có phương pháp truyền tải tới người nghe. Sau cuộc thi này, em sẽ tiếp tục trau dồi bản thân và đọc thêm những tác phẩm mới để rèn luyện tư duy nhiều hơn. Dù kết quả có ra sao thì Văn vẫn là niềm đam mê của em...", Vũ Huyền Linh tâm sự.
"Cuộc thi này được khởi động lần đầu tiên vào năm 2020 và đã tạo ra những hiệu ứng tích cực bước đầu. Trong năm 2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên hoạt động này bị tạm hoãn. Năm học 2022-2023, cuộc thi đã được tổ chức trở lại và thu hút sự tham gia của đại diện đến từ 16 lớp của khối 12. Chất lượng các giờ dạy ngày càng được nâng cao thể hiện sự cố gắng và tình yêu với nghề giáo của các em học sinh" - cô Nguyễn Thị Nhâm Huyền nói.
Cuộc thi viết 'Người Thầy kính yêu': Ở vùng xa ấy có cô Thu Nhờ có cô Lê Thị Lệ Thu mà niềm đam mê về khoa học kỹ thuật của nhiều lứa học sinh nơi vùng xa, vùng sâu của tỉnh Trà Vinh đã được khơi dậy và lan tỏa Trước khi cô Lê Thị Lệ Thu (52 tuổi; giáo viên Trường THCS Huyền Hội, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh) đến lớp, chúng tôi được...