Thầy giáo trường chuyên phân tích đề thi môn Sử
“Phần lịch sử Việt Nam cơ bản, xuyên suốt, còn lịch sử thế giới thì hay, cập nhật và giúp học sinh có cơ hội thể hiện thái độ trước sự ngang ngược của Trung Quốc thông qua một bài thi”, giáo viên chuyên Sử trường Phan Bội Châu nhận định.
Trao đổi với VnExpress ngay sau khi thí sinh kết thúc thời gian làm bài thi môn Sử, thầy Trần Trung Hiếu, người có hàng chục năm dạy chuyên Sử trường Phan Bội Châu, Nghệ An, nhận xét: “Đề thi quá hay và ý nghĩa”.
Theo thầy Hiếu, phần lịch sử Việt Nam đề yêu cầu rõ ràng, cơ bản, không đánh đố, không bắt trình bày những số liệu khô cứng ngày – tháng – năm, mà chỉ cần nắm kiến thức cơ bản là có thể làm được. Đề cũng không ra “tủ” mà nhiều học sinh trước đó cứ nghĩ rằng năm nay kỷ niệm năm chẵn của nhiều sự kiện thì có thể rơi vào kháng chiến chống Pháp, chiến dịch Điện Biên phủ… Tuy nhiên, đề không ra vào vấn đề cụ thể mà xuyên suốt lịch sử từ năm 1930 đến 1975.
Thầy Trần Trung Hiếu (bên phải) chụp cùng GS Phan Huy Lê trong mội hội thảo. Ảnh: NVCC.
Sự kiện đầu tiên là Đảng ra đời năm 1930, gắn liền với chính cương sách lược vắn tắt. Đây là đường lối cách mạng xuyên suốt của Việt Nam từ khi Đảng ra đời cho đến nay. Và sự kiện thứ 2 là kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ năm 1975.
Tâm huyết nhất của thầy là phần lịch sử thế giới. Đề nói đến tổ chức chính trị lớn nhất thế giới hiện nay là tổ chức Liên Hợp Quốc. “Tổ chức này ra đời nhằm giữ gìn hòa bình và an ninh thế giới. Khi học sinh nắm được 5 nguyên tắc hoạt động của Liên Hợp Quốc thì dễ dàng giải thích được bản chất của biển Đông hiện nay, vì sao có tranh chấp và cách giải quyết những tranh chấp đó là phương pháp nào”, thầy Hiếu nói.
Ở ý thứ hai của câu hỏi này yêu cầu học sinh giải thích “tại sao Liên Hợp Quốc xác định một trong những nguyên tắc hoạt động là giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình và liên hệ với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam hiện nay”. Câu này rất sát vấn đề thời sự, liên quan đến chủ quyền biển đảo, tạo cơ hội để học sinh thể hiện tinh thần yêu nước, thể hiện chính kiến của mình trước hành động xâm lược của Trung Quốc với vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Câu hỏi có vận dụng rất hay, là từ nguyên tắc hoạt động của Liên Hợp Quốc để giải quyết vấn đề ở Việt Nam. Theo thầy Hiếu, Việt Nam đang nỗ lực đấu tranh bằng biện pháp hòa bình, ngoại giao, dựa trên luật pháp quốc tế mặc dù Trung Quốc có những hành động ngạo ngược, thậm chí đe dọa và sử dụng hành động quân sự để trấn áp tàu chấp pháp của ta.
Từ khi ra đời đến nay, Liên Hợp Quốc có 5 nguyên tắc hoạt động gồm: Bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia và quyền tự quyết của các dân tộc; Tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của tất cả các nước; Không can thiệp vào công việc nội bộ của bất kì nước nào; Giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hoà bình và chung sống hoà bình và sự nhất trí giữa 5 nước lớn Liên Xô (nay là Liên bang Nga), Mỹ, Anh, Pháp và Trung Quốc.
Trung Quốc là một trong những nước sáng lập Liên Hợp Quốc, là 1 trong 5 nước ủy viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc và cũng là nước đề ra 5 nguyên tắc chung sống hòa bình. “Nhưng những gì Trung Quốc đang làm ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cho thấy lời nói của Trung Quốc khác với việc làm của Trung Quốc, thiện chí của Trung Quốc khác với hành động của Trung Quốc”, thầy giáo chuyên Sử khẳng định.
Video đang HOT
Theo thầy, đề thi này cũng giúp học sinh hiểu thêm thực tế ở biển Đông, rằng Việt Nam kiên trì đấu tranh bằng biện pháp hòa bình chứ không phải vũ lực là vì nếu Việt Nam sử dụng vũ lực là vi phạm hiến chương Liên Hợp Quốc: không giải quyết mâu thuẫn bằng vũ lực.
“Thời gian qua học sinh có thể thể hiện tình yêu nước, phản đối Trung Quốc thông qua facebook, nhưng nay các em có thể thể hiện chính kiến thông qua bài thi môn Sử. Đề rõ ràng, rất cơ bản, đáp ứng được yêu cầu chung của đa số học sinh, nên số em được điểm 5 sẽ ít”, thầy Hiếu nhận định.
Theo VNE
Hơn 900 nghìn thí sinh bắt đầu thi tốt nghiệp
Sáng 2/6, học sinh bắt đầu làm bài thi tốt nghiệp môn Văn. Thời gian làm bài 120 phút với hai phần đọc hiểu và viết.
Giám thị ký vào giấy thi cho thí sinh. Ảnh: Quý Đoàn.
Mới 6h sáng, Hà Nội đã đón những tia nắng đầu tiên, báo hiệu một ngày oi bức. Là ngày thi tốt nghiệp đầu tiên nên thí sinh đến trường sớm hơn để tập trung nghe lại quy chế thi, sau đó các em được gọi vào phòng thi làm các thủ tục cần thiết. 7h55 giám thị phát đề thi môn Ngữ văn và 8h bắt đầu tính thời gian làm bài.
Theo quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2014, Văn là môn bắt buộc với thời gian làm bài 120 phút. Đề thi gồm hai phần: đọc hiểu và viết (làm văn), trong đó tỷ lệ điểm của phần viết nhiều hơn phần đọc hiểu.
TP HCM sau thời gian nắng nóng kéo dài, thời tiết đã bắt đầu dịu lại nhờ những cơn mưa. Thời gian thí sinh bắt đầu vào phòng thi khá sớm nên các tuyến đường còn thông thoáng không xảy ra tình trạng ùn tắc, bụi bặm tạo tâm lý thoải mái cho cả thí sinh và phụ huynh dẫn con đi thi. Năm nay, TP HCM miễn thi tốt nghiệp cho những học sinh bị khuyết tật trên toàn địa bàn.
Hội đồng thi trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai có 566 thí sinh dự thi. Hầu hết các em có mặt lúc 6h để nghe phổ biến quy chế.
Năm nay, TP HCM có 65.800 thí sinh dự thi.
Thời tiết tại Thanh Hoá sáng sớm đã oi bức. Tại các hội đồng THPT Lam Sơn, Đào Duy Từ, Hàm Rồng..., một số học sinh thể hiên sự căng thẳng vì môn thi đầu tiên là môn tự luận, thời gian làm bài khá dài.
Nữ sinh trường THPT Lý Thường Kiệt (TP Thanh Hóa) xem lại số báo danh, phòng thi. Ảnh: Lê Hoàng.
"Dù ôn luyện khá kỹ kiến thức nhưng em vẫn không tự tin cho môn thi khởi đầu", Lê Tuấn Anh, học sinh trường Hàm Rồng nói và cho biết, sáng nay em dậy từ 4h để chuẩn bị tư trang đến điểm thi.
Ngồi trước cổng trường chờ con vào phòng, chị Nguyễn Thị Thanh tâm sự, con trai có học lực khá môn Ngữ văn nên chị phần nào yên tâm. Tuy nhiên, người mẹ vẫn lộ rõ nét mặt bồn chồn lo lắng vì "đầu không xuôi thì đuôi khó lọt"...
Năm nay, Thanh Hóa có hơn 39.000 thí sinh dự thi.
Các thi sinh tại các điểm thi trên địa bàn thành phố Vinh đến điểm thi sáng nay. Ảnh. Hải Bình.
Thành phố Vinh - nơi có nhiều điểm thi nhất tỉnh Nghệ An, các thí sinh và phụ huynh đến điểm thi từ sớm nên không xảy ra tình trạng tắc đường. Hội đồng thi THPT Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, THPT Dân tộc nội trú tỉnh ...rất ít phụ huynh đứng đợi ngoài cổng.
Ông Nguyễn Trọng Hoàn (Phó chánh văn phòng Sở Giáo dục Nghệ An) cho biết, thủ tục cho buổi thi đầu tiên được hoàn tất và khá suôn sẻ. "Số liệu thí sinh vắng vẫn chưa được cập nhật", ông Hoàn nói.
Nghệ An có tổng số thí sinh dự thi hơn 36.600. Có 15 thí sinh được miễn thi, trong đó 6 học sinh tàn tật và 9 học sinh đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế ở trường THPT Phan Bội Châu.
Giám thị túc trực bên ngoài hành lang của Hội đồng thi THPT Thăng Long (Hà Nội). Ảnh: Quý Đoàn.
Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, để làm tốt phần đọc hiểu, giáo viên cần giúp học sinh hiểu một văn bản; tên văn bản, từ ngữ, cú pháp, chấm câu, cấu trúc, thể loại văn bản và một số biện pháp nghệ thuật trong văn bản cũng như tác dụng của chúng.
Để làm tốt phần thi viết, học sinh cần biết vận dụng những kỹ năng viết đã học để tạo lập văn bản về một đề tài xã hội hoặc tác phẩm, trích đoạn văn học nào đó theo hướng mở và tích hợp trong môn và liên môn. Học sinh cũng phải có khả năng viết các loại văn bản phù hợp với mục đích, đối tượng, hoàn cảnh của các tình huống khác nhau, vận dụng vào thực tiễn học tập và đời sống.
Với bài viết nghị luận văn học, học sinh phải đạt chuẩn kỹ năng viết nói chung và chuẩn kỹ năng viết kiểu văn bản nói riêng mà đề bài yêu cầu, phù hợp với các giá trị nhân văn, những chuẩn mực đạo đức và pháp luật; không áp đặt nội dung chi tiết cần đạt.
Sau môn Văn, buổi chiều thí sinh sẽ dự thi Vật lý hoặc Lịch sử, tùy theo lựa chọn của các em. Khi nhận đề thi, thí sinh cần lư ý kiểm soát kỹ số trang và chất lượng các trang in. Nếu phát hiện thấy đề thiếu trang hoặc rách, hỏng, nhoè, mờ phải báo cáo ngay với giám thị phòng thi, chậm nhất 15 phút sau khi phát đề.
Khi làm bài, thí sinh không được đánh dấu hoặc làm ký hiệu riêng, không được viết bằng bút chì (trừ vẽ đường tròn bằng com pa và tô các ô trên phiếu trả lời trắc nghiệm); chỉ được viết bằng một thứ mực (không được dùng mực đỏ); phần viết hỏng phải dùng thước gạch chéo; không được tẩy, xoá bằng bất kỳ cách gì.
Với đề thi có phần tự chọn, thí sinh chỉ được làm bài một trong hai phần, nếu làm bài cả hai phần thì không được chấm điểm cả hai phần tự chọn.
Theo báo cáo nhanh từ các sở GD&ĐT, tổng số học sinh đăng ký dự thi cả nước là hơn 910.800, trong đó hệ THPT có gần 823.800, hệ GDTX hơn 87.000.
Thí sinh thi môn Vật lý chiếm 48% (437.700), Hóa học 57,6% (524.800, Sinh học 30,7% (279.700), Lịch sử 11,5% (104.900, Địa lý có 36,2% (329.800) và Ngoại ngữ 15,8% (144.300)
Theo VNE
Những loại máy tính được mang vào phòng thi Các máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản như ghi chép, ghi số điện thoại, không có thẻ nhớ cắm thêm... được phép mang vào phòng thi. Cục Công nghệ Thông tin (Bộ GD&ĐT) vừa công bố danh sách máy tính cầm tay được phép mang vào phòng thi tốt nghiệp THPT và phòng thi tuyển sinh ĐH,...