Thầy giáo trẻ và những giờ học ngoại khóa sinh động
Thầy Lý Hoàng Luân (sinh năm 1994) tốt nghiệp ngành Sư phạm Lịch sử tại Trường ĐH Cần Thơ. Tháng 8/2016, khi Trường THPT Võ Văn Kiệt (TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) vừa thành lập, thầy Luân là một trong những giáo viên 9X đầu tiên đứng lớp, năng nổ trong việc phát triển phong trào đoàn thể của nhà trường.
Thầy Lý Hoàng Luân
Vững chuyên môn
Trường THPT Võ Văn Kiệt buổi đầu thành lập còn nhiều khó khăn nên thầy Luân phải làm công tác chủ nhiệm và kiêm nhiệm vai trò Bí thư Đoàn trường song song với việc quản lý ký túc xá. Nhận trách nhiệm quản lý các khối lớp, chăm lo phong trào, nhưng thầy vẫn chuyên tâm về chuyên môn với quan niệm môn học nào cũng có giá trị, chẳng hạn như môn Lịch sử.
Muốn dạy tốt môn này phải tập trung vào kiến thức trọng tâm và đổi mới phương pháp sư phạm. Trong bài học về chiến thắng Bạch Đằng, thầy sắp xếp lại bàn ghế lớp học, lấy không gian lớp học tái hiện trận địa. Nền gạch trở thành lòng sông Bạch Đằng. Học sinh đóng vai tướng lĩnh tham mưu, đề xuất ý tưởng cài cắm bãi cọc và bố trí chiến thuyền mai phục.
Những bài học tái hiện lịch sử như vậy giúp các em chủ động kiến tạo và hăng hái tham gia bài giảng.
Tận dụng buổi sinh hoạt dưới cờ, thầy Luân “chiêu mộ” đội văn nghệ, tự cải biên các vở cải lương lịch sử thành kịch nói, chuyển thể các bộ phim của nền điện ảnh cách mạng thành diễn xuất sân khấu, cho học sinh trình diễn các chủ đề trong sách lịch sử. Là một giáo viên trẻ nên không chỉ đứng ngoài chỉ đạo diễn xuất, thầy còn “lăn xả” đóng các vai trong chương trình, góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa, làm gương cho các em học sinh. Ngoài ra, thầy còn mong muốn các em có tư duy lịch sử sắc bén và thực tế, chứ không phải học thuộc lòng.
Hằng năm, thầy cùng Đoàn trường tổ chức nhiều đợt tham quan các di tích và đền thờ danh nhân lịch sử trên địa bàn tỉnh. Thầy còn nhờ những bậc cao niên gìn giữ di tích kể lại truyền thống và thầy cũng trở thành hướng dẫn viên. “Chúng tôi vừa mới thực hiện chuyến đi bộ tham quan đình thần Nguyễn Trung Trực trên địa bàn TP Rạch Giá. Qua đó, tôi muốn nhắc nhở các em rằng, cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân ta ở thế kỷ 19 không chỉ ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, mà tại Nam Kỳ cũng không kém phần quyết liệt” – thầy Luân chia sẻ.
Chương trình “Giờ ra chơi làm gì?” của nhà trường
Sáng tạo trong hoạt động học tập trải nghiệm
Để xây dựng “trường học thân thiện” theo chủ trương của Bộ GD&ĐT, thầy Luân tham mưu ban lãnh đạo nhà trường thực hiện sáng kiến “Giờ ra chơi làm gì?”. Theo đó, Đoàn trường đã tổ chức các trò chơi dân gian quen thuộc cho học sinh như: Múa sạp, nhảy dây, ô ăn quan, cò chẹp, tạt lon… “Những trò chơi dân gian này quen thuộc, gần gũi với rất nhiều thế hệ trẻ em. Chúng tôi mong muốn tạo ra một giờ ra chơi bổ ích lý thú, một sân chơi lành mạnh sau những giờ học căng thẳng, hiện thực hóa chủ trương trường học thân thiện”, thầy Luân nói.
Video đang HOT
Nhận thấy khuôn viên nhà trường hạn chế trong việc giúp học sinh học tập trải nghiệm, thầy Luân đã phối hợp với tổ chức Đoàn các cấp, khảo sát và nghiên cứu khuôn viên của công viên An Hòa nằm tiếp giáp ngoại ô thành phố. Đây là công viên sở hữu diện tích lớn nhất tỉnh Kiên Giang do Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên quản lý, có những địa hình tự nhiên phù hợp để tổ chức các hoạt động điền dã. Thầy Luân cùng các thầy cô giáo trẻ trong Chi đoàn, các học sinh tiến hành cải tạo khu vực đất trống thành sân chơi lớn cho hàng trăm học sinh nhà trường.
Đầu tiên, họ bỏ ra hơn một tháng đào một hồ có diện tích khoảng 200m2, độ sâu hơn 1,2m. Sau đó, thầy Luân chỉ huy từng nhóm thu gom và sử dụng các vật liệu tái chế làm trại dã chiến và các chướng ngại, vật giả định.
“Đích thân các thầy cô viết kịch bản chương trình học tập trải nghiệm, mỗi chương trình có những điểm nhấn khác nhau. Trước mắt, chương trình học tập trải nghiệm sẽ làm mỗi năm một lần. Sau đó, nếu huy động đủ nguồn lực và được sự đồng thuận của phụ huynh thì sẽ tổ chức thường xuyên hơn”, thầy Lý Hoàng Luân cho biết.
Chương trình học tập trải nghiệm do thầy Luân và các thầy cô trẻ đề xuất thường diễn ra trong một ngày cuối tuần, trước mắt là thí điểm cho học sinh các lớp 10 – 12. (Trường THPT Võ Văn Kiệt dạy cả cấp THCS). Các thầy cô bơm nước vào hồ được đào sẵn và tổ chức trò chơi tái hiện các trận thủy chiến quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Mặc dù hồ chỉ sâu 1,2m nhưng học sinh tham gia đóng vai đều được trang bị áo phao đầy đủ. Công năng của hồ còn được tận dụng để dạy bơi.
Ngoài ra, ở các địa hình đã tạo dựng sẵn, thầy cô tổ chức cho học sinh chơi đánh trận giả hoặc chơi trò đi tìm mật thư mà thử thách là những câu hỏi liên quan đến lịch sử. “Chương trình trải nghiệm còn có hoạt động đào hố cá nhân, đào hố làm cạm bẫy để giúp học sinh hình dung về giai đoạn kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhân dân ta đã xây dựng địa đạo như thế nào. Tổ chức chiến tranh du kích ra sao. Thông qua đó, chúng tôi còn giúp các em tiếp cận mảng kiến thức về an ninh quốc phòng”, thầy Luân nói.
Riêng các học sinh từ lớp 6 – 9, các thầy cô thiết kế chương trình dã ngoại riêng, giúp các em tiếp cận với nông nghiệp địa phương, quan sát mô hình trồng lúa, nuôi tôm và trải nghiệm công việc của người nông dân.
Để chương trình học tập trải nghiệm có chiều sâu, thầy Luân còn đề xuất tổ chức thêm những buổi tọa đàm với những chủ đề xã hội khác nhau, mời các chuyên gia trong lĩnh vực đó đến nói chuyện. Các chủ đề được tổ chức thành công có thể kể như kỹ năng giao tiếp, phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, tâm lý học đường…
Tân Viên
Theo GDTĐ
Thầy giáo trẻ làm "dân vận" ở xứ Mường
Những năm tháng đầu tiên bước chân vào nghề, vượt lên mọi khó khăn của công việc dạy học ở vùng cao, gác lại bao lời mời gọi nơi phố thị, lặng lẽ trèo non, vượt suối đến với vùng cao, thầy giáo Nguyễn Duy Thể đã và đang cống hiến sức trẻ ở nơi con chữ đang khát khao được gieo mầm.
Gieo chữ ở vùng cao, ngoài công việc dạy học, thầy giáo Nguyễn Duy Thể và đồng nghiệp còn đóng vai trò là một "cán bộ dân vận" để vận động học sinh ra lớp.
Dạy học ở Thu Cúc, thầy giáo Nguyễn Duy Thể làm tốt công tác vận động học sinh ra lớp.
Gieo ước mơ nơi xứ Mường
Là người con vùng Đất Tổ Phú Thọ, sinh ra và lớn lên ở thị xã Phú Thọ, năm 2010, thầy giáo Nguyễn Duy Thể tốt nghiệp khoa Địa lý trường đại học Hùng Vương. Vốn đang sống ở khu trung tâm, đô thị tấp nập với điều kiện sinh hoạt khá tốt thì việc xung phong đi vào vùng cao dạy học đối với nhiều người là cả một sự đắn đo. Vậy mà, cầm tấm bằng đại học trong tay, thầy giáo Nguyễn Duy Thể không hề do dự hay băn khoăn mà đã chọn cho mình một hướng đi duy nhất, đến vùng cao Thu Cúc huyện Tân Sơn (Phú Thọ) để gieo những con chữ đầu tiên trong nghề dạy học của mình.
Hành trình đến vùng cao Thu Cúc tuy không đến vài trăm cây như ở những vùng biên cương khác nhưng con đường từ nhà đến đó cũng phải mất gần một ngày đường. Những dốc đèo quanh co uốn lượn bên những triền núi cao ngất, những con suối ào ào tựa như thác đổ, sương mù quyện trắng lối đi là những đặc điểm tự nhiên về địa hình của xứ Mường Thu Cúc, nơi mà người dân nơi đây vẫn gọi là "phía bên kia cổng trời". Thu Cúc là xã đặc biệt khó khăn, học sinh chiếm trên 90% là người Mường, Mông, hay bỏ học lên núi; điều kiện nhà trường còn nhiều thiếu thốn. Cơ sở vật chất còn tạm bợ. Người dân còn nghèo...
Những ngày đầu đứng trên bục giảng, viết những nét chữ đầu tiên trong nghề, phía dưới lớp là những gương mặt non nớt, ngơ ngác của những đứa trẻ người Mường, người Mông, người Dao, thầy giáo Nguyễn Duy Thể đã cảm nhận được phía sau vẻ nhút nhát, lam lũ của những đứa trẻ với mái tóc vàng hoe vì nắng gió kia là đôi mắt ngời sáng, trong veo và toát lên ở đó tinh thần hiếu học, khát khao được gieo ước mơ ở nơi này. Vì thế, những tháng ngày đầu của nghề, thầy giáo Nguyễn Duy Thể đã tự nhủ phải chuẩn bị và thực hiện những giáo án vừa kỹ lưỡng, vừa phù hợp với đối tượng học sinh.
Trong vai trò một "cán bộ dân vận"
Dạy chữ ở vùng cao, mỗi giáo viên ngoài việc dạy chữ, dạy người phải nhận thêm một trọng trách quan trọng nữa, đó là nhiệm vụ của một "tuyên truyền viên, một cán bộ dân vận". Công tác ở xứ Mường Thu Cúc nhiều năm nay, thầy giáo Nguyễn Duy Thể không chỉ đóng vai mà còn là một tuyên truyền viên đắc lực đối với giáo dục vùng này, mà hằng năm, cứ vào dịp sau nghỉ hè, sau tết nguyên đán hay giữa kỳ học, thầy Thể lại cùng đồng nghiệp phải lặn lội lên tận những bản xa để vận động các em trở lại trường...
Trong công việc này, với sức trẻ, lòng nhiệt huyết, thầy giáo Nguyễn Duy Thể luôn xung phong đến những bản xa để gọi học trò. Suối sâu, dốc đèo cao, có xe máy cũng chẳng thể đi được. Những ngày mùa đông, sương mù đặc quyện trên những bìa rừng, lối đi, rét như cắt da cắt thịt cũng chẳng làm chùn bước chân mỗi lần đi vận động học trò của thầy Thể.
Thầy giáo Nguyễn Duy Thể thăm và tặng quà cho học sinh nghèo ở bản Mỹ Á.
Những lúc về bản vận động học sinh ra lớp, thầy giáo Nguyễn Duy Thể cảm thấy mình trong vai trò là một cán bộ dân vận hơn là một thầy giáo. Thầy Thể chia sẻ: "Vận động học sinh cũng phải có nghệ thuật và đòi hỏi lòng kiên trì chứ nóng vội, bỏ cuộc là sẽ thất bại ngay. Thế mới hiểu cán bộ dân vận phải khéo léo và vất vả thế nào". Thầy Thể kể rằng, cứ đầu năm học, thầy và giáo viên trong trường lại tổ chức đi vận động học sinh nghèo trên những bản xa để các em yên tâm đến lớp. Khi đi vận động, thầy cô thường mang theo tải sách giáo khoa, nếu em nào không mua được thì cho hoặc cho mượn, như thế các em mới chịu xướng núi đến trường. Ở trường THCS Thu Cúc, hè về, các em thường lên núi làm việc hay đi làm thuê nơi xa nên quên cả việc học. Vì vậy, nhà trường phải vất vả đi vận động để các em tiếp tục học.
Thầy Thể tâm sự rằng, mỗi lần lên núi, lên bản vận động học trò, lại càng cảm thấy thương các em, khâm phục các em nhiều lắm. Đến nhà các em mới thấy con đường đến trường xa quá, điều kiện của các em thì khó khăn nên việc các em bỏ học về làm nương rẫy là chuyện chẳng có gì lạ. Vì thế, những bước chân hăm hở của thầy Thể đến những bản như Mỹ Á, Liên Trung, có khi giáp tận vùng Suối Giàng (Yên Bái) như thể gọi về những ước mơ đang dang dở, để tiếp thêm sức mạnh cho học trò nghèo xuống núi học chữ.
Thầy Thể cũng không nhớ bao lần đi vận động học trò, bao lần đưa trò qua suối những ngày giá lạnh, chỉ biết rằng, những năm gần đây, với sự nỗ lực, tâm huyết của thầy và đồng nghiệp, sĩ số học sinh của trường THCS Thu Cúc luôn ổn định, tỷ lệ học sinh ở nhà bán trú luôn đạt 100%, số học sinh bỏ học giảm đáng kể. Giờ đây, học sinh ở các bản xa đã yên tâm xuống núi học chữ, viết tiếp ước mơ của mình.
Điều đọng lại sau những nỗi nhọc nhằn của hành trình gieo chữ, sau những chuyến đi bản vận động học trò, điều chất chứa trong lòng thầy giáo Nguyễn Duy Thể là ước mơ con trẻ được chắp cánh từ những bản làng vùng cao.
Em Mùa Thị Hoa, học sinh lớp 9, dân tộc Mông ở bản Mỹ Á chia sẻ: "Khi học lớp 7, do đường xa, nhà lại khó khăn, em có ý định bỏ học nhưng nhờ thầy giáo Nguyễn Duy Thể đến nhà vận động nên em có thêm niềm tin và quyết tâm đến trường".
Sau mỗi giờ lên lớp, thầy giáo Nguyễn Duy Thể đã cùng đồng nghiệp chăm lo nơi ăn chốn ở cho các em học sinh người Mông ở bản Mỹ Á và một số bản xa trọ học ở trường. Những ngày đó, học sinh vẫn phải tự nấu ăn theo nhóm với số gạo, rau và tiền thức ăn ít ỏi gia đình cho để sinh hoạt trong tuần. Thầy Thể và đồng nghiệp thay phiên nhau quản lý việc sinh hoạt của các em ở nhà bán trú, tổ chức cho các em vui chơi thể thao, trồng rau và biết giữ gìn vệ sinh chung. Chiều chiều, thầy đi từng phòng kiểm tra, nhắc nhở và chỉ bảo các em việc tự học, vệ sinh phòng ở và tham gia các công việc chung của khu bán trú.
Với sự quan tâm mà thầy Thể dành cho học sinh bán trú, từ năm học 2011 đến nay, lãnh đạo trường THCS Thu Cúc đã giao cho thầy giáo Nguyễn Duy Thể phụ trách nhà bán trú học sinh. Với thầy Thể, đó là trách nhiệm và cũng là niềm vui khi được chăm lo bữa ăn, giấc ngủ và việc học hành của các em học sinh vùng cao.
Thầy giáo Mùa A Đàn (dân tộc Mông), đồng nghiệp của thầy giáo Nguyễn Duy Thể chia sẻ: "Thầy Thể là một trong những giáo viên tích cực vận động học sinh ra lớp. Nhờ sự khéo léo và kiên trì, thầy Thể đã giúp nhiều học sinh từ bỏ học trở lại trường. Sỹ số học sinh nhà trường luôn được duy trì tốt".
Muốn dân vận tốt thì phải rèn luyện kỹ năng
Thầy giáo Nguyễn Duy Thể xác định, muốn đồng nghiệp, nhân dân và học sinh tin yêu, khi nói được các em học sinh tin tưởng, mỗi người cần không ngừng trau dồi kỹ năng, nghiệp vụ, đặc biệt là năng lực chuyên môn và các hoạt động tập thể.
Vốn là một giáo viên trẻ, năng động, nhiệt tình và có cả những năng khiếu về văn nghệ, thể thao và công tác phong trào, từ năm 2014, thầy giáo Nguyễn Duy Thể đã được bầu làm Tổng phụ trách Đội TNTP nhà trường. Đó là môi trường để thầy Thể được trải nghiệm sức trẻ, cống hiến nhiệt huyết của mình với sự nghiệp giáo dục nơi đây. Trong vai trò là một Tổng phụ trách, thầy giáo Nguyễn Duy Thể luôn gương mẫu, nhiệt tình để tổ chức các phong trào thi đua với nhiều hoạt động phong phú và hiệu quả đối với học sinh nhà trường. Thầy Nguyễn Duy Thể từng đoạt giải nhì Hội thi Tổng phụ trách Đội giỏi huyện Tân Sơn, được nhận giấy khen của Hội đồng đội huyện. Vào những đợt thi đua hội giảng nhân các ngày lễ lớn, thầy Thể luôn đăng ký những giờ dạy tốt để có cơ hội trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ với đồng nghiệp.
Không những thế, là một giáo viên trẻ, thầy giáo Nguyễn Duy Thể không ngần ngại thử sức mình qua những Hội thi chọn giáo viên dạy giỏi cấp huyện cấp tỉnh. Năm học 2016-2017, sau khi vượt qua Hội thi vòng trường, vòng huyện, thầy Thể đã xuất sắc đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ tặng giấy khen. Với thầy, đó là điểm khởi đầu cho một quá trình dài nỗ lực và phấn đấu về chuyên môn.
Dạy chữ ở xứ Mường Thu Cúc với niềm đam mê, miệt mài và giàu lòng mếm trẻ, tuy những danh hiệu, phần thưởng như chiến sỹ thi đua cơ sở, giấy khen của UBND huyện Tân Sơn, giấy khen của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ là vô cùng cao quý nhưng đối với thầy giáo Nguyễn Duy Thể, đó là quãng thời gian trải nghiệm quan trọng của bản thân mình, đó sự thử thách không gì có thể thay được để có một ý chí, lòng yêu nghề nơi vùng khó như Thu Cúc. Phần thưởng quý giá đối với thầy Thể và đồng nghiệp là những học sinh vùng cao đang ngày đêm miệt mài bên trang sách, đọc lên những bài ca của ước mơ và niềm tin ngọt ngào mà ấm áp.
Lãnh đạo trường THCS Thu Cúc nhận xét: "Thầy giáo Nguyễn Duy Thể là một giáo viên giỏi về chuyên môn, yêu nghề, tích cực trong công tác vận động học sinh đến lớp, luôn là tấm gương sáng cho đồng nghiệp và học sinh noi theo. Ngoài dạy học, thầy Thể còn thực hiện tốt vai trò của một cán bộ dân vận".
Phía trước còn biết bao mùa gieo chữ đang đón đợi, còn bao tâm hồn con trẻ đang khao khát được thắp lên ngọn lửa của ước mơ. Quãng thời gian dạy chữ ở vùng cao Thu Cúc so với cuộc đời dạy học của một giáo viên là chưa dài nhưng đối với thầy giáo Nguyễn Duy Thể, đó là sự dấn thân của một nhà giáo trẻ, là sự khẳng định mình trên nẻo đường gieo chữ vì những "mầm xanh" tương lai nơi xứ Mường đang mong đợi những "mùa gieo chữ" mới. Sự dấn thân ấy đã để lại những bài học vô cùng quý báu trong công tác dân vận và dân vận khéo đối với thầy giáo Nguyễn Duy Thể. Thầy Thể đã nhận thức sâu sắc rằng, làm giáo dục nói chung và giáo dục ở vùng cao nói riêng, mỗi thầy cô giáo cần thêm vai trò của một cán bộ dân vận để kết nối hành trình vươn tới ước mơ con chữ của học trò nghèo nơi những bản vùng cao./.
Bài, ảnh: Nguyễn Thế Lượng
Theo cpv.org
Điểm xét tuyển vào Trường ĐH Cần Thơ từ 14-18 Trường ĐH Cần Thơ vừa công bố mức điểm đăng ký xét tuyển với chỉ tiêu 9.199. Mức điểm này được xác định theo ngành và không phân biệt tổ hợp xét tuyển. Thí sinh xem điểm thi trên thanhien.vn - Ảnh: ĐÀO NGỌC THẠCH Thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Cần Thơ, cho biết: "Thí sinh...