Thầy giáo trẻ và giấc mơ châu Phi
Từ một người hoàn toàn “mù tịt” về tiếng Anh, Nguyễn Mai Lâm (38 tuổi, quê Bắc Giang) đã trở thành người truyền cảm hứng và dạy tiếng Anh cho giới trẻ; là người “đưa đò” cho học trò của mình trở thành “ công dân toàn cầu”. Chưa hết, Mai Lâm còn viết tiếp ước mơ cho trẻ em nghèo ở châu Phi có nơi ăn, chốn ở và tiếp tục đến trường…
Nguyễn Mai Lâm mong muốn sẽ góp 1 phần nhỏ, giúp trẻ em châu Phi thay đổi số phận bằng học vấn
Nguyên lý 300
Nhiều người sẽ “mắt chữ O, mồm chữ A” khi biết thầy giáo tiếng Anh Mai Lâm trước đây “một chữ tiếng Anh bẻ đôi cũng không biết”. Nhấp ngụm cà phê, anh hóm hỉnh: “Không chỉ dốt tiếng Anh, mà hầu như các môn học tôi đều ở mức “thường thường bậc trung”. Thế nên thi đại học rớt ngay tắp lự. Ở nhà sợ cha mẹ bắt lấy vợ, đúng lúc đó có giấy báo nhập ngũ, tôi đăng ký luôn”.
Sau khi được chuyển vào TPHCM thực hiện nghĩa vụ, Lâm quyết chí thay đổi cuộc đời bằng việc ôn thi đại học. “Người ta giỏi học 10 nhớ 7, mình học dở, mất gốc, nhà nghèo … Học 10 nhớ 3, vậy phải học 30 để được nhớ 9 – Học bằng 300% sức lực so với người thường” – anh nhớ lại. Suốt 4 tháng “cày” ngày đêm, năm 2001, anh Lâm đậu thủ khoa ngành triết học của Trường ĐH KHXH&NV TPHCM.
Tốt nghiệp đại học và trở thành giảng viên, anh vẫn khao khát được tiếp tục học lên cao học. Trớ trêu thay, 4 lần đăng ký thi cao học đều rớt chỉ vì môn tiếng Anh. “Tôi ức lắm và tự hỏi, sao có người biết 3-4 ngoại ngữ, còn mình một ngoại ngữ cũng không xong?”- anh kể và quyết áp dụng lại “Nguyên lý 300″ để chinh phục môn tiếng Anh khó nhằn.
Lâm bảo, anh bỏ tiền đi học tiếng Anh khắp các trung tâm ngoại ngữ, vậy mà kết quả thu lại vẫn chỉ là con số 0 tròn trĩnh. Anh quyết định tìm thầy dạy riêng “1 kèm 1″. Thầy giao 1 thì làm 3, giao học 15 từ vựng thì học 45 từ. Kết thúc mỗi buổi học thì hỏi nội dung bài ngày mai, ngày kia để chuẩn bị xem trước. Chưa đầy 3 tháng, Lâm đã nắm lại tất cả kiến thức căn bản. Vẫn chưa tự tin trong giao tiếp, anh tiếp tục thuê riêng người nước ngoài kèm riêng cho mình.
Ngoài ra, anh lên kế hoạch “săn Tây” trau dồi thêm. Anh nhớ lại: “Tôi biết được khu Bùi Viện, Đề Thám (Q.1) có nhiều du khách Tây. Đây chính là thiên đường luyện tiếng Anh miễn phí. Tôi có một quyết định táo bạo là phải “túm” được một người sinh sống và làm việc tại Việt Nam để dạy chuyên sâu cho mình. Tình cờ, tôi quen anh chàng người Singapore đang thuê trọ ở Q. Gò Vấp.
Để kết thân, tôi liền đem chiếc xe máy mới mua đưa anh ta và bảo “Muốn đi đâu thì cứ lấy mà đi”, lại còn bao ăn uống khắp nơi. Người bạn khá “sốc” vì có một người Việt Nam “dám” chơi ngông đến vậy. Thế rồi người bạn này đem câu chuyện của tôi kể với nhiều bạn bè ngoại quốc khác, có cơ hội là họ đến tìm tôi để xem tôi có bị thần kinh không? Cũng từ đây, tôi “bỗng dưng” có quá trời bạn nước ngoài, tha hồ kết giao và thực hành tiếng Anh miễn phí. Tôi nhận ra, không có gì là không thể, nếu quyết tâm thì sẽ có được thành công”.
Giờ, không chỉ giỏi tiếng Anh, Mai Lâm còn trở thành thầy giáo dạy tiếng Anh theo phương pháp và con đường mình đã từng đi đó là “xóa hết – làm lại từ đầu, yêu lại từ đầu với tiếng Anh”, và mở được trường ngoại ngữ mang tên mình.
Video đang HOT
Giấc mơ châu Phi
Câu chuyện gián đoạn khi ánh mắt thầy giáo trẻ bỗng trở nên xa xăm. Anh bảo: “Ngoại ngữ không chỉ là chìa khóa để tôi chinh phục ước mơ trên con đường kiến thức, mà đó còn là cánh cửa đưa tôi đến một phương trời xa hơn – nơi mà tôi chưa từng nghĩ tới là giúp đỡ trẻ em, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn ở nhiều nơi trên thế giới”.
Đó là câu chuyện về hoàn cảnh thiếu thốn của những trẻ em ở đất nước Kenya, đặc biệt tại ngôi làng Matere nơi anh vừa đi qua cách đây vài tháng. Nhà làm bằng đất tường mềm như bún, ăn trên đất, ngủ trên đất, thiếu nước sạch nên chúng bị bệnh ngoài da và mắt. Bữa cơm không có thịt, mì gói là thứ cao cấp và nước sạch thì quý như sữa – anh viết trên trang cá nhân.
Kể lại chuyến đi đến Kenya cùng tổ chức The Green Lion (một đơn vị chuyên tổ chức các hoạt động tình nguyện viên quốc tế toàn cầu), Mai Lâm tâm sự, anh đã chọn châu Phi là nơi hoạt động tình nguyện bởi nơi đây có nhiều vùng đất “tận cùng của đau khổ, chiến tranh, bệnh tật và đói nghèo”.
Hơn 1 tuần cùng sống, cùng ở với người dân, Lâm bảo, anh chưa thấy nơi nào trên thế giới mà anh đã đi qua gây ám ảnh nhiều như ở Kenya. Nhiều người lớn lẫn trẻ con đang khốn khổ vì đói, bệnh tật triền miên. Cuộc sống các em toàn là những chữ “không”: không y tế, không đến trường, không thức ăn đầy đủ, không điện, không nước sạch…
Cầm lòng không đặng trước hoàn cảnh của 11 đứa trẻ là anh chị em ruột không có cha, mẹ bị điên, đang sống bám vào căn nhà vách đất của ông bà ngoại, anh Lâm đã thao thức chia sẻ những hình ảnh và dòng chữ đầu tiên trên facebook về đất nước Kenya và các trẻ em nơi đó, với mong muốn kêu gọi bạn bè ở Việt Nam cùng giúp sức xây một ngôi nhà mới, đưa các em đi chữa bệnh.
Anh nhẩm tính một ngôi nhà hoàn chỉnh cần 45 triệu đồng, nếu được bạn bè hỗ trợ khoảng 50%, anh sẽ bù thêm tiền để xây nhà mới cho bọn trẻ. Bất ngờ sau 1 tuần, số tiền ủng hộ hơn 100 triệu đồng. Vậy là, ngôi nhà nhỏ cho các em đã nhanh chóng được hoàn thành.
“Các em bước vào căn nhà mới mà ánh mắt đứa nào cũng lạ lẫm, vui sướng. Tôi nhớ mãi hình ảnh các bé khi được một bữa ăn nhỏ có mì tôm trứng, dưa hấu, bánh kẹo. Tụi nhỏ ăn lấy ăn để, dường như tất cả điều đó là lần đầu tiên và xa xỉ với các em. Ông Kanyui Wainaina (61 tuổi, ông ngoại của các bé) nắm tay tôi khóc và cảm ơn, bảo rằng ông đã có thể yên tâm nhắm mắt” – anh bồi hồi. Ngoài xây nhà, anh Lâm còn đưa 8 đứa trẻ trong số 11 em đến bệnh viện chữa bệnh, mua đồng phục và giúp bé lớn nhất quay trở lại trường học.
Trong những ngày trên đất Kenya, anh Lâm còn giúp thêm 6 trẻ em ở những gia đình khác đã bỏ học được quay lại trường, tặng xe lăn cho người khuyết tật, thăm và tặng quà cho trại trẻ mồ côi…
Muốn học trò thành “Công dân toàn cầu”
Người bạn đồng hành cùng Mai Lâm trong những dự án giúp đỡ những nơi khó khăn trên thế giới là nhạc sĩ rocker người Mỹ Albert Andrews. Albert có mẹ là người Việt. Mới đây, Albert quyết định chọn Việt Nam làm nơi định cư: “Tôi đã đi và giúp đỡ nhiều nơi trên thế giới, nhưng khi đến Việt Nam du lịch, tôi đã muốn được ở lại đất nước này. Nếu ở Mỹ, kết thúc việc ở công ty thì không biết làm gì khác; nhưng ở Việt Nam, tôi có thể dạy tiếng Anh, giúp người cần giúp và còn làm được nhiều việc ý nghĩa khác”.
Năm 2018, Mai Lâm và Albert Andrews đã đưa 8 học trò tham gia chương trình tình nguyện viên quốc tế tại Singburi (Thái Lan). Trong hành trình một tuần, thầy trò đã xây nhà cho người dân nghèo, dạy học cho trẻ em, giao lưu văn hóa… Anh Lâm tâm sự, rất mong muốn sinh viên Việt Nam có nhiều cơ hội thực hành tiếng Anh, học hỏi văn hóa và chia sẻ yêu thương, đặc biệt cũng có thể trở thành tình nguyện viên, công dân toàn cầu.
“Có người hỏi tôi vì sao chọn đến những nơi nguy hiểm như châu Phi, không sợ chết hay sao? Nhưng tôi nghĩ, nếu mình không đi, thì những bài học của mình về “công dân toàn cầu” chỉ là lý thuyết. Tôi muốn học trò của mình phải trở thành “công dân toàn cầu”, và tôi phải là người “mở đường” trước tiên” – anh Lâm bộc bạch.
Mỗi ngày, sau thời gian làm việc, Lâm lại đến lớp để dạy tiếng Anh cho các học viên. Chỉ trong thời gian ngắn, tiếng lành đồn xa, ban đầu chỉ có một lớp học, đến nay đã có hàng ngàn học viên theo học mỗi năm. Từ một người không biết tiếng Anh, anh đã trở thành một thầy giáo tiếng Anh được nhiều học trò ở TPHCM yêu mến. Muốn giỏi tiếng Anh trong thời gian ngắn, theo Lâm không có cách nào khác là phải “đầu tư nghiêm túc và học bằng cả trái tim”.
UYÊN PHƯƠNG
Theo Tiền phong
Thanh xuân "gieo chữ" vùng cao
Với lòng yêu nghề, mến trẻ, cô giáo Mai Thị Lâm (sinh năm 1967), giáo viên Trường phổ thông dân tộc (PTDT) bán trú - THCS Trung Lý, xã Trung Lý (Mường Lát) đã cố gắng vượt qua khó khăn, thử thách, ngày ngày lặng lẽ cống hiến tuổi xuân cho cuộc hành trình tìm con chữ của các em học sinh vùng cao biên giới.
17 năm qua cô giáo Mai Thị Lâm luôn tận tình với sự nghiệp "gieo chữ" nơi vùng cao. Ảnh: Hoài Thu
Tình yêu với trẻ em nghèo
Từ TP Thanh Hóa, chúng tôi đã bỏ lại sau lưng hơn 200 km đường gập ghềnh, khúc khuỷu để có mặt tại Trường PTDT bán trú - THCS Trung Lý khi trời đã xế chiều. Khó khăn, vất vả là thế nhưng gần 20 năm qua, cô giáo Mai Thị Lâm vẫn cần mẫn ngược - xuôi.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở xã Nga Thạch (Nga Sơn). Năm 1995, cô Lâm rời quê hương lên Mường Lát (lúc đó đang thuộc huyện Quan Hóa) ở với chị gái đang làm công nhân lâm trường. Sau một thời gian sinh sống, chứng kiến cuộc sống vất vả, cơ cực của bà con nơi đây; nhiều gia đình "cơm chưa đủ ăn, áo chưa đủ mặc" nên việc học hành đành gác lại phía sau chuyện "cơm áo"... đã thôi thúc cô quay về Trường Đại học Hồng Đức nộp đơn thi vào ngành sư phạm.
Nhớ đến những ngày tháng gian khó đó, mọi ký ức trong cô lại ùa về, cô Lâm kể: "Ngày ấy, đường sá đi lại vô cùng khó khăn! Chưa có cầu bê tông như bây giờ, mà phải qua sông bằng phà. Xe máy không có, phương tiện đi lại duy nhất là bằng xe ca. Mỗi lần đi từ huyện Nga Sơn lên Mường Lát, phải mất 2 ngày. Khi lên ở với chị gái được vài năm, chứng kiến cuộc sống vất vả, khó khăn của con em đồng bào nơi đây nên tôi thương lắm. Cuộc sống quá khổ đã khiến cho nhiều trẻ em thất học, đó là chưa kể đến việc giáo viên dạy chữ cho chúng cũng thiếu rất nhiều".
Chính tình yêu thương vô điều kiện ấy đã gắn kết cô với miền đất vùng biên này. Năm 2002, cầm tấm bằng tốt nghiệp trong tay, cô quyết định quay trở lại Mường Lát. Và rồi, cô giáo Mai Thị Lâm được huyện phân công về nhận công tác tại Trường THCS Quang Chiểu - một ngôi trường cách trung tâm huyện Mường Lát gần 30km đường rừng. Sau một thời gian công tác ở đây cô được điều động về dạy ở xã Trung Lý.
Mang tuổi xuân "gieo chữ"
Mới đó đã 17 năm trôi qua. 17 năm cô miệt mài "gieo chữ" cho miền sơn cước này. 17 năm gắn bó, cũng là ngần ấy thời gian cô Lâm phải sống xa gia đình, xa cha, mẹ già, xa nơi "chôn rau cắt rốn". Vào thời điểm ấy, không điện, không đường, không bạn bè, tuổi lại đang trẻ nên cũng buồn, cũng nản lắm! Tâm trạng nhớ nhà, nhớ gia đình, nhớ cả tiếng tàu xe khiến cô nhiều đêm mất ngủ. Những lúc đau ốm, lúc gia đình có chuyện, chẳng làm được gì ngoài những lời thăm hỏi, động viên. Đã có lần nghĩ đến chuyện bỏ cuộc, nhưng rồi những nỗi tủi hờn, những khó khăn, vất vả, gian truân... tất cả đã không thắng được lòng yêu nghề của cô.
Nhắc tới chuyện gia đình, mắt cô bỗng đỏ hoe. Cách đây chục năm, được bạn bè giới thiệu, mai mối, cô giáo Lâm kết duyên với một người đàn ông công tác ở Lâm trường Lang Chánh (huyện Lang Chánh). Cùng bấy nhiêu thời gian, 2 vợ chồng chạy chữa đã nhiều nơi nhưng vẫn không thể giúp cô thực hiện được ước nguyện thiêng liêng của người phụ nữ là được làm mẹ dẫu chỉ một lần.
Cô Lâm chia sẻ: "Những vất vả về tinh thần, vật chất tôi cũng dần quen rồi, gắn bó được ở đây vì yêu nghề thôi. Dù vất vả, nhưng không có những người như mình, thì ai sẽ đem con chữ đến với các em thơ ở đây?. Nhiều lúc thương cha mẹ già, thương người chồng luôn phải sống xa vợ hơn trăm cây số đường rừng, "dăm thì mười họa" mới được ở gần nhau mà muốn bỏ cuộc. Nhưng rồi tình cảm mộc mạc, chân thành của người dân nơi đây lại giúp tôi có thêm nghị lực để bước tiếp. Hiện chồng tôi đã nghỉ hưu, mỗi tháng lương hưu chưa đầy 3 triệu đồng, vì vậy phải đi làm thêm với bạn bè mới đủ chi tiêu trong tháng. Vả lại, tôi lại ở tận mãi trên này, anh ở nhà một mình cũng buồn, nên đi làm thêm cho khuây khỏa. Chỉ mong những người trong gia đình mình luôn mạnh khỏe và thông cảm cho tôi, để tôi có thể yên tâm công tác".
Được biết, từ khi về đây công tác, nhà trường bố trí cho cô một phòng ở khu nhà công vụ. Hằng ngày, một mình cô tự nấu ăn bởi ở đây ai cũng có gia đình. Dù đồng lương cũng đã tạm ổn, nhưng giá cả đắt đỏ, hơn nữa cô cũng phải chắt chiu để còn lo cho gia đình.
Gần 20 năm sống, cống hiến sức lực, trí tuệ cho sự nghiệp "trồng người" ở vùng đất biên cương này, cô cũng đã nếm trải nhiều truân chuyên lắm. Đã có lần cô Lâm làm đơn xin chuyển công tác về xuôi, nhưng bất thành. Từ đó, cô không làm đơn lần nào nữa và cố chờ đợi thêm thời gian nữa rồi về hưu. Và có lẽ, ít ai biết được đằng sau nụ cười trên bục giảng của cô là những giọt nước mắt lăn dài và nhiều đêm thức trắng.
Trò chuyện với chúng tôi, thầy giáo Lê Thế Lập - Phó Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú - THCS Trung Lý, cho biết: "Ở đây, đa số các thầy, cô giáo đều có gia đình dưới xuôi. Tuy nhiên, hoàn cảnh của cô giáo Lâm rất đặc biệt, vì vậy, chúng tôi luôn động viên, chia sẻ, mong chị bớt suy tư để vui vẻ trong cuộc sống và cống hiến cho ngành. Chị dạy môn Địa lý và cũng là một trong những người lớn tuổi nhất ở trường hiện nay".
Chia tay vùng đất biên cương của Tổ quốc, bên tai chúng tôi vẫn văng vẳng câu nói của nữ giáo viên "cắm bản": "Khi lựa chọn nghề dạy học, tôi đã xác định: Dù có khó khăn, thử thách đến đâu, cũng sẽ cố gắng vượt qua. Tuổi thanh xuân của tôi đã dành trọn cho giáo dục vùng khó, nay không có lý do gì mà chùn chân, mỏi bước. Tôi sẽ mãi là "cô giáo bản", để ngày ngày được "cõng chữ" lên non".
Hoài Thu
Theo baothanhhoa
'Nhà giáo toàn cầu' Tabichi Ở ngôi trường của thầy Peter Tabichi, cả trường chỉ có một cái máy tính duy nhất, 95% học sinh của thầy sống dưới chuẩn nghèo và chúng thường không thể tập trung trong lớp vì cái bụng thường xuyên trống rỗng. Thầy Peter Tabichi được các em học sinh trong trường chào đón tại sân bay ở Nairobi, Kenya ngày 27-3 khi...