Thầy giáo trẻ tâm huyết với sự nghiệp “trồng người”
Thầy giáo Lê Văn Tú, giáo viên Hóa học Trường THPT chuyên Phan Bội Châu ( Nghệ An) được biết đến là thầy giáo trẻ nhất trong lịch sử của trường.
Không chỉ tâm huyết với sự nghiệp “trồng người”, thầy Tú còn có nhiều thành tích nổi bật trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi.
Những ngày cuối tháng 11, chúng tôi về Nghệ An. Chiều muộn, trên sân trường THPT chuyên Phan Bội Châu, hình ảnh người thầy giáo đang tỉ mỉ hướng dẫn từng bước giải cho nhóm học sinh đã gây ấn tượng rất lớn cho chúng tôi. Qua tìm hiểu, được biết đó là thầy giáo Lê Văn Tú (sinh năm 1995), giáo viên trẻ nhất trong lịch sử của ngôi trường chuyên giàu thành tích này.
Càng khó khăn càng phải cố gắng
Gấp lại những trang sách còn dang dở sau khi chỉ dẫn cho các em học sinh, thầy Tú cười hiền: “Các em hiểu bài, biết cách làm là tôi thấy vui rồi. Đối với tôi, học sinh như là mấy đứa em út trong nhà…”.
Thầy Lê Văn Tú (ngoài cùng bên phải) và các em học sinh đoạt giải học sinh giỏi Quốc gia môn Hóa được UBND Tỉnh Nghệ An khen thưởng.
Nhìn vóc dáng bé nhỏ, nụ cười đôn hậu của thầy giáo Lê Văn Tú, ít ai biết được đằng sau đó là một sức mạnh, ý chí to lớn đến như thế nào. Sinh ra và lớn lên tại Nam Đàn (Nghệ An), cậu bé Lê Văn Tú hiểu được rằng, chỉ học thì mới có cơ hội để lập thân, lập nghiệp. Chính vì thế, Tú đã luôn cố gắng, nỗ lực trong học tập. Suốt 12 năm liền, cậu học trò nghèo Lê Văn Tú luôn là học sinh xuất sắc của trường, của lớp; được nhiều bạn bè, thầy cô yêu mến, ngưỡng mộ.
Nhưng rồi biến cố ập đến, năm Tú học lớp 11, bố của Tú bị mất trong một tai nạn lao động. Gánh nặng gia đình nay đè hết lên vai người mẹ. “Ngày đó, tôi suy sụp rất nhiều. Thương mẹ, thương em, tôi cứ nghĩ tới việc dừng học để đi làm, phụ thêm cho gia đình. Nhưng mẹ tôi chỉ khóc, bởi ước mơ cả đời của bố mẹ là nhìn thấy các con nên người…”, thầy Tú bồi hồi nhớ lại.
Và chính từ những giọt nước mắt đó, Tú hiểu được càng khó khăn thì càng phải cố gắng. Dù cuộc sống vất vả như thế nào, dù mỗi cuối tuần, Tú phải đi hơn 30km quãng đường từ trường về nhà để phụ mẹ trồng rau, nuôi gà; rồi những sáng sớm thứ 2 lại từ quê lên thành phố để kịp buổi học…nhưng Lê Văn Tú vẫn luôn cố gắng không ngừng. Cậu học trò nghèo ngày càng làm dày thêm bảng thành tích của mình khi liên tục đạt giải Ba, giải Nhì học sinh giỏi Quốc gia môn Hoá năm lớp 11, lớp 12.
Năm 2013, đứng trước ngưỡng cửa đại học, Tú quyết định thi sư phạm: “Ban đầu tôi dự tính theo Y khoa, nhưng suy nghĩ kỹ, tới thời điểm làm hồ sơ dự thi, tôi đã đăng ký vào học Sư phạm. Quyết định này khiến thầy cô và bạn bè rất bất ngờ…” – thầy Tú chia sẻ. Với 27,5 điểm, Lê Văn Tú trở thành sinh viên chuyên ngành sư phạm Hoá, Đại học Sư phạm Hà Nội.
Hạnh phúc khi được làm thầy giáo
Video đang HOT
Tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại giỏi, cậu sinh viên Lê Văn Tú quyết định nộp hồ sơ vào trường THPT chuyên Phan Bội Châu giảng dạy. “Suốt những năm tháng học tập tại ngôi trường này, tôi thực sự ngưỡng mộ và biết ơn các thầy cô giáo nơi đây – những người đã truyền cảm hứng, giúp đỡ tôi trong những lúc khó khăn vất vả nhất. Ước mơ được 1 lần đứng chung giảng đường với các thầy cô cứ lớn dần trong tôi”, thầy Tú chia sẻ.
Dường như tất cả những nỗ lực, cố gắng của cậu học trò nghèo đã được đền đáp khi tháng 9-2017, Tú nhận thông báo về trường giảng dạy. “Ngày hôm ấy là ngày đầu tiên sau khi bố mất, tôi đã khóc. Tôi chỉ biết cảm ơn mẹ, cảm ơn các thầy cô đã luôn ủng hộ, động viên và tin tưởng tôi…”, thầy Tú rưng rưng.
Những ngày đầu về trường công tác, so với tưởng tượng của một chàng sinh viên Sư phạm ngày trước, công việc giảng dạy có nhiều điểm khác. Hiểu rõ khuyết điểm của bản thân, những ngày đầu tham gia dự giảng, Tú đã luôn quan sát, theo dõi phương pháp, tác phong sư phạm của các giáo viên có kinh nghiệm trong tổ, trong trường. Bên cạnh đó, thầy cũng không ngừng tự học tập, bồi dưỡng để nâng cao trình độ và rút kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy, làm tấm gương cho các em học sinh. “Việc dạy học không đơn giản là chỉ dạy cho học sinh mà bản thân người giáo viên cũng phải học mỗi ngày, tiếp thu mỗi ngày để hoàn thiện hơn…”, thầy Tú tâm sự.
Những trái ngọt đầu tiên
Năm học 2018-2019, thầy Lê Văn Tú được Ban giám hiệu nhà trường giao nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi Hoá cấp Quốc gia khối 12. Nhận nhiệm vụ mới, Tú gặp không ít khó khăn, bởi thầy là một giáo viên trẻ, kinh nghiệm giảng dạy đội tuyển chưa nhiều. Tuy nhiên, với sự quan tâm của nhà trường, sự hướng dẫn của các đồng nghiệp đi trước… thầy Tú dần lấy lại tự tin, bắt nhịp được với công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. Trước những nỗ lực của thầy và trò, đội tuyển Hoá học của trường đã thu được nhiều kết quả đáng phấn khởi: 2 giải Nhì, 2 giải Ba học sinh giỏi cấp Quốc gia.
Không chỉ đạt thành tích trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, với nhiệm vụ giảng dạy môn Hoá cho các em học sinh, thầy Lê Văn Tú luôn khuyến khích các em tự giác học tập, rèn cho học sinh tính tự lập, sáng tạo. Trong quá trình giảng dạy, đối với học sinh khá, giỏi, thầy động viên, tạo hứng thú cho các em học giỏi toàn diện; đối với các em học sinh trung bình, yếu về môn Hóa, thầy chia sẻ, khích lệ các em cố gắng học, không sợ môn Hoá.
Nói về thầy Lê Văn Tú, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Phan Bội Châu, thầy Ngô Sỹ Thủy chia sẻ: “Thầy Tú là một tấm gương tốt về tinh thần nỗ lực, không ngừng chiếm lĩnh những tri thức mới, hoàn thiện trình độ bản thân. Bên cạnh đó, thầy Tú luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, luôn được đồng nghiệp tin yêu, giúp đỡ và được các học sinh yêu quý…”.
Có lẽ với người thầy giáo trẻ, những năm tháng gắn bó, sống cùng học sinh đã trở thành là niềm hạnh phúc lớn lao luôn nhắc nhở thầy luôn không ngừng cố gắng vươn lên trong sự nghiệp cao quý – sự nghiệp trồng người.
Bài, ảnh: PHÙNG TRANG
Theo QĐND
Người thầy 20 năm bám trường, chắp cánh học sinh giỏi vùng miền núi Hà Tĩnh
"Hàng chục năm qua, trường là nhà, học sinh là con, núi rừng như quê hương thứ hai của mình" - thầy giáo Đặng Minh (SN 1978, Trường THCS Kỳ Sơn, Kỳ Anh - Hà Tĩnh) tâm sự với khi được hỏi có ý định về miền xuôi sau 20 năm gắn bó với vùng miền núi nhiều gian khó.
Bên góc làm việc đơn sơ trong căn phòng nội trú, thầy Minh miệt mài bên những trang giáo án bồi dưỡng cho học sinh tham gia các kỳ thi HSG
Sinh ra và lớn lên ở huyện Can Lộc, năm 2000, cầm tấm bằng đại học sư phạm Toán, thầy giáo trẻ háo hức lên với vùng thượng Kỳ Anh theo phân công của ngành. 20 năm vào nghề, cũng chừng ấy năm thầy Minh gắn bó và góp sức vực dậy phong trào học tập và nâng cao chất lượng giáo dục ở xã miền núi Kỳ Sơn.
Khoảng 5 năm gần đây, Trường THCS Kỳ Sơn bắt đầu hành trình bồi dưỡng học sinh giỏi nhằm tạo sự đột phá về chất lượng mũi nhọn. Thầy Minh - với chuyên môn vững vàng và phương pháp truyền thụ đặc biệt đã trở thành một trong những giáo viên chủ chốt trong chiến lược bứt phá về học sinh giỏi (HSG) ở trường học vùng thượng Kỳ Anh.
Từ căn phòng nhỏ ở khu tập thể này, lớp lớp học sinh đã trưởng thành, thành đạt từ sự tận tâm của người thầy giáo vùng thượng
Được giao dạy bồi dưỡng HSG 2 môn Toán và Vật lý lớp 9 cấp huyện, phát huy hết tình cảm, trách nhiệm và năng lực, sở trường của mình, các thế hệ học sinh của thầy tiến bộ rất nhanh và nâng cao chất lượng, thành tích qua từng năm học.
Từ chỗ rất hiếm HSG huyện và chưa có HSG cấp tỉnh, Trường THCS Kỳ Sơn đã trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục mũi nhọn ở Kỳ Anh. Trường luôn xếp đầu bảng về HSG môn Toán và Vật lý trong các kỳ thi HSG huyện; nhiều em giành giải cao tại kỳ thi học sinh giỏi tỉnh.
3 năm học gần đây, học sinh Kỳ Sơn bắt đầu bước chân vào các trường THPT Chuyên của Hà Tĩnh và Nghệ An, trong đó có em sau đó đã khẳng định mình tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.
Truyền được ngọn lửa đam mê để các em theo đuổi mục đích - đó là tâm nguyện của thầy Minh trong quá trình giảng dạy và bồi dưỡng HSG
Chia sẻ về những thành công trong quá trình tham gia bồi dưỡng HSG của trường, thầy Minh cho biết: "Trước tiên là phải hướng các em lựa chọn được môn học phù hợp, đồng thời tạo cho các em sự đam mê hết mình; kiên trì đầu tư về thời gian, tâm huyết, máu lửa và phải coi học sinh như con em của mình thì mới có thể đi đến thành công".
Đó cũng chính là những gì thầy Minh đã cống hiến bằng cả tuổi trẻ và tình thương yêu học trò của mình. Từ mái trường này, lớp lớp học trò đã trưởng thành nên người; nhiều người thành đạt ở khắp mọi miền vẫn luôn nhớ về người thầy giỏi chuyên môn, chân tình, dản dị, yêu thương học trò hết mực.
Em Nguyễn Trường An, một trong những học sinh trong đội tuyển Vật lý của thầy Minh, được thầy theo dõi, bồi dưỡng, năm học 2016 - 2017 đã đậu thủ khoa HSG tỉnh.
Thầy Minh cùng em Nguyễn Trường An (ngoài cùng bên phải) và các em học sinh giỏi tại lễ tổng kết năm học 2016 - 2017
Mặc dù nhà ở gần trường nhưng sau những buổi ôn luyện, em thường ở lại phòng tập thể của thầy tại trường để thường xuyên được thầy rèn dũa, chuyện trò, chia sẻ những tâm tư, dự định trong cuộc sống. Bây giờ, An đã là học sinh Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh, nhưng mỗi khi về đến nhà là chạy đến thăm thầy ngay.
Với thầy Minh thành công đạt được không chỉ là những gương mặt đã bứt phá từ vùng đất khó để giành các giải thưởng cao, mà còn là những câu chuyện ấm lòng về những học sinh từ khó khăn trong cuộc sống, học lực nhưng đã từng bước bứt phá dưới dự dìu dắt, động viên của thầy.
Đó là chuyện của cậu học sinh lớp 9C - em Nguyễn Đức Din, một học sinh có lực học chỉ ở mức khá nhưng đã mạnh dạn xin vào học thêm trong đội tuyển Vật lý của trường chuẩn bị cho kỳ thi học sinh giỏi huyện năm học 2019-2020.
Thầy Minh cùng em Nguyễn Đức Din chinh phục những bài tập khó
Trân trọng tinh thần cầu thị, ý thức học tập và ý chí vươn lên của em, thầy Minh đã dành cho Din sự quan tâm dạy dỗ đặc biệt và sự động viên, khích lệ học tập thường xuyên. Minh đã từng ngày vươn lên, được tham gia vào đội tuyển chính thức và đậu giải khuyến khích kỳ thi học sinh giỏi huyện vừa qua.
Thầy Minh chia sẻ: "Thành tích tuy chưa cao, nhưng với tôi và Din kết quả này thực sự đặc biệt, vì tôi biết với em một chân trời khát vọng mới đang đón chờ bằng niềm tin vào chính mình".
Tự hào về người đồng nghiệp, người giáo viên xuất sắc, Hiệu trưởng Trường THCS Kỳ Sơn Vũ Anh Sang chia sẻ: "Thầy Đặng Minh không chỉ là một giáo viên giỏi với một bảng thành tích đáng nể mà còn là một người thầy tâm huyết, tận tụy, coi học sinh như chính con em mình. Mặc dù hoàn cảnh gia đình còn rất nhiều khó khăn nhưng thầy đã không ngừng cống hiến, không nề hà gian khổ để chắp cánh cho học sinh ở vùng thượng vươn xa".
Theo baohatinh
Vinh danh các nhà giáo tiêu biểu trên toàn quốc năm 2019 Nhiều tấm gương nhà giáo đã vượt khó vươn lên, bám trường, bám lớp, tình nguyện công tác ở những vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo để cống hiến cho sự nghiệp trồng người cao cả. Ngày 17/11, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối...