Thầy giáo trẻ giành giải Nhất hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc
31 tuổi, còn khá trẻ về cả tuổi đời và tuổi nghề, nhưng thầy Nguyễn Thanh Thảo, giảng viên Nghề chế tạo khuôn mẫu, Khoa Cơ khí, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ BR-VT đã trở thành nhà giáo giáo dục nghề nghiệp đầu tiên của tỉnh giành giải Nhất hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc ngay trong lần đầu tham dự.
Bài giảng lý thuyết và tích hợp của thầy Nguyễn Thanh Thảo tại Hội giảng Nhà giáo Giáo dục nghề nghiệp năm 2021.
Thành tích ấn tượng
Tại hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2021, thầy Nguyễn Thanh Thảo đã xuất sắc giành giải Nhất với điểm số gần tuyệt đối: 97/100. Với điểm số ấn tượng này, thầy Nguyễn Thanh Thảo không chỉ dẫn đầu Tiểu ban Cơ khí, mà còn đứng đầu cả 20 tiểu ban khi là người đạt thành tích cao nhất trong số 404 nhà giáo dự thi. Đặc biệt hơn, thầy Thảo là nhà giáo giáo dục nghề nghiệp đầu tiên và duy nhất của tỉnh tính đến thời điểm này đạt giải Nhất tại Hội giảng toàn quốc.
Thầy Nguyễn Thanh Thảo cho biết, đây là kết quả ngoài sự mong đợi của bản thân. Bởi đây là cuộc thi uy tín, rất khắt khe về tiêu chuẩn chuyên môn, thí sinh dự thi hầu hết là những thầy cô giáo có thâm niên. Thầy Thảo tham dự cuộc thi này với mong muốn được trải nghiệm, học hỏi và hơn cả là vượt qua chính mình.
Video đang HOT
Trong bài dự thi năm nay, thầy Thảo đã xây dựng đề cương giáo án chi tiết, rõ ràng phù hợp với nội dung bài giảng, chuẩn bị slide trình chiếu nội dung đầy đủ, ngắn gọn, truyền tải đầy đủ thông tin đến người học. Đồng thời, thầy còn kỳ công chuẩn bị trang thiết bị, máy móc, bảng vẽ gia công đúng tiêu chuẩn kỹ thuật và cả các dụng cụ đo kiểm phù hợp bài thi.
Bài dự thi của thầy được Ban Giám khảo đánh giá rất cao bởi bài giảng không đơn thuần là lý thuyết mà còn tích hợp nhiều phương pháp như thuyết trình diễn giảng có minh họa bằng vật thật, video và trình chiếu power point, phương pháp trực quan kết hợp với thao tác mẫu, phương pháp thảo luận, diễn giảng, minh họa các nội dung của bài học. Cùng với tác phong chững chạc, tự tin khi giảng dạy, thầy Thảo đã chinh phục hoàn toàn các thành viên Ban Giám khảo. Có giám khảo không ngần ngại chấm cho bài giảng của thầy Thảo 99/100 điểm.
Tháng 11/2021, thầy Nguyễn Thanh Thảo đạt giải Nhất tại Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc; đồng thời là nhà giáo giáo dục nghề nghiệp duy nhất của tỉnh được tuyên dương là “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” tỉnh BR-VT năm 2021. Năm 2020, thầy Thảo từng đạt giải Nhất cấp cơ sở, giải Ba cấp tỉnh tại Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, giải Khuyến khích cuộc thi ” Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo”, được tặng nhiều Bằng khen vì thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên.
Tâm huyết, ham học hỏi
“Đam mê với ngành cơ khí và yêu thích nghề GV, tôi đã quyết định theo học chuyên ngành Kỹ thuật công nghiệp, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Ở giảng đường ĐH, hàng ngày, được chứng kiến những người thầy miệt mài, say mê với từng bài giảng để tạo ra bao thế hệ GV phục vụ đào tạo nghề, nhằm cung ứng nguồn lao động có tay nghề cho xã hội, tôi càng thêm quyết tâm sẽ tiếp bước những người thầy của mình”, thầy Thảo trải lòng.
Sau khi tốt nghiệp ĐH, năm 2015, thầy Thảo về công tác tại Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ BR-VT với mong muốn được cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp ngay trên chính mảnh đất quê hương mình. Tại Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ BR-VT, môi trường làm việc năng động, thân thiện, trang thiết bị cơ sở vật chất được trang bị đầy đủ và hiện đại, lại có cơ hội được làm việc với các chuyên gia Nhật Bản đã giúp thầy Thảo nâng cao năng lực, kỹ năng nghề. Cũng như nhiều giảng viên trẻ khác, thầy Thảo được lãnh đạo trường, lãnh đạo khoa khích lệ, tạo điều kiện để tiếp tục học tập, nâng cao trình độ. Năm 2019, thầy Thảo tham gia Chương trình đào tạo giáo viên tại CH Liên bang Đức. Năm 2020, thầy tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Kỹ thuật cơ khí tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh.
Để có được bài giảng lôi cuốn người học, trước khi lên lớp, thầy Thảo luôn dành nhiều thời gian, tâm sức chuẩn bị bài một cách kỹ càng, sao cho kiến thức giảng dạy phù hợp với thực tế sản xuất tại DN. Thầy còn thường xuyên tìm hiểu thêm về các công nghệ mới, tham gia các hoạt động sáng tạo khoa học kỹ thuật để góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy.
Thầy Thảo chia sẻ: “Đối với tôi, việc đem đến cho các em những giờ học chất lượng, trang bị cho các em kiến thức và kỹ năng cần thiết để vững vàng trong cuộc sống, thành công trong công việc chính là niềm hạnh phúc lớn nhất của người thầy”.
Bà Trương Huỳnh Như, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ BR-VT cho biết, thành quả thầy Nguyễn Thanh Thảo đạt được là kết quả của một quá trình không ngừng nỗ lực, trau dồi kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm. Thầy Thảo là một giảng viên được đào tạo bài bản, có năng lực, có tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ và niềm đam mê với nghề. Trong công việc, thầy Thảo có tác phong chững chạc, nhanh nhẹn, ham học hỏi và luôn có tinh thần cầu tiến.
Vì những lý do đó, thầy Thảo được “chọn mặt gửi vàng” là một trong những giảng viên từng được nhà trường cử tham gia các lớp đào tạo bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề và nghiệp vụ sư phạm tại CH Liên bang Đức. “Tôi tin rằng, với đam mê và nhiệt huyết, thầy Nguyễn Thanh Thảo sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa, góp phần truyền cảm hứng trong tập thể nhà trường nói chung và đội ngũ giảng viên trẻ nói riêng”, bà Trương Huỳnh Như nhấn mạnh.
Lấy ý kiến dự thảo quy định về đào tạo nghệ thuật chuyên sâu
Cổng thông tin điện tử Bộ VHTTDL vừa đăng tải dự thảo Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật để lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn, tổ chức, chuyên gia, nhân dân từ nay đến ngày 17/11/2021.
Ảnh minh họa.
Dự thảo Nghị định gồm 4 chương, 15 điều quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; trình độ đào tạo và hoạt động đào tạo; chính sách đối với giảng viên, nhà giáo và người học... Cụ thể, theo dự thảo tờ trình gửi Chính phủ cho biết, đào tạo nghệ thuật có tính đặc thù ngay từ công tác tuyển sinh đến quy trình đào tạo. Trong đó, với học sinh theo học các ngành nghệ thuật đều phải có năng khiếu được tuyển chọn từ khi còn nhỏ, đào tạo liên tục trong nhiều năm và quá trình học tập có sự sàng lọc khắt khe. Vì vậy, thời gian đào tạo trung cấp thường từ 3 - 9 năm, tùy vào tính đặc thù của ngành/nghề đào tạo.
Bên cạnh đó, tờ trình cũng bày tỏ, về chính sách đối với giảng viên, nhà giáo trong những năm qua chính sách đối với giảng viên, nhà giáo đào tạo các ngành nghệ thuật đặc thù đã được quan tâm, thể hiện thông qua một số văn bản quy định về chế độ tiền lương, phụ cấp nghề và các chức danh, danh hiệu...
Thế nhưng, vẫn còn hạn chế, chưa bao quát, phù hợp với thực tế. Vì vậy, nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước và khuyến khích đội ngũ giảng viên, nhà giáo cống hiến cho sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng tài năng nghệ thuật thì chính sách đối với giảng viên, nhà giáo cần được bổ sung, quy định trong dự thảo Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật.
Đồng thời, hiện nay chưa có quy định cụ thể nào về tuyển dụng viên chức cho người có tài năng, năng khiếu trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, vì vậy, việc quy định chính sách giải quyết việc làm đối với người học trong các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp chuyên sâu đặc thù lĩnh vực nghệ thuật sau khi đã tốt nghiệp, có tài năng, năng khiếu đặc biệt phù hợp với vị trí việc làm trong các ngành, lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật được tiếp nhận vào làm viên chức theo quy định tại Nghị định số 115/2020/NĐ-CP của Chính phủ là rất cần thiết và phù hợp với thực tiễn, các văn bản pháp luật liên quan...
Phát động cuộc thi thiết kế dạy trực tuyến trong giáo dục nghề nghiệp Ngày 20/7, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phát động cuộc thi "Thiết kế dạy học trực tuyến trong giáo dục nghề nghiệp năm 2021. Ảnh minh họa Cuộc thi được tổ chức trong toàn thể hệ thống giáo dục nghề nghiệp, thực hiện theo các cấp: cấp cơ sở giáo dục nghề nghiệp;...