Thầy giáo thể dục đánh, tát nhiều học sinh: Nghịch lý “nghề cao quý”?
Vụ thầy giáo thể dục bạo hành dã man nhiều học sinh tại Trường THCS Mường Cang, Lai Châu gây phẫn nộ dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng đây là hành vi vi phạm đạo đức nghề giáo và cần xử lý nghiêm.
Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip hơn 20 giây ghi lại cảnh một người đàn ông mặc áo khoác đỏ, có hành động túm tóc, tát liên tiếp vào mặt, đầu, dùng chân đá vào ít nhất hai nam sinh trước sự chứng kiến của nhiều học sinh khác. Người này sau đó còn đi vào phòng hỏi thêm các học sinh khác với thái độ tức giận và lời lẽ mất kiểm soát.
Được biết, sự việc xảy ra tại Trường THCS Mường Cang (xã Mường Cang, Than Uyên, Lai Châu). Người đánh học sinh là thầy giáo thể dục của trường. Nguyên nhân được cho là các em không vâng lời thầy giáo và không thực hiện đúng chức năng của học sinh trong giờ học.
Vụ việc trên đã thu hút sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là các nhà giáo. Nhiều người bày tỏ sự bức xúc, phẫn nộ trước hành vi bạo lực, đánh đập học trò.
Không thể trò sai là thầy đánh
“Xem xong clip, tôi vừa bàng hoàng, vừa thấy xót xa mặc dù đây không phải lần đầu tiên clip bạo hành học sinh xuất hiện. Clip chỉ dài 22 giây nhưng tôi không đủ can đảm xem liền mạch, phải tạm dừng giữa chừng để ngăn nước mắt và cảm xúc tức giận khi chứng kiến hành vi bạo lực đầy dã man ấy.
Nhìn cách các em học sinh đưa tay che mặt, né đòn… thực sự đau lòng quá. Tôi tự hỏi, thầy giáo kia đã làm cha hay chưa, liệu thầy có mảy may thương xót khi “xuống tay” tàn nhẫn với các em đến vậy?” – cô Vũ Ngọc Linh (giáo viên trường THCS tại Nam Định) chia sẻ.
Hình ảnh thầy giáo đánh học sinh xảy ra tại Trường THCS Mường Cang. (Ảnh cắt từ clip)
Cô Linh cho hay, dù thầy giáo có biện minh cho hành vi của mình với lý do gì đi chăng nữa, nhưng việc sử dụng bạo lực để “giáo dục” học sinh là không thể chấp nhận được. Nghề giáo được coi là nghề cao quý trong những nghề cao quý. Vậy mà một thầy giáo thể dục với 17-18 năm kinh nghiệm trong ngành lại có hành động đánh đập học sinh dã man, đúng là nghịch lý. Nếu không có video này, không biết vụ việc và hậu quả sẽ còn tiếp diễn ra sao?
Đồng quan điểm, giảng viên Nguyễn Q.N. (trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng) cho hay, đây là vụ việc vi phạm có tính chất, mức độ nghiêm trọng.
Nhà giáo này phân tích: “Sự việc này xảy ra, nguyên nhân được cho là học sinh không vâng lời thầy giáo trong giờ học. Vì thế, hành động đánh học trò của giáo viên có thể là muốn duy trì kỷ luật. Tuy nhiên, tôi cho rằng, kỷ luật không đồng nghĩa với bạo lực. Sử dụng bạo lực đối với các em nghĩa là người thầy đã vi phạm tiêu chuẩn đạo đức nghề giáo “Không xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người học”; đồng thời vi phạm điều luật đã được hiến định.
Không chỉ đau đớn về thể xác, những học sinh nam trong vụ việc trên còn chịu tổn thương lớn về danh dự, nhân phẩm. Ngày một, ngày hai, vết bầm tím trên khuôn mặt có thể lành; nhưng nỗi đau tinh thần, sự ám ảnh khi bị chính người thầy đánh đập, sẽ tồn tại dai dẳng trong các em”.
Giảng viên này cho hay, học sinh đến trường để học những cái hay, cái đẹp, chứ không phải là “bài học” mang tính tiêu cực. Và những người thầy đến trường là để gieo mầm kiến thức, góp phần nuôi dưỡng tâm hồn các em, không thể trò sai là thầy đánh, dù “chỉ là muốn tốt cho học sinh và coi các em như con cháu trong nhà”.
Video đang HOT
“Thầy giáo trong clip chẳng khác gì “con sâu làm rầu nồi canh”. Nếu không xử lý nghiêm, loại bỏ những cá nhân có hành vi bạo lực ra khỏi ngành giáo dục, tôi e rằng dần dà, chuyện đánh học sinh sẽ trở nên bình thường trong xã hội. Như vậy, lớp học sẽ tồn tại những chuyện phản giáo dục như một nhà tù, trẻ không tìm thấy ở đó niềm vui” – cô Nguyễn Q.N. nhấn mạnh.
Giáo dục phải bằng tình thương
Trong khi đó, thầy Hoàng V.Đ. (giáo viên cấp 3 tại Hà Nội) cho biết, khi đánh giá một sự việc bất kỳ, cần nhìn nhận trên nhiều phương diện. Ở góc độ nào đó, thầy Đ. bày tỏ sự đồng cảm với tâm trạng bức xúc khi học sinh không nghe lời thầy giáo trong giờ học thể dục. Bởi thực tế, mỗi giáo viên đứng trên bục giảng đều mong học trò ngoan ngoãn, nghe lời, hình thành nề nếp… Và đôi khi trong lớp xuất hiện một vài học sinh ngỗ nghịch, phá vỡ trật tự của lớp nên giáo viên phải có biện pháp để duy trì trật tự.
“Tuy nhiên, không phải vì thế mà tôi cổ súy cho hành động bạo hành học sinh của nhà giáo này. Một giáo viên có kỹ năng sư phạm sẽ biết cách duy trì trật tự của lớp sao cho phù hợp, hiệu quả. Học sinh cần phải được giáo dục bằng tình thương, sự linh hoạt và thấu hiểu.
Còn khi sử dụng bạo lực, giáo viên chỉ là đang tìm cách giải quyết “phần ngọn” của vấn đề, không những không làm học sinh tốt lên mà thậm chí còn khiến sẽ lcác em thêm thù hận, mất dần đi sự kính trọng với giáo viên. Đòn roi còn thể hiện sự bất lực trong kỹ năng sư phạm và khả năng kiềm chế bản thân của nhà giáo” – thầy Đ. phân tích.
Theo đó, thay vì bực tức và hành hạ thân thể của trẻ, giáo viên cần bình tĩnh, tùy vào từng tình huống xảy ra để tìm biện pháp giáo dục tối ưu nhất, ví dụ như trò chuyện cùng học sinh để tìm ra nguyên nhân của vấn đề.
“Tuy nhiên, khả năng kiềm chế cảm xúc không phải tự dưng mà có, cần phải trau dồi và rèn luyện thường xuyên. Nhưng dù khó thế nào, cũng phải cố gắng, nhất là đối với những người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.
Phải để môi trường giáo dục luôn là nơi thể hiện tình thầy trò một cách chân thành, kính trọng và thương yêu; để các thế hệ học sinh được hình thành nhân cách đúng đắn…”.
Hơn 20 năm gắn bó với nghề giáo, cô Nguyễn Thị Hòa (Gia Lai) cho hay, qua sự việc đáng buồn này, mỗi giáo viên cần nhìn lại cách ứng xử cũng như đạo đức nghề nghiệp cho bản thân. Xét về khía cạnh đạo đức, đa số thầy cô vẫn làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình. Nhưng bên cạnh đó, nhiều người lại tự làm xấu đi hình ảnh của mình trong mắt học trò và xã hội; điển hình như sự việc thầy giáo thể dục đánh nhiều nam sinh hay vụ giảng viên mắng học trò là “óc trâu” xảy ra trước đó.
“Thời nào cũng vậy, người thầy luôn gánh trên mình trọng trách lớn lao, nhọc nhằn nhưng rất đỗi vinh quang, đó là trách nhiệm “trồng người”. Để hoàn thành trọng trách ấy, người giáo viên không chỉ cần có trình độ chuyên môn mà hơn hết phải đặt cái tâm, đạo đức của mình vào nghề.
Giáo viên đánh học sinh cho thấy, kỹ năng sư phạm của một bộ phận nhà giáo hiện nay còn nhiều lỗ hổng. Do đó, hy vọng những người “gieo chữ” như chúng tôi sẽ được bồi dưỡng bài bản về kỹ năng ứng xử để xây dựng sự lành mạnh cho môi trường giáo dục.
Nhưng theo tôi, quan trọng nhất, các thầy cô giáo hãy tự bồi dưỡng nâng cao năng lực trình độ của mình, ý thức về nghề nghiệp và khả năng nắm bắt tâm lý học sinh. Trước khi làm việc gì hay ứng xử với các em thế nào, thầy cô hãy cân nhắc hậu quả và đem chuẩn mực đạo đức nhà giáo ra soi”.
4 nỗi lo của nghề giáo
Nghề giáo là một trong số những nghề cao quý, là quốc sách hàng đầu của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Thế nhưng, trong bối cảnh hiện nay, nghề giáo vẫn còn nhiều nỗi lo và nhiều điều trăn trở.
Gần 15 năm theo nghề, được đồng hành với không ít những thay đổi về chủ trương, chính sách đối với giáo dục. Những buồn vui với nghề tôi cũng đã từng trải qua.
Thế nhưng, hành trình 15 năm với nghề, cứ mỗi lần những cô cậu học trò tâm sự hoặc nhờ tư vấn hướng nghiệp để theo nghề giáo, lòng tôi lại nặng trĩu, đầy băn khoăn, trăn trở và không dám mạnh dạn định hướng các em đến với nghề "gõ đầu trẻ".
Tôi lo lắng cho chặng đường phía trước mà các em sẽ phải trải qua. Bởi với tôi, nghề giáo hiện nay còn quá nhiều nỗi lo.
Một năm học mới nữa lại sắp bắt đầu, dù còn nhiều khó khăn, vất vả và những nỗi lo, đội ngũ nhà giáo vẫn đang nỗ lực vượt qua tất cả để tiếp tục sự nghiệp "trồng người".
Thứ nhất, nỗi lo thất nghiệp
Trước đây, mặc dù có nhiều mỉa mai "chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm", nhưng nhiều học sinh, gia đình vẫn chọn và định hướng con mình vào sư phạm. Bởi đó là một nghề cao quý, an toàn và quan trọng không phải lo lắng nhiều về việc làm. Sẽ được đi dạy ngay sau khi tốt nghiệp ra trường.
Thế nhưng, hiện nay thực tế đó không còn nữa. Với việc nhiều trường Đại học ồ ạt đào tạo sư phạm cùng với cơ chế sinh viên sư phạm không phải đóng học phí nên sinh viên thi tuyển vào các trường sư phạm khá nhiều.
Hằng năm, số lượng sinh viên tốt nghiệp rất nhiều nhưng nhu cầu giáo viên thì lại ít. Vì thế số lượng sinh viên không có việc làm, hoặc làm nghề không đúng chuyên ngành trở nên phổ biến.
Thống kê mới nhất của Bộ GD&ĐT, có đến 10.000 sinh viên ngành sư phạm sau khi ra trường khó có việc làm. Giáo viên chúng tôi không khỏi xót xa khi thấy những học trò, những sinh viên do mình hướng dẫn thực tập sư phạm lại trở thành công nhân tại các khu công nghiệp, những shipper, những người làm thuê theo thời vụ,...
Đối với những gia đình ở nông thôn, những bậc làm cha mẹ vất vả làm thuê, dành dụm đầu tư cho chặng đường trở thành giáo viên của con em mình không khỏi thất vọng, xót xa khi chứng kiến cảnh con mình không thể theo nghề giáo.
Thứ hai, nỗi lo về tài chính
Mặc dù có nhiều cải thiện trong chính sách tiền lương nhưng thực tế cuộc sống của nhiều giáo viên vẫn còn khá bấp bênh. Không ít trường hợp cả hai vợ chồng đều là giáo viên nhưng lại chật vật lo cho gia đình với nhiều thứ chi tiêu và gánh nặng lo chuyện học hành, tương lai của con.
Giáo viên THPT hạng III mới ra trường khoảng 3,5 triệu, nhưng giáo viên THCS, Tiểu học, Mầm non thì thấp hơn con số ấy nhiều. Phần lớn, giáo viên công tác xa nhà khoảng thu nhập ấy không cho đủ sinh hoạt cá nhân chứ đừng nói đến giúp đỡ lại gia đình. Vì thế gánh nặng tài chính đối với họ là rất lớn.
Nếu chỉ trông chờ vào đồng lương cơ bản thì họ chỉ đủ sống là giỏi, không thể tích góp được chứ chưa nói đến mua đất, xây nhà. Sự khó khăn về tài chính đã dẫn đến nhiều giáo viên đều phải làm thêm việc ngoài để tăng thu nhập hoặc chuyển nghề, xin nghỉ việc.
Thứ ba, nghề giáo không nhàn hạ như xã hội nghĩ
Với nhiều người, công việc của giáo viên khá nhàn hạ. Công việc của giáo viên chủ yếu là dạy trên lớp hết buổi là xong. Giáo viên THCS, THPT lại nhàn hơn vì chỉ dạy theo số tiết đúng quy định.
Đặc biệt, giáo viên lại được "ưu ái" nghỉ hè lại suốt ba tháng vẫn hưởng đủ lương. Nhưng thực tế không phải như thế. Nếu như nhiều ngành nghề khác, xử lý công việc chủ yếu tại cơ quan, đơn vị.
Nhưng do đặc thù, tính chất công việc, ngoài việc lên lớp giảng dạy, giáo viên phải xử lý một khối lượng công việc không hề nhỏ như soạn giảng, thực hiện hồ sơ, sổ sách, báo cáo chuyên đề, thao giảng, kiểm tra, sơ kết, đánh giá, bồi dưỡng chuyên môn,... phần lớn công việc này giáo viên phải xử lý ở nhà.
Riêng giáo viên nào được phân công công tác chủ nhiệm thì còn phải quản lý thêm những hoạt động ngoại khóa của lớp, thường xuyên phối hợp với giáo viên bộ môn, liên lạc với phụ huynh để giáo dục học sinh.
Thứ tư, nghề giáo nhiều áp lực và trở thành một nghề nguy hiểm
Tôn sư trọng đạo vốn là truyền thống lâu đời của dân tộc. Nhưng cùng với sự phát triển của xã hội, những chuẩn mực trên cũng dần biến đổi và cùng với đó là áp lực đè nặng lên vai các thầy cô giáo.
Người giáo viên chịu áp lực trước hết từ cơ chế quản lý nhà nước với hệ thống luật, các quy định ngành, chủ trương đổi mới giáo dục, về văn bằng, chứng chỉ và hồ sơ theo quy định. Tiếp theo người giáo viên chịu áp lực từ chất lượng giáo dục, chỉ tiêu giảng dạy và thành tích của đơn vị.
Ngoài ra, trong xã hội hiện đại ngày nay, giáo viên còn chịu sức ép rất lớn từ phía phụ huynh và dư luận khắc khe từ phía xã hội. Người thầy bị cha mẹ học sinh và xã hội đặt trên vai một nhiệm vụ nặng nề, đó là giáo dục học sinh, con em của họ thành những con người tài giỏi, trí đức. Sự kỳ vọng đó khiến trách nhiệm của người thầy nặng nề hơn bao giờ hết.
Người thầy phải "tôn trọng" tuyệt đối người học. Không được phê bình, quở trách, phạt, xử lí kỉ luật học sinh dù học sinh có phạm lỗi... Và thực tế, nhiều giáo viên không dám tự ý xử phạt hay nói nặng những học sinh cá biệt, quậy phá trong lớp vì sợ sai quy định, vi phạm đạo đức nghề giáo,...
Bên cạnh những sức ép đè nặng lên người giáo viên, còn có những mối đe dọa từ học sinh, phụ huynh và dư luận xã hội. Nhất là trong bối cảnh mạng xã hội phát triển rầm rộ và trở thành công cụ "truyền tin" với tốc độ nhanh chóng mặt. Hàng ngày, đến trường không ít giáo viên luôn mang theo những nỗi sợ vô hình như bị chính học sinh, phụ huynh xúc phạm, dọa nạt, bị hành hung hay bị chỉ trích từ mạng xã hội.
Câu chuyện thầy giáo ở Thành phố Hồ Chí Minh bị đánh chảy máu đầu khi xử lý học sinh vi phạm nội quy đồng phục, Cô giáo ở một Trung tâm giáo dục thường xuyên tại Hà Nội bị học sinh đánh ngay trên bục giảng hay câu chuyện Cô giáo một trường tiểu học ở Long An bị phụ huynh bắt quỳ xin lỗi vì phạt học sinh.,... tới bây giờ vẫn còn ám ảnh cho nhiều giáo viên. Từ đó, có thể thấy được nghề giáo luôn đi kèm với những nguy hiểm.
*****
Một năm học mới nữa lại sắp bắt đầu, dù còn nhiều khó khăn, vất vả và những nỗi lo, đội ngũ nhà giáo vẫn đang nỗ lực vượt qua tất cả để tiếp tục sự nghiệp "trồng người", góp phần thực hiện chiến lược "đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục" nước nhà.
Con đường đổi mới giáo dục vẫn đang ở những bước đầu tiên, gian nan còn nhiều. Để thực hiện thành công chặng đường ấy, ngoài sự cố gắng, nỗ lực của đội ngũ nhà giáo phải cần có sự quan tâm, cộng đồng trách nhiệm, sự chung tay của các cấp các ngành và của toàn xã hội.
Làm được 6 giải pháp này, nghề giáo sẽ trở lại thời hoàng kim Trước hết phải có chính sách cụ thể về khuyến khích học tập, học tập xếp loại giỏi, khá cho đối tượng sinh viên sư phạm. Thực tế hiện nay, trong năm học qua với những thay đổi tích cực từ cấp quản lý thì ngành sư phạm cơ bản có khởi sắc so với các năm trước, nhưng so với mặt bằng...