Thầy giáo quân hàm xanh xóa mù chữ cho người Mông Sơn La
Không chỉ mở các lớp xóa mù chữ cho người Mông ở Co Muông, Mường Lạn, trung úy Vàng Lao Lừ còn dạy họ kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt.
Cứ 19h hàng ngày, một phòng học ở trường tiểu học bán trú Mường Lạn (huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La) lại được thắp sáng bằng những bóng đèn lấy từ nguồn điện năng lượng mặt trời. Trong lớp học ấy, thầy giáo trẻ Vàng Lao Lừ trong bộ quân phục cùng hàng chục học sinh với độ tuổi khác nhau cùng tập đọc, tập viết.
Lớp học này đã được trung úy Vàng Lao Lừ – một chiến sĩ của đồn Biên phòng Mường Lạn – tổ chức vài tháng trước, sau khi lớp xoá mù chữ của anh ở bản Co Muông hoàn tất. Với mục tiêu giúp người dân biết đọc, biết viết và tính toán đơn giản, Lừ dạy học sinh theo giáo trình xoá mù chữ của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
“Cả lớp có 36 học sinh, tuổi từ 15 đến 38, có người đang là công an viên, hội trưởng hội phụ nữ của bản Mường Lạn”, trung úy Lừ cho hay. Nhưng để có 36 học sinh này, Lừ đã mất rất nhiều công sức vận động vì người Mông cho rằng cuộc sống của họ chỉ có nương rẫy nên không cần học chữ. Anh phải tiếp cận dần dần bằng việc chỉ cho họ cách trồng cây ăn quả trên đất dốc, cách chăm sóc cây trồng phát triển tốt, không sâu bệnh… Đến khi việc thay đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai cho kết quả, người dân mới tin và nghe theo anh học chữ.
“Tôi chuyển từ đơn vị vào bản sống để tiện thực hiện nhiệm vụ của cán bộ vận động quần chúng và dạy học. Hiện tôi đang ở nhờ nhà kho của trường mầm non Mường Lạn. Ở đây không có điện, không có sóng điện thoại, đồ ăn thì tôi mua dự trữ hàng tuần vì cứ thứ 6 lại về đơn vị để họp giao ban”, Lừ kể.
Lớp học xoá mù chữ của thầy giáo Vàng Lao Lừ ở Mường Lạn, Sốp Cộp, Sơn La. Ảnh: NVCC
Cũng nhờ gần gũi và nắm bắt thông tin, điều kiện từng học sinh mà có lần trung úy Vàng Lao Lừ kịp thời phát hiện và giải cứu một nữ sinh bị bọn buôn người lừa, chuẩn bị bán qua biên giới.
Đó là một buổi tối, thầy Lừ không thấy Vàng Thị Sênh (18 tuổi, bản Co Muông, xã Mường Lạn) đến lớp, hỏi em gái Sênh thì được biết cô có khách nên không đi học. Tuy nhiên, ngày hôm sau, anh trai Sênh lại nói là cô “đi học từ tối qua chưa về”. Linh cảm thấy việc chẳng lành, Vàng Lao Lừ cùng gia đình tỏa ra đi tìm kiếm Sênh.
Rà soát ở nhà những người thân đều không có, Lừ gọi điện cũng không thấy Sênh bắt máy. Đến khi anh trai cô gọi thì có người lạ nghe và tuyên bố đã “lấy Sênh về làm vợ”.
Video đang HOT
“Xâu chuỗi sự việc, tôi nghi ngờ Sênh đã bị bọn buôn người lừa đưa đi nên gọi điện về đơn vị báo cáo tình hình, đề nghị cơ quan chức năng phong tỏa các cửa ngõ biên giới, ngăn chặn bọn buôn người đưa Sênh đi”, Lừ kể và cho biết, qua tìm hiểu, anh biết được hai đối tượng lạ mặt dẫn Sênh đi là người Yên Bái, nhưng khi liên hệ về địa phương thì biết tin đối tượng đã bỏ nhà từ lâu.
Lừ cho rằng các đối tượng có thể không dẫn Sênh đi qua đường Yên Bái vì sợ bị phát hiện nên đề nghị tổ chức truy tìm cả ở các tuyến đường về xuôi. May mắn, cơ quan chức năng đã phát hiện Sênh bị các đối tượng đưa đến bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) dự định chuyển lên Lào Cai bán qua biên giới. Cuộc giải cứu Sênh thành công.
Trung uý Lừ dạy học sinh tập viết. Ảnh: NVCC
Sau mỗi khóa học xóa mù chữ, những học trò của trung uý Lừ đã biết áp dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống, biết mua hàng tạp hoá về bán, chuyển đổi cây trồng, từ ngô, lúa thành cây hoa quả lâu năm, khi xã gửi các văn bản thì đã biết tự nghiên cứu được.
Trung tá Đoàn Ngọc Báu, Phó phòng Vận động quần chúng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng Sơn La) cho biết, khu vực Mường Lạn, số lượng gia đình người Mông cho con đến trường hạn chế, tình trạng mù chữ còn chiếm tỷ lệ lớn. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân còn đi làm thuê cho tội phạm. Nhiều chiến sĩ biên phòng cũng đã vận động bà con làm ăn, học tập nhưng hiệu quả chưa cao vì bất đồng ngôn ngữ hoặc không hiểu văn hóa. Riêng trung uý Lừ phát huy lợi thế người địa phương, dân tộc Mông, thông hiểu địa bàn… nên vận động đồng bào rất hiệu quả.
Thời gian qua, trung úy Lừ đã liên hệ với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cung cấp miễn phí cho bà con nhân dân hai bản Co Muông và Nong Phụ cây giống, con giống, phân bón trị giá hơn 70 triệu đồng. Lừ cũng phụ trách giúp đỡ 5 trẻ do đơn vị nhận nuôi tại Đồn trong chương trình “Nâng bước em tới trường”.
Trung uý Vàng Lao Lừ đã được nhận bằng khen Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo vì đã có thành tích xuất sắc góp phần phát triển giáo dục tại vùng sâu vùng xa, biên giới hải, đảo của Tổ quốc năm 2018. Anh cũng là gương mặt trẻ triển vọng toàn quốc năm 2018, chủ nhân của hàng chục giấy khen, bằng khen khác của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Trung ương Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam, Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La…
Hoàng Thùy
Theo VNE
Thầy giáo quân hàm xanh cắm bản "gieo chữ"
Nhiều năm miệt mài đưa con chữ đến bản làng vùng cao xa xôi, giúp dân xóa đói, giảm nghèo, thầy giáo cắm bản - Trung úy quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Vàng Lao Lừ (30 tuổi) vinh dự là một trong mười "Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng" năm 2018.
Trung úy Vàng Lao Lừ hướng dẫn học viên tại lớp học xóa mù bản Co Muông. Ảnh: Thanh Thuận
Trung úy QNCN Vàng Lao Lừ - nhân viên Đội Vận động quần chúng (VĐQC), Đồn Biên phòng (BP) Mường Lạn, BĐBP Sơn La (31 tuổi, là người dân tộc Mông) sinh ra và lớn lên ở xã Mường Lựm (Yên Châu, Sơn La). Trước khi phụ trách lớp học với 56 học viên là đồng bào dân tộc Mông ở bản Nong Phụ, xã Mường Lạn, thầy giáo cắm bản Vàng Lao Lừ đã mở lớp xóa mù chữ thành công cho 36 học viên ở bản Co Muông, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La.
Xã Mường Lạn tiếp giáp với Lào. Bản Co Muông (cách trung tâm xã Mường Lạn 18km) có 48 hộ với 315 khẩu hoàn toàn là người dân tộc Mông. Đây là một trong những bản vùng cao, xa xôi của xã, được "mệnh danh" là bản "năm không" (không điện lưới, không đường, không trường, không trạm y tế và không chợ), giao thông, đi lại khó khăn.
Từ nhiều năm qua, Đồn BP Mường Lạn thường xuyên tăng cường lực lượng bám địa bàn, giúp đỡ bà con nơi đây, tổ chức các buổi sinh hoạt văn hóa cộng đồng và động viên người dân học chữ.
Tháng 1/2017, Trung úy Vàng Lao Lừ phối hợp với chính quyền địa phương và Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Sốp Cộp khảo sát, mở 1 lớp xóa mù chữ tại bản Co Muông với 36 học viên (từ 13 - 38 tuổi) do anh đứng lớp dạy học.
Lớp học được ghép bằng những tấm gỗ cũ, lợp mái pro xi măng và quây bạt xung quanh để chắn gió. Các học viên hầu hết là lao động chính trong gia đình, ban ngày lên nương, ban đêm mới đi học được. Lớp học phải tận dụng nguồn điện nước lúc được, lúc mất, không đủ chiếu sáng nên mỗi học viên đều mang theo đèn pin để chiếu sáng thêm.
Những "học sinh" đặc biệt này do nhiều nguyên nhân khác nhau như điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, lấy chồng sớm, hoặc do tâm lý e ngại... nên đều chưa một lần đến trường. Để mang "cái chữ" đến cho học sinh vùng cao, thầy giáo quân hàm xanh Vàng Lao Lừ đã cắm bản, trở thành người con của bản làng, cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc để hiểu hơn về cuộc sống của dân bản và nói cho bà con hiểu lợi ích lâu dài của việc đến lớp sau mỗi mùa nương rẫy.
Cả tuần thầy Lừ ở trong bản, chỉ cuối tuần anh mới lên xã, ghé về đơn vị, đi mua gạo và thức ăn mang vào bản dự trữ cho tuần tiếp theo. Ban ngày, anh tham gia làm vườn, tăng gia sản xuất, hướng dẫn bà con trồng trọt và chăn nuôi, buổi tối lên lớp dạy chữ cho bà con. Vàng Lao Lừ đã hướng dẫn nhân dân xây dựng và phát triển nhiều mô hình hiệu quả, như: Trồng cây ăn quả trên đất dốc, chăn nuôi gia súc, gia cầm, vệ sinh làng bản...
Mong muốn nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con, chàng lính trẻ còn tích cực vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ủng hộ cây giống, con giống, đồ dùng học tập... tặng hộ nghèo, gia đình người có công, học sinh nghèo học giỏi, với tổng trị giá hàng trăm triệu đồng.
Từ tin báo của bà con, năm 2018, Trung úy QNCN Vàng Lao Lừ đã cung cấp 15 tin có giá trị cho đấu tranh các chuyên án, vụ án; tham gia phối hợp cùng lực lượng chức năng xử lý 9 vụ/12 đối tượng, góp phần quan trọng vào giữ vững an ninh trật tự khu vực biên giới.
Năm 2018, thầy Lừ đã giải cứu thành công học viên của mình - em Vàng Thị Sênh (18 tuổi, bản Co Muông, xã Mường Lạn) bị lừa bán sang Trung Quốc. Khi đang dạy xóa mù chữ tại bản Cò Muông, một hôm thấy Sênh không đến lớp, Trung úy Lừ hỏi em gái Sênh thì được biết Sênh có khách nên không đi học được.
Sang ngày hôm sau, người nhà Sênh đến báo từ hôm qua em không về nhà. Biết là có chuyện chẳng lành, Trung úy Lừ cùng gia đình em đi tìm Sênh ở nhà người thân nhưng không thấy. Sau khi gọi điện cho Sênh nhiều lần nhưng không có người nghe máy, anh trai Sênh vẫn tiếp tục gọi, thì có một người đàn ông lạ nghe máy và nói rằng "lấy Sênh về làm vợ".
Qua tìm hiểu thông tin từ những học viên trong lớp học, thầy giáo Lừ biết 2 đối tượng lạ mặt dẫn chị Sênh đi là người Yên Bái. Anh đã liên hệ được với chị dâu của 1 trong 2 đối tượng này và được biết đối tượng đã bỏ nhà đi lang thang từ rất lâu rồi.
Phán đoán Sênh bị lừa bán nên ngay lập tức, Trung úy Lừ gọi điện về đơn vị để báo cáo chỉ huy và thông báo cho các cơ quan chức năng, tổ chức ngăn chặn đối tượng đưa Sênh qua biên giới. Sau khi truy tìm ở các tuyến đường, bến xe, các đơn vị chức năng giải cứu thành công Sênh khi em đang bị các đối tượng đưa đến bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) để lên Lào Cai bán qua biên giới.
Với sự nỗ lực không ngừng của thầy Lừ, chỉ trong một thời gian ngắn, 36 học viên đầu tiên đã "tốt nghiệp" xóa mù chữ, 100% đều đọc thông, viết thạo, tính được những phép toán đơn giản. Đầu năm 2018, Vàng Lao Lừ tiếp tục khảo sát và mở lớp học xóa mù chữ tại bản Nong Phụ, với 56 học sinh. Ngoài ra, anh cũng nuôi dạy 5 cháu có hoàn cảnh khó khăn do đơn vị nhận nuôi. Với những đóng góp đó, Trung úy Lừ vinh dự cũng là một trong 10 Gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân năm 2018.
Lam Hạnh
Theo baophapluat
Quảng Bình: Lớp học đặc biệt của những người lính mang quân hàm xanh "Ngày đi làm rẫy, chiều về nấu cơm cho con, tối đi học với chú bộ đội biên phòng, học xóa mù chữ", đó là câu chuyện quen thuộc của đồng bào dân tộc tại xã biên giới Trường Sơn (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) gần 1 năm nay. Lớp học đặc biệt của những người lính mang quân hàm xanh Nhận thấy...