Thầy giáo ơi, tôi đã biết viết tên mình!
QĐND Online – “Chào thầy! Tôi đã biết viết tên những người mua hàng, từ nay không còn lo sẽ quên nữa. Vừa nói chị Vi Thị Kéo vừa lấy cuốn sổ con, với nét chữ vụng về ghi tên một số người mua hàng nợ chị”, Thiếu úy QNCN Nguyễn Sĩ Tiến, nhân viên Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Tén Tằn, Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa kể lại câu chuyện mà anh coi là phần thưởng quý giá, khích lệ tinh thần dành cho những người “thầy” vùng biên như anh.
Câu chuyện biết đọc, biết viết của chị Kéo, cũng là chính là nhiệm vụ mà những người lính Đồn Biên phòng Tén Tằn hướng tới với người dân nơi đây.
Thiếu úy QNCN Nguyễn Sĩ Tiến tại Đại hội thi đua yêu nước ngành giáo dục lần thứ VI.
Hành trình mang cái chữ
Video đang HOT
Xã Tén Tằn là xã vùng cao biên giới huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa, cách TP Thanh Hóa 300km. Xã có 7 bản với 889 hộ/4.115 khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, chiếm 94% với một bản dân tộc Khơ Mú.
Từ một xã có học sinh đến tuổi mà không đến trường chiếm tỷ lệ cao và học sinh bỏ học nhiều, đến nay tình trạng trên ở bản Chiên Pục, xã Tén Tằn đã chấm dứt. Ở các lớp học xóa mù chữ, tỷ lệ học viên tham gia học tập đạt hơn 90%; đặc biệt, lớp học vừa bế giảng tháng 7-2015 ở bản Chiên Pục, qua kiểm tra, đánh giá 100% đã biết đọc, viết thông thạo.
“Kết quả đó đã tạo ra phong trào học tập chung trong toàn xã, tạo đà thuận lợi cho những lớp học tiếp theo”, Thiếu úy QNCN Nguyễn Sĩ Tiến phấn khởi cho biết.
7 năm làm công tác vận động quần chúng, chàng thiếu úy QNCN quê ở Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã trải qua không biết bao khó khăn để có được thành quả đáng mừng hôm nay. Người dân sau khi được học tập, đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đời sống đồng bào được cải thiện, các hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội từng bước được xóa bỏ, văn hóa xã hội phát triển; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định.
Kể về những ngày đầu nhận nhiệm vụ, Thiếu úy QNCN Nguyễn Sĩ Tiến sau khi tiến hành khảo sát tình trạng mù chữ và tái mù chữ trên địa bàn, đã nhận thấy rằng đối tượng chủ yếu là phụ nữ, tập trung ở độ tuổi 30-45. “Vào bản vận động chị em đi học, khi tôi giao tiếp với họ bằng tiếng phổ thông, câu trả lời của họ luôn là “không biết”. Mãi sau tôi mới nhận ra rằng muốn tiếp xúc và thuyết phục họ, mình phải am hiểu phong tục tập quán và ngôn ngữ của họ. Do đó, tôi đã vào bản cùng ăn, cùng ở và tham gia mọi hoạt động với họ, để được họ dạy tiếng dân tộc. Chỉ sau một thời gian ngắn, tôi đã hòa nhập được với các học viên. Lớp học vì thế mà thu hút đông học viên tham gia ở mọi lứa tuổi”, anh Tiến chia sẻ.
Cùng với sự giúp đỡ của đơn vị, chính quyền, địa phương, từ năm 2012 đến nay, anh Tiến đã trực tiếp mở và giảng dạy được 3 lớp với 176 học viên, trong đó chủ yếu là hội viên trong các chi hội phụ nữ. Tuy nhiên, anh Tiến đã gặp không ít khó khăn ban đầu trong việc dạy học với những học viên nữ, bởi những rào cản từ gia đình và xã hội, khi họ là lực lượng nòng cốt trong nội trợ gia đình như chăm sóc con, làm nương, phát rẫy… Để giải quyết những vướng mắc trên, bên cạnh công tác vận động, anh Tiến còn xây dựng chương trình học tập, biên soạn giáo án cho phù hợp với đặc điểm từng đối tượng học viên, mở các lớp xóa mù chữ ngay tại thôn, bản.
Sau bước đầu vận động học viên chịu đến lớp thành công, người thầy mang quân hàm xanh ấy lại phải tìm cách vượt qua những khó khăn khác trong quá trình học, bởi trình độ nhận thức của người dân không đồng đều, học viên còn mặc cảm. Hơn thế, thời gian học duy trì không đều vì chủ yếu học vào buổi tối, phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, ngày mùa, công việc trong thôn bản, chồng con… Thậm chí một số bản chưa có điện lưới, việc đảm bảo ánh sáng, vật chất phục vụ lớp học hoàn toàn tự túc. Bên cạnh đó, tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại ở một số hộ gia đình, nên một số chị em theo học không được chồng con ủng hộ hoặc bị dị nghị từ hàng xóm, phải bỏ học giữa chừng.
Không chỉ bị tác động bởi những điều kiện khách quan, ngay cả tư tưởng của học viên là luôn muốn bỏ học, cũng ảnh hưởng nhiều đến việc vận động các học viên đến lớp và duy trì sĩ số từ đầu khóa đến kết thúc chương trình, bởi 100% bà con làm nương, rẫy và đã có tuổi nên việc tiếp thu bài chậm, cộng thêm tính tự trọng dân tộc, anh Tiến chia sẻ.
Cuộc sống đổi thay
Bên cạnh công tác vận động, tuyên truyền xóa bỏ định kiến lạc hậu, anh Tiến cùng lãnh đạo địa phương còn tạo điều kiện cho chị em tham gia lớp học kết hợp thành lập các câu lạc bộ thêu, dệt thổ cẩm ở các thôn, bản thu hút và tạo việc làm cho chị em.
Gia đình chị Vi Thị Kéo là một ví dụ. Bề ngoài, chị khá già so với tuổi 30 bởi gia đình rất nghèo khổ, trong nhà không có một thứ gì đáng giá. Vận động thế nào chị cũng không đi học mà muốn ở nhà làm nương rẫy, buôn bán kiếm sống. Anh Tiến kể, hằng ngày anh cùng hội phụ nữ đến vận động, thuyết phục. Cảm động trước tấm lòng đó, chị đã đồng ý đi học.
Nghe chị Kéo reo lên: “ Thầy giáo ơi, tôi đã biết viết tên mình rồi !”, trong lòng tôi dâng trào niềm hạnh phúc, anh Tiến vui vẻ cho biết. Không chỉ tự viết được tên mình, chị Kéo còn biết viết tên những người mua hàng của mình, tôi liền động viên chị cố gắng học thêm để có thể ghi số tiền người ta nợ chị, như thế mới buôn bán được. Thấy được tác dụng của việc biết chữ, chị hăng hái đi học hơn, đến nay việc xóa mù chữ của chị đã gần hoàn thành, Thiếu úy QNCN Nguyễn Sĩ Tiến kể.
Không chỉ chị Kéo, mà nhiều bà con trong bản đã biết áp dụng kiến thức được học để làm cuộc sống tốt hơn. Nhờ kiến thức, họ biết cách lấy nguồn nước từ mó về nhà; quy hoạch cây trồng hiệu quả và chăn nuôi hợp lý hơn và họ còn biết tiết kiệm tiền.
“Nhìn thấy nụ cười của học viên, nhìn thấy cuộc sống của họ ổn định hơn, tôi thấy rất hạnh phúc. Bế giảng xong lớp học ở bản này tôi sẽ sang bản khác để tiếp tục giảng dạy, theo sự phân công của cấp trên”, đó là những nhận xét thật đơn giản nhưng thắm đượm tình thương của Thiếu úy QNCN Nguyễn Sĩ Tiến, khi kể về việc làm của mình với những người dân vùng biên giới xa xôi của Tổ quốc.
Theo QĐND