Thầy giáo ở Hà Nội nói về giáo viên ‘tình ngang trái’ với học sinh?
Gần đây, dư luận xã hội quan tâm các vụ việc giáo viên ở Thái Bình nhắn tin “gạ tình” nữ sinh lớp 10, nữ giáo viên ở Bình Thuận bị tố giác có quan hệ với học sinh.
Xung quanh vấn đề này, PV có cuộc trao đổi với thầy Trần Mạnh Tùng – giáo viên Toán trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) – người thầy khá nổi tiếng đối với học sinh Hà Nội và có nhiều tiếng nói tâm huyết với ngành giáo dục.
Cần lên án những mối tình ngang trái
- Từ vụ việc cô giáo ở Bình Thuận được cơ quan chức năng kết luận ban đầu là có tình cảm yêu đương, thầy nghĩ sao về trường hợp giáo viên có gia đình, nhưng có quan hệ tình cảm với học sinh tuổi vị thành niên và là học trò của mình?
- Theo Quyết định 16/2008/QĐ-BGDĐT về “Đạo đức nhà giáo”, điều 4 nói về đạo đức nghề nghiệp, nhấn mạnh: Giáo viên tâm huyết với nghề nghiệp, có ý thức giữ gìn danh dự, lương tâm nhà giáo, có lòng nhân ái, bao dung, độ lượng, đối xử hoà nhã với người học.
Nếu cơ quan chức năng kết luận có quan hệ yêu đương với học sinh như đã thông báo, có thể khẳng định cô đã vi phạm đạo đức nhà giáo. Giáo viên có đủ nhận thức chín chắn, gương mẫu nhưng lại có quan hệ không trong sáng với học sinh tuổi vị thành niên. Quan hệ yêu đương này là sai trái và cần lên án.
- Thầy có thể cho biết hậu quả của mối tình “ngang trái” giáo viên – học sinh có những hệ lụy gì?
- Theo tôi, hệ lụy để lại là rất lớn, nhất là đối với các em học sinh. Các em học sinh chưa trưởng thành, tâm sinh lý còn non nớt, trước hết các em khó tập trung học hành, quan hệ thầy – trò không còn được vô tư, trong sáng. Nếu sự việc đi quá xa, hậu quả còn có thể ảnh hưởng đến cả tương lai của các em sau này.
Quan hệ “không gương mẫu” giữa thầy và trò cũng tạo ra nhiều dị nghị trong giới học sinh, ảnh hưởng xấu đến môi trường và hiệu quả giáo dục. Trước hết, bản thân giáo viên đã vi phạm đạo đức của ngành, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh giáo viên nói chung trước học sinh, trước phụ huynh và dư luận xã hội. Nếu đi quá giới hạn, giáo viên còn có thể bị xử lý hình sự về tội “giao cấu với người chưa thành niên”.
Video đang HOT
Thầy Trần Mạnh Tùng – giáo viên Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội). Ảnh: Kinh Tế Đô Thị.
Xử lý nghiêm để răn đe, tránh tiền lệ xấu
- Những giáo viên có quan hệ yêu đương với học trò, cần bị xử lý như thế nào?
- Ở mức độ nhẹ, tình cảm “yêu đương” của thầy trò mới chớm nở, có thể xử lý khéo léo, nhẹ nhàng để không ảnh hưởng quá lớn đến người trong cuộc. Với học sinh, cần cùng với nhà trường và gia đình phân tích để các em hiểu và tập trung hơn cho học tập, gần gũi các em để tránh các suy nghĩ và hành động tự phát, dại dột. Với giáo viên thì có thể nhắc nhở, phê bình, cam kết không tái phạm, bố trí dạy lớp khác.
Ở mức độ nặng hơn, là vi phạm đạo đức nhà giáo, theo điều 52 – Luật cán bộ, công chức, viên chức thì tùy mức độ, có các hình thức: Khiển trách, cảnh cáo hoặc buộc thôi việc. Nếu vi phạm của giáo viên ở mức độ hình sự thì căn cứ theo các quy định của pháp luật để xử lý.
Cho dù ở mức độ nào, hành vi yêu đương của giáo viên với trẻ chưa thành niên là đáng lên án và cần có các biện pháp nghiêm khắc để răn đe, tránh tạo tiền lệ xấu trong ngành giáo dục, nhất là trong bối cảnh xã hội đang ngày càng cởi mở hơn.
- Là giáo viên dạy học nhiều năm, thầy có suy nghĩ, trăn trở thế nào đối với đạo đức nhà giáo hiện nay?
- Trước hết, phải khẳng định rằng, tình cảm thầy – trò hiện nay là tích cực, vẫn kế thừa và phát huy được truyền thống tôn sư trọng đạo hàng nghìn năm nay. Cả nước có 1,2 triệu giáo viên với khoảng 22 triệu học sinh, sinh viên. Các vi phạm về đạo đức nhà giáo thời gian qua là cá biệt, thiểu số trong hàng triệu tấm gương sáng của các thầy, các cô tâm huyết.
Tuy nhiên, các vi phạm vừa qua xảy ra liên tục trong một thời gian ngắn chứng tỏ có sự xuống cấp đạo đức trong một bộ phận các nhà giáo.
Các câu chuyện vừa qua khiến tôi thấy buồn và lo lắng. Tôi buồn vì hình ảnh tốt đẹp của người thầy bị ảnh hưởng. Tôi lo lắng vì nơi an toàn là nhà trường lại có thể trở nên mất an toàn, nơi được phụ huynh, xã hội tin tưởng, giao phó con, em mình lại có thể gây huy hiểm cho các em bởi một số thầy cô thiếu tư cách đạo đức.
- Trước thực trạng như vậy, cần phải làm gì để giữ vững hình ảnh nhà giáo, trong sáng tình thầy trò xưa nay?
- Để khắc phục điều này, cần rất nhiều việc và cần có thời gian. Với các nhà trường, trước mắt cần làm ngay các việc như tổ chức các buổi sinh hoạt chung với giáo viên để rút kinh nghiệm các sự việc vừa rồi, để phổ biến, học tập các quy định của ngành, của pháp luật có liên quan; coi đánh giá về đạo đức, lối sống của giáo viên là một tiêu chuẩn quan trọng trong đánh giá cán bộ, viên chức.
Mỗi giáo viên cần không ngừng học hỏi, rèn luyện để hoàn thiện hơn bản thân mình, trở thành tấm gương sáng về cả chuyên môn và tư cách đạo đức, hành vi ứng xử và lối sống; các tường cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong trường học. Thành lập phòng tham vấn tâm lý học đường hoạt động độc lập với nhà trường, thành viên là các chuyên gia tâm lý (không phải là giáo viên trong trường).
Cần tổ chức cho các em học tập về các quyền của trẻ em, quyền của học sinh, các hành vi chuẩn mực của học sinh trong nhà trường cũng như tăng cường các kênh nhận thông tin của học sinh, tăng tính dân chủ trong trường học. Ngoài ra, mỗi Sở GD&ĐT nên có đường dây nóng để phản ánh các vi phạm về đạo đức nhà giáo.
Theo Zing
Yêu học trò tuổi vị thành niên, giáo viên vi phạm điều gì?
Tỉnh Bình Thuận vừa tổ chức cung cấp thông tin về vụ việc một giáo viên THPT (đóng tại Thị xã La Gi, Bình Thuận) bị chồng tố cáo có quan hệ với nam sinh học lớp 10, bước đầu cho thấy giáo viên có quan hệ yêu đương.
Tại buổi cung cấp thông tin báo chí do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận vừa tổ chức. Ảnh: Tuấn Kiệt.
Kết quả bước đầu: Có quan hệ yêu đương?
Ngày 19/3, tỉnh Bình Thuận đã tổ chức buổi họp cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí về vụ một giáo viên THPT trên địa bàn bị chồng gửi đơn tố cáo về việc có quan hệ bất chính với nam sinh học lớp 10. Phát biểu trước báo chí, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận cho rằng, vụ việc cô giáo H ở thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận bị chồng cô tố vào nhà nghỉ với nam sinh lớp 10 đang bị đẩy đi quá xa, tạo cơn "bão" trên cộng đồng mạng.
Kết quả xác minh bước đầu thì có một số nội dung chính yếu sau: Thứ nhất, đã xác định cô giáo H và em học sinh tên T. A có quan hệ yêu đương nhưng không có cơ sở xác định hai người có quan hệ tình dục. Thứ hai, không có cơ sở xác định người chồng dựng chuyện bắt quả tang, cài bẫy để tố cáo cô giáo H. Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận nhận định, hành vi của cô giáo H là vi phạm đạo đức nhà giáo khi có quan hệ yêu đương với học sinh, nhất là khi em này dưới 16 tuổi.
Cũng tại buổi cung cấp thông tin báo chí, đại diện Sở GD&ĐT Bình Thuận cho biết, lãnh đạo Sở đã đến trường cô giáo H công tác để trấn an tâm lý các giáo viên và học sinh toàn trường. Khi có kết luận của cơ quan điều tra, nếu như cô giáo H vi phạm đạo đức nhà giáo và vi phạm pháp luật thì sẽ có biện pháp xử lý mạnh hơn. Còn nếu chỉ là vi phạm đạo đức nhà giáo thì sẽ xử lý theo quy định của ngành Giáo dục.
Trước đó, ông Phan Đoàn Thái, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Thuận thông tin với PV Báo Gia đình & Xã hội, sự việc bắt nguồn từ việc chồng cô giáo H đã gửi đơn tố cáo vợ có quan hệ bất chính với nam sinh 16 tuổi, đơn tố cáo được gửi tới nhà trường và cơ quan công an. Cơ quan chức năng đã tiến hành vào cuộc điều tra, làm rõ, sau khi có kết luận từ cơ quan điều tra, nếu giáo viên vi phạm sẽ xử lý theo đúng các quy định. Còn Trường THPT Nguyễn Huệ (thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) đã thông báo với học sinh toàn trường em Trần Công Mẫn - học sinh lớp 10A3 hoàn toàn không liên quan đến vụ việc cô giáo bị bắt gặp trong nhà nghỉ với một nam sinh. Hậu quả của việc này làm em Trần Công Mẫn bị khủng hoảng, suy sụp tinh thần vì bị bôi xấu trên mạng xã hội.
Yêu học trò tuổi vị thành niên, nơi nào cũng cấm
ThS Nguyễn Sóng Hiền, nghiên cứu sinh tại ĐH Newcastle (Australia) cho rằng, môi trường giáo dục bất kỳ quốc gia nào cũng không cho phép giáo viên có quan hệ yêu đương với học sinh đang tuổi vị thành niên. Không chỉ vi phạm đạo đức nhà giáo mà vi phạm pháp luật nữa. Những trường hợp vậy như xảy ra ở Mỹ, Úc... đều cho nghỉ dạy và xử tù nếu quan hệ tình dục với học sinh tuổi vị thành niên.
Cũng theo ThS Hiền, truyền thống tôn sư trọng đạo của Viêt Nam được phản ánh rõ nét và xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc qua những câu ca dao, tục ngữ như: "Không thầy đố mày làm nên", "Nhất tự vi sư bán tự vi sư" (Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy), thầy là cha là mẹ... Nhưng cũng phải thừa nhận, truyền thống tôn sư trọng đạo trong thời gian gần đây đang bị xói mòn và băng hoại vì một vài cá nhân mang danh là người thầy nhưng suy đồi về đạo đức.
"Thời gian qua, ngành Giáo dục đã ban hành nhiều văn bản và quy định liên quan đến chấn chỉnh lại đạo đức nhà giáo. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi, các cơ sở giáo dục và các trường học còn thiếu sự quan tâm, buông lỏng trong vấn đề kiểm tra đánh giá đạo đức nhà giáo. Đến lúc cần có những quy định nghiêm khắc hơn để loại bỏ những giáo viên không đủ chuyên môn nghiệp vụ, thiếu đạo đức nghề nghiệp để giữ sự trong sạch của môi trường giáo dục. Bên cạnh đó, cũng nên tôn vinh những thầy cô có nhiều cống hiến trong giáo dục nhằm phát huy và tôn vinh các giá trị truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc", ThS Nguyễn Sóng Hiền đề xuất.
Liên quan đến xử lý vụ việc ở Bình Thuận, lãnh đạo Cục Nhà giáo (Bộ GD&ĐT) cho rằng, do liên quan đến cán bộ viên chức của ngành nên phải làm thật thận trọng. Sau khi có kết luận của cơ quan điều tra, Bộ sẽ tiếp tục căn cứ vào đó để có biện pháp xử lí nghiêm theo quy định. Quan điểm chỉ đạo của Bộ là ai sai đến đâu sẽ phải xử lí đến đó. Tất cả phải chờ kết luận từ phía công an, cần phải xác minh rõ ràng, tránh quy chụp giáo viên và tạo ra oan sai. Sở GD&ĐT tỉnh Bình Thuận sẽ có công văn báo cáo Bộ cụ thể về vấn đề này.
Được biết, Công đoàn Giáo dục Việt Nam cũng đang xây dựng dự thảo kế hoạch "Nâng cao năng lực, đạo đức nhà giáo, người lao động đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới" do Công đoàn Giáo dục Việt Nam xây dựng, kế hoạch này nhằm hỗ trợ nhà giáo, người lao động có thêm hiểu biết về pháp luật, có ý thức tôn trọng và thực hiện đúng các quy định của pháp luật; biết cách ứng xử trước các tình huống sư phạm một cách chuẩn mực; biết cách xử lý các vấn đề từ phụ huynh, đồng nghiệp và học sinh. Trong đó, mục tiêu trong năm 2019 và những năm tiếp theo là tạo chuyển biến căn bản trong nhận thức về đạo đức nhà giáo trong toàn ngành, đẩy lùi vi phạm đạo đức, xây dựng hình ảnh tốt về nhà giáo, tạo niềm tin cho xã hội.
Liên quan tới hàng loạt vụ việc giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo trong thời gian qua, ngày 11/3, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đề nghị thường xuyên rà soát, phát hiện và xử lý kịp thời, không bố trí đứng lớp các giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo. Kiên quyết đưa ra khỏi ngành Giáo dục những trường hợp vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo theo quy định của pháp luật.
Theo giadinh.net.vn
Chọn kỹ năng thực hành, theo 4.0 hay đam mê? Chọn kỹ năng thực hành, chọn theo 4.0 hay chọn... đam mê? Học sinh băn khoăn khi đến Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp tại Hà Nội. Ước tính có gần 20.000 học sinh về dự ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2019 tại Hà Nội - Ảnh: CHÍ TUỆ Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp tại...