Thầy giáo mang quân hàm xanh
Ở vùng biển nghèo Tân Thắng, thượng úy Dương Văn Sơn không chỉ là một người lính biên phòng tận tụy mà còn là người thầy giáo đặc biệt mang quân hàm xanh
Thượng úy Dương Văn Sơn đến nhà kèm em nghèo học bài. (Ảnh tư liệu của Đồn Biên phòng Tân Thắng)
Trở về sau chương trình tuyên dương chiến sĩ quân hàm xanh “nâng bước em tới trường”, thượng úy Dương Văn Sơn (Đồn Biên phòng Tân Thắng, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) vẫn còn nhiều xúc động bởi những hoàn cảnh trẻ em khó khăn từ nhiều vùng miền của Tổ quốc. Nơi ấy, đồng đội của anh không chỉ miệt mài bảo vệ biên cương mà còn vì sự nghiệp phát triển giáo dục vùng biên giới, hải đảo. Anh là một trong 60 cán bộ, chiến sĩ tiêu biểu được tuyên dương và nhận quà chúc mừng của Chủ tịch nước vào năm 2017.
Đồn là nhà
Những năm tháng ở đồn, thượng úy Dương Văn Sơn cùng đồng đội đã giúp đỡ nhiều em thơ tiếp tục với phấn bảng, con chữ dù nhọc nhằn lắm. Sinh ra ở Hà Trung – vùng quê nghèo khó mà kiên trung thuộc tỉnh Thanh Hóa, từ thời cắp sách đến trường, Dương Văn Sơn đã ấp ủ ước mơ được làm người chiến sĩ biên phòng. Ước mơ đã đưa anh đến với Học viện Biên phòng và chính nơi ấy đã dạy anh biết cảm thông, sẻ chia, dạn dày sương gió và biết biên cương cần lắm những cống hiến hy sinh.
Năm 2010, sau khi tốt nghiệp Học viên Biên phòng, anh được điều động đến phục vụ công tác tại Đồn Biên phòng Tân Thắng. Sẵn sàng với mọi sự phân công nhiệm vụ, anh thuyết phục người yêu cùng đến vùng đất mới, sẵn sàng cho nhiệm vụ lớn của cuộc đời.
Hành trình đến với vùng biên cương xa gia đình, xa làng xóm cũ với người lính thật tự nhiên, nhẹ nhàng như chính nơi đây là ngôi nhà mới đang chờ đón anh. Đồn Biên phòng Tân Thắng quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh khu vực biên giới biển nối dài qua các xã Sơn Mỹ, Tân Thắng, Thắng Hải của huyện Hàm Tân. Địa bàn đơn vị đóng quân là nơi tập trung sinh sống của nhiều người dân tộc Chăm, đời sống còn nhiều khó khăn, công việc không ổn định do chủ yếu sinh sống bằng làm rẫy, đi biển. Những đứa trẻ nơi đây muốn đồng hành với con chữ hầu hết phải trải qua thật nhiều vất vả.
Là người cán bộ địa bàn, làm công tác dân vận nên anh luôn chủ động, linh hoạt trong công tác. Tham mưu cho chỉ huy các trường hợp khó khăn, học sinh nghèo có nguy cơ nghỉ học cao để đơn vị có biện pháp giúp đỡ, vận động gia đình tiếp tục để các cháu đến trường. Đồn Biên phòng Tân Thắng cũng là nơi có nhiều hoạt động giúp đỡ đồng bào dân tộc Chăm phát triển kinh tế, văn hóa xã hội. Kế tục truyền thống đó, anh Sơn đã cùng đồng đội tham gia hàng ngàn ngày công góp phần trong mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương, giúp dân làm đường, cầu, kênh mương, khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí… Mỗi chiến sĩ của đơn vị là một tuyên truyền viên giúp đồng bào chấp hành tốt đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước.
“Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào địa phương là anh em ruột thịt” không chỉ là lời hứa mà đã trở thành phương châm để hành động, thành niềm hạnh phúc của anh cùng đồng đội. Những người lính cùng dân địa phương đã chan hòa cùng nhau sống, xây dựng, bảo vệ biên giới.
Cứ thế, biên giới trở thành một phần trong cuộc sống của anh. Trong mắt nhiều đứa trẻ của vùng đất Tân Thắng, thượng úy Dương Văn Sơn là một thầy giáo đặc biệt: Thầy giáo mang quân hàm xanh.
Thực hiện chương trình do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát động, từ năm 2014 đơn vị đã đỡ đầu một số cháu có hoàn cảnh khó khăn mỗi tháng 500.000 đồng/cháu; tặng các cháu cặp sách, đồ dùng học tập, quần áo, kèm các cháu học… Chủ trương lớn nhưng để lan tỏa thì những người lính trực tiếp sẽ quyết định mọi thành công. Là người theo sát chương trình ngay từ đầu, thượng úy Dương Văn Sơn rất tâm huyết. Càng làm, càng vận động, anh càng thấy chương trình cần thiết cho vùng biên. Làm dân vận và dạy học khó lắm nhưng có quyết tâm làm, có trái tim , cảm thông với những khó khăn của đồng bào thì sẽ ham làm lắm. Thượng úy Sơn : “Chương trình Nâng bước em đến trường đã để lại những kỷ niệm trong cuộc đời tôi. Không thể nào quên được cả niềm vui, nỗi buồn và lo âu”.
Video đang HOT
Anh kể chuyện đơn vị đỡ đầu cho cháu Thông Thị Thành, học sinh lớp 7 Trường THCS Tân Thắng. Cháu là người dân tộc Chăm, nhà có 4 chị em gái và Thành là chị cả, em nhỏ nhất 2 tuổi. Hoàn cảnh cháu rất tội nghiệp, mẹ việc làm không ổn định, bố bị tai biến và liệt 2 chân. 4 chị em của Thành sinh ra liền kề, chặng đường đến với con chữ cứ thế dần xa. Gia đình muốn Thành nghỉ học. Là người theo sát quá trình học tập của các cháu, anh Sơn thường xuyên đến thăm, động viên gia đình cố gắng để Thành đến trường.
Một buổi trưa nắng rát của miền gió cát Nam Trung Bộ, trong căn nhà chỉ 15 m2, quây bạt bốn bên, cháu Thành cầm chặt tay thượng úy Dương Văn Sơn, mắt rưng rưng: “Chú ơi, con vẫn muốn đến trường, con vẫn sẽ trông em, vẫn nấu cơm nhưng chú xin cha mẹ để con được đi học”. Tiếng khóc như nghẹn nức.
Kỷ niệm cứ thế ùa về. Anh còn nhớ đã ngày ngày vận động gia đình không chỉ bằng lời nói mà còn bằng những buổi tranh thủ giờ nghỉ đưa đón cháu đến trường, quần áo sách vở anh quyên góp rồi gặp gỡ giáo viên trao đổi tình hình học tập của cháu. Nhiều đêm anh xuống tận nhà kèm cháu học những môn còn yếu. Gia đình dần hiểu ra rằng với sự giúp đỡ của xã hội, con của họ hoàn toàn có điều kiện đến trường!
Dân vận khéo léo và gian khổ
Nơi đồng bào còn nhiều khó khăn thì cái đói, cái nghèo cứ át đi tầm quan trọng của con chữ. Có những em học rất giỏi nhưng con đường đến trường mỗi ngày một xa. Như trường hợp em Thông Thị Thùy đã học lên đến lớp 4 nhưng gia đình vẫn quyết cho nghỉ học dù em luôn là học sinh giỏi của trường.
Ở nơi đơn vị đóng quân có nhiều học sinh khó khăn như Thành và Thùy nên ngoài tiền do đơn vị dành dụm để giúp các cháu, những người lính như anh còn tự nguyện đóng góp để mua sách vở, áo quần, đôi khi là phần quà tấm bánh cho các cháu, theo sát để không có cháu nào rơi vào nguy cơ phải nghỉ học bởi đó không chỉ là con đường đến với tương lai của chính các cháu mà còn chính là con đường để biên giới vững mạnh. Một bài toán được giải đúng, một bài học mới đến với các em là thành công của đơn vị, đấy không chỉ của công việc dạy học mà đó còn là kết quả của công tác dân vận khéo léo và gian khổ.
Nhờ những chiến sĩ quân hàm xanh tích cực “nâng bước em đến trường” như anh Sơn mà nhiều em nhỏ ở nơi đơn vị đóng quân đã tiếp tục đến trường.
Thượng úy Dương Văn Sơn tâm sự đời lính là ước mơ nên anh đã dành những năm tháng tuổi trẻ để thực hiện ước nguyện “được bảo vệ biên cương bằng chính cuộc đời mình”. Và ước nguyện ấy hôm nay vẫn vẹn nguyên trong anh – người lính biên phòng đầy tâm huyết.
Theo NLĐ
Những câu chuyện xúc động về thầy giáo mang quân hàm xanh
"Xúc động", "khâm phục" là những từ ngữ được nhắc đến nhiều nhất trong chương trình Chia sẻ cùng thầy cô - Nâng bước em đến trường tổ chức nhằm tuyên dương các thầy giáo mang quân hàm xanh.
ảnh minh họa
Họ là những người không có chuyên môn về nghiệp vụ sư phạm, họ cũng không am hiểu nhiều về lĩnh vực giáo dục, nhưng họ chính là những người đem con chữ đến với nhân dân các xã nghèo vùng biên giới. Họ dạy học bằng tình yêu thương...
Chương trình cùng thầy cô do Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT và Tập đoàn Thiên Long tổ chức. Năm 2017, chương trình hướng đến những đối tượng là chiến sĩ mang quân hàm xanh. Họ thực sự là những tấm gương tiêu biểu, những câu chuyện cảm động về sự hi sinh thầm lặng để mang "con chữ" đến vùng biên giới. Năm nay, chương trình đã tuyên dương 60 thầy giáo đại diện cho những người chiến sĩ vừa làm nhiệm vụ chính trị vừa miệt mài soạn bài dạy các em nhỏ học chữ, học số.
Gieo chữ bằng tình yêu thương
60 thầy giáo quân hàm xanh được tuyên dương đã tích cực tham gia vào công tác dạy học xóa mù chữ cho học sinh vùng sâu, vùng xa, hải đảo của Tổ quốc. Đó là những tấm gương về sự cống hiến thầm lặng cho ngành giáo dục, là những câu chuyện đẹp về tinh thần vượt khó của những chiến sĩ giáo dục mang quân hàm xanh xứng đáng được xã hội tôn vinh, là tấm gương cho thế hệ trẻ.
Có lẽ, cái tên Trần Bình Phục làm thổn thức trái tim biết bao người khi chính anh đang mang căn bệnh hiểm nghèo quái ác nhưng vượt lên trên đau đớn, giằng xé, anh đã truyền cho thế hệ học trò trên đảo Hòn Chuối ý chí và nghị lực để vươn lên trong học tập. Thượng úy Trần Bình Phục là Đội trưởng đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Hòn Chuối (Cà Mau). Anh đã huy động kinh phí và duy trì lớp học tình thương với 22 cháu học sinh. Ngoài ra, anh còn nhận dạy nuôi 3 cháu nhỏ và chăm lo từ bữa ăn, giấc ngủ cho đến chuyện học hành. Anh coi đó là một phần công việc quan trọng của chính mình.
Như một người cha, hàng ngày anh cõng các trò vượt qua ghềnh đá để lên lớp học và anh vui khi nhìn thấy trò yêu mến sách vở. Những ghềnh đá thầy và trò đi qua có lẽ chỗ nào gập ghềnh, chỗ nào chắc bước chân, anh Phục đều nhớ hết. Và hình ảnh người thầy ấy cũng chính là động lực để học trò của anh cố gắng từng ngày.
Từ bỏ những nơi thuận lợi hơn cho điều trị bệnh của mình, anh Phục chọn đảo Hòn Chuối làm nơi công tác. Thượng úy Trần Bình Phục : "Năm 1997, tôi có dịp đi công tác tại đảo Hòn Chuối. Khi đó, hình ảnh những đứa trẻ đầu trần, chân trần và đặc biệt là các em đều không biết đọc, biết viết khiến tôi cảm thấy xót xa. Tôi quyết định xin ra đây công tác để làm điều gì đó giúp các em bớt khổ, bớt khó khăn hơn và may mắn tôi được phân công dạy các em học chữ theo chương trình "nâng bước em đến trường".
Thỉnh thoảng anh lại vuốt vuốt ngực nén những cơn đau để kể về từng học trò mà anh dạy dỗ. Anh cũng chỉ biết dành cho chúng tình yêu thương chứ không hay biết con chữ mà anh gieo cho chúng trong nhiều năm qua đã thay đổi biết bao số phận. Rồi đây, khi ra ngoài đời, bọn trẻ sẽ không chỉ biết đọc, biết viết, mà còn biết lễ nghĩa, biết kỹ năng sống. Chúng sẽ lại được xã hội dang tay như chắp nối lại những gì còn thiếu để trở thành những con người có ích cho xã hội.
Vượt qua con đường núi đầy những hiểm trở, trời mưa lầy lội chẳng thể nhấc bước chân, gặp được Thượng úy Giàng A Trú - Đội trưởng Đội Vận động quần chúng đồn Biên phòng Tả Gia Khâu (Lào Cai) mới thấm thía về câu chuyện chân thật và giản dị nhưng ấm áp tình người. Anh đã quen với từng lối mòn vào trong bản bởi anh không nhớ hết số lần đi vận động các gia đình cho các cháu nhỏ được đi học để xóa mù chữ.
Kỉ niệm anh nhớ nhất trong cuộc đời mình chính là khi nhận là cậu ruột của hai cháu Ma Seo Khoa và Ma Seo Xuyên nhằm đưa các cháu về đồn nuôi dưỡng. "Thiệt thòi cho hai cháu nhỏ khi bố mất sớm, gia đình quá khó khăn khi mẹ đi làm không đủ nuôi ba con ăn học. Nhìn cảnh nhà neo đơn cháu nào cũng đến tuổi lên lớp mà phải ở nhà giúp mẹ làm việc đồng áng, tôi không đành lòng".
- Thượng úy Giàng A Trú .
Thế rồi, biết bao lần đến nhà vận động gia đình cho hai cháu Khoa và Xuyên về đồn biên phòng nuôi dưỡng, cho đi học nhưng hai cháu còn nhỏ không chịu xa mẹ. Tưởng chừng như bất lực nhưng thượng úy Trú đã "đánh liều" nhận làm cậu ruột của hai cháu nhằm tạo được sự thân thiện như người nhà giúp các cháu an tâm hơn. Khi các cháu gật đầu theo "cậu" cũng là lúc người chiến sĩ ấy hạnh phúc rưng rưng.
Hàng ngày chở các cháu đến trường rồi giúp đỡ hòa nhập với môi trường mới, anh vẫn không quên đưa các cháu về thăm mẹ thường xuyên để vơi nỗi nhớ người thân. Con đẻ của mình chưa chăm được ngày nào nên thầy giáo Giàng A Trú coi Khoa và Xuyên như con ruột. Tình cảm ấy có lẽ không có ngôn từ nào viết lên được bởi nó xuất phát từ trong trái tim của người lính.
Đốt nhang đuổi muỗi chờ học sinh
Là một phiên dịch viên tại đồn Biên phòng Thông Thụ (Nghệ An), thượng úy Nguyễn Văn Trinh cho biết, học trò là người dân nước bạn Lào. Anh đã trực tiếp biên soạn và dạy hơn 100 học viên. Anh hy vọng hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy học là giúp các em có hoàn cảnh khó khăn được đến trường và đặc biệt, tô thắm tình hữu nghị Việt - Lào.
"Qua 3 năm triển khai, hiện tôi đang dạy 3 lớp trên 110 em. Khi tổ chức lớp học, tôi nhận thấy cuộc sống của các em còn nhiều khó khăn. Các em người dân tộc Mông biết tiếng Lào còn hạn chế, trường lớp bằng tranh tre dột nát, mùa mưa đường sá lầy lội đi lại vất vả. Giáo án, tài liệu không có, tôi phải tự mày mò và học hỏi kinh nghiệm từ các giáo viên có kinh nghiệm" - thượng úy Trinh cho hay.
Ân cần như một người anh, binh nhất Huỳnh Hoàng Tam (đồn Biên phòng cửa khẩu Tuyên Bình, Vĩnh Long) - chiến sĩ trẻ nhất trong số 60 thầy giáo quân hàm xanh được tuyên dương thực sự khiến nhiều thầy cô giáo có kinh nghiệm dạy học xúc động.
Anh chưa có nhiều tuổi đời trong quân ngũ, cũng chưa có nhiều kinh nghiệm sống nhưng suốt thời gian đứng lớp từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, học sinh của anh chưa bao giờ muốn nghỉ học. Lớp học đặc biệt ấy rất đông và được nhà trường trên địa bàn cho mượn phòng học vào buổi tối. Hết giờ làm nhiệm vụ chính trị, Huỳnh Hoàng Tam vội vã đạp xe tới lớp học quét dọn phòng, đốt nhang đuổi muỗi và sẵn sàng chờ đón học sinh của mình.
Học sinh của anh không được đi học, bởi đó là những đứa trẻ trong xóm Việt Kiều theo cha mẹ từ Campuchia về hồi hương. Chẳng có giấy tờ, chẳng có đất ruộng để ở hay làm ăn, cha mẹ chúng lo làm thuê làm mướn kiếm sống và những đứa trẻ dù còn nhỏ cũng phải phụ giúp để sinh tồn. Ban đầu, lớp học không được duy trì sĩ số thường xuyên vì các em còn bận đi bán vé số, cắt lục bình, chưa có ý thức học chữ. Nhưng, thầy giáo Tam đã làm chính các em thay đổi.
Nhiều hôm, trời mưa to lắm mà nhiều em vẫn đạp xe tới lớp để học cùng các bạn. Nắm tay các em viết từng con chữ, dạy các em đánh vần chính cái tên của mình, rồi từng bài toán từ dễ đến khó, Huỳnh Hoàng Tam xúc động mỗi khi các trò tiến bộ hơn, chăm ngoan hơn và biết thương bố mẹ. Mỗi tiếng gọi "thầy giáo Tam" là mỗi lần anh thấy hạnh phúc khó nói hết bằng lời. Có lẽ anh chưa bao giờ nghĩ trong đời mình sẽ có phút giây được làm nghề dạy học.
Thầy Tam xúc động: "Lớp học bắt đầu vào lúc 18h30 đến 20h30, thời gian chiều tối nên cũng khó khăn cho các em trong việc đi lại, có những ngày các em đi bán vé số về trễ, chưa kịp ăn cơm, vào lớp phải mang theo một ổ bánh mì ăn cho đỡ đói; có hôm đi giữa đường gặp mưa, vào đến lớp cả người ướt sũng, tay chân run run mà các em vẫn không bỏ học, tôi thật cảm phục nghị lực vươn lên của các em. Chính điều đó là động lực để bản thân tôi cố gắng mỗi ngày".
Những món quà vô giá
Giản dị, chân thành, từng câu chuyện của 60 thầy giáo quân hàm xanh khiến ai nấy đều xúc động. Không chỉ dạy chữ cho học trò để các con biết đến sách vở, mà các anh còn làm nhiệm vụ tái, xóa mù chữ cho những người đã lên tuổi cha, tuổi mẹ thậm chí còn là bà nội, bà ngoại. Đó là hình ảnh của thầy giáo Phạm Văn Hiếu - chiến sĩ cán bộ công tác tại Đồn biên phòng huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Lớp học vùng biên ấy tối nào cũng rộn ràng tiếng cười nói của những cô, những bà đã hết giờ lên nương rẫy và vui vẻ đến lớp học chữ.
Họ phấn khởi lắm, bởi giờ đây họ đã biết chữ mà bao nhiêu năm qua họ coi đó là những điều xa xỉ. Trong suốt quá trình tổ chức lớp học, đại úy Hiếu đã đến từng nhà học viên để tuyên truyền, vận động đến lớp, đồng thời là người trực tiếp lên lớp giảng dạy cho bà con; sau mỗi buổi học, thầy giáo quân hàm xanh còn thường xuyên lồng ghép nội dung tuyên truyền việc chấp hành mọi chủ trương đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, an ninh - quốc phòng, bên cạnh đó còn tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho học viên.
Sau khi Phòng GD&ĐT huyện Ea Súp tổ chức thi kết thúc chương trình xóa mù chữ nhằm đánh giá chất lượng học viên tham gia lớp học, kết quả là tất cả học viên của lớp đều đạt yêu cầu, được Phòng GD&ĐT cấp chứng chỉ chứng nhận. Đáng mừng hơn nữa, họ am hiểu pháp luật, nâng cao chất lượng đời sống, có người biết dạy con học bài, biết nhìn hạn sử dụng khi mua hàng, biết nhìn bản đồ, biết sản xuất chăn nuôi... Đó là món quà vô giá đối với những người làm công tác giáo dục không chuyên như các anh.
Cái duyên bén với chiến sĩ biên phòng khi được thêm nhiệm vụ là "thầy giáo" cõng chữ lên vùng biên, đại úy Hiếu chỉ mong: "Hi vọng là sau khi tham gia các lớp học, người dân sẽ không bị tái mù chữ, biết đọc báo để hiểu hơn về pháp luật, từ đó cuộc sống cũng thay đổi. Trước đây, bà con hay gọi tôi là chú bộ đội, giờ, tôi còn được các học viên gọi là "thầy giáo". vào ngày nhà giáo Việt Nam, món quà tinh thần lớn nhất của tôi đó là những nụ cười, những lời chúc của các cô, chú trong lớp. Niềm hạnh phúc ấy có lẽ là động lực để tôi tiếp tục cống hiến với mảnh đất vùng biên".
Ông Hà Công Thức (sinh năm 1967, năm nay 50 tuổi, học viên của lớp xóa mù chữ) : "Ngày xưa tôi học đến lớp 3, cuộc sống khó khăn quá, mình quên chữ đi. Các chú bộ đội biên phòng đến ở cùng luôn và vận động mình đi học nên mình đi học thôi. Hai vợ chồng cùng đi học luôn. Học không hiểu thì nhờ thầy giảng lại. Các con cũng động viên bố mẹ học chữ để biết áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, biết đọc báo nghe tin tức. Tôi biết ơn các chú bộ đội lắm, nhờ họ mà chữ cái đầu tiên tôi biết là viết và đánh vần tên của mình"...
Theo Giaoducthoidai.vn
Người thầy quân hàm xanh ở Hòn Chuối Chín năm qua, Thượng úy Trần Đình Phục, chiến sĩ Đồn biên phòng 704, đã gắn bó với lớp học tình thương "3 trong 1" trên đảo Hòn Chuối. Thượng úy Trần Đình Phục đang cõng học trò "xuống núi" để về nhà. Ảnh: HẢI DƯƠNG Những ngày cuối tháng 1-2018, con tàu mang số hiệu 625 thuộc Bộ tư lệnh Vùng 5...