Thầy giáo mầm non trên rẻo cao
Huyện Sa Pa có 6 thầy giáo dạy học mầm non, chủ yếu tại những địa bàn xa nhất, khó khăn nhất. Câu chuyện đến với nghề của những người thầy ấy tuy khác nhau, nhưng họ giống nhau ở tình yêu trẻ, yêu nghề, nhiệt huyết say mê của tuổi trẻ, tinh thần vượt khó để khai mở những nét chữ đầu tiên cho những đứa trẻ vùng cao.
Thầy giáo Đặng Văn Phụng dạy hát cho các em học sinh mầm non
Ở nơi mà tất cả mọi thứ vật chất còn thiếu thốn ấy, lại bừng lên tình người, tình thầy trò mộc mạc, chân thành và ấm áp.
Sợ phải xa bọn trẻ
Chúng tôi đến điểm trường Tả Van Mông, sau một cơn mưa tầm tã. Trời vừa hửng, vài tia nắng mỏng manh đùa nghịch bên mấy chậu hoa trước hiên. Lớp học ê a tiếng hát. Và thật ngạc nhiên, người đứng lớp không phải là một cô giáo như chúng tôi nghĩ.
Thầy Đặng Văn Phụng, cao tới hơn mét tám, như người khổng lồ với những cô cậu học trò tí hon. Tiết học do thầy giáo Phụng giảng dạy diễn ra hết sức sôi nổi và hào hứng, với những ánh mắt trong veo, những câu hát còn ngọng nghịu, và với cả nụ cười thường trực trên môi người thầy giáo trẻ. Thầy Phụng rời quê Phú Thọ lên vùng cao Sa Pa đã hơn 7 năm nay.
Video đang HOT
Từng ấy thời gian gắn bó với lớp học mầm non, đã chuyển qua nhiều điểm trường khó khăn, thầy giáo Phụng đã gạt bỏ được những bỡ ngỡ ban đầu, cũng như cảm giác ngại ngùng khi múa hát với các em nhỏ. Trong suy nghĩ của thầy giáo trẻ, chỉ còn tình yêu thương với những đứa trẻ vùng cao, chỉ còn khát vọng mang hết nhiệt tình, tâm huyết của tuổi trẻ để truyền dạy những kiến thức đầu đời cho các em học sinh.
Thầy Phụng tâm sự: “Những ngày đầu lên vùng cao, em cũng buồn nhiều lắm, buồn vì cô đơn, nhớ nhà. Giờ thì cũng quen rồi, nhưng thỉnh thoảng cũng vẫn buồn, nhưng là bởi sợ có ngày phải xa bọn trẻ. Nhiều người muốn về dưới xuôi, nhưng chắc em sẽ mãi ở đây để dạy học thôi”.
Gian nan
Thầy Thắng trao khăn ấm cho các em học sinh
Đã có rất nhiều chuyến công tác vùng cao, nhưng con đường lên với điểm trường Lếch Mông B của xã Thanh Kim có lẽ là một ám ảnh đối với chúng tôi. Cung đường nhìn từ xa như con rắn trườn quanh sườn núi. Và lô nhô đá tảng. Sau một hồi loay hoay, “mấy chú ngựa sắt” xem chừng không bò lên đến nơi được, chúng tôi đành đi bộ, dưới cơn mưa lất phất, giữa tiếng sấm đùng đoàng. “Không nhanh chân lên, mưa là khổ đấy. Chẳng có chỗ nào mà trú chân”, câu giục của thầy Sơn, cán bộ Phòng Giáo dục huyện khiến chúng tôi thêm động lực để bước tiếp.
Và quãng đường như “hành xác” ấy khiến chúng tôi thêm cảm phục người thầy giáo trẻ đã 9 năm cắm bản với lớp học mầm non trên đỉnh núi – mà chúng tôi được nghe kể đến trên đoạn đường gian nan ấy. Lúc chúng tôi đến nơi, thầy Lê Văn Thắng đang cùng các em học sinh học tập với mô hình “Con sâu học Toán”.
Những hình ảnh được thầy Thắng vẽ trên nền đất trở thành một công cụ học tập hiệu quả và mang nhiều hứng thú cho các em nhỏ nơi đây. Thầy Thắng chia sẻ: “Ở đây, các bé thiệt thòi nhiều lắm, chẳng được vui chơi như các bạn dưới xuôi. Mình ở đây, vừa dạy học, cũng vừa như cha, như mẹ, làm được gì cho các em thì cố gắng mà làm thôi”.
Thầy Thắng khoe với chúng tôi mấy chiếc khăn, mũ len vừa mới xin được của một đơn vị tài trợ. “Gặp ai mình cũng xin, ai cho cái gì cũng lấy. Ban đầu cũng thấy ngại, nhưng cứ nghĩ đến hai mươi đứa học sinh có thêm áo ấm, giầy ủng, có bánh ăn, sữa uống là mình lại cố gắng thôi”. Hóa ra với thầy Thắng và có lẽ cũng là với nhiều thầy cô giáo vùng cao, nhiệm vụ của họ không chỉ là gian nan cõng chữ lên non.
Không còn những câu chuyện giành giật học trò khỏi lạc hậu như trước kia, ngày nay ở vùng cao Sa Pa dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng đồng bào các dân tộc đã quan tâm hơn đến việc học của con em mình. Chúng tôi cũng vui lây niềm vui của các thầy giáo trẻ nơi đây khi biết các cháu nhỏ độ tuổi đến lớp đều được đi học. Chị Sùng Thị Phẩy, ở thôn Lếch Mông B, xã Thanh Kim chia sẻ: “Bà con mình quý thầy giáo lắm. Thầy dạy cho các con mình biết cái chữ, biết ngoan ngoãn nghe lời. Hôm trước mình bận đi gặt không đón con được, thầy Thắng còn đưa mấy đứa về tận nhà cơ đấy!”. Những tình cảm yêu thương của các em học sinh, sự tin yêu của bà con dân bản cũng là động lực để thầy giáo trẻ quyết tâm cắm bản, gieo chữ trồng người.
Chiều dần buông, học sinh lục tục ra về. Thầy Thắng đưa các em ra tận đầu thôn, tay bế, tay dắt, mấy đứa trứng gà trứng vịt, rộn rã như bầy chim non. Cuộc sống nơi đây như chia là hai nửa, một nửa với chất chứa bao nỗi niềm riêng tư, một nửa sôi nổi với lửa nhiệt tình tâm huyết của tuổi thanh xuân. Thầy Phụng, thầy Thắng và những người thầy giáo trẻ, xa quê, xa gia đình cắm bản với bao nhọc nhằn, thoáng buồn kia chẳng làm vơi đi tình yêu, tình thương với những đứa trẻ vùng cao.
“Hôm nay đi học xa, đường tương lai đường gần”… Tiếng hát của bầy trẻ thơ vang mãi. Trên đỉnh mờ sương, giữa trập trùng núi mây, những thầy giáo trẻ cắm bản với học trò của mình, đang viết tiếp bài ca ấy, viết tiếp những mơ ước về ngày mai tươi sáng.
Thu Hường
Theo GDTĐ
Vẹn tròn một tình yêu
Hơn 30 năm gắn bó với giáo dục tiểu học nơi vùng đất khó, cô Vũ Thị Bích Liên, giáo viên Trường Tiểu học (TH) Hòa Phú (H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) đã dành trọn tình yêu thương cho trẻ em vùng cao, lặng thầm chèo lái không biết bao chuyến đò sang sông.
Cô Liên ân cần hướng dẫn học sinh trong giờ học.
Hòa Phú những ngày tháng 4, nắng xuân trải vàng trên khắp núi rừng, thôn xóm. Giữa vùng nông thôn vắng lặng, Trường TH Hòa Phú rộn rã tiếng ê a đọc bài, tiếng cười nói, vui đùa của các em học sinh. Vừa đặt chân đến lớp 4/1, không khí ấm áp, đầy tình yêu thương của cô trò lan tỏa ngập tràn. Cô Liên, giáo viên chủ nhiệm lớp nhẹ nhàng hướng dẫn từng em đọc bài, làm toán. Những đứa trẻ ở đây vẫn thân mật gọi cô là mẹ Liên. Sinh ra trong gia đình hiếu học ở miền quê Tiên Phong (H. Tiên Phước, Quảng Nam), ngay từ nhỏ cô Liên đã xác định theo nghề giáo. Năm 1983, sau khi ra trường, cô về công tác tại xã miền núi Tiên Hà (H.Tiên Phước). Đến năm 1991, cô chuyển về dạy tại Trường TH Hòa Phú và gắn bó cho tới bây giờ. Trường TH Hòa Phú có 3 khu vực: Hòa Thọ, Hội Phước và Phú Túc. Cô Liên dạy ở khu vực chính là Hòa Thọ. Ba năm một lần, cô lại đến khu vực Phú Túc giảng dạy một năm. Cô Liên cho biết, học sinh các điểm trường hầu hết là con em hộ nghèo, cận nghèo, tại thôn Phú Túc thì đa số là con em đồng bào dân tộc Cơ Tu nên con đường đến trường của các em còn nhiều khó khăn. Những năm 90 thế kỷ trước khi cô Liên mới về Hòa Phú, tuyến đường ĐT604 nối liền từ trung tâm huyện đến xã gập ghềnh sỏi đá, các tuyến đường toàn là đất đỏ, "nắng bụi, mưa bùn". Chứng kiến cuộc sống còn nhiều gian khổ của người dân nơi đây, cũng như cảnh học trò phải lặn lội đi bộ đến trường kiếm con chữ, cô Liên khát khao các em không ai phải chịu thiệt thòi so với trẻ em miền xuôi, mong các em vươn xa hơn để cuộc sống sau này đỡ vất vả. Chính vì vậy, cô và các đồng nghiệp luôn tìm mọi cách, không quản ngại gian khổ, hàng ngày miệt mài gieo từng con chữ trên mảnh đất còn nghèo khó này.
Nhớ lại những ngày đầu đi dạy, cô Liên tâm sự, ngày trước, các bậc phụ huynh không biết hết ý nghĩa của việc học nên không cho con đến trường. Vận động được các em đến trường đã khó, nhưng giữ chân các em ở lại trường còn khó khăn gấp vạn. Nhiều em số buổi đến lớp đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu ở nhà chăm sóc em nhỏ hoặc đi làm cùng bố mẹ. Những hôm vào vụ mùa, lớp học chỉ có vài ba em. Nhiều giáo viên cũng đến rồi vì khó khăn quá đã xin chuyển đi nơi khác, thậm chí có người còn bỏ cả nghề. Cô Liên vẫn một lòng bám trụ, kiên trì vận động học sinh đến lớp và xây dựng gia đình tại nơi này. Chồng cô là giáo viên, cũng chọn Hòa Phú để "gieo mầm" ước mơ cho các em học sinh. Giờ đây, cuộc sống và việc dạy học của giáo viên đã được cải thiện, trường học ngày một khang trang. Trường TH Hòa Phú là ngôi trường duy nhất trên địa bàn tỉnh thực hiện Mô hình trường học mới (VNEN) nên cô Liên luôn cố gắng nỗ lực, tiếp thu cái mới, có nhiều sáng kiến để nâng cao chuyên môn đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Em Nguyễn Văn Công, học sinh người Cơ Tu, học trò cũ của cô Liên chia sẻ, được học cô là một hạnh phúc lớn của em. Cô Liên chủ nhiệm năm em học lớp 4 (2014-2015) tại Trường TH Hòa Phú khu vực Phú Túc. Ấn tượng cô để lại trong em không chỉ là những bài dạy đầy lý thú, bổ ích mà là cả tình yêu thương, quan tâm học sinh hết mực. Hồi đó, nhà em nghèo lắm, em bị đau mắt nặng nên ba mẹ cho em nghỉ học. Cô Liên đã nhiều lần tìm đến nhà, khuyên nhủ, động viên ba mẹ cho em đến trường. "Đến bây giờ, em vẫn còn nhớ như in buổi trưa nắng gắt ấy, cô Liên lặn lội đến nhà, tặng em chiếc mũ rộng vành để em bảo vệ mắt khi đi học. Giờ em vẫn còn giữ nó cẩn thận. Nhờ cô, em mới có thể bước tiếp trên con đường học vấn, nay em đã là học sinh lớp 8 tại Trường THCS Ông Ích Đường", em Công nghẹn ngào.
"Học trò tôi bây giờ có nhiều em đã trưởng thành, thi đậu đại học, có em đã đi làm, công việc ổn định và có cuộc sống hạnh phúc. Đặc biệt, những em dân tộc thiểu số đã tiến bộ, vươn xa, có thể giúp ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Đó chính là những món quà vô giá và ý nghĩa nhất mà các em dành tặng cho tôi", cô Liên hạnh phúc. Thầy Trần Minh Nghĩa, Hiệu trưởng Trường TH Hòa Phú cho biết, cô Liên nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ Thi đua cấp cơ sở, giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp huyện. Không chỉ tận tâm, hết mực yêu thương học sinh, cô luôn gương mẫu trong công tác giảng dạy, thực hiện tốt phong trào thi đua, học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. "Cô Liên như người mẹ hiền, âm thầm, lặng lẽ dành trọn tình yêu cho học trò. Sự tận tụy của cô đã mang về những "trái ngọt" khi tất cả các lớp mà cô chủ nhiệm luôn duy trì được sĩ số, không có trẻ bỏ học, chất lượng ngày càng nâng cao, đồng thời các em học sinh cô bồi dưỡng học sinh giỏi đều đạt giải trong các cuộc thi", thầy Nghĩa vui mừng.
MỘC MỘC
Theo CAND
Thầy cô góp tiền nấu cơm trưa để học sinh đừng nghỉ học Thấy trưa học sinh (HS) đi học về đường xa nắng gắt, buổi chiều ngại đến lớp, giáo viên ở Trường tiểu học TT.Đăk Glei, H.Đăk Glei (Kon Tum) đã góp rau, gạo, tiền... phân công nhau tự nấu bữa cơm trưa cho các em. Bữa trưa bán trú do giáo viên góp tiền phục vụ học sinh - PHẠM ANH Bữa ăn...