Thầy giáo làm hơn 1.000 video dạy Toán
Thầy giáo người Anh, ứng viên cho giải thưởng giáo viên xuất sắc thế giới năm 2016, đã làm hơn 1.000 video, nhằm truyền tải kiến thức theo cách sinh động nhất.
Thầy giáo người Anh, Colin Hegarty, nằm trong số 10 người lọt vào vòng chung khảo cuộc thi giáo viên xuất sắc nhất thế giới năm 2016 Global Teacher’s Prize của Quỹ Varkey. Đây là giải thưởng cao quý dành cho cá nhân có đóng góp xuất sắc cho nghề giáo, được ví như giải Nobel trong lĩnh vực giáo dục, theo Guardian.
Colin Hegarty, 34 tuổi, hiện giảng dạy tại trường Preston Manor ở Wembley, Anh. Trước đó, anh làm nghề kế toán. Trong suốt 6 năm theo nghề giáo, anh sản xuất hơn 1.000 video nhằm giải thích các vấn đề Toán học theo cách trực quan, sinh động.
Hegarty cho biết, anh rất ngạc nhiên khi biết tin mình lọt vào danh sách đề cử cho giải thưởng trị giá một triệu USD này. Anh chú ý đến cuộc thi từ năm ngoái, ngay thời điểm giải thưởng này được đưa ra lần đầu tiên.
Năm sau, khi một số người đề nghị, cho rằng anh là ứng viên triển vọng, Hegarty đăng ký tham gia. “Cuộc thi giúp mọi người biết nhiều hơn về những nhà giáo giỏi trên thế giới”, anh nói.
Thầy giáo làm hơn 1.000 video dạy học ở Anh lọt danh sách 10 người tham gia vòng chung khảo cuộc thi giáo viên xuất sắc nhất thế giới năm 2016. Ảnh: Telegraph.
Colin Hegarty bắt đầu làm video Toán học từ 4 năm trước nhằm giúp một học sinh chương trình A-level phải dành thời gian chăm sóc người cha đau ốm, không theo kịp bạn học. Hegarty làm video, đăng tải trên mạng, giúp cậu bé có thể theo dõi bài học và vượt qua chương trình dự bị đại học.
Từ đó, anh liên tục làm thêm các video khác, hoàn toàn miễn phí đối với học sinh trung học và bất cứ ai hứng thú với Toán. Chúng thu hút hơn 6 triệu lượt xem. Những video này không chỉ hỗ trợ học sinh, mà còn giúp các giáo viên khác trong quá trình giảng dạy.
“Tôi không làm video chỉ để muốn nổi tiếng trên YouTube. Mọi chuyện xảy ra rất bất ngờ. Khi nhận được những phản hồi tích cực, tôi muốn làm thêm nhiều video nữa”, Hegarty cho biết.
Năm 2014, thầy giáo làm hơn 1.000 video này giành giải thưởng của Anh cho giáo viên xuất sắc. Hiện tại, anh nghỉ phép một năm để thành lập trang web dành riêng cho các video dạy Toán của mình.
Tháng 2/2016, trang web này được ứng dụng tại 70 trường ở Anh. Các học sinh trung học và dự bị đại học tham gia vào dự án, hỗ trợ trên một số lĩnh vực như mã hóa.
Hegarty cho hay, nếu được trao giải Global Teacher’s Prize, anh sẽ dành toàn bộ số tiền thưởng để đầu tư hoàn thiện trang web, nhằm thay đổi phương pháp dạy Toán.
Video đang HOT
Chín người khác trong danh sách đề cử đến từ Pakistan, Kenya, Palestine, Mỹ, Nhật Bản, Phần Lan, Australia và Ấn Độ. Người chiến thắng sẽ nhận một triệu USD, trở thành đại sứ toàn cầu cho Quỹ Varkey, tham dự các sự kiện, diễn thuyết về nghề giáo. Ngoài ra, người này phải cam kết làm giáo viên trong ít nhất 5 năm.
Năm nay, quỹ sẽ công bố người chiến thắng tại Diễn đàn Kỹ năng và Giáo dục Toàn cầu tại Dubai, Ấn Độ, vào tháng ba.
Sunny Varkey, người sáng lập quỹ, cho biết: “Tôi muốn gửi lời chúc mừng tới Colin Hegarty, người lọt vào danh sách vòng chung khảo sau khi vượt qua hàng trăm nghìn nhà giáo tài năng và tận tâm khác. Tôi hy vọng sự nghiệp của Hegarty sẽ truyền cảm hứng cho những người muốn theo nghề sư phạm”.
Theo Zing
Ươm mầm tài năng nơi vùng cao Tây Bắc
Trên mảnh đất còn nhiều khó khăn có những thầy giáo, cô giáo vượt qua bao khó khăn với ước vọng giúp các thế hệ học sinh làm chủ tri thức, đóng góp xây dựng quê hương giàu đẹp hơn.
Cô giáo Trần La Giang (Trường THPT chuyên tỉnh Sơn La) là điển hình trong vườn hoa những nhà giáo tâm huyết với sự nghiệp "trồng người".
Cô giáo Trần La Giang cũng chính là mẹ luôn tận tình kèm cặp và dõi theo từng bước đường thành công của Ngô Phi Long.
Vượt khó bồi dưỡng học sinh giỏi
NGƯT Trần La Giang sinh ra và lớn lên tại tỉnh Sơn La. Năm 1993, tốt nghiệp khoa Vật lý (Đại học Sư phạm Hà Nội 2), cô được phân công về dạy tại trường THPT Tô Hiệu (tỉnh Sơn La).
"Đây chính là ngôi trường cho tôi những bài học sâu sắc đầu tiên trong nghề dạy học, giúp tôi hiểu dạy học trước hết là dạy học sinh cách làm người, người giáo viên giỏi trước hết phải vững vàng trong chuyên môn và phải không ngừng phấn đấu" - cô Giang chia sẻ.
Từ năm 1999, cô được điều chuyển sang dạy tại trường Năng khiếu tỉnh (nay là trường THPT chuyên tỉnh Sơn La). Những năm đầu chuyển sang môi trường mới có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn bởi nhiệm vụ đào tạo học sinh chuyên và ôn thi học sinh giỏi còn mới mẻ và nặng nề.
Đây cũng là những năm đầu nhà trường mới mở lớp chuyên Lý. Chương trình mới, kiến thức nặng, đối tượng học sinh mới đòi hỏi cô phải tự học thêm rất nhiều, học liên tục mọi lúc, mọi nơi, học từ tài liệu, học từ đồng nghiệp.
Cô cho biết, mặc dù là trường chuyên, nhưng nhà trường vẫn phải đối mặt với những khó khăn về cơ sở vật chất. Hệ thống phòng học, thư viện, phòng thí nghiệm thiếu thốn, đặc biệt là thiết bị thí nghiệm đạt tiêu chuẩn vẫn rất nghèo nàn. Nhưng bằng tình yêu và sự tận tâm, cô đã dành trọn thời gian, tâm lực, trí lực cho học sinh.
Cô luôn chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tìm tòi những phương pháp giảng dạy mới, ứng dụng nhiều sáng kiến kinh nghiệm hay vào giảng dạy, bài giảng của cô bao giờ cũng cuốn hút học sinh. Nhờ vậy, đội tuyển môn Vật lý do cô tham gia giảng dạy và phụ trách đã có hơn 100 em học sinh giỏi bộ môn Vật lý từ cấp tỉnh đến quốc tế.
Theo cô Giang, khó khăn với những học sinh miền núi không phải là sự tiếp thu mà là các em ít có điều kiện được thực hành thí nghiệm, bởi trường miền núi, tình trạng thiếu thiết bị thực hành là phổ biến, lại thiếu thốn về điều kiện học tập như sách tham khảo, Internet, nhiều em ngoài giờ đến trường còn phải phụ giúp cha mẹ việc nhà.
"Thuyền trưởng" tâm huyết
Đối với cô, mỗi nhiệm vụ được phân công đều là cơ hội để mình thử sức, phấn đấu, trưởng thành và cho cô những kinh nghiệm sâu sắc trong nghề dạy học.
Công tác chủ nhiệm giúp cô gần gũi và hiểu các em học sinh hơn, biết được mong muốn và những khó khăn của các em, từ đó có phương pháp dạy học, biện pháp giáo dục và giúp đỡ để các em tiến bộ và trưởng thành.
Đặc biệt, công tác dạy chuyên và ôn luyện học sinh giỏi đòi hỏi phải nghiên cứu, tìm hiểu chuyên sâu không chỉ một bộ môn mình đang dạy mà cả kiến thức liên môn.
Khả năng nhận thức và trình độ tư duy của nhiều em học sinh chuyên tốt, thôi thúc giáo viên phải tự nâng cao trình độ, cùng tìm tòi với học sinh.
Công tác công đoàn giúp cô hiểu nhiều hơn tâm tư, nguyện vọng của đồng nghiệp, từ đó học hỏi được nhiều hơn từ đồng nghiệp và cũng có nhiều cơ hội động viên, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy và công tác phát hiện bồi dưỡng, đào tạo học sinh giỏi, cách ứng xử các tình huống sư phạm, các phương pháp giáo dục học sinh giúp đồng nghiệp cùng tiến bộ, trưởng thành.
Và hơn nữa còn nối kết các cá nhân, thống nhất ý chí góp phần xây dựng một tập thể nhà trường vững mạnh hơn.
Trong giáo dục học sinh, cô luôn nghiêm khắc bằng tình yêu thương, hiểu rõ hoàn cảnh, tâm tư học sinh để giúp các em phát huy tối đa năng lực. Thực tế giáo dục học sinh đã giúp cô có cách thức chăm sóc, dạy bảo con mình phù hợp hơn.
Bằng kinh nghiệm giảng dạy của mình, cùng với các thầy, cô giáo tâm huyết Trường THPT chuyên tỉnh Sơn La, cô Giang đã góp phần quan trọng giúp cậu con trai Ngô Phi Long thành công vang dội trên đấu trường Vật lý quốc tế.
Thi đỗ cả hai trường THPT chuyên tỉnh Sơn La và chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), Long lựa chọn học gần nhà vì không phải cứ ở quê thì môi trường học không bằng Hà Nội.
Long chứng minh được điều này qua giải thưởng mà em đạt được: giải nhất tỉnh và giải nhất quốc gia môn Vật lý khi đang học lớp 11. Năm 2012, Long giành huy chương vàng cuộc thi Olympic Vật lý quốc tế.
Cũng trong năm 2012, tại cuộc thi Olympic Vật lý Thế giới (WoPhO) lần thứ 2 tổ chức tại Indonesia, Ngô Phi Long giành huy chương bạc.
Cần nhấn mạnh rằng đây là kỳ thi khó và đoạt được huy chương tại WoPhO là thành tích có uy tín quốc tế rất lớn. Ban tổ chức WoPhO khẳng định: Mức độ khó khăn của cuộc thi là rất cao, ngang tầm với trình độ kiến thức mà các nghiên cứu sinh sau đại học cần có.
Cô chia sẻ: "Người giáo viên giống như người "thuyền trưởng" phải có tầm nhìn, có tư tưởng và tâm huyết. Tâm huyết để dạy học sinh biết sống có khát vọng, có say mê, biết cho và biết nhận. Có tư tưởng để dạy học sinh biết mình muốn trở thành người như thế nào mà phấn đấu học tập từ hôm nay.
Có tầm nhìn cho các em nhìn thấy tương lai phía trước như chân trời lớn nhiều khó khăn mà nhiều hứa hẹn, nó chờ đợi và đòi hỏi các em phải nỗ lực".
Chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy đội tuyển học sinh giỏi ở những vùng khó khăn, cô Giang cho rằng: "Cần cho các em học sinh thử sức qua nhiều vòng thi, cùng với việc theo dõi quá trình học tập để tuyển chọn đúng những học sinh có năng khiếu, năng lực. Đây là khâu quan trọng, điều kiện tiên quyết để có học sinh giỏi chất lượng cao".
Trong suốt chặng đường 22 năm với sự nghiệp "trồng người", dù ở trường nào, trong hoàn cảnh và cương vị công tác nào cô cũng luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ngành, của xã hội.
Cô đã vinh dự nhận được nhiều danh hiệu, bằng khen, giấy khen của các cấp như: Bằng khen của UBND tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ.
Năm 2014, cô được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Cô giáo Trần La Giang cũng vinh dự là đại biểu chính thức được dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX.
Bí quyết giảng dạy để học sinh luôn đạt giải cao
"Để tạo lập thói quen tốt là tự học cho học sinh, trước hết giáo viên phải nhen nhóm tính tự giác trong mỗi em. Đức tính kiên trì, nhẫn nại cộng với sự đam mê, tính tự giác cao sẽ tạo cho học sinh nghị lực phấn đấu phi thường, làm nên những kỳ tích trong học tập".
Theo Mai Linh/Giáo Dục & Thời đại
Giáo viên mải đi thi, học sinh thiệt đủ đường Cứ đến thời điểm này trong năm, các trường lại tổ chức dự giờ, hội giảng, thi giáo viên dạy giỏi các cấp. Trong khi yêu cầu đổi mới việc dạy và học đang được đặt ra với ngành giáo dục thì hoạt động này vẫn đang diễn ra theo lối mòn cũ, chạy theo hình thức, hệ quả là không những không...