Thầy giáo kiến nghị Bộ cần sửa 6 vấn đề trong các thông tư chuyển hạng xếp lương
Theo người viết, Bộ Giáo dục sẽ phải sửa đổi, bổ sung, thay thế các nội dung trong chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT theo đúng tinh thần Nghị định 89.
Ngày 18/10/2021 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 89/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức có hiệu lực từ 10/12/2021.
Trong đó có 2 thay đổi quan trọng liên quan đến giáo viên là giảm chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo các hạng và không còn quy định việc đào tạo, bồi dưỡng chứng chỉ Ngoại ngữ, Tin học.
Như vậy, theo cách hiểu của cá nhân người viết thì chắc chắn trong thời gian tới Bộ Giáo dục và Đào tạo phải sửa đổi, bổ sung, thay thế các nội dung trong chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT theo đúng tinh thần Nghị định mới của Chính phủ.
Hai nội dung bắt buộc phải sửa đổi của các Thông tư mới
Nghị định 89/2021/NĐ-CP mới đã chính thức không còn yêu cầu chứng chỉ chức danh nghề nghiệp viên chức các hạng I, II, III của các cấp học bậc học từ mầm non đến trung học phổ thông.
Như vậy ở tiêu chuẩn giáo viên các hạng ở mục 3. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của giáo viên ở hạng sẽ phải bỏ nội dung “Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non đến trung học phổ thông các hạng” mà thay thế bằng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành theo Nghị định 89 mới.
Ở nội dung này người viết có 2 kiến nghị đó là bỏ việc quy định có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành đối với giáo viên mới được tuyển dụng (hiện nay quy định giáo viên tuyển dụng phải có chứng chỉ hạng III tối đa không quá 36 tháng) và giáo viên hạng III không cần chứng chỉ chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành (hiện nay giáo viên mầm non, tiểu học ở hạng III cũ chuyển qua hạng III mới vẫn phải có chứng chỉ chức danh hạng III), chứng chỉ này chỉ cần khi giáo viên bổ nhiệm, thi/ xét thăng hạng lên hạng II, I.
Bên cạnh đó, rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định giáo viên đã có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp các hạng I, II, III trước đây được xem như là chứng chỉ chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành theo Nghị định 89 mới mà đừng yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ mới khi họ đã chứng chỉ chức danh nghề nghiệp viên chức ở các hạng cũ.
Ảnh minh họa: Sggp.org.vn
Về chứng chỉ Ngoại ngữ, Tin học tuy chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021 đã không còn quy định tuy nhiên ở tiêu chuẩn năng lực chuyên môn nghiệp vụ có quy định phải “Có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên các hạng và có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số trong một số nhiệm vụ cụ thể được giao.”
Dựa vào tiêu chuẩn này, các địa phương vẫn yêu cầu giáo viên có minh chứng khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng ngoại ngữ, trong khi chứng chỉ Ngoại ngữ, Tin học được xem như một minh chứng cho tiêu chuẩn này.
Nên khi sửa đổi chùm Thông tư này, tôi đề xuất bỏ nội dung trên, việc giáo viên hiện nay đã trải qua quá trình học tập cao đẳng mầm non và đại học sư phạm với đầy đủ tín chỉ tin học, ngoại ngữ đương nhiên đáp ứng yêu cầu mà không cần phải có minh chứng.
Bên cạnh thời gian qua có hàng loạt bất cập trong việc bổ nhiệm, xếp lương theo chùm Thông tư mới nên nhân dịp sửa đổi chùm Thông tư theo Nghị định 89 mới này, người viết xin được kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, xem xét sửa đổi các nội dung bất cập hạn chế của chùm Thông tư 01, 02, 03, 04 trên.
Có thể chậm lại một thời gian nhưng khi thực hiện phải đảm bảo công bằng, khoa học và hợp lý.
Video đang HOT
Do đó, đối với chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021 xin được kiến nghị sửa đổi, thay thế các nội dung sau:
Thứ nhất, bỏ việc quy định hệ số lương hạng II cũ từ 2,67 – 3,99 sang cùng hệ số lương 4,0 ở hạng II mới.
Đây chính là việc gây bức xúc, bất công trong việc chuyển xếp lương theo chùm Thông tư mới. Không thể có việc giáo viên tiểu học, trung học cơ sở ở hạng II cũ có hệ số lương 2,67 đến 3,99 đều được bổ nhiệm qua hạng II mới cùng có hệ số lương 4,0.
Đây là điều vô lý, phản khoa học, chuyển xếp kiểu cào bằng, không công bằng, có trường hợp một giáo viên công tác chưa đến 10 năm chuyển xếp lương cao hơn tổ trưởng thậm chí hiệu trưởng, hiệu phó quản lý của mình công tác hơn 20 năm. Quá vô lý.
Tôi ví dụ trường hợp 1 một tổ trưởng ở hạng II cũ có hệ số lương 3,99 được chuyển sang hệ số lương 4,0; còn một giáo viên trong tổ công tác 6 năm có hệ số lương 2,67 cũng được chuyển sang hệ số lương 4,0 bằng với tổ trưởng của mình.
Do đó, người viết xin kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên sửa hệ số lương của hạng II theo hướng không phải là 4,0 – 6,38 mà có thể từ 2,98 – 6,38. Khi đó việc chuyển xếp lương theo Thông tư 02/2007/TT-BNV sẽ không bị vướng mắc việc chuyển từ 2,67 – 3,99 cùng qua 4,0.
Thứ hai, nên quy định giáo viên có đủ tiêu chuẩn ở hạng nào thì bổ nhiệm vào hạng đó
Ở các tiêu chuẩn giáo viên mầm non đến trung học phổ thông để được bổ nhiệm, xếp lương hạng II ở chùm Thông tư mới đều có quy định: “Giáo viên hạng II cũ được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II mới và viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II mới phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III mới hoặc tương đương từ đủ 09 (chín) năm trở lên (không kể thời gian tập sự), tính đến thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.”
Chính do quy định bất hợp lý này mà nhiều giáo viên đang ở hạng III cũ đã có bằng đại học 10 năm, nhiều người là tổ trưởng, hiệu trưởng,… vẫn chỉ chuyển qua hạng III mới (có hệ số lương 2,34 – 4,98) và phải 9 năm sau họ mới có hy vọng chuyển sang hạng II mới (hệ số lương 4,0 – 6,38) trong khi đó họ đã thiệt thòi 10 năm, đủ tiêu chuẩn của giáo viên hạng II thậm chí hạng I mới.
Do đó, người viết tha thiết kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ quy định chỉ có giáo viên hạng II cũ mới được chuyển sang hạng II mới và bỏ quy định việc thi, xét thăng hạng lên hạng II mới cần 9 năm giữ chức danh hạng III mới.
Giáo viên đạt tiêu chuẩn ở hạng nào thì được bổ nhiệm vào hạng đó là việc làm cần thiết, hợp lý đúng mục đích, nguyên tắc của việc trả lương theo hạng, theo vị trí việc làm, hiệu quả công việc khuyến khích giáo viên luôn cố gắng phấn đấu.
Thứ ba, kiến nghị thay đổi xếp hạng viên chức theo từng năm
Như đã trình bày, giáo viên đạt tiêu chuẩn của hạng chức danh nào thì được bổ nhiệm xếp lương ở hạng chức danh đó, giáo viên nào không đạt tiêu chuẩn thì phải được chuyển xếp hạng thấp hơn.
Không thể có trường hợp như hiện nay, ở năm 2015 giáo viên chỉ cần đang hưởng lương đại học được là được chuyển qua hạng II cũ rồi được bổ nhiệm qua hạng II mới, theo quy định hiện nay thì những giáo viên đó suốt đời được xếp từ hạng II trở lên không cần phấn đấu, không có việc xuống hạng. Còn những giáo viên ở hạng III cũ dù có phấn đấu như thế nào cũng chỉ ở hạng III mới mà hầu như rất khó để lên hạng II, rất bất công.
Đó là điều bất hợp lý lớn mà cả các Thông tư 20, 21, 22, 23/2015 và cả chùm Thông tư mới 01, 02, 03, 04/2021 đều không có hướng giải quyết.
Do đó, người viết kiến nghị xếp hạng giáo viên hàng năm, nếu giáo viên đạt tiêu chuẩn hạng nào thì bổ nhiệm hạng đó, không cố gắng phấn đấu hoặc không đạt tiêu chuẩn thì phải bị xuống hạng thấp hơn. Việc này khuyến khích động viên giáo viên cố gắng phấn đấu công tác tốt, đạt và giữ tiêu chuẩn hàng năm, không có việc suốt đời hạng II như hiện nay.
Thứ tư, cần quy định rõ ràng, thống nhất về tiêu chuẩn giáo viên ở các hạng
Hiện nay các địa phương đang thực hiện việc bổ nhiệm xếp lương mới mỗi nơi một kiểu, trăm hoa đua nở, có nơi thì áp dụng 100% tiêu chuẩn, có nơi lại không yêu cầu,…
Việc xếp lương ảnh hưởng đến hàng triệu giáo viên cả nước không thể để mỗi nơi một kiểu, không thể để địa phương A khác địa phương B, tất cả phải thống nhất.
Việc yêu cầu giáo viên đạt 100% các tiêu chuẩn các hạng và phải có minh chứng là việc làm khó giáo viên, mỗi người đều có sở trường, sở đoản có thể giỏi, tốt mặc này nhưng hạn chế ở việc khác, việc quy định đạt 100% tiêu chuẩn là không thể, nên người viết đề nghị quy định để được bổ nhiệm giáo viên các hạng I, II chỉ cần đạt trên 80% các tiêu chuẩn là đạt.
Thứ năm, quy định hệ số lương khởi điểm của giáo viên mầm non bằng giáo viên tiểu học đến trung học phổ thông
Do việc quy định chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 mới quy định giáo viên mầm non có trình độ là cao đẳng sư phạm hoặc tương đương nên khi ban hành Thông tư xếp lương mới giáo viên mầm non hạng III mới chỉ có hệ số lương 2,1 – 4,89 (mặc dầu nhiều đã có trình độ đại học) là chưa phù hợp. Chưa thấy được sự vất vả, khó khăn của giáo viên mầm non chỉ dựa vào trình độ đào tạo mà trả lương là chưa hợp lý.
Nên người viết đề xuất xếp hạng giáo viên mầm non cũng như ở tiểu học đến trung học phổ thông ở hạng III vẫn có hệ số lương 2,34 – 4,98.
Thứ sáu, bỏ quy định xếp hạng đạo đức nhà giáo
Việc quy định xếp hạng nhà giáo ở các hạng khác nhau thì đạo đức khác nhau và nhà giáo phải tìm minh chứng cho việc có đạo đức nhà giáo ở hạng I, II cao hơn ở hạng III khiến nhà giáo bị tổn thương.
Nên đợt sửa đổi chùm Thông tư này nên bỏ quy định xếp hạng đạo đức nhà giáo.
Cuối cùng việc chuyển xếp lương mới thì việc các tiêu chuẩn chỉ cần hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn xác nhận và chịu trách nhiệm các tiêu chuẩn của giáo viên mà không cần phải đau đầu tìm minh chứng như hiện nay.
Chính phủ đã ban hành Nghị định 89 mới kịp thời, thì dịp này Bộ Giáo dục và Đào tạo nên dừng việc xếp hạng chưa phù hợp ở một số địa phương để sửa đổi, bổ sung, thay thế những điều cho phù hợp tinh thần Nghị định mới và điều chỉnh những điều chưa phù hợp để đảm bảo việc chuyển xếp lương giáo viên là công bằng, khoa học và thống nhất cả nước.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Vì sao nhiều giáo viên vẫn bị "thúc" học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp
Nhiều giáo viên ở Hà Tĩnh phản ánh liên tục bị nhà trường, Phòng Giáo dục nhắc nhở, thúc giục đăng ký tham gia các lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên để được thăng hạng.
Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đang là gánh nặng với giáo viên. Ảnh: Đình Trọng
"Ép học" và thu 2,5 triệu đồng/ người
Ngày 20.10, một giáo viên tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) phản ánh: Gần đây, chúng tôi bị nhà trường thúc giục đăng ký tham gia học lớp bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên, nếu không tham dự thì thiệt thòi quyền lợi, phải tự chịu trách nhiệm.
"Họ gửi kèm theo văn bản của Sở Giáo dục, rồi mẫu đơn đăng ký học gửi trường Đại học Hà Tĩnh, mẫu danh sách trích ngang đăng ký" - giáo viên cho biết.
Điều làm giáo viên này bức xúc vì phải nộp học phí khoảng 2,5 triệu đồng cho một chứng chỉ mang tính hình thức, đối phó với việc thăng hạng để nâng lương chứ không có tác dụng thực chất.
"Tôi đã tốt nghiệp đại học sư phạm, đủ các tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, giảng dạy đã 20 năm, kiến thức, kĩ năng chuyên môn tốt. Không hiểu học thêm chứng chỉ chức danh nghề nghiệp nữa để làm gì" - giáo viên nói trên chia sẻ.
Cùng tâm trạng nói trên, nhiều giáo viên tại các địa phương khác ở Hà Tĩnh cho biết cứ liên tục bị nhà trường thúc giục phải đi học các lớp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, với mức học phí khoảng 2,5 triệu.
Vừa triển khai, vừa "nghe ngóng"
Sáng 21.10, ông Nguyễn Trường Giang - Trưởng Phòng Giáo dục huyện Hương Sơn cho biết, hiện ở huyện Hương Sơn đang cho các trường tổ chức cho giáo viên đăng ký học chứng chỉ nghề nghiệp giáo viên trên tinh thần tự nguyện. Hiện mới tổ chức đăng ký, chưa tổ chức học, huyện đang "nghe ngóng" việc triển khai ở các huyện, thị trong tỉnh, khi nào nhiều địa phương cùng triển khai thì ở huyện cũng sẽ triển khai cho học.
Về việc đang chờ Chính phủ quyết định theo đề xuất của Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục cho giảm chứng chỉ chức danh nghề nghiệp mà sao vẫn triển khai cho giáo viên đăng ký học, ông Giang cho rằng, hiện theo thông tư của Bộ GDĐT vẫn yêu cầu đến 31.12.2021 phải hoàn thành chứng chỉ để xét chuyển đổi giữ hạng, hoặc thăng hạng giáo viên để xếp lương.
Do đó, nếu không tổ chức học thì sợ muộn, khi đó giáo viên không có chứng chỉ theo quy định để xét thì cũng sợ ảnh hưởng đến quyền lợi của họ. Ông Giang cũng chia sẻ mong muốn Chính phủ sớm ban hành quy định để tránh vướng, băn khoăn ở cơ sở.
Ông Phan Thanh Dân - Trưởng Phòng Giáo dục huyện Lộc Hà thông tin, trên địa bàn huyện đã triển khai cho giáo viên học chứng chỉ nghề nghiệp trên tinh thần tự nguyện. Ông Dân cũng cho hay, hiện theo quy định của Bộ Giáo dục thì vẫn đang cần chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên để xét giữ hạng, thăng hạng.
Trong lúc chờ quyết định của Chính phủ thì Phòng thông báo đến các trường trao đổi với giáo viên để họ tự nguyện đăng ký học hay không, nếu không học sau này ảnh hưởng đến quyền lợi thì giáo viên tự chịu trách nhiệm.
Bà Nguyễn Thanh Nga - Trưởng Phòng Giáo dục huyện Thạch Hà cho hay, ở Thạch Hà chưa triển khai cho giáo viên đăng ký học lớp chứng chỉ nghề nghiệp vì theo văn bản của UBND tỉnh giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh hướng dẫn triển khai thực hiện.
Phòng Giáo dục thành phố Hà Tĩnh cũng khẳng định chưa triển khai về các trường đăng ký học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên vì hiện chưa nhận được văn bản hướng dẫn liên ngành của Sở Nội vụ và Sở Giáo dục về vấn đề này.
Trước đó, Báo Lao Động đã có nhiều bài phản ánh tình trạng bất cập trong việc triển khai các lớp bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp cho giáo viên, đó là tình trạng lãng phí, không thiết thực, chỉ có tính chất đối phó.
Nghị định mới bỏ nhiều chứng chỉ, thầy cô giáo nên biết Từ ngày 10/12/2021, giáo viên chỉ còn 1 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp; chính thức bỏ việc đào tạo, bồi dưỡng chứng chỉ Ngoại ngữ, Tin học. Ngày 18/10/2021 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 89/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ,...