Thầy giáo hơn 10 năm dạy vẽ miễn phí cho trẻ khuyết tật
Hơn 10 năm nay, thầy Nguyễn Văn Hoàng (54 tuổi) vẫn chạy xe từ trung tâm TP.HCM, vượt hàng chục cây số đến lớp dạy vẽ tại một trung tâm dạy nghề ở huyện Hóc Môn để dạy cho nhiều trẻ em khuyết tật.
Điều đặc biệt hơn là trong suốt thời gian đó, dù đi một quãng đường rất xa, dù mưa hay nắng, thầy Hoàng không nhận bất cứ khoản chi phí nào và tâm niệm mình đi làm để giúp đỡ được nhiều hơn những học viên kém may mắn.
Tận tình chỉ học viên cách phối màu, tô màu để tạo ra một bức tranh hoàn chỉnh sinh động và đầy màu sắc, thế nhưng ít ai biết rằng thầy Nguyễn Văn Hoàng, từng là người học về cơ khí và chưa qua một trường lớp đào tạo chuyên nghiệp nào liên quan đến vẽ. Nhờ được tiếp cận và nhận thấy sở trường, đam mê của mình chính là hội họa, nên thầy Hoàng quyết định theo đuổi đến cùng và tự mở được phòng tranh năm 2007.
Các học viên tham gia lớp học vẽ của thầy Hoàng tại trung tâm
Năm 2012, một phụ huynh đưa con đến phòng tranh của thầy và cho biết em là trẻ khiếm thính, không thể học những nghề khác và mong muốn được học vẽ. Ban đầu việc dạy và học của 2 thầy trò rất khó khăn do phải giao tiếp qua chữ viết, nhưng bằng sự kiên trì của cả thầy lẫn trò, em ngày càng tiến bộ. Tiếng lành đồn xa, phòng tranh của thầy Hoàng có thêm nhiều học viên khác, đặc biệt là những em khuyết tật, bởi bản thân anh mong muốn giúp đỡ thêm nhiều người kém may mắn có thêm niềm tin rằng mình là người có ích cho xã hội.
Từ lời giới thiệu của một người bạn, anh cũng “bén duyên” với lớp học vẽ tại Trung tâm dạy nghề cho trẻ khuyết tật và mồ côi TP.HCM. Hằng tuần, thầy Hoàng đi hơn hai chục cây số từ trung tâm thành phố đến huyện Hóc Môn để dạy vẽ. Lớp của thầy Hoàng dành cho những bạn có thể trạng yếu, không thể theo học các lớp dạy may, tin học văn phòng, cơ khí,… Thầy Hoàng tâm sự, có những bạn hôm nay học, ngày mai lại quên nên phải hướng dẫn cho đến khi các bạn thực hành được. Dù sức khỏe không tốt, nhưng các em vẫn chịu khó học, kiên nhẫn nghe thầy chỉ bảo và cố gắng thực hành. Chứng kiến các học trò cần cù, chịu khó học hỏi, dù làm việc không lương nhưng theo thầy Hoàng, điều anh nhận được rất lớn lao:
“Lúc trước mình nóng tính lắm, nhưng đến đây nhìn các em cần cù trên từng nét vẽ thì tự nhiên lòng mình chùng lại, mình cảm thấy bớt nóng tính, kiên nhẫn lại một chút như các em. Mấy em có thể ngồi suốt và liên tục với một chi tiết như vậy thì mình nghĩ các em làm được mà sao mình không làm được. Đây cũng là một nơi để cân bằng lại cuộc sống của mình”, thầy Hoàng chia sẻ.
Đánh giá về quá trình công tác hơn 10 năm qua của thầy Hoàng, bà Trương Ngọc Hoa, nguyên Giám đốc Trung tâm dạy nghề cho trẻ khuyết tật và mồ côi TP.HCM cho biết, bà cảm nhận được thầy Hoàng là người làm việc có trách nhiệm và tấm lòng thiện nguyện. Thầy quan tâm đến các em từ sức khỏe, đến chuẩn bị những vật dụng cần thiết khi trung tâm chưa kịp trang bị. Từ những chiếc máy tính cũ nhận từ bạn bè đến chiếc máy in thầy cũng chở lên trung tâm để các em có thêm thiết bị học tập. Hay khi thực hành gia công, vốn là người học về cơ khí nên khi cần hỗ trợ, thầy Hoàng cũng sẵn sàng tham gia.
Video đang HOT
“Tôi thấy thầy Hoàng là người có tâm, đến với học viên bằng tấm lòng. Trong việc dạy, thầy rất tận tâm, hướng dẫn chu đáo, tận tình và lo cho các em mọi mặt”, bà Trương Ngọc Hoa nói.
Một học viên khuyết tật đôi tay đang tỉ mẩn từng nét vẽ
Tiếp thêm niềm hy vọng
Theo học tại trung tâm đã được một năm, anh Trần Văn Trãi, 36 tuổi, quê Tây Ninh cho biết, do dạng tật 1 tay yếu, 1 tay hoạt động được, việc di chuyển cũng khó khăn, anh nhận thấy thể trạng của mình phù hợp với hội họa. Được thầy chỉ dẫn cho từng nét vẽ, cách tô màu, anh Trãi ngày càng tiến bộ và cảm thấy có hy vọng để theo đuổi con đường này. Mỗi bức tranh anh vẽ gửi gắm niềm mong ước và sự nỗ lực của bản thân.
“Mình có ước mơ là vẽ thật đẹp, để sau này ra ngoài xã hội đi làm mướn, làm thuê ở đâu có thể có một ít đồng lương nho nhỏ để nuôi sống bản thân mà không phải lệ thuộc vào gia đình”, anh Trãi nói.
Cũng tại lớp học vẽ của thầy Hoàng phụ trách có anh Lê Thanh Tùng (34 tuổi, quê Kiên Giang) đã theo học được 10 năm. Anh Tùng bị liệt cả 2 chân từ nhỏ, phải sử dụng xe lăn để đi lại. Ban đầu khi tham gia học, anh gặp rất nhiều khó khăn do chưa hiểu về phối màu, cách vẽ. Nhưng nhờ sự hướng dẫn tận tình của thầy Hoàng, anh tiến bộ hơn mỗi ngày, các bức tranh của anh cũng bán được ra thị trường. Chia sẻ về việc gắn bó lâu dài dài với Trung tâm, anh Tùng cho hay, mình muốn học hỏi thêm để nâng cao tay nghề và có thể cùng thầy hỗ trợ cho những bạn học viên mới, cùng cảnh ngộ.
“Sản phẩm mình vẽ được khách mua nên mình rất vui, hạnh phúc. Mình nghĩ mình không là gánh nặng của xã hội, có thể tự tin làm được nhiều thứ mà mình mong muốn”, anh Tùng bày tỏ.
Thầy Hoàng đang hướng dẫn cho anh Trần Văn Trãi tô màu
Ngoài việc dạy vẽ cho học sinh tại trung tâm, hiện phòng tranh của thầy Hoàng còn có 2 em khiếm thính đang làm việc. Các em này được đào tạo từ những ngày đầu và được giữ lại phòng tranh, giúp các em có công việc ổn định. Thầy Hoàng cũng kết nối giới thiệu sản phẩm tranh của học viên khuyết tật đến nhiều người để các em có thêm thu nhập.
Nhìn cô học trò nhỏ với đôi tay không đủ 5 ngón cặm cụi cầm cọ vẽ tô màu, cậu học trò tay yếu run run chấm những nét vẽ lên bức tranh dang dở, hay khi chứng kiến nhiều những học viên của mình trưởng thành và sống được với nghề, thầy Hoàng coi đó là niềm hạnh phúc lớn lao, là động lực để tiếp tục gắn bó với công việc dạy vẽ.
“Công việc này giờ mình chỉ tâm niệm là miễn còn sức khỏe, còn chạy xe được thì vẫn tiếp tục đến trung tâm để dạy cho các em”, thầy Hoàng chia sẻ.
Không riêng lớp học của thầy Hoàng, đến với Trung tâm dạy nghề cho trẻ khuyết tật và mồ côi TP.HCM còn có nhiều lớp học khác dành cho những trẻ em kém may mắn. Sự tận tâm dạy dỗ, hết lòng với học viên của các thầy cô giáo đã góp phần mang lại niềm hy vọng, tự tin vào bản thân, giúp trẻ em khuyết tật, mồ côi có thêm nguồn động viên tinh thần, nỗ lực vươn lên để trở thành những người có ích cho xã hội./.
Trường Mầm non Vạn Lương: Điểm sáng trong công tác giáo dục
Những năm qua, Trường Mầm non Vạn Lương (thôn Quảng Phước, xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh) đã nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục học sinh toàn diện, được các cấp, ngành, phụ huynh đánh giá cao.
Nhiều năm liền, trường đạt thành tích xuất sắc, đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.
Một ngày đầu tháng 11, chúng tôi ghé thăm Trường Mầm non Vạn Lương nằm giữa thôn Quảng Phước. Ấn tượng ban đầu về trường là cơ sở vật chất khang trang, sạch, đẹp, cây xanh tỏa bóng mát; có vườn rau, khu vui chơi, học tập rất bài bản; từ tường rào cho đến bậc cầu thang, hành lang được cán bộ, giáo viên vẽ tranh, trang trí rất ngộ nghĩnh, lôi cuốn học sinh. Trong mỗi lớp học có đầy đủ đồ dùng học tập và được cô trò trang trí ngăn nắp, khoa học. Khi có khách đến thăm, các bé đều đứng dậy khoanh tay chào rất lễ phép. Bé Kim Yến (5 tuổi), cầm bức tranh đang tô màu hớn hở khoe: "Cháu đang cố gắng hoàn thiện bức tranh cảnh trường để tặng cô giáo nhân ngày 20-11. Các cô giáo rất thương yêu chúng cháu; dạy hát, múa, tô màu, vẽ tranh, làm quen với chữ, số, cách trồng rau... Cháu rất thích được đến trường mỗi ngày".
Giáo viên Trường Mầm non Vạn Lương hướng dẫn trẻ trong giờ học.
Hầu hết trẻ từ 25 tháng tuổi đến 6 tuổi ở trường đều rất nhanh nhẹn, không nhút nhát, e dè. Điều này cho thấy môi trường giáo dục của trường được chú trọng, tạo được niềm tin yêu của trẻ nhỏ. Cô Trần Thị Xuân Hồng - Hiệu trưởng Trường Mầm non Vạn Lương cho biết, hiện nay, toàn trường có 380 trẻ với 42 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Nhà trường luôn chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Công tác huy động trẻ trong độ tuổi ra lớp hàng năm của trường đều đạt và vượt chỉ tiêu, trẻ mẫu giáo 5 tuổi ra lớp đạt 100%. Ở trường, mỗi giáo viên đều có tấm lòng yêu nghề, mến trẻ, luôn đối xử công bằng và thường xuyên gần gũi, nắm kỹ những đặc điểm tâm sinh lý của từng trẻ; không ngại vất vả, cố gắng rèn luyện các bé đi vào nề nếp từ ngày đầu tiên đến lớp và luôn thể hiện vai trò là người mẹ hiền thứ hai của trẻ.
Các giáo viên còn tạo mối quan hệ chặt chẽ với phụ huynh nắm bắt những đặc tính cá biệt của từng em để chăm sóc, giáo dục trẻ tốt nhất. Mỗi ngày lên lớp, cô giáo đều tổ chức cho trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời nhằm giúp trẻ khám phá, tìm tòi, trải nghiệm các sự vật, hiện tượng, qua đó giúp trẻ mở rộng vốn kiến thức về thế giới xung quanh. Các bé được tạo điều kiện phát triển năng khiếu thông qua giờ hoạt động âm nhạc, làm quen văn học, tạo hình. Hàng năm, vào các dịp lễ, Tết, nhà trường đều tổ chức nhiều hoạt động bổ ích như: Diễn văn nghệ, trò chơi dân gian, hội chợ xuân, tiệc buffet... Đối với những bé chuẩn bị bước vào lớp 1, trường tổ chức cho các cháu thăm và làm quen với môi trường ở các trường tiểu học để tránh sự bỡ ngỡ.
Bên cạnh đó, nhà trường còn trang bị đầy đủ đồ dùng, đồ chơi phục vụ cho công tác giảng dạy, học tập cho trẻ; thường xuyên phổ biến cho phụ huynh nắm kỹ chương trình mầm non để theo dõi các hoạt động của con em mình, trao đổi với giáo viên phụ trách lớp để có giải pháp giáo dục trẻ đạt kết quả tốt hơn. Bộ phận y tế nhà trường thường xuyên kiểm tra sức khỏe của trẻ; hàng tháng thực hiện cân, đo trọng lượng, chiều cao để kịp thời điều chỉnh, bổ sung khẩu phần ăn, giúp trẻ tăng cân hợp lý. Công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh được nhà trường quan tâm.
Những năm qua, tập thể cán bộ, giáo viên của trường đã tham gia sôi nổi các phong trào thi đua, nhất là phong trào "Thi đua dạy tốt, học tốt". Nhà trường luôn tạo mọi điều kiện để cán bộ, giáo viên được học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị. Nhờ đó, chất lượng giáo dục của trường có sự chuyển biến rõ nét. Trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 vào năm 2017. Phát huy những thành tích đã đạt được, trong thời gian tới, trường sẽ không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, phấn đấu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2...
Nhiều năm liền, Trường Mầm non Vạn Lương dẫn đầu khối thi đua mầm non trong toàn huyện, được UBND tỉnh tặng nhiều bằng khen. Đặc biệt, từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2021 - 2022, trường được UBND tỉnh tặng 5 cờ thi đua xuất sắc; năm học 2017 - 2018 được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Chi bộ trường được Tỉnh ủy tặng bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giai đoạn 2017 - 2021. Cá nhân cô Trần Thị Xuân Hồng được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú và được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh tặng bằng khen...
______________________________________
Bà Bùi Thị Bích Liên - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vạn Ninh: Những năm qua, Trường Mầm non Vạn Lương đã chú trọng đổi mới trong hoạt động, trở thành điểm sáng trong công tác giáo dục mầm non của huyện. Trường đã xây dựng hình ảnh tốt trong lòng học sinh, phụ huynh và được người dân tin tưởng, gửi gắm con em vào học. Nhà trường cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa để nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ; xây dựng tập thể đoàn kết, trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao...
Gần 250 học sinh, sinh viên khuyết tật được trao học bổng (ĐN) - Sáng 21-10, Hội khuyến học (HKH) tỉnh đã tổ chức lễ trao học bổng "Tiếp sức học sinh, sinh viên khuyết tật vượt khó đến trường" lần thứ 11, năm học 2022 - 2023. Tham dự có Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang; Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng; lãnh đạo Trung ương HKH...