Thầy giáo Hóa học gieo mầm đam mê nghiên cứu khoa học kỹ thuật
Tốt nghiệp Đại học Vinh ngành Sư phạm Hóa học, thầy giáo trẻ Đặng Đức Hạnh về công tác tại Trường Trung học phổ thông Hòa Hội năm học 2008 – 2009.
Đường về Trường Trung học phổ thông Hòa Hội (Bà Rịa – Vũng Tàu) mùa này ngược gió, đã vậy con đường đang thi công mở rộng dở dang, nơi lướt êm như lụa, nơi lại ổ gà, ổ voi lởm chởm; mỗi khi gió xoáy, bụi bốc lên mù mịt, áo quần phủ một lớp “Tình đất đỏ Miền Đông”.
Đã có lần định quay về, nhưng phải gặp được thầy giáo Hóa học gieo đam mê nghiên cứu khoa học, xe lại lao về phía trước.
Tốt nghiệp Đại học Vinh ngành Sư phạm Hóa học, thầy giáo trẻ Đặng Đức Hạnh về công tác tại Trường Trung học phổ thông Hòa Hội năm học 2008 – 2009.
Về với trường nông thôn, mở mắt là thấy cây xanh lá biếc. Để gần gũi với các em, tìm hiểu vùng quê mới, thầy giáo trẻ Đặng Đức Hạnh đến nhà học trò, cùng vào thăm rẫy, vào thăm rừng.
Từ những hình ảnh, tên cây cối học được từ phụ huynh, học trò, thầy Đặng Đức Hạnh tìm hiểu công dụng của nó, liên hệ thực tế khi giảng bài.
Chính sự liên hệ thực tế đó, thầy Đặng Đức Hạnh đã gieo vào các em sự yêu thích tìm hiểu tự nhiên khi nào không biết.
Nhiều học sinh có thể kể vanh vách các hợp chất hóa học có lợi cho con người từ cây cỏ mà các em tiếp xúc hàng ngày.
Học sinh biết được tác dụng của một số loài cây có ở địa phương, thầy Đặng Đức Hạnh lại đặt câu hỏi cho các em làm sao lấy được các chất đó phục vụ đời sống con người?
Cứ thế, những học trò có năng lực học tập, đam mê nghiên cứu, tìm cách trả lời câu hỏi của thầy, thỏa mãn nhu cầu hiểu biết của mình.
Qua tiết học ngoại khóa, thầy Đặng Đức Hạnh cho học sinh quan sát hình ảnh một số quy trình về nghiên cứu các hợp chất thiên nhiên; cho học sinh vào phòng thí nghiệm, giới thiệu tỉ mỉ các bước tiến hành và quy trình công đoạn tách chiết hợp chất hóa học từ thực vật.
Từ đơn giản đến phức tạp, học trò thực hiện tách chiết tinh dầu bạc hà, bưởi, sả…, những thí nghiệm, quy trình tách chiết đơn giản đó đã nuôi ước mơ nghiên cứu khoa học kỹ thuật cho học trò.
Video đang HOT
Thầy Đặng Đức Hạnh thứ hai bên phải sang (Ảnh do tác giả cung cấp)
Hằng năm nhà trường đều phát động phong trào Nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Khi học trò đề xuất đề tài nghiên cứu, thầy hướng dẫn các em nhiệt tình, cùng với các em thực hiện thí nghiệm, qua đó giúp các em phát hiện những sai sót và hướng khắc phục.
Thầy và trò cùng vào phòng thực hành, cùng làm, cùng học, cùng nghiên cứu. Cứ thế, thế hệ này sang thế hệ khác, niềm yêu thích khoa học đã được gieo mầm, nuôi dưỡng từ những tiết học với thầy giáo Đặng Đức Hạnh.
Thầy Đặng Đức Hạnh tâm sự: “Em may mắn được về công tác tại ngôi trường tuyệt vời. Tuyệt vời nhất là sự lãnh đạo công tâm, vì giáo dục của Ban giám hiệu nhà trường; phát huy được truyền thống của nhà trường; truyền cảm hứng cho giáo viên cống hiến vì học sinh thân yêu.
Trường Trung học phổ thông Hòa Hội đã nhiều năm liền đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua của ngành giáo dục địa phương.
Học sinh trường em có truyền thống nghiên cứu Khoa học kỹ thuật, năm nào cũng đạt giải cấp tỉnh; đã có học sinh đạt giải Ba Quốc gia do thầy Võ Công Thìn hướng dẫn.
Hướng dẫn học trò nghiên cứu, thực nghiệm, em học được từ học trò; nhiều em tìm hiểu và có những sáng tạo rất bất ngờ; lúc đầu mình là người hướng dẫn, sau đó chỉ là bạn cùng tham gia anh ạ.
Em học được nhiều kinh nghiệm của quý thầy cô đi trước, từ chính học trò của mình; cống hiến của em cho nghề giáo còn nhỏ bé lắm ạ”.
Nói về đồng nghiệp của mình, thầy Nguyễn Đình Thái – Hiệu phó nhà trường hồ hởi chia sẻ:
“Thầy giáo trẻ Đặng Đức Hạnh là giáo viên nhiệt huyết với nghề; luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; có tinh thần tự học và rất sáng tạo trong công tác.
Đặc biệt, qua các tiết dạy, thầy Hạnh liên hệ thực tế cuộc sống, gieo mầm đam mê tìm hiểu, nghiên cứu cho học trò”.
Thầy giáo trẻ Đặng Đức Hạnh đã tự học, có học vị Thạc sĩ Hóa hữu cơ. Trong thời gian qua đã hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học kỹ thuật hai đề tài, đạt hai giải Nhất cấp Tỉnh.
Với cống hiến của mình, thầy giáo trẻ Đặng Đức Hạnh đã được công nhận là Chiến sĩ thi đua, giáo viên dạy giỏi.
Gặp thầy giáo trẻ, niềm vui đong đầy, quãng đường trở về dường như ngắn lại, sao mà thấy “yêu cái tình đất đỏ miền Đông” đến vậy.
Chúc thầy Đặng Đức Hạnh cùng tập thể sư phạm Trường Trung học phổ thông Hòa Hội đạt nhiều thành tích hơn nữa trong công tác trồng người.
Dạy học, cái khó nhất là truyền được cảm hứng, đam mê cho học trò; có cảm hứng, đam mê tất yếu học trò sẽ học tốt, thành công sẽ đến.
Nghiên cứu khoa học kỹ thuật của em Đào Ngọc Minh Khuê, lớp 12 chuyên Sinh học, Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn, đang tiếp thêm ngọn lửa cho phong trào học sinh nghiên cứu khoa học kỹ thuật ở Bà Rịa – Vũng Tàu.
Biện pháp nhỏ, mang lại hiệu quả giáo dục lớn, thành công của học trò là minh chứng cho một thầy giáo giỏi; mỗi giáo viên tìm kiếm biện pháp dù nhỏ, truyền cảm hứng học tập, sáng tạo cho học trò, đang góp phần xây dựng trường học hạnh phúc, giáo dục thành công.
Sơn Quang Huyến
Theo giaoduc.net
Cách lôi kéo học sinh thích môn Hóa của cô giáo ở Phú Thọ!
Theo cô Nga, thách thức lớn nhất trong dạy học môn Hóa học là càng ngày số học sinh theo học các môn tự nhiên càng ít.
Cô giáo Hoàng Thị Thúy Nga, giáo viên bộ môn Hóa học của Trường Trung học phổ thông Hiền Đa, Cẩm Khê (Phú Thọ) luôn trăn trở để có những bài dạy hay, thu hút học sinh yêu thích môn Hóa.
Đặc thù học sinh nơi trường cô Nga giảng dạy là ở vùng quê nên học sinh ít có điều kiện để tiếp cận các kiến thức hóa học như các bạn ở thành phố. Trước đây, học sinh ít có điều kiện để thực hiện các thí nghiệm thực tế.
Cô giáo Hoàng Thị Thúy Nga (ảnh Trinh Phúc).
Tuy nhiên, từ năm học 2018 - 2019, nhà trường đã hoàn thành xong phòng học bộ môn, trong đó trang bị đầy đủ các dụng cụ, hóa chất, các thiết bị vòi rửa, buồng rửa nên các tiết học Hóa sinh động hơn, học sinh được làm các thí nghiệm hóa học hơn.
Ngoài ra, hiện nay các thí nghiệm ảo trên công nghệ thông tin khiến tiết học hóa không đơn điệu. Việc trình chiếu như thế các em rất hào hứng, phấn khởi để ghi nhớ kiến thức dễ hơn.
Cô Nga cho rằng, Hóa học là môn thực nghiệm, có tính liên hệ với thực tế nên trong từng bài dạy cô luôn cố gắng lồng ghép kiến thức thực tế, hiện tượng hàng ngày để cho học sinh dễ dàng ghi nhớ.
Theo cô Nga, thách thức lớn nhất trong dạy học môn Hóa học là càng ngày số học sinh theo học các môn khoa học tự nhiên càng ít.
Một khóa chỉ có một lớp nên việc tạo hứng thú cho học sinh học bộ môn Hóa là không thể đồng đều với tất cả các lớp.
"Cơ bản chỉ những lớp các em có hứng thú về khoa học tự nhiên, các em sẽ học tập tích cực. Còn những lớp cơ bản học sinh rất thụ động trong quá trình học" - cô Nga chia sẻ.
Cách thi mới, học sinh có quyền chọn phân ban, nên khi các em chọn phân ban về khoa học xã hội thì các môn tự nhiên các em học với tính chất rất thụ động.
Tuy khó khăn, nhưng cô Nga luôn tìm ra các phương án mới để giúp học sinh có hứng thú học hóa học để các em có kiến thức nền.
Việc dạy hướng dẫn các em bám sát chương trình sách giáo khoa, những nội dung khó tinh giản hoặc bỏ chứ không đầu tư quá sâu lượng kiến thức đó.
Khi dạy học cô Nga thường gắn với các kiến thức thực tiễn để các em thấy gần gũi hơn.
"Nhiều học sinh học với mục đích duy nhất lấy tấm bằng cấp ba nên tôi thường động viên, khích lệ các em học bộ môn làm thế nào để có thể lấy được điểm số vượt qua được kỳ thi một cách tốt nhất chứ không tạo ra sức ép học tập" - cô Nga nói.
Cũng theo cô Nga, với những học sinh không phân ban thì mục đích dạy học là không tạo cho các em sức ép quá lớn.
Trước thắc mắc về việc nếu duy trì việc dạy như vậy có đảm bảo được chất lượng đại trà môn Hóa hay không cô Nga cho biết: "Đối với học sinh theo xã hội thì định hướng với các em chỉ học những phần nhận biết.
Còn các em học khối tự nhiên thì giáo viên phải đầu tư nhiều hơn. Khi dạy học cần nói rõ với học sinh phần nào rơi vào mức độ dễ hay khó để học sinh nhận thức được và đưa ra mục đích học của mình".
Trinh Phúc
Theo giaoduc.net.vn
Háo hức mở bao lì xì, cậu học trò liền tắt ngúm nụ cười khi nhìn thấy món quà của giáo viên dạy Hóa Ngỡ rằng bên trong bao lì xì sẽ là những tờ tiền "lộc lá" đầu năm thì khi mở ra, cậu bạn liền méo xệch khi đó là một danh sách các công thức Hóa học. Năm mới Tết đến, các cô cậu ai cũng như ai, ngoài háo hức với những dự định cùng bạn bè thì việc mở phong bao lì...