Thầy giáo được phong hàm giáo sư khi 40 tuổi
Anh Nguyễn Đức Toàn (sinh năm 1980), giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội là một trong ba người ở độ tuổi 8x được nhận học hàm giáo sư năm 2020.
Giáo sư Nguyễn Đức Toàn quê ở Hải Dương. Suốt năm học cấp 1, cấp 2, anh tự nhận bản thân không có thành tích nổi trội. Bước ngoặt lớn nhất là khi thi đậu vào lớp chuyên Toán, trường THPT Hồng Quang, từ một học sinh ở trường làng chuyển sang môi trường trường chuyên lớp chọn, cậu học sinh tên Toàn khi ấy thấy tự ti và có phần hụt hơi hơn so với các bạn cùng lớp.
“Các bạn trong lớp tôi khi ấy đều đến từ trường năng khiếu, trường THCS chuyên của huyện, sức học mạnh hơn rất nhiều. Tuy nhiên, cũng chính áp lực đó giúp tôi khi ấy quyết tâm rèn luyện, bứt phá vươn lên bắt kịp bạn bè trong lớp “, anh nói.
Anh Nguyễn Đức Toàn (phải) nhận quyết định công nhận học hàm giáo sư năm 2020.
Cơ khí là ngành nghề anh yêu thích từ nhỏ. Khi được học với đúng đam mê của bản thân, anh luôn nỗ lực dẫn đầu lớp về kết quả học tập. Anh tự rèn luyện thói quen đọc sách và làm nghiên cứu không ngừng nghỉ mỗi ngày.
Năm 2003, tốt nghiệp Đại học Bách Khoa loại giỏi, anh được giữ lại trường công tác vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu khoa học. Ngoài ra anh cũng tham gia công tác giáo viên chủ nhiệm và kiêm nhiệm công tác quản lý.
Sau 18 năm làm việc dưới mái trường Bách khoa, vị giáo sư trẻ hoàn thành 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia và 3 đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường. Đặc biệt, anh công bố 110 bài báo khoa học, trong đó 50 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín. Đồng thời, anh cũng tham gia biên soạn 2 giáo trình, 2 sách chuyên khảo và 6 chương sách quốc tế có giá trị trích dẫn cao.
Với anh Toàn, kỹ sư về cơ khí luôn phải gắn liền với sắt thép, những con ốc vít, bản vẽ. Làm việc trong môi trường nghiên cứu thường xuyên tiếp xúc với dầu mỡ, máy móc thiết bị nặng đòi hỏi anh luôn phải chủ động, tìm hiểu kỹ từ quy trình, công nghệ chế tạo, thiết kế lắp ráp đầy đủ các bước cần thiết để có thể làm ra một chi tiết nhỏ nhất.
Vị giáo sư trẻ ấy luôn quan niệm, muốn làm nghiên cứu khoa học có đẳng cấp thì phải tạo ra những công trình mới, sáng tạo mới và để công bố được trên tạp chí quốc tế phải là những nội dung khác biệt. Sự khác biệt ở đây không phải là tạo ra những cái gì quá lớn, chúng ta có thể đề ra những phương trình mới, những công thức mới hay đề xuất ra những giải pháp mới, công nghệ mới thì việc công bố sẽ dễ dàng đạt được.
Giáo sư Nguyễn Đức Toàn hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học.
Video đang HOT
Thành công trên con đường nghiên cứu khoa học, nhưng ít ai biết, hầu hết các công trình của anh không sử dụng ngân sách của trường hay nhà nước, mà đa số đều được tài trợ bởi các quỹ đầu tư phát triển. Anh chủ yếu nghiên cứu về phương pháp tạo hình kim loại tấm, dự đoán hiện tượng phá hủy dẻo trong tạo hình tấm kim loại, dự đoán hiện tượng đàn hồi ngược trong tạo hình tấm kim loại, mô phỏng cắt gọt kim loại, vật liệu cứng có gia nhiệt…
” Năm 2011, tôi được nghiên cứu chuyên sâu và tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại Học Quốc gia Kyungpook, Hàn Quốc, chuyên ngành Kỹ thuật cơ khí. Tại đây, tôi công bố nhiều công trình nghiên cứu nổi tiếng. Nhờ những kết quả đó, khi về nước làm việc, tôi thường đệ trình lên các quỹ nghiên cứu phát triển để tìm kiếm nguồn tài trợ cho các nghiên cứu của mình.
Thật may mắn, nhờ vào uy tín và kết quả nghiên cứu trước đó của tôi, họ đều chấp nhận tài trợ tiền để mua sắm trang thiết bị, thậm chí họ trả thêm lương cho việc nghiên cứu của chính tôi” , vị giáo sư trẻ chia sẻ và cho rằng lợi thế đó giúp cho việc nghiên cứu phát triển của anh thuận lợi hơn trong gần hai thập kỷ qua.
Anh Toàn khuyên các bạn trẻ hãy cứ đam mê, hãy cứ cố gắng phấn đấu hết mình, đừng đánh đổi tình yêu khoa học để lấy tiền bạc. Bởi khi chúng ta đạt được kết quả nhất định nào đó, thì sự thành công đó sẽ là nền móng vững chắc giúp chúng ta gặp hái được những công việc tiếp theo, cả về tiền bạc và sự nghiệp.
Những nghiên cứu của anh Toàn tập trung chủ yếu vào việc dự báo các sai sót, hỏng hóc trong sản phẩm công nghiệp. Việc nghiên cứu đó cần quá trình khảo sát kỹ để đánh giá được các nhân tố ảnh hưởng đến sản phẩm đó như thế nào.
Giáo sư Toàn cùng nhóm nghiên cứu sinh trẻ thường xuyên đi khảo sát các vấn đề kinh doanh trên thị trường. Anh lấy những số liệu khảo sát đó làm căn cứ để áp dụng những phương pháp công nghệ học được, từ việc lý thuyết hóa, mô hình hóa dự đoán, đánh giá chất lượng cho kết quả của sản phẩm.
Gíao sư Nguyễn Đức Toàn (ngoài cùng bên phải) cùng đồng nghiệp.
Theo anh, việc phân tích, đánh giá, biến những số liệu nghiên cứu từ thực tiễn thành lý thuyết và dự đoán trước thời gian hỏng hóc của các vật liệu là điều quan trọng trong sản xuất công nghiệp hiện đại. Đó chính là tiền đề để tối ưu hóa, lựa chọn được những công nghệ phù hợp nhất giúp các sản phẩm sản xuất ra đạt được chất lượng cao nhất.
Với anh Toàn, việc đưa ra được các đánh giá, dự báo cho các quy trình sản xuất là những công trình khoa học tâm đắc nhất. Anh kỳ vọng những công trình của mình giúp cho quá trình sản xuất được dễ dàng nhẹ nhàng và kiểm soát được chất lượng đầu ra.
Ngành công nghệ thông tin, kỹ thuật dẫn đầu xu hướng tuyển sinh nghề 2021
Dựa trên đánh giá từ nhu cầu của thị trường lao động, các cơ sở đào tạo nghề đều tăng tỉ trọng tuyển sinh khối ngành kỹ thuật như: công nghệ thông tin, điện, điện tử, cơ khí...
Công nghệ thông tin và cơ khí, điện tử đang khát nhân sự
Ông Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội nhận định, trong xu thế tích cực chuyển đổi số quốc gia kết hợp cùng với bối cảnh dịch bệnh, thiên tai, những ngành nghề có khả năng phát triển bền vững là những ngành nghề liên quan đến sản xuất và khoa học kỹ thuật. Cùng với đó, tỉ lệ thất nghiệp trong khu vực các ngành dịch vụ sẽ chưa có nhiều tín hiệu tích cực nếu tình hình bệnh dịch chưa được kiểm soát hoàn toàn.
Hiệu trưởng Phạm Xuân Khánh chỉ ra thực tế rằng trong thời kỳ phải đối mặt với Covid-19 vừa qua, nhiều doanh nghiệp sản xuất có liên kết với nhà trường vẫn hoạt động và tăng trưởng tốt, trong khi đó các cơ sở dịch vụ gặp nhiều khó khăn.
Từ thực tế này, ông Khánh cho rằng, các ngành như cơ khí, điện, điện tử và đặc biệt là công nghệ thông tin sẽ phát triển và kéo theo đó là nhu cầu lao động cao trong các ngành này.
Lãnh đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho biết chỉ tiêu tuyển sinh các ngành công nghệ thông tin, điện, điện tử, cơ khí... sẽ tăng trong năm học 2020-2021 do nhu cầu thị trường lao động.
Cùng chung nhận định trên, Hiệu trưởng Nguyễn Quốc Huy của trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh cũng cho rằng: "Theo sự phát triển của các khu công nghiệp và xu hướng đầu tư sản xuất hiện nay, các ngành nghề như điện, điện tử, cơ điện tử và công nghệ thông tin là những ngành nghề sẽ có nhu cầu nhân lực cao trong 5 năm tới theo khảo sát của nhà trường cũng như đánh giá của Sở Lao động - Thương binh & Xã hội Bắc Ninh".
Tại Bắc Ninh, mỗi năm các khu công nghiệp tuyển dụng 50.000-70.000 lao động qua đào tạo. Do vậy quy mô đào tạo của các trường dạy nghề ở thời điểm hiện tại theo ông Huy là mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ so với nhu cầu thị trường lao động.
Để bổ sung sự thiếu hụt nhân lực qua đào tạo cho thị trường lao động, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần phải tăng quy mô đào tạo, tập trung vào đào tạo nhân lực chất lượng cao để đóng vai trò nòng cốt trong doanh nghiệp.
Ông Vũ Chí Thành - Hiệu trưởng trường CĐ FPT Polytechnic đánh giá: "Trong những năm gần đây, hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã có những bước phát triển mạnh mẽ, được xã hội tín nhiệm. Phụ huynh, học sinh, sinh viên lựa chọn học nghề ngay sau khi tốt nghiệp THPT, thậm chí là tốt nghiệp THCS ngày càng đông vì đánh giá cao mô hình học ngắn, thực tế, sớm kiếm sống bằng nghề nghiệp đã học".
Đặc biệt, ông Thành cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến khó lường, lựa chọn nghề nghiệp đi vào thực chất, thận trọng nên nhu cầu học thời gian ngắn, đi làm ngay là tất yếu.
Cũng do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các ngành sản xuất kinh tế quay trở về những ngành sản xuất cốt lõi, vì thế trong thời gian tới, nhu cầu học những ngành nghề không liên quan đến nhu cầu thiết yếu sẽ giảm nhẹ... Xu hướng giảm có thể gặp ở các ngành như: thiết kế thời trang, sân khấu điện ảnh, hướng dẫn viên du lịch...
Dịch bệnh cũng là yếu tố đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số tại Việt Nam và trên thế giới, số hóa mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội, do đó các ngành có liên quan đến công nghệ thông tin sẽ dẫn đầu xu hướng tuyển sinh những năm tiếp theo.
Có thể kể đến một số ngành cụ thể như: ứng dụng phần mềm, lập trình máy tính & thiết bị di động, thiết kế đồ họa, digital Marketing, điện - điện tử, cơ khí tự động hóa... Trong năm 2020, số thí sinh lựa chọn các ngành có liên quan đến công nghệ thông tin tại FPT Polytechnic chiếm 60% tổng thí sinh và vẫn sẽ còn tiếp tục tăng.
Công nghệ thông tin là hạ tầng của mọi hạ tầng, mọi lĩnh vực, do đó đây cũng là những ngành "khát" nhân lực và có mức thu nhập cao. Việc sinh viên ngành công nghệ sau khi tốt nghiệp đi làm tại công ty, nhận thêm các dự án freelance, có thu nhập từ 10-20 triệu/tháng đã là chuyện phổ biến.
Xu hướng gắn kết đào tạo nghề với doanh nghiệp tuyển dụng lao động
Hiệu trưởng Nguyễn Quốc Huy cho biết, hiện nay trường CĐ Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh đang phối hợp cùng với các doanh nghiệp một cách chặt chẽ để đào tạo "theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp", phục vụ cho các nhà máy mới hoặc các dây chuyền sản xuất mới.
"Hiện nay, các doanh nghiệp phối hợp với nhà trường xây dựng chương trình đào tạo lao động, hỗ trợ kinh phí, bố trí vị trí việc làm phù hợp cho sinh viên thực tập. Như vậy, sinh viên trước khi tốt nghiệp đã biết được sẽ làm gì, có việc làm ngay sau khi ra trường. Mặt khác, doanh nghiệp cũng có thể sử dụng lao động được ngay, không mất thời gian hướng dẫn hay đào tạo lại", ông Nguyễn Quốc Huy chia sẻ.
Được biết, sinh viên CĐ Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh được đào tạo theo diện "doanh nghiệp đặt hàng" sẽ có mức lương 12-15 triệu/đồng sau khi tốt nghiệp bắt đầu đi làm.
Hợp tác đào tạo chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp đang là xu hướng
Với triết lý "thực học - thực nghiệp", Cao đẳng FPT Polytechnic cũng tích cực đẩy mạnh yếu tố doanh nghiệp vào trong đào tạo: thiết kế chương trình, module môn học dựa trên khảo sát, tư vấn từ doanh nghiệp; tăng cường lực lượng giảng viên đến từ doanh nghiệp; mời doanh nghiệp tham gia hướng dẫn dự án, phản biện tốt nghiệp; kết nối tham quan doanh nghiệp, thực tập, tuyển dụng; nhận các dự án để thầy và trò triển khai tại các FabLab... hoàn thiện chu trình khép kín nhà trường - sinh viên - doanh nghiệp.
Trong năm 2021, CĐ FPT Polytechnic cũng sẽ tăng chỉ tiêu khối ngành Công nghệ thông tin, Digital Marketing, Cơ khí, (điện) tự động hóa. Nhà trường sẽ ưu tiên những thí sinh tìm hiểu, nộp hồ sơ sớm.
Về phía Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp hằng năm đạt 98%; lượng sinh viên có việc làm sau 2 tháng đạt hơn 95%. Có được tỉ lệ cao như thế này là nhờ trường tăng cường kết hợp với doanh nghiệp trong đào tạo "trúng và đúng nhu cầu" cũng như cam kết tuyển dụng đầu ra.
Năm học 2020-2021, Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội đã có nhiều đơn đặt hàng đào tạo với hàng ngàn chỉ tiêu theo nhu cầu của doanh nghiệp lớn. Sinh viên tham gia chương trình này được doanh nghiệp chi trả 100% chi phí đào tạo, được trả lương ngay từ khi vào học.
9 dấu ấn giáo dục nghề nghiệp năm 2020: Bài bản và hiệu quả Lần đầu tiên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành 1 kế hoạch truyền thông về giáo dục nghề nghiệp trung hạn 2018-2020 và được tổ chức triển khai bài bản, có hiệu quả. 1. Quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp được đổi mới mạnh mẽ Ngay sau khi Bộ Lao động - Thương binh...