Thầy giáo dạy bơi miễn phí cho học sinh
Ngoài dạy bơi miễn phí cho hàng trăm học sinh, thầy Phạm Văn Vũ còn tặng 40 cái đệm cho các trường phục vụ dạy học môn nhảy cao.
Thầy Phạm Văn Vũ (sinh năm 1980, trú thôn Công Trình, xã Phúc Do, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa) hiện là giáo viên của Trường THCS Quý Lộc (huyện Yên Định).
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê sông nước nên anh có năng khiếu về bơi lội. Lớn lên, anh là vận động viên bơi, rồi theo học sư phạm.
Thầy giáo đang dạy từng kỹ năng bơi cho các em học sinh
Động lực thôi thúc mau chóng xây dựng bể bơi thêm lớn khi chính gia đình anh có người ra đi vì đuối nước.
Năm 2016, vợ chồng anh quyết tâm vay mượn và dùng toàn bộ số tiền dạy bơi các dịp hè để xây dựng một bể bơi đạt chuẩn tại mảnh đất của nhà, với tổng chi phí lên tới 1,3 tỷ đồng.
“Mặc dù xây dựng từ năm 2016, nhưng do gặp khó khăn về giấy phép nên mãi đến tháng 5/2019 bể bơi của tôi mới được Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cấp phép, và là 1 trong 3 bể bơi đạt chuẩn của tỉnh. Đến nay, vợ chồng tôi vẫn còn vay nợ với số tiền hơn 600 triệu đồng”, anh Vũ chia sẻ.
Khởi động trước khi bơi
Dù còn nợ số tiền lớn như vậy, nhưng 5 tháng qua, kể từ khi bể bơi đi vào hoạt động, anh vẫn tổ chức dạy bơi miễn phí cho hơn 100 học sinh. Hiện, anh cũng đang dạy miễn phí cho gần 20 học sinh của Trường THPT Cẩm Thủy 2 để chuẩn bị cho cuộc thi Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh sắp tới.
Video đang HOT
Bể bơi của thầy Vũ là 1 trong 3 bể đạt chuẩn của tỉnh Thanh Hóa
“Nếu là người thực sự kinh doanh dạy bơi để kiếm tiền, với số lượng hơn 100 học sinh như vậy, trung bình mỗi em 800 nghìn đồng/khóa, tính ra đã kiếm được cả trăm triệu đồng”, anh Vũ nói.
Chị Nguyễn Thị Thúy, vợ anh Vũ cũng rất ủng hộ quan điểm của chồng. Dù phải vay mượn rất nhiều tiền để xây bể bơi, nhưng chị cảm thấy vui vì chồng đã giúp được cho rất nhiều học sinh biết bơi.
“3 năm ròng rã chạy vạy các thủ tục bể bơi cũng là khoảng thời gian vợ chồng tôi suy sụp, có những lúc tưởng chừng như anh ấy phát điên”, chị Thúy nói.
Là bể bơi đạt chuẩn, vì vậy có rất nhiều đơn vị đến đăng ký tổ chức các cuộc thi bơi.
Những chiếc đệm thầy Vũ mua về tặng cho các trường để phục vụ môn nhảy cao
Không chỉ dạy bơi miễn phí cho các em học sinh, thầy Vũ còn mua hơn 40 chiếc đệm, tổng giá trị gần 20 triệu đồng để tặng cho các trường học dạy môn nhảy cao.
“Là giáo viên dạy thể dục, tôi hiểu rằng môn nhảy cao phải được trang bị đệm mới đúng quy chuẩn. Tuy nhiên do các trường không có điều kiện kinh phí nên học sinh đang phải nhảy vào hố cát rất nguy hiểm, vì vậy tôi đã mua lại số đệm trên để tặng cho các trường”, thầy Vũ chia sẻ.
Lê Dương
Theo vietnamnet
Việc làm bình dị của bà Sáu Thia
Đuối nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong đối với trẻ em ở nước ta, đến nỗi nó trở thành nỗi ám ảnh, lo sợ của các bậc phụ huynh.
Có một người phụ nữ đã dang rộng vòng tay đón các em vào lòng, dạy từng bước để các em đủ tự tin trên dòng sông, suối...
Trước thực trạng này, Bộ Giáo dục - Đào tạo kêu gọi các địa phương phổ cập dạy bơi từ sớm nhằm trang bị kỹ năng bơi cho trẻ. Tuy nhiên, việc phổ cập bơi cho học sinh tại các trường học còn gặp khá nhiều bất cập, tình trạng tử vong do đuối nước vẫn không ngừng lại.
Lo lắng, xót xa trước những cái chết thương tâm vì đuối nước ở trẻ em, bà Sáu Thia đã không ngại vất vả tự nguyện tham gia dạy bơi miễn phí cho hàng nghìn học sinh Tháp Mười.
"Hồ dạy bơi" ngay trên sông của bà Sáu Thia.
Bà Sáu Thia tên thật là Trần Thị Kim Thia, sinh năm 1952, quê ở huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Bà là con thứ 6 trong gia đình nên được gọi là Sáu Thia. Nhà nghèo, ba mẹ lần lượt qua đời nên bà bắt đầu đi làm thuê kiếm sống rồi lưu lạc đến xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Bà "chuyển khẩu" đến đây từ năm 1986 và làm đủ thứ nghề, từ làm cỏ, dặm lúa, đan lục bình thuê, rồi đến bán vé số và làm cả công việc nặng nhọc chỉ dành cho nam giới như đốn tràm, bốc vác...
Đến năm 1992, bà tham gia công tác Hội phụ nữ ở ấp và làm thêm công việc bán vé số để có thêm thu nhập. Năm 2002, khi xã Hưng Thạnh triển khai dự án phổ cập bơi cho trẻ em vào mỗi dịp hè, bà Sáu Thia được mời làm "huấn luyện viên" dạy bơi, bà đồng ý ngay và cũng được lên huyện tập huấn kỹ thuật trước khi về mở lớp dạy bơi.
Bà cho biết xã Hưng Thạnh nằm ở rốn lũ của tỉnh Đồng Tháp, mỗi khi tới mùa lũ thường xảy ra tình trạng trẻ em chết đuối rất thương tâm, vì vậy bà muốn dạy mấy đứa nhỏ biết bơi để tự bảo vệ mình, giảm bớt nỗi lo cho cha mẹ.
Bà tâm sự: "Lúc đó, mỗi lần lũ về, nghe đài kêu có trẻ em đuối nước, lòng tôi đau thắt lại. Nghĩ tới mấy đứa nhỏ vùng lũ ở đây nên tôi đảm nhận công việc dạy bơi này".
Bà Sáu Thia đã tự nguyện tham gia làm "huấn luyện viên" dạy bơi miễn phí cho hơn 2.000 trẻ em.
Hồ dạy bơi cho trẻ của bà Sáu Thia cũng thật đặc biệt, nằm ngay trên những khúc sông cạn ở xã. Để giữ an toàn cho trẻ, bà Thia lấy cọc tre cắm dưới sông, sau đó dùng lưới mùng bao quanh tạo thành "hồ bơi" có chiều dài 8m, chiều ngang 4m và cao 2m.
Mỗi ngày trước khi trẻ tới học, bà Thia phải xuống hồ bơi lặn trước để kiểm tra xem hồ có an toàn không rồi mới dám cho trẻ xuống. Không những thế bà còn cùng các em tập các bài tập vận động làm nóng người trước khi bơi và cũng để tránh bị chuột rút.
Công cụ hỗ trợ bà khi dạy bơi cho trẻ không phải là áo phao như thường thấy, mà chính là những thanh tre cột nổi trên mặt nước làm thành của hồ bơi. Khi mới học, tất cả các em học sinh đều được bà cho bám vào đó lấy an toàn để lặn, để đạp nước...
Mỗi buổi học bơi kéo dài khoảng 1,5 tiếng, mỗi khóa học kéo dài khoảng 10 - 15 ngày và chỉ học trong thời gian 3 tháng hè, nhưng với kinh nghiệm dạy bơi "miệt vườn" và sự "mát tay" của bà Sáu Thia, các em học sinh đều rất nhanh biết bơi, chậm lắm thì khoảng 10 ngày chứ có em chỉ 4 ngày là đã tốt nghiệp.
Một phụ huynh có con học lớp học bơi của bà Sáu Thia chia sẻ: "Cô Sáu Thia dạy bơi hay lắm! Không biết có bí quyết gì mà cô dạy thằng con tôi trong 10 ngày đã biết bơi ngon lành. Trước đó, vợ chồng tôi cũng hì hục cắm cây, dạy con đạp nước nhưng tập suốt một năm trời con tôi vẫn không bơi được".
Ban đầu việc dạy bơi cho các em (thường ở độ tuổi 6-14) của bà Sáu Thia chỉ ở 1-2 ấp trong xã với số lượng dao động 70 - 80 em. Nhưng nhờ sự tận tâm, nhiệt huyết đến từng nhà vận động các em ra lớp bơi của bà, các khóa học bơi miễn phí càng ngày đông. Tính đến nay bà đã có thâm niên gần 20 năm dạy bơi cho trẻ với số lượng học sinh lên đến hàng nghìn em. Nhờ những đóng góp của bà mà trên địa bàn xã Hưng Thạnh không còn trường hợp trẻ bị đuối nước.
Dù cuộc sống vô cùng khó khăn, phải mưu sinh bằng nghề bán vé số, nhưng cứ hè đến, mùa nước lũ sắp về là bà gác hết mọi công việc để dành thời gian dạy bơi cho trẻ. Có phụ huynh tỏ lòng biết ơn đã gửi tiền cho bà xem như học phí nhưng bà nhất quyết không nhận. Bà chỉ nhận khoản trợ cấp tiền xăng của xã 300.000 đồng/lớp/khóa.
Bà chia sẻ: "Tôi coi ti vi thấy nhiều trường hợp trẻ em chết đuối mà thương lắm. Nên tôi muốn dạy mấy đứa nhỏ biết bơi để chúng tự bảo vệ mình được chứ đâu vì chuyện tiền bạc. Hạnh phúc của tôi là nhìn những đứa nhỏ biết bơi và không có đứa trẻ nào phải đuối nước". Mặc dù cuộc sống cô đơn nhưng bù lại, dạy bơi cho hàng ngàn đứa trẻ như con cháu ruột khiến bà luôn cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc.
Với những đóng góp của mình, bà Sáu Thia được UBND tỉnh Đồng Tháp tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác dạy bơi cho trẻ em. Đặc biệt, năm 2017, bà lọt vào Top 100 phụ nữ tiêu biểu toàn cầu do Hãng tin BBC bình chọn. Năm 2018, bà là một trong 3 cá nhân ở Đồng bằng Sông Cửu Long vinh dự nhận Giải thưởng KOVA.
Nhận xét về bà, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp đã có những lời rất trân trọng rằng: "Chị Sáu Thia, một người không gia đình nên tất cả trẻ học bơi được chị chăm sóc, dạy dỗ như là con, cháu của mình, còn phụ huynh các cháu thì chị xem như là người thân ruột thịt. Chắc là phải có tấm lòng yêu thương trẻ em vô bờ bến, chị mới sẵn sàng làm một việc thiện nguyện đầy tính nhân văn như vậy".
Hà Phương
Theo CAND
Gia Lai: 3 thanh niên "ngăn suối" mở lớp dạy bơi "dã chiến" cho trẻ em làng Trước số trường hợp tử vong do đuối nước đang tăng lên trong thời gian vừa qua, những chàng trai người Jrai (xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) đã biến suối, mương thủy lợi để dạy bơi cho trẻ em trong làng. Cũng chính các học viên nhí của lớp dạy bơi này đã cứu sống được nhiều bạn...