Thầy giáo “đặt tảng đá đúng chỗ để xoay chuyển cả dòng sông”!
HS Trường THPT Bình Sơn tham gia chương trình ngoại khóa “Tuyên truyền bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu”
GD&TĐ – Học sinh Quảng Ngãi thường gọi thầy Lê Đình Diệp, giáo viên Trường THPT Bình Sơn (Quảng Ngãi) là “Bách khoa toàn thư”.
Nhưng hai năm may mắn biết thầy, tôi lại có một hình dung khác: Thầy giống như người cha, đem tấm lòng bao dung và đầy yêu thương, cần mẫn đi gieo những hạt giống tâm hồn tươi đẹp.
Ngàn lời không nói hết ơn thầy!
Nhắc đến thầy Lê Đình Diệp, sinh viên Nguyễn Công Nguyên (ĐHQG HCM) không giấu niềm xúc động: “Em coi thầy như cha. Ngàn lời cũng không thể nói hết tình cảm của thầy dành cho em”.
Video đang HOT
Nhà Nguyên rất nghèo, cha mất sớm vì bệnh nặng, các anh chị em đều phải bỏ học để lao động kiếm sống. Nguyên có tố chất và rất ham mê học tập, nên đã năn nỉ xin mẹ và anh chị được tiếp tục đi học.
“Em không bao giờ quên lần đánh liều gặp thầy xin được bồi dưỡng thêm môn Địa lý. Em đã nói sẽ quyết tâm giành giải quốc gia để được xét tuyển thẳng vào đại học, giảm bớt gánh nặng cho gia đình.
Bất ngờ, em không chỉ nhận được câu đồng ý mà còn được thầy đưa về ở cùng gia đình. Gần 3 năm được sống trong tình yêu thương, dạy dỗ của thầy, với em là quãng thời gian hạnh phúc nhất” – Nguyên tâm sự.
Đúng như lời hứa, năm 2012, Nguyên giành giải quốc gia môn Địa lý và hiện đã trở thành sinh viên ngành Du lịch của ĐHQG Hồ Chí Minh. Ước mơ của cậu học trò nghèo sắp thành hiện thực, và trên con đường chinh phục giấc mơ ấy, luôn có người thầy, người cha cậu yêu kính.
Nhắc học trò, thầy Diệp mỉm cười, rồi liên tưởng đến cậu học trò cũ cách đây hơn 30 năm. Thầy kể: Năm 1983, tôi làm công tác chủ nhiệm lớp 11B. Trong lớp chủ nhiệm có học sinh Nguyễn Xuân Trường, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Cả nhà em làm nghề biển, cha là lao động chính lại bệnh nặng và qua đời, em phải nghỉ học gần tháng làm biển để nuôi gia đình.
Tôi đã giấu lãnh đạo nhà trường việc học sinh vắng nhiều buổi mà không có phép, rồi lặng lẽ đến xin với gia đình cho em tiếp tục đi học với điều kiện sẽ hỗ trợ em cả về vật chất lẫn tinh thần. Thật vui khi hai năm sau, Trường đã xuất sắc đỗ vào đại học, nay em đã là một sĩ quan công an của tỉnh Quảng Ngãi.
Thầy giáo Lê Đình Diệp
Nhưng, ấn tượng sâu sắc nhất với người thầy vùng biển là những kỷ niệm với khóa học 2012 – 2013. Thầy Diệp kể: Quá nửa lớp là học sinh trung bình yếu và yếu; một số học sinh có khả năng nhưng lêu lổng, ham chơi, nhiều lần vi phạm nội quy của trường, lớp. Trong đó, P là một học sinh điển hình trong số đó.
Tôi còn nhớ, hơn một học kì, không dưới 10 lần phải mời phụ huynh của P đến trường và đích thân tôi về gia đình trao đổi để giáo dục em. Nhưng số buổi nghỉ học cả có lí do và không lí do của Phương ngày càng tăng lên, em có thể không được dự thi tốt nghiệp.
Một lần, trong tiết dạy, phát hiện P có dấu hiệu không bình thường, tôi về địa phương em ở, vào gặp công an xã. Đúng như linh cảm, P đã cùng một số thanh niên địa phương lấy máy bơm nước của dân bán lấy tiền tiêu xài. Lúc đó, tôi chợt nghĩ, con người ai cũng có sai lầm nhưng vẫn có thể thay đổi theo chiều hướng tốt, nên xin công an xã không tạm giữ để em tiếp tục đi học.
Sau lần đó, thêm rất nhiều lần kiên trì, bền bỉ, P dần thay đổi, học hành chăm hơn. Không chỉ vượt qua kỳ thi tốt nghiệp, em còn thi đỗ vào Trường CĐ nghề Dung Quất, là một sinh viên chăm ngoan. Hạnh phúc nào bằng khi thầy trò gặp lại, nghe học sinh cũ tâm sự: Cảm ơn thầy, nếu không có sự quan tâm của thầy, chắc em không thể được như hôm nay!
Không có việc gì khó, chỉ sợ ta không chịu khó
Cả một đời dạy học, 17 năm cùng học sinh trường huyện của mình ghi danh trên “đấu trường” toàn quốc, đưa cái tên THPT Bình Sơn trở thành đơn vị dẫn đầu tỉnh về tỉ lệ học sinh giỏi quốc gia môn Địa lý, nhưng chưa bao giờ thầy Diệp cho mình đã đủ kiến thức.
Thẳng thắn đưa quan điểm: Điều tối kị nhất của giáo viên là tự cho mình đã đủ kiến thức chuyên môn, theo thầy Diệp, điều đó sẽ biến giáo viên thành một “học sinh lớp 12 lâu năm”. Không ngừng học hỏi, tự nghiên cứu, đọc sách vở, nhất học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, sẽ giúp mình thực hiện những điều còn trăn trở.
“Dạy học đâu chỉ có dạy kiến thức bộ môn, mà còn phải hiểu tâm tư, nguyện vọng từng học sinh. Như người thầy thuốc, nếu chẩn đoán bệnh tốt sẽ chữa cho bệnh nhân mau khỏi, người thầy giáo hiểu được học sinh sẽ có phương pháp giáo dục phù hợp, học sinh sẽ tiến bộ nhanh” – thầy Diệp tâm tình.
Chia sẻ kinh nghiệm đúc rút từ gần 36 năm trên bục giảng và 18 năm bồi dưỡng học sinh giỏi, thầy Diệp cho rằng, muốn có học sinh giỏi bộ môn, đặc biệt là học sinh giỏi cấp quốc gia, trước hết phải có học sinh giỏi thực sự.
Người thầy, với con mắt tinh tường sẽ biết nhìn nhận, chọn lựa ra đúng “hạt giống” để gieo trồng tri thức, trong đó lưu ý đến tư duy học tập nói chung, tư duy và niềm yêu thích môn học nói riêng và khả năng lập luận chặt chẽ.
Sau mỗi tiết học, giáo viên nên có những câu hỏi, hoặc đưa ra các vấn đề địa lí dành cho học sinh em yêu thích bộ môn. “Không có việc gì khó, chỉ sợ ta không chịu khó” – đó là triết lý giản dị của người thầy luôn được học sinh yêu quý tự đặt ra cho mình và cho các học trò thân yêu.
Theo giaoducthoidai.vn