Thầy giáo có nhiều học trò đỗ trạng nguyên, bảng nhãn nhất lịch sử
Thầy Trần Ích Phát có 3 học trò đỗ trạng nguyên, 4 bảng nhãn, 10 thám hoa và nhiều người khác đỗ tiến sĩ. Ông được cho là thầy giáo có nhiều học trò đỗ đại khoa nhất trong lịch sử.
Theo sách Đại Nam nhất thống chí, thầy Trần Ích Phát (chưa rõ năm sinh, mất) quê ở làng Triều Dương, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Ông được cho rằng thọ tới 100 tuổi.
67 học trò đỗ đại khoa
Năm 15 tuổi, ông đọc nhiều sách về thi ca, kinh nghĩa…, nổi tiếng văn chương trong thiên hạ. Dưới thời vua Lê Nhân Tông (1443-1453), ông thi Hương và đỗ giải nguyên (đỗ đầu).
Sau này, ông không ra làm quan mà về quê mở trường dạy học. Theo tài liệu để lại, thầy Trần Ích Phát có tới 67 học trò đỗ đại khoa (từ tiến sĩ trở lên). Tính riêng bậc tam khôi (trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa), ông có 17 học trò đỗ đạt (3 trạng nguyên, 4 bảng nhãn và 10 thám hoa).
Theo thống kê, tính từ khoa thi đầu tiên triều đình định ra tam khôi cho đến khoa thi cuối cùng lấy trạng nguyên (năm 1736), nước ta chỉ có 50 người đỗ trạng.
Riêng dưới thời vua Lê Thánh Tông trị vì (1460-1497), cả nước có 9 trạng nguyên, 10 bảng nhãn, 10 thám hoa, 146 hoàng giáp, 136 tiến sĩ. Trong đó, 3 học trò của thầy Trần Ích Phát đỗ trạng nguyên, 4 bảng nhãn, 6 thám hoa, 10 hoàng giáp và 51 tiến sĩ.
Ba học trò của thầy Trần Ích Phát đỗ trạng nguyên là Vũ Kiệt (đỗ năm 1472), Trần Sùng Dĩnh (đỗ năm 1487) và Nghiêm Hoản (đỗ năm 1496). Riêng ở 2 khoa thi đình năm Hồng Đức thứ 18 và thứ 27 đời vua Lê Thánh Tông, tất cả bảng tam khôi đều là học trò của thầy Phát.
Thầy đồ ngày xưa. Ảnh minh họa.
Cụ thể, khoa thi năm 1487, triều Lê Thánh Tông, ngoài Trần Sùng Dĩnh chiếm trạng nguyên, người đứng thứ hai là bảng nhãn Nguyễn Đức Huấn và thứ ba là thám hoa Thân Cảnh Vân. Đến khoa thi năm Bính Thìn, cũng dưới triều vua Lê Thánh Tông (1496), Nghiêm Hoản đỗ trạng nguyên, Nguyễn Huân đỗ bảng nhãn và Đinh Lưu Kim đỗ thám hoa. Tất cả đều là học trò của thầy Trần Ích Phát.
Nhiều học trò của thầy Trần Ích Phát chiếm bảng vàng khi tuổi đời còn rất trẻ. Vũ Kiệt đỗ trạng nguyên năm 21 tuổi. Trần Sùng Dĩnh đỗ trạng nguyên khi 23 tuổi. Nguyễn Huân đỗ bảng nhãn lúc 21 tuổi. Đinh Lưu Kim đỗ thám hoa khi mới 18 tuổi. Thân Cảnh Vân đỗ thám hoa năm 25 tuổi…
Video đang HOT
Nhiều bài thi của học trò thầy Phát đã trở thành áng văn trị nước bất hủ, được lưu lại đến nay. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến bài thi Đình về “Đế vương trị thiên hạ” của trạng nguyên Vũ Kiệt.
Theo sách Văn hiến Kinh Bắc, bài thi của Vũ Kiệt đã viện dẫn hài hòa những sách vở kinh điển, sử dụng tư duy sáng tạo để làm bài nghị luận sắc sảo. Lời văn lưu loát, bài viết rất dài. Khi chấm, vua Lê Thánh Tông và các khảo quan đều rất hài lòng.
Trong bài văn của mình, ông đề cấp rất nhiều vấn đề như giáo dục, chống tham nhũng… Ở lĩnh vực nào, Vũ Kiệt cũng cho thấy trí tuệ uyên bác của bậc túc nho.
Dạy đạo làm người
Không chỉ dạy về kiến thức, thầy Trần Ích Phát còn rất thành công trong việc dạy đạo làm người cho học trò. Học trò của ông, sau khi đỗ đạt, đã trở thành những bề tôi nổi tiếng chính trực. Một số người đảm đương chức vụ cao nhất trong bộ máy nhà nước đương thời, là những cánh tay đắc lực, góp phần giúp nhà vua chấn hưng và đưa nước nhà đến giai đoạn cực thịnh.
Trạng nguyên Vũ Kiệt trở thành bậc hiền tài đức độ. Trạng nguyên Trần Sùng Dĩnh, các bảng nhãn Nguyễn Huân, Nguyễn Đức Huấn, thám hoa Lê Ninh đều làm quan đến thượng thư.
Trong số 28 ngôi sao (Nhị thập bát tú) của hội Tao Đàn do vua Lê Thánh Tông sáng lập và làm chủ (gồm những vị đại khoa tài giỏi văn chương), một số học trò của thầy Trần Ích Phát cũng có mặt, như trạng nguyên Trần Sùng Dĩnh, thám hoa Nguyễn Đức Huấn, thám hoa Lưu Ngạn Thu.
Một số học trò của thầy còn để lại các tác phẩm văn học được ghi trong sách Toàn việt thi lục như các bài thơ của trạng nguyên Trần Sùng Dĩnh, bảng nhãn Lưu Đức Huấn, hoàng giáp Trần Hoành.
Trí tuệ và đức độ của thầy Trần Ích Phát không chỉ khiến người đời khâm phục, học trò trong và ngoài tỉnh kéo tới học rất đông. Ngay tại kinh thành, từ khi còn là hoàng tử, vua Lê Thánh Tông từng biết tiếng thầy Trần Ích Phát và đem lòng quý trọng.
Sau khi lên ngôi vua, chứng kiến sự nghiệp dạy học thành công của thầy Phát, nhà vua đặc cách phong ông ngang với các bậc đỗ đại khoa, dù cho ông chỉ đỗ giải nguyên ở kỳ thi Hương.
Theo Zing
Gian lận thi cử thời phong kiến: Gông cổ một tháng, đánh 100 roi
Dưới thời phong kiến, những quy chế thi cử thường hết sức nghiêm ngặt. Thí sinh có thể bị gông cổ, đánh trượng, bỏ tù nếu phạm trường quy.
Khoa cử là một trong những hình thức cơ bản để tuyển dụng nhân tài, phục vụ đất nước ngày xưa. Ở nước ta, nền khoa cử ra đời tương đối sớm.
Sau chiến thắng Bạch Đằng năm 938, các triều đại phong kiến Việt Nam như Ngô, Đinh, Tiền Lê bắt tay vào việc xây dựng và củng cố chính quyền. Đến thời Lý (1009-1225), bộ máy nhà nước phong kiến về căn bản đã được hoàn thiện.
Để có thể tuyển dụng nhân tài phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, nhà Lý bắt đầu đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng nền giáo dục nước nhà.
Quy định nghiêm ngặt
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm 1070, vua Lý Nhân Tông cho thành lập Văn Miếu, một năm sau cho lập Quốc Tử Giám (trường học đầu tiên của quốc gia).
Tiếp đó, năm 1075, vua Lý Nhân Tông cho tổ chức kỳ thi tuyển chọn người tài đầu tiên, được gọi là Minh kinh bác học. Kể từ đây, nền khoa cử Việt Nam chính thức ra đời.
Sau thời Lý, các triều đại phong kiến tiếp tục hoàn thiện nền giáo dục nước nhà. Phần lớn triều đại đều có một số cải cách về nội dung giáo dục và thi cử để phù hợp hơn.
Tuy nhiên, điểm chung là dù bất cứ triều đại nào, việc giáo dục và thi cử dưới thời phong kiến vẫn luôn tồn tại những quy định hết sức ngặt nghèo, bắt buộc học sinh phải vượt qua.
Theo sách Đại Nam Hội điển sự lệ, triều Nguyễn quy định, thí sinh không được mang tài liệu vào trường thi, không được nói chuyện ồn ào, lộn xộn, phải đóng dấu "nhật trung" (dấu xác định bài thi được làm tại trường thi), cấm ngồi không đúng chỗ quy định, tự ý vứt bỏ hoặc sửa chữa bảng tên, cấm kê khai gian lận tên tuổi, cấm nộp bài trễ hạn. Nếu vi phạm, sĩ tử sẽ bị phạt rất nặng.
Trường thi Nam Định năm 1912. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Ngoài ra, hình phạt đối với người vi phạm rất nghiêm khắc. Người bị phát hiện mang tài liệu vào phòng thi sẽ bị gông (cùm) một tháng, sau đó bị đánh 100 roi. Nói chuyện ồn ào, cả thí sinh lẫn các vị quan đốc học, giáo thụ và huấn đạo ở địa phương có thí sinh vi phạm đều bị truy tội.
Bài thi có những quy định khác, rắc rối và ngặt nghèo hơn, chủ yếu là những lỗi về hình thức mà thí sinh phải tránh.
Đầu tiên là lỗi khiếm tị (phải biết tránh chữ húy). Chữ húy ở đây chính là tên của tất cả đời vua, hoàng hậu, kể cả ông bà tổ tiên vua, tên lăng, miếu, cung, điện, làng quê của vua, con vua, vợ vua... Bài phạm húy chắc chắn sẽ bị đánh hỏng.
Sau khiếm tị là lỗi khiếm trang và khiếm đài. Khiếm trang nghĩa là bài thi thiếu phần tao nhã, dùng những từ thô tục về ngữ nghĩa và âm luật, thiếu tôn kính với các từ tôn nghiêm. Đang hành văn mà gặp những từ tôn kính như thiên, địa, đế, hậu... thì phải tự động sang hàng và đài (nâng cao lên trong dòng chữ), nếu không sẽ mắc lỗi khiếm đài.
Bài thi phải viết loại chữ chân phương, thiếu một nét, một chấm xem như mắc lỗi, phạm luật. Khi làm xong bài, cuối quyển thi phải ghi rõ số chữ đã xóa, bỏ sót, sửa chữa.
Không được đi thi
Trước thời gian thi bốn tháng, những người muốn dự thi phải ghi danh tại địa phương để xem xét tư cách đạo đức, lý lịch. Những người đang chịu tang cha hoặc mẹ, đang chịu tang ông bà nội mà đương sự là người phải lo việc thờ phụng không được tham gia kỳ thi. Những người bất hiếu, không hòa thuận với anh em, tàn bạo... cũng không được thi.
Những người thân thuộc với kẻ phạm tội đã bị chém, giảo (thắt cổ), đi đày, sung quân (dù đã được tha về)... cũng không được thi.
Tội thân thuộc với giặc được chia làm bốn khoản quy định từ nặng đến nhẹ với mức độ khác nhau. Nếu giặc là chánh yếu phạm (những người mang chức tước cao nhất) không kể đã bị xét xử hay chưa, dù đã chết hay đã ra đầu thú được khoan dung, thì từ con cho đến cháu, chắt cùng những người chịu tang từ chín tháng trở lên đều không được dự thi.
Nếu là kẻ tòng phạm theo giặc nhưng không có chức tước, hoặc nhỏ thì con cháu không được đi thi. Nếu đã ra đầu thú, lập công được giảm án, cháu được đi thi. Nếu là kẻ tòng phạm nhưng bị giặc ức hiếp phải theo chẳng có chức tước gì thì con không được đi thi nhưng cháu trở xuống đều được đi thi.
Phụ nữ bị cấm không được dự thi. Chính vì lý do này nên xuyên suốt thời kỳ phong kiến, Việt Nam chỉ có duy nhất một tiến sĩ nữ là Nguyễn Thị Duệ. Bà đã cải trang thành nam giới và đi thi đỗ vào thời nhà Mạc.
Kỳ thi nho học đầu tiên của nước ta được tổ chức vào năm 1075 (dưới thời vua Lý Nhân Tông), kỳ thi cuối cùng được tổ chức vào năm 1919 (thời vua Khải Định). Có tất cả 185 kỳ thi được tổ chức.
Học vị cao nhất trong các kỳ thi dưới thời phong kiến là trạng nguyên. Tuy nhiên ở nước ta, danh hiệu này chỉ bắt đầu xuất hiện từ kỳ thi năm 1247, kết thúc năm 1736. Các kỳ thi trước và sau đó đều không lấy trạng nguyên.
Theo Zing
Những 'đội quân kỳ lạ' nổi tiếng trong lịch sử Đội quân lặn nước đục thuyền, cải trang thành người ăn xin để thu thập tin tức của giặc là hai trong số nhiều "chiêu" được áp dụng trong các cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm. Để chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước, cha ông ta từng tạo ra những "đội quân kỳ lạ", có một không hai trong lịch...