Thầy giáo bôi dầu khi đứng lớp, dạy chữ kiêm dạy… làm vệ sinh
Gieo chữ cho học trò tiểu học vùng sâu là công việc gian nan, đòi hỏi sự kiên nhẫn và dịu dàng của một người mẹ, sự nghiêm khắc của một người cha. Đời sống lại khó khăn, nhưng 25 năm qua, thầy giáo Lãnh Văn Truyền vẫn miệt mài đến lớp.
Một góc xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng.
Bôi dầu khi đứng lớp
Hiện tại, anh Lãnh Văn Truyền đang là giáo viên chủ nhiệm lớp 4, Trường tiểu học Xuân Trường, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Anh đã dạy dỗ nhiều thế hệ học sinh người Mông, người Dao, người Nùng… ở mảnh đất xa xôi, nghèo khó này: “Khi mới ra trường, tôi được phân công công tác tại một điểm trường phải đi bộ hơn một tiếng mới tới nơi. Dạy ở đó được 4 năm, đến năm thứ 5, tôi lại được phân công giảng dạy ở địa bàn của đồng bào Mông, cũng đi bộ hơn 1 cây số từ nhà đến trường, hồi đó điều kiện kinh tế khó khăn, đường sá cũng hiểm trở, nên không ai có xe máy đi làm”.
Nhưng một thời gian sau, anh Lãnh Văn Truyền lại chuyển đến điểm trường thứ 3, từ nhà tới trường phải đi bộ hơn 5 cây số. Vì thế, anh chọn ở nội trú, cả tuần chỉ về thăm gia đình một lần, dành trọn tâm huyết cho các em nhỏ. Ở Xuân Trường, huyện Bảo Lạc, chỉ có những đứa trẻ dân tộc Tày, khi mới bi bô học nói đã được người lớn dạy tiếng phổ thông. Còn con em dân tộc Mông, Dao… ít được chăm lo như vậy. Học trò của thầy Truyền sinh ra và lớn lên hoang dã tựa cây cỏ ven đường, trước khi vào lớp 1, chúng hầu như chưa nói được tiếng Kinh. Thậm chí những kỹ năng tối thiểu như vệ sinh cá nhân, chúng cũng chưa được cha mẹ chỉ bảo.
Anh Lãnh Văn Truyền vẫn nhớ những ngày đầu tiên dạy dỗ học trò người Mông: “Tôi luôn phải mang theo một cọc dầu Phật Linh. Mỗi lần đi dạy phải bôi vào mũi, bôi lên người, mới cầm tay trò viết chữ”. Phải bôi dầu mỗi khi lên lớp, một mặt, để phá thứ mùi bốc lên từ cơ thể, quần áo hiếm khi thấy nước của trò, mặt khác, mùi dầu còn có tác dụng chống lại chấy rận trên tóc các em: “Chỉ có cách bôi dầu mới khiến lũ chấy rận sợ, không dám tấn công”, anh Truyền giải thích.
Nhưng đó chỉ là biện pháp phòng ngự bất đắc dĩ. AnhTruyền cùng các đồng nghiệp vạch ra kế hoạch dạy trò cách tự chăm sóc bản thân. Anh dạy trò chải tóc, giặt quần áo: “Có những em bướng, không nghe lời, mình phải kéo tay xuống lấy khăn rửa mặt cho, lau người cho”. Để việc tự làm vệ sinh cá nhân của trò thành nếp cũng cần thời gian và sự kiên nhẫn của giáo viên. Anh Truyền kể: “Ở nhà, bố mẹ các em rất ít khi tắm, một bộ quần áo từ khi mới mua đến khi rách không thấy nước bao giờ”.
Có những em học sinh nữ chưa từng cầm lược chải đầu nên đến đoạn tóc rối, các em chỉ biết dùng lược giựt, thầy giáo lại gần hướng dẫn các em cách gỡ tóc từng chút một, dịu dàng như một người mẹ. Thầy nặng lời các trò không những không nghe, có khi còn đòi nghỉ học. Để gần gũi hơn với học trò, chính thầy cô ở đây cũng phải học tiếng nói của dân tộc các em. Tuy không thành thạo tiếng Mông, tiếng Dao song anh Truyền có thể giao tiếp căn bản: “Tiếng Mông rất khó. Cái lưỡi chỉ cần uốn lên hoặc đưa ngang đã ra nghĩa khác rồi vớ”, thầy giáo chia sẻ bằng ngữ điệu địa phương.
Thầy giáo Lãnh Văn Truyền
Video đang HOT
Có những giai đoạn thầy Lãnh Văn Truyền phải đảm nhiệm hai lớp học. Trong một căn phòng nhỏ đặt hai cái bảng, các trò ngồi quay lưng vào nhau, lớp bên này thầy cho kiểm tra bài cũ, còn lớp bên kia lại giảng bài mới. Không ít người nghĩ rằng, việc dạy học của những thầy cô giáo như anh Lãnh Văn Truyền không chịu áp lực chất lượng, các trò tiếp thu được đến đâu hay đến đó. Anh Truyền tâm sự: “Cứ 3 năm không hoàn thành nhiệm vụ thì phải nghỉ thôi. Học trò học không vào đầu, thầy giáo cũng mất nghỉ hè luôn”.
Khi chúng tôi hỏi: Thầy giáo ở vùng sâu có bao giờ nhận được quà của phụ huynh không? Anh Lãnh Văn Truyền cười, lắc đầu: “Với các em học sinh lớp 1, chúng tôi còn mua kẹo để dỗ các em đến trường”. Các em học sinh được hỗ trợ tiền mua sách vở, song không ít phụ huynh nhận tiền dành cho các con mang tiêu vào việc gia đình. Nhiều bé lên lớp thiếu bút viết, thầy giáo lại bỏ tiền túi mua cho. Sau tết, là mùa rau đắng ở vùng cao.
Các em học sinh tiểu học tranh thủ hái rau đắng mang bán lấy tiền: “Hôm trước, tôi đang chạy xe máy, thấy tiếng xe máy, các em ùa ra chào mời mua rau đắng. Khi nhận ra thầy giáo, chúng đứng im ngại ngùng. Tôi phải nạt trò: Ngày đi học không được bán rau đâu, bán thầy phạt. Ngày nghỉ không cấm bán nhưng khi bán thì đặt ở lề đường thôi, không được chạy ra, xe kẹp đấy”. Anh Truyền nói: Cấm học trò vùng sâu hái rau bán lấy tiền gần như nhiệm vụ “bất khả thi” nên đành hướng dẫn các em kiếm tiền một cách an toàn và ít ảnh hưởng học tập.
Mềm dẻo và cứng rắn với phụ huynh
Nhiều phụ huynh ở vùng sâu của huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng vẫn chưa nhận thức được lợi ích của việc học chữ. Vì thế, học trò dễ nảy sinh xu hướng bỏ học. Ngay như việc áp dụng chính sách hỗ trợ dành cho học sinh tiểu học ở những thôn, xã đặc biệt khó khăn cũng đã khiến giáo viên mệt nhoài, phải tìm đủ mọi cách để đối phó với phụ huynh. Có những phụ huynh thắc mắc, tại sao con tôi cũng đi học, con người ta cũng đi học, mà con người ta được tiền, con tôi không được tiền?
Sau đó, họ cho con nghỉ học ở nhà. Thầy giáo lại đến tận xóm, kết hợp với người có uy tín của xóm, vào tận từng nhà giải thích, vận động cha mẹ cho con đi học trở lại. Các học trò thấy bóng dáng thầy giáo đến xóm đã chạy đi, nấp ở đâu đó, để trốn không phải tiếp tục đến trường. Dùng biện pháp thuyết phục mềm dẻo không xong, anh Lãnh Văn Truyền quay sang phương pháp cứng rắn: “Nếu anh chị muốn con mình nhận được tiền và gạo trợ cấp thì anh chị phải chuyển nhà đi xa hơn. Có chịu không?”.
Đến lúc này, họ mới cho con trở lại trường học. Còn những trường hợp học trò ở xa trường, được hưởng hỗ trợ song vẫn muốn nghỉ học thì thầy giáo buộc phải “dọa” phụ huynh: “Nếu không để các con đến trường, cha mẹ phải trả lại nhà nước số tiền, số gạo đã nhận”. Một số bậc phụ huynh nhận thức rõ quy định chính sách hỗ trợ học sinh tiểu học ở những xã, thôn đặc biệt khó khăn, song vẫn cố cãi ngang, vì họ không có nhu cầu đưa con đến trường học chữ, chỉ muốn lũ trẻ ở nhà làm việc nhà hoặc giúp họ kiếm tiền, cho dù chúng chưa đủ tuổi lao động.
Nhưng anh Lãnh Văn Truyền cho biết, dạy học trò vùng sâu trên 20 năm nay, anh chưa từng chứng kiến cảnh cha mẹ đánh giáo viên hay giáo viên đánh hoặc lạm dụng tình dục học trò. Đến nay, đời sống của giáo viên vùng sâu cũng được cải thiện đáng kể. Mấy năm qua, anh Truyền đã soạn bài lên lớp bằng máy tính xách tay, thôn xóm anh ở đã có điện sáng, nhiều thầy cô đã sử dụng điện thoại thông minh.
Theo Tiền phong
Giúp học sinh yêu lịch sử từ giáo dục tích hợp
Trong cuộc thi Tìm hiểu về biên giới và Bộ đội Biên phòng (BĐBP) do Bộ Tư lệnh BĐBP và T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động nhằm hướng tới 60 năm ngày truyền thống BĐBP và 30 năm Ngày Biên phòng toàn dân, cô giáo Đỗ Thị Mỹ Hạnh, giáo viên Trường THPT Bạch Đằng, Quảng Yên (Quảng Ninh) đã xuất sắc đoạt giải Nhì (giải cá nhân).
Hình ảnh thầy giáo quân hàm xanh gần gũi và được HS trân trọng
Với cô Hạnh, giải thưởng không chỉ là niềm vui, sự tự hào vì tâm huyết, tình cảm dành cho các chiến sĩ quân hàm xanh được ghi nhận mà hơn thế với những kiến thức lịch sử tích lũy được giúp cô có thêm nhiều tư liệu, hiểu biết để truyền tải lồng ghép trong các bài giảng của mình.
Bắt đầu từ tình yêu người lính...
Trong 8 tháng tìm hiểu trên rất nhiều tư liệu về lực lượng biên phòng (BP), cô giáo Đỗ Thị Mỹ Hạnh đã hoàn thành tác phẩm truyền thống 60 năm BĐBP.
Khi được hỏi, vì sao chỉ trong khoảng thời gian tìm hiểu 8 tháng, công việc của một giáo viên dạy Văn chủ yếu trên lớp và soạn giáo án, đảm nhiệm đầy đủ mọi công việc của người phụ nữ trong gia đình, nhưng vẫn cho ra sản phẩm đạt chất lượng cao như vậy, cô giáo Đỗ Thị Mỹ Hạnh khẳng định đây là tâm huyết, tình yêu, sự chia sẻ với người chiến sĩ BP. Xuất phát điểm của tình cảm ấy là bởi cô Hạnh là con của một cựu quân nhân, vợ một chiến sĩ trong lực lượng vũ trang và là chị gái của một chiến sĩ BP.
Sản phẩm hơn 3.000 trang đánh máy chứa đựng những thông tin về BĐBP được cô Hạnh chắt chiu tìm hiểu thông qua nhiều nguồn tài liệu khác nhau. Khi thì qua Internet, các trang báo của lực lượng BP, báo chí T.Ư viết về BP. Mặt khác, cô còn cất công kết nối với BCH BĐBP Quảng Ninh, Hải đội 2 BP Quảng Ninh... Nơi đâu cô cũng nhận được sự hỗ trợ, tạo điều kiện để công việc tìm hiểu đạt hiệu quả cao nhất.
Cô Đỗ Thị Mỹ Hạnh cũng cho biết, khi tham dự vào cuộc thi, có những thuận lợi khó khăn riêng đòi hỏi phải hết sức nỗ lực, để vượt qua.
Thuận lợi là cô đã mang sẵn theo mình tình cảm chung với người chiến sĩ BP, cùng đó là tình cảm riêng đối với những người thân yêu nhất (cha, anh, em trong lực lượng). Mặt khác, với vai trò một giáo viên dạy Văn, có nền tảng về văn học và các vấn đề về lịch sử nên việc bộc lộ cảm xúc của bản thân cũng dễ dàng hơn. Đặc biệt, nguồn tư liệu hỗ trợ cũng vô cùng phong phú... mang lại nhiều cảm xúc và giúp cho cô Hạnh có hiểu biết sâu sắc hơn về lực lượng BP Việt Nam.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất cô gặp phải là thời gian tìm hiểu cuộc thi có hạn. Công việc trường lớp, gia đình... cũng lấy đi nhiều thời gian. Trải qua thời gian, có những đơn vị thay đổi tên gọi, tổ chức; có những tấm gương không thể tìm được bất kì thông tin nào; khả năng nghiên cứu, biên soạn hạn chế.
Có những vấn đề muốn tìm hiểu kĩ, sâu cũng không thể tìm thấy tư liệu, minh chứng... Vì vậy, "tôi tham lam với tất cả những gì bản thân tìm kiếm hay xin được. Dù đó có thể là một hình ảnh, một mẩu tin, bài báo, một vài câu chuyện nhỏ có liên quan tôi đều tìm cách đưa vào trong bài thi một cách hợp lý nhất để minh họa cho quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của BĐBP...", cô Hạnh chia sẻ.
Tích hợp kiến thức vào bài giảng
Cô giáo Đỗ Thị Mỹ Hạnh và tác phẩm dự thi tìm hiểu về lực lượng BĐBP
Cô giáo Đỗ Thị Mỹ Hạnh khẳng định: Quá trình tìm hiểu tham dự cuộc thi đã giúp cô hiểu sâu sắc hơn về sự hình thành phát triển của BĐBP, về công việc, các anh đã làm ngoài biên giới, về những hy sinh thầm lặng của người lính BP cho nhân dân, đất nước... Từ sự thấu hiểu ấy bản thân cô có sự sẻ chia nhiều hơn cùng người lính và truyền đến HS tình yêu, sự biết ơn với người lính BP.
Đặc biệt, kiến thức từ cuộc thi sẽ hỗ trợ tích cực vào công tác giảng dạy của cô trên lớp. Cụ thể, cô có thể đưa vào tích hợp giáo dục truyền thống BĐBP qua mỗi bài giảng liên quan, tạo hứng thú và truyền lửa cho học sinh giúp các em hình thành và củng cố niềm tự hào ngưỡng mộ với lực lượng BP. Từ ý thức tình cảm đó sẽ hình thành trong mỗi HS tính kế thừa, nối nghiệp người lính mang quân hàm xanh trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Cô Đỗ Thị Mỹ Hạnh cũng cho rằng: Vấn đề về chiến tranh và quân đội có sự "cứng nhắc" nhất định khi mang vào giáo dục, chính bởi vậy bản thân cô phải đổi mới nhiều phương pháp để làm vấn đề trở nên mềm mại và hấp dẫn. Ví dụ, cô có thể cho HS nghe những bài hát về lực lượng BĐBP (thực tế lực lượng BĐBP có rất nhiều ca khúc hay) trước một bài giảng để khởi động, cho HS cảm thụ trước về vấn đề.
Ngoài ra có thể đưa vào trong bài giảng hình ảnh người lính BP; thầy giáo quân hàm xanh; thầy thuốc quân hàm xanh; đưa những tấm gương tiêu biểu trong chiến tranh bảo vệ biên giới trong quá khứ cũng như những tấm gương trong lao động, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc thời bình (thông qua bài giảng có hỗ trợ công nghệ thông tin).
Từ cuộc thi này, nhà trường và cô Đỗ Thị Mỹ Hạnh đã liên kết với các đơn vị BĐBP để HS đi thăm các chú bộ đội ngoài hải đảo thông qua lịch trình của Hải đội 2; đưa HS đến với biên giới Bình Liêu để các em được chạm tay vào cột mốc; tổ chức cho HS hát Quốc ca tại cột mốc... từ đó các em có ý thức thiêng liêng hơn về chủ quyền của dân tộc. Sau hoạt động giáo dục trải nghiệm các em biết trân trọng những hy sinh của thế hệ cha anh đi trước, biết ơn những gì mà các em đã và đang được thụ hưởng ở cuộc sống hòa bình hôm nay.
Từ một cuộc thi ý nghĩa và sự tích lũy của bản thân thông qua quá trình tìm hiểu tham dự cuộc thi về lực lượng BP, cô giáo Đỗ Thị Mỹ Hạnh đã giúp HS đi từ cảm thụ đến thay đổi nhận thức; có ý thức trách nhiệm, nhìn nhận khách quan về vấn đề mà các em luôn nhận định khó khăn và cứng nhắc. Từ học tập bị động, HS chuyển sang học tập chủ động, háo hức với kiến thức văn học, lịch sử...
Đức Trí
Theo giaoducthoidai
Trường tiểu học Kỳ Hợp: Trưởng thành từ những khó khăn Mặc dù điều kiện còn khó khăn nhưng trong những năm qua, Trường tiểu học Kỳ Hợp (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) đã không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy và hiệu suất đào tạo, có nhiều đóng góp tích cực cho ngành giáo dục huyện nhà. Kỳ Hợp là một xã miền núi nghèo thuộc huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà...