“Thầy giáo Biên phòng” của người dân các làng chài ven biển Đà Nẵng
Gần 30 năm công tác cũng là khoảng thời gian Trung tá Mai Văn Sơn gắn bó với các lớp học xoá mù chữ, chống tái mù chữ của ngư dân ở các làng chài ven biển Đà Nẵng. Anh vinh dự được bà con ngư dân gọi với cái tên trìu mến “ Thầy giáo Biên phòng”…
Trung tá Mai Văn Sơn đã giúp hàng nghìn người dân ở các làng chài biết đọc, biết viết (Ảnh: PA)
Trung tá Mai Văn Sơn, cán bộ Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Hải Vân, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) thành phố Đà Nẵng sinh ra và lớn lên ở mảnh đất có nghề dệt chiếu cói huyện Nga Sơn (Thanh Hóa). Năm 1992, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Biên phòng, anh được điều động về công tác tại Đồn Biên phòng Non Nước (Đà Nẵng). Tại đây, anh được phân công giữ chức Đội phó Đội Vận động quần chúng rồi trải qua nhiều đơn vị công tác như Đồn Biên phòng Phú Lộc, Phòng Chính trị (BĐBP Đà Nẵng), Đồn Biên phòng Hải Vân.
Thường xuyên tiếp xúc với bà con các làng chài, anh Sơn hiểu rất rõ hoàn cảnh khó khăn của người dân. Nhiều gia đình dù muốn nhưng cũng không có điều kiện cho con em đến trường nên nhiều thế hệ trong gia đình đều không biết đọc, biết viết. Trước thực tế đó, người lính mang quân hàm xanh đã chủ động tham mưu đề xuất với lãnh đạo, chỉ huy đơn vị mở các lớp học xóa mù chữ, chống tái mù chữ, nâng cao trình độ dân trí cho bà con. Đề xuất này nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố Đà Nẵng và lãnh đạo, chỉ huy đơn vị. Đảng ủy, chỉ huy các đồn Biên phòng đã tạo điều kiện về thời gian, địa điểm, hỗ trợ đồ dùng học tập để anh tổ chức và duy trì các lớp học.
“Vạn sự khởi đầu nan”, việc gì mới đầu làm cũng khó. Ban đầu, các lớp học xóa mù chữ, chống tái mù chữ của anh chưa được người dân địa phương đón nhận. Đại đa số mọi người đều tỏ ra thờ ơ, không quan tâm và viện đủ mọi lý do để không đi học. Những người nhiều tuổi thì mặc cảm, ngượng ngùng. Người trẻ tuổi thì lấy lý do đi biển dài ngày, không có thời gian tham gia lớp học. Không nản lòng, để vận động được các bậc phụ huynh mù chữ đến tham gia lớp học, anh Sơn đã đi đến từng nhà, cố gắng thuyết phục. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, Trung tá Mai Văn Sơn cũng vận động bà con tích cực tham gia các lớp học do đơn vị tổ chức. Nhiều lần, dù bị người dân nặng lời, không tiếp nhưng anh vẫn kiên nhẫn, miệt mài thuyết phục với phương châm “mưa dầm, thấm lâu”. Cuối cùng, lòng quyết tâm và sự kiên trì của anh đã được đền đáp, bà con ngư dân các làng chài dần đồng ý đến với các lớp học xóa mù chữ.
Hiện nay, Trung tá Mai Văn Sơn đang duy trì các lớp học tại Nhà cộng đồng Khu dân cư văn hóa biển Kim Liên, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Hằng tuần, anh đều đặn lên lớp 3 buổi trong thời gian từ 19 – 21 giờ. Tại các lớp học do anh tổ chức, mỗi khóa thường có 10 – 12 người dân thuộc nhiều độ tuổi khác nhau cùng theo học. Thầy giáo đứng lớp là người lính mang quân hàm xanh tóc đã điểm bạc. Học sinh thì ở rất nhiều độ tuổi, có học viên đã trở thành ông, bà nội, ngoại, lớn tuổi ngang, thậm chí là hơn thầy giáo.
Chia sẻ về việc làm đầy ý nghĩa của mình, Trung tá Mai Văn Sơn cho biết: “Thành quả lớn nhất của các lớp học đó là đã mang được con chữ đến với những ngư dân không biết chữ; giúp bà con thành thạo tính toán, đọc viết để nhận biết, hiểu và thực hiện tốt hơn các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước”.
Video đang HOT
Trung tá Mai Văn Sơn nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2017. (Ảnh: Thanh Thuận)
Không chỉ dạy tại Nhà cộng đồng, anh Sơn còn tranh thủ thời gian vào các giờ nghỉ, ngày nghỉ để đến tận nhà dạy học cho những người ở xa, những người gặp khó khăn trong việc đi lại. Với các trường hợp này, anh thường tích cóp tiền lương của mình để hỗ trợ sách, vở cho bà con.
Bà Nguyễn Thị Bé, một ngư dân ở Khu dân cư văn hóa biển Kim Liên xúc động cho biết: “Thầy Sơn vừa tốt bụng, vừa kiên trì. Thầy dạy chữ cho bà con đã không lấy một đồng nào lại còn thường xuyên cho mọi người sách, vở… Nhờ có thầy Sơn mà tôi và mọi người trong nhà đã biết đọc, biết viết. Bà con ngư dân làng chài ở đây ai cũng yêu quý và biết ơn thầy”.
Thượng tá Võ Văn Hội, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hải Vân chia sẻ: “Trung tá Mai Văn Sơn là một đảng viên tiêu biểu. Quá trình công tác, không chỉ hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, anh còn luôn tích cực tổ chức lớp học xóa mù chữ, chống tái mù chữ cho bà con ngư dân địa phương. Qua đó, người dân vừa được nâng cao trình độ, vừa góp phần thực hiện thắng lợi công tác vận động quần chúng của đơn vị. Đồng chí Sơn là một đảng viên tiêu biểu của đơn vị trong học tập và làm theo Bác”.
Bằng tấm lòng nhân ái và tinh thần trách nhiệm, gần 30 năm qua, người lính cụ Hồ này đã tổ chức và trực tiếp giảng dạy hơn 100 lớp học, qua đó giúp trên 1.200 ngư dân tại các làng chài ven biển thuộc thành phố Đà Nẵng biết đọc, biết viết. Ghi nhận những kết quả đó, Trung tá Mai Văn Sơn đã được nhận nhiều Bằng khen, Giấy khen của Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Tư lệnh BĐBP, Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố Đà Nẵng… Đặc biệt, năm 2017, Trung tá Mai Văn Sơn vinh dự là một trong 60 cán bộ, chiến sĩ BĐBP được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”.
Những việc làm thiết thực, ý nghĩa của anh đã góp phần nâng bước học sinh nghèo đến trường, nâng cao nhận thức của người dân địa phương; từ đó tô đẹp thêm hình ảnh người cán bộ Biên phòng, hình ảnh “Bộ đội cụ Hồ” trong lòng ngư dân các làng chài ở thành phố Đà Nẵng./.
Phan Anh
Theo cpv.org.vn
Những người "cõng chữ" lên non
Khi màn đêm buông xuống, những tiếng kẻng của lớp học xóa mù chữ giữa đại ngàn Trường Sơn bắt đầu vang lên, thúc giục bà con người Bru, Vân Kiều ở các bản Chân Trôộng, Dốc Mây (xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) hồ hởi đến lớp.
Tại các lớp, học viên là những người lớn tuổi, nhưng chăm chú nghe thầy giáo "quân hàm xanh" giảng bài và ân cần luyện từng nét chữ giúp học viên nhanh chóng biết đọc, biết viết. Để có được kết quả này, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Mô phải trải qua quá trình gian nan, kiên trì bám dân, bám bản, vận động đồng bào đến lớp.
Thiếu tá Hoàng Trọng Vỹ luyện từng nét chữ cho học viên. Ảnh: Viết Hà
Thực hiện Đề án "Xóa mù chữ đến năm 2020" giữa Sở Giáo dục và Đào tạo và BĐBP Quảng Bình, Đồn Biên phòng Làng Mô đã phối hợp với địa phương và cơ quan chức năng tổ chức rà soát số người mù chữ, tái mù chữ, lên kế hoạch và vận động nhân dân đến lớp học. Sau 3 năm miệt mài, tận tâm "cõng chữ" lên non, các thầy giáo "quân hàm xanh" đã mở 3 lớp, giúp đồng bào đọc thông, viết thạo và làm được các phép tính cộng, trừ, nhân, chia trong phạm vi 100. Thiếu tá Đinh Như Triêm, Chính trị viên Đồn Biên phòng Làng Mô cho biết, giai đoạn đầu tiên thực hiện đề án, đơn vị đã thực hiện thí điểm tại bản Dốc Mây. Đây là bản đặc biệt khó khăn, có tỷ lệ người mù chữ cao để mở lớp 2 lớp với 33 học viên, ở nhiều độ tuổi khác nhau.
Để duy trì được các lớp học, cán bộ, chiến sĩ đơn vị phải luân phiên nhau cắt rừng, trèo đèo, lội suối vận động bà con bản Dốc Mây đến lớp đều đặn. Các anh thay nhau cắm bản khoảng 10 đến 15 ngày, đến từng nhà thuyết phục, vận động người dân đến lớp, hết lương thực, thực phẩm lại về đơn vị và cán bộ khác tiếp tục vào thay. "Dù khó khăn, gian khổ, nhưng vì tình cảm, trách nhiệm nâng cao dân trí cho đồng bào, chúng tôi kiên trì hoàn thành chương trình, giúp đồng bào biết đọc, biết viết thành thạo" - Thiếu tá Đinh Như Triêm nhấn mạnh.
Gắn bó với nghiệp "trồng người" tại địa bàn đặc biệt khó khăn, nhiều người chưa nhận thức rõ về sự cần thiết của việc viết chữ với cuộc sống và tương lai, Thiếu tá Hoàng Trọng Vỹ, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Làng Mô, người trực tiếp tham gia công tác xóa mù chữ ở Dốc Mây chia sẻ: "Lớp xóa mù phần lớn là người lớn tuổi, phụ nữ chiếm số đông, họ thường xuyên bận rộn công việc nương rẫy. Mặt khác, do lớn tuổi nên khi tham gia lớp xóa mù, họ rất mặc cảm, tự ti. Một số khi thấy bóng dáng giáo viên ở đầu bản, đã vội cửa đóng then cài, có người còn giả ốm không tiếp khách. Khó khăn là vậy, song chúng tôi quyết tâm, kiên trì vận động nhiều lần để người dân đến lớp".
Đồn Biên phòng Làng Mô đã hoàn thành 2 lớp học xóa mù với 33 học viên, giúp đồng bào nơi đây biết đọc, biết viết, nâng cao nhận thức của bà con. Nhờ biết chữ, đồng bào nơi đây đã tự tin hơn khi giao tiếp, không còn e ngại khi ra giao thương với bên ngoài và không dễ bị lừa gạt như trước đây. Ngoài việc dạy chữ xóa mù cho dân bản, đơn vị còn lồng ghép tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, dạy bà con cách làm ăn kinh tế, tuyên truyền từ bỏ các tập tục lạc hậu, tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới..." - Thiếu tá Hoàng Trọng Vỹ chia sẻ.
Lớp học xóa mù chữ của Đồn Biên phòng Làng Ho tại bản Dốc Mây. Ảnh: Viết Hà
Tiếp tục thực hiện đề án và thực hiện chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương", Đồn Biên phòng Làng Mô còn phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Trường Sơn khai giảng lớp học xóa mù chữ vào ban đêm cho 18 học sinh đồng bào Bru, Vân Kiều của xã Trường Sơn tại điểm trường bản Chân Trôộng. Giáo viên đứng lớp giảng dạy chính là các chiến sĩ BĐBP và cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Trường Sơn. Vừa xong bữa cơm tối, tiếng kẻng ở lớp học vang lên, chị Hồ Thị Han, ở bản Chân Trôộng, nhanh chóng thu dọn và cắp sách tới lớp.
Chị Hồ Thị Han tâm sự: "Hai vợ chồng miềng đều học chung ở lớp xóa mù chữ. Lớn tuổi rồi nên việc học chữ, làm toán là rất khó khăn, nhưng hai vợ chồng vẫn muốn học để biết đọc, biết viết, khi làm các giấy tờ, thủ tục biết được nội dung của văn bản và biết ký tên mình, không còn phải lăn tay, điểm chỉ... Những ngày đầu đến lớp xóa mù, miềng cứ lóng ngóng, tay cứng như que củi, nhưng được cán bộ BĐBP kiên trì uốn nắn, nên miềng đã thành công. Cứ vào tối thứ 3 và thứ 5 hàng tuần, vợ chồng miềng lại ra điểm trường đầu bản để học. Hiện nay, miềng đã viết, đọc tốt và tính được những phép toán cơ bản".
Thiếu tá Đinh Như Triêm cho biết: Để mở được những lớp học xóa mù cho bà con ở bản Chân Trôộng có phần thuận lợi hơn, vì anh em BĐBP đã có kinh nghiệm, nên việc phối hợp với các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương tổ chức vận động đồng bào đến lớp thuận lợi, học viên tích cực tham gia học tập.
"Thời điểm chúng tôi đi vận động, bà con đăng ký tham gia lớp học chữ xóa mù, gặp không ít khó khăn, nhưng khi tuyên truyền bà con hiểu, thay đổi cách suy nghĩ, tạo thành phong trào học tập, nhiều người lớn tuổi vẫn tha thiết đăng ký tham gia lớp học này. Qua một thời gian ngắn giảng dạy, chúng tôi nhận thấy ý thức học tập của người dân nơi đây chuyển biến rất tốt. Toàn bộ học viên của lớp là những người đứng tuổi, lao động trụ cột trong gia đình, bận rộn nhiều công việc, nhưng họ vẫn sắp xếp thời gian hợp lý để tới lớp và việc tiếp thu bài tại buổi học khá nhanh..." - Thiếu tá Đinh Như Triêm bộc bạch.
Ông Nguyễn Sơn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Sơn cho biết: Những việc làm của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Mô góp phần rất lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt, bộ đội đã vượt qua khó khăn, gian khổ, kiên trì bám bản, bám dân, vận động đồng bào tham gia lớp xóa mù, từng bước hoàn thành mục tiêu xóa mù chữ, nâng cao dân trí cho người dân trên địa bàn.
Viết Hà
Theo bienphong.com
Thầy giáo để học sinh lớp 6 chấm điểm thi lý thuyết môn thể dục Ngày 5-6, Phòng GD-ĐT TP Biên Hòa (Đồng Nai), đã chỉ đạo Ban giám hiệu Trường THCS Long Bình Tân xử lý nghiêm đối với ông Phạm Tuân, giáo viên dạy thể dục của trường vì đã vi phạm quy chế chuyên môn, giao học sinh chấm điểm thi học kỳ... Sự việc xảy ra vào ngày 15-5, sau khi hoàn tất chương...