Thầy giáo 8X vay tiền xây dựng bể dạy bơi cho học sinh Sóc Trăng
Trăn trở trước thực trạng học sinh không biết bơi và những vụ đuối nước đau lòng, một thầy giáo trẻ miệt vườn sông nước Sóc Trăng đã mạnh dạn vay tiền đầu tư xây dựng bể dạy bơi cho học sinh.
Trò chuyện với phóng viên, thầy Ngô Trọng Tính (SN 1987, hiện là giáo viên dạy Giáo dục thể chất của trường THCS Thới An Hội, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) chia sẻ: Thầy quê ở xã Thới An Hội, đây là một xã vùng sâu, sông nước, kênh rạch chằng chịt. Mặc dù sinh ra và lớn lên ở vùng sông nước nhưng rất nhiều học sinh ở đây không biết bơi.
Trước thực trạng đó, thầy Tính đã “đánh liều” vay mượn tiền của gia đình, người thân, đầu tư xây dựng bể để dạy bơi cho học sinh trên địa bàn xã.
Thầy Ngô Trọng Tính với bể bơi ở trường THCS Thạnh Trị, huyện Thạnh Trị, Sóc Trăng.
Thầy Tính tâm sự: “Khi nảy sinh ý tưởng xây bể bơi, tôi cũng đắn đo nhiều lắm vì lúc đó gần như trắng tay, bởi những giáo viên mới ra trường chưa được mười năm như tôi lương còn thấp, còn phải lo cho gia đình của mình.
Tuy nhiên, nghĩ đến việc học sinh không biết bơi, nhiều vụ đuối nước thương tâm nên tôi gạt nỗi lo đó, bàn bạc, trao đổi, tìm sự hỗ trợ của người thân, bạn bè.
Ban đầu ai cũng e dè, nhưng về sau hiểu được nguyện vọng của tôi, mọi người đã giúp đỡ, cho tôi mượn tiền để thực hiện ý tưởng của mình với số tiền hàng trăm triệu đồng xây dựng 2 bể bơi, một cái 200m2, một cái 50m2″.
Từ đó, bể bơi đầu tiên ở xã Thới An Hội được hoàn thành trong niềm vui của thầy cũng như của mọi người. Đó là vào tháng 6/2017.
Video đang HOT
Thầy Tính hướng dẫn học sinh khởi động trước khi xuống nước.
Để bể bơi đi vào hoạt động và duy trì thường xuyên, thầy Tính kêu gọi bạn bè là những người đã tốt nghiệp chuyên môn về bơi lội hỗ trợ thầy trong giảng dạy cho các em.
Kinh phí hoạt động của bể bơi, ngoài tiền vay mượn bạn bè, người thân, thầy phải làm thêm một số việc khác để có tiền phụ vào.
Thầy Tính cho biết, để có chi phí, thầy thu học phí 120.000 đồng/em/khóa; còn với những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn thì được miễn phí.
“Chúng tôi tham gia dạy bơi cho các em là muốn giúp các em tập bơi, phòng tránh đuối nước, trang bị các kỹ năng cứu mình, cứu người khi xảy ra các tình huống đuối nước chứ không đặt nặng thù lao hay lời lỗ gì”, thầy Tính bày tỏ.
Thầy Tính tận tình hướng dẫn học sinh tập bơi.
Sau thành công của bể bơi Thới An Hội, thầy Tính mở rộng bể bơi sang các địa phương khác với mong muốn tất cả các địa phương ở Sóc Trăng đều có bể bơi cho các em học sinh học bơi.
Đến nay, thầy đã phối hợp với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội các huyện Kế Sách, Thạnh Trị và thị xã Vĩnh Châu lắp đặt được 8 bể bơi. Sắp tới, thầy sẽ mở rộng bể bơi sang huyện Trần Đề, Long Phú và Châu Thành.
Theo thầy Tính, các bể bơi đều bằng nhựa, có thể tháo lắp dễ dàng, khi hoàn thành giảng dạy cho học sinh ở địa phương này, tiếp tục tháo ra đưa sang địa phương khác để dạy bơi cho học sinh ở nơi đó. Diện tích bể bơi dao động từ 60m2 – 200m2, số tiền lắp đặt bình quân khoảng 50 triệu đồng/bể.
Để bể bơi đi vào hoạt động an toàn, thầy Tính đã tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ phòng, chống đuối nước do ngành Giáo dục Sóc Trăng tổ chức.
Ngoài ra, thầy cũng lên trường Đại học Thể dục Thể thao TPHCM để học tập thêm kiến thức về bộ môn bơi, cũng như thi lấy chứng chỉ về cứu đuối do Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch TP Cần Thơ cấp.
Thầy Tính và các em tập bơi ở trường THCS Thới An Hội.
Thầy Trần Hữu Luận, Hiệu trưởng trường THCS Thạnh Trị, cho biết: “Ở xã chúng tôi, nhiều học sinh không biết bơi, cũng chưa có bể bơi và giáo viên dạy bơi cho các em. Hè này, thầy Tính và Phòng Lao động huyện lắp đặt bể bơi để dạy bơi cho các em, chúng tôi và phụ huynh rất mừng.
Những lớp dạy bơi như vậy rất cần thiết, giúp cho các em biết bơi, biết về kiến thức phòng chống đuối nước để bảo vệ mình và giúp đỡ, bảo vệ người khác”.
“Chúng tôi rất vui khi thầy Tính làm bể bơi dạy bơi cho các em học sinh của huyện. Đã có 600 học sinh của các trường trong huyện học và đã biết bơi, nắm vững kiến thức phòng chống đuối nước.
Đợt này có khoảng 400 em đang được thầy Tính giảng dạy”, cô Lâm Thị Loan Em, Phó Phòng GD&ĐT huyện Thạnh Trị cho biết thêm.
Được biết, ngoài bơi lội, thầy Ngô Trọng Tính còn là một huấn luyện viên võ thuật, là thành viên của Câu lạc bộ Võ thuật Vovinam tỉnh Sóc Trăng. Thầy đã thành lập Câu lạc bộ Võ thuật ở trường THCS Thới An Hội, thu hút hơn 70 võ sinh. Nhiều em đã đạt được những thành tích cao trong các giải vô địch Vovinam ở địa phương và ở tỉnh.
Với những nỗ lực vì sự phát triển phong trào thể dục thể thao của địa phương cũng như của ngành Giáo dục, thầy Ngô Trọng Tính đã được Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Sóc Trăng tặng bằng khen; liên tục nhiều năm đạt danh hiệu Lao động tiên tiến, Chiến sĩ thi đua cơ sở.
Phổ cập bơi lội cho học sinh trong dịp hè
Từ nhiều năm nay, quận Hoàng Mai (Hà Nội) triển khai chương trình phổ cập bơi trong hè cho tất cả học sinh tiểu học trên địa bàn quận.
Lớp học bơi tại khuôn viên Trường Tiểu học Tân Định (Hoàng Mai, Hà Nội)
Lớp học bơi được tổ chức với mục đích nâng cao và đẩy mạnh hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, giảm thiểu đến mức thấp nhất tỷ lệ trẻ em bị tử vong do đuối nước.
Cô Trần Thị Bích Liên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Định (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: Khóa học bơi diễn ra từ ngày 18/7 - 30/8. Mỗi khóa học 12 buổi, bao gồm 11 buổi học và 1 buổi kiểm tra cấp chứng chỉ do Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao quận Hoàng Mai chứng nhận. Sau khóa học, học sinh chưa đạt sẽ được bồi dưỡng thêm tối đa 5 buổi và miễn mọi loại phí.
Ngoài các lớp học bơi, nhà trường còn phối hợp với Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao quận tổ chức lớp học môn thể thao khác như cờ vua, cầu lông, bóng rổ, bóng đá, khiêu vũ thể thao, võ thuật, lớp dạy kĩ năng tự vệ cho trẻ em.
Đăng ký khóa học bơi cho con tại Trường tiểu học Tân Định (Hoàng Mai, Hà Nội), chị Nguyễn Thanh Thủy cho hay: Dịp hè năm nay không dài, nhưng cũng đủ để con hoàn thành khóa học bơi. Ngoài bơi, tôi cũng cho con học ngoại ngữ, tham gia câu lạc bộ năng khiếu tại các trung tâm.
Liên quan đến việc quản lí học sinh trong dịp hè, ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Sở đã yêu cầu các đơn vị, trường học trong việc tổ chức hoạt động hè theo nguyên tắc tự nguyện, vận động, khuyến khích học sinh tham gia, có sự ủng hộ của phụ huynh và có biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh.
Các nhà trường chủ động tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ, thể dục thể thao tại địa phương, trong trường, cụm trường. Trang bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng phòng chống các tệ nạn xã hội, phòng chống xâm hại, lạm dụng tình dục, giáo dục kỹ năng sống, giao tiếp cho học sinh; Tạo điều kiện lắp đặt bể bơi thông minh tại nhà trường để tổ chức lớp dạy bơi nhằm phổ cập bơi, nâng cao kỹ thuật bơi, kỹ năng phòng, tránh tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh, khuyến khích vận động cha mẹ cho con em tham dự các lớp học bơi trong dịp hè.
Dạy bơi cho học sinh quận Tây Hồ: Bảo đảm an toàn, nâng cao chất lượng Nhờ thực hiện đề án dạy và học bơi, đến nay trên 90% học sinh (HS) tiểu học trên địa bàn quận Tây Hồ được học và biết bơi, tránh được tai nạn đáng tiếc xảy ra trong các năm qua. Học sinh hào hứng học bơi Buổi chiều đầu tháng Bảy, tại trường Tiểu học Phú Thượng (quận Tây Hồ) diễn ra...