Thầy giáo 73 tuổi nhận danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú
Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie ( Hà Nội), vừa được trao tặng danh hiệu ‘Công dân Thủ đô ưu tú’ năm 2022.
Ngày 10/10, TP Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết 30 năm phong trào thi đua Người tốt, việc tốt (1992-2022), vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú năm 2022.
Tại hội nghị, TP Hà Nội tặng danh hiệu Người tốt, việc tốt cho 747 cá nhân; tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú cho 10 cá nhân tiêu biểu.
Thầy Nguyễn Xuân Khang (sinh năm 1949, Hiệu trưởng Trường Marie Curie) là 1 trong số 10 gương mặt tiêu biểu vinh dự nhận danh hiệu cao quý này.
Trong quá trình lãnh đạo, điều hành Trường Marie Curie, thầy Khang đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của TP Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.
Bên cạnh đó, trong nhiều năm qua, thầy Khang cùng tập thể cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường đã tích cực tham gia nhiều hoạt động nhân ái, thiện nguyện. Đó là hỗ trợ người dân miền Trung vượt qua khó khăn sau bão lũ; xây dựng 2 cây cầu cho bà con ở Tiền Giang thuận lợi đi lại; trao 1.050 suất quà cứu trợ người dân trên địa bàn phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm trong đợt dịch Covid-19; chung tay trồng 20.000 cây xanh ở rừng đầu nguồn Mèo Vạc, Hà Giang,…
Mới đây, thầy Khang cùng tập thể Trường Marie Curie đã triển khai dự án dạy tiếng Anh trực tuyến cho học sinh của 20 trường tiểu học tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.
Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie. Ảnh: Thanh Hùng.
Những việc làm của thầy giáo Nguyễn Xuân Khang không chỉ là tấm gương sáng cho các thế hệ học trò Trường Marie Curie nói riêng, học sinh toàn thành phố Hà Nội nói chung, mà còn góp phần lan tỏa thông điệp về lòng nhân ái.
Hạn hẹp về kinh phí khiến có nơi nhà vệ sinh trường học trở thành "thảm họa"
GDVN-Theo nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, nguyên nhân chính của vấn đề nhà vệ sinh trường học luôn gây bức xúc đến từ việc lúng túng trong việc quản trị nhà trường.
Video đang HOT
Hai yếu tố cốt lõi để giải quyết bài toán nhà vệ sinh trường học
Nhà vệ sinh trong trường học là câu chuyện đã được nói nhiều, bàn nhiều từ những cuộc nói chuyện hàng ngày của học sinh, phụ huynh đến những bàn hội nghị lớn, được quan tâm và đề cập trong các chiến lược, chính sách phát triển. Song thực tế, nhắc tới nhà vệ sinh trường học vẫn còn rất nhiều bức xúc.
Những thực trạng như học sinh nhịn tiểu, ám ảnh về nhà vệ sinh trong trường vẫn là những dẫn chứng không bao giờ "cũ". Thậm chí, ở một số khu vực nông thôn, vùng khó khăn, nhà vệ sinh trường học còn không có hoặc chỉ được dựng tạm bợ từ những tấm phên, nứa, lá cây,...
Theo nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội) chỉ ra nguyên nhân khiến vấn đề nhà vệ sinh trường học luôn gây bức xúc, vì:
"Nhu cầu vệ sinh là nhu cầu thiết yếu, cơ bản trong cuộc sống của con người. Từ trong gia đình đến ngoài đường phố, chốn công sở, và cụ thể cái chúng ta đang quan tâm đây là vấn đề nhà vệ sinh trong trường học.
Tuy nhiên thực tế nhiều năm qua, nhà vệ sinh trong trường học không được quan tâm một cách đúng mức, thường xuyên nên nó xuống cấp nghiêm trọng và trở thành một thảm họa đối với học sinh, kể cả học sinh bé, học sinh trung học phổ thông hay thậm chí ngay cả sinh viên trong trường đại học cũng gặp thảm họa nhà vệ sinh.
Theo tôi nguyên nhân chính của vấn đề chính là do sự lúng túng trong việc quản trị nhà trường".
Thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội). Ảnh: fanpage nhà trường
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhà giáo Nguyễn Xuân Khang đã chỉ ra hai vấn đề cốt lõi để giải quyết bài toán nhà vệ sinh trường học, bao gồm thiết kế và duy tu bảo dưỡng nhà vệ sinh.
Theo đó, thầy Khang cho rằng, vấn đề đầu tiên chính là khâu thiết kế nhà vệ sinh khi xây dựng trường học. "Ngay từ khâu thiết kế đã phải tính toán số lượng và vị trí của các nhà vệ sinh trong trường, phải đủ nhiều và hợp lý, đảm bảo sự thuận tiện cho các em học sinh, sự kín đáo riêng tư giữa nam và nữ", Hiệu trưởng trường Marie Curie nhấn mạnh.
Vấn đề thứ hai đó là công tác duy tu bảo dưỡng, chăm sóc nhà vệ sinh. Vấn đề thiết kế nhà vệ sinh trong trường học có thể sẽ khó thay đổi vì nhiều trường học đã được xây dựng từ lâu, do đó việc thay đổi thiết kế ở thời điểm hiện tại là một bài toán phức tạp, thay vào đó, theo thầy Khang việc chú trọng bảo dưỡng, vệ sinh sạch sẽ là việc cần thiết và quan trọng nhất.
"Công tác duy tu bảo dưỡng, vệ sinh sạch sẽ nhà vệ sinh trường học cần được tiến hành thường xuyên để giữ cho nhà vệ sinh đạt được 4 tiêu chí: sáng, sạch, đẹp và thơm. Trong đó 2 tiêu chí đầu là 2 tiêu chí cơ bản cần có, nếu có điều kiện thì có thể thêm 2 tiêu chí sau", thầy Khang cho hay.
Không gian nhà vệ sinh hiện đại, tiện nghi của trường Marie Curie, Hà Nội. Ảnh: Doãn Nhàn
Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang chia sẻ một chi tiết quan trọng về tiêu chí "đẹp" của nhà vệ sinh, điều tưởng chừng "xa xỉ" tuy nhiên lại có vai trò quan trọng không ngờ tới:
"Về tiêu chí đẹp liệu có cần thiết không? Chúng ta biết nhà vệ sinh là chỗ riêng tư, không có ai giám sát, vậy cái gì làm cho con người ta khi đối diện với chính mình mà không có ai giám sát cả, lại giữ được vệ sinh cần thiết thì đó là cái đẹp. Chính cái đẹp sẽ làm chùn lại sự vô ý thức của con người".
Cần tạo cơ chế để giải quyết vấn đề kinh phí vận hành nhà vệ sinh ở trường học
Tuy nhiên, một vấn đề nữa lại nảy sinh bên cạnh việc duy tu bảo dưỡng, chăm sóc nhà vệ sinh chính là kinh phí thực hiện.
"Hiện tại ở trường chúng tôi có 20 nhân viên vệ sinh, tất cả đều được tập huấn nghiệp vụ chuyên nghiệp để đảm bảo các khu vực trong trường, bao gồm nhà vệ sinh luôn được sạch đẹp. Nhân công tiến hành lau dọn nhà vệ sinh thường xuyên để đảm bảo luôn giữ gìn vệ sinh sạch sẽ.
Vì vậy, tại trường Marie Curie, nhà vệ sinh luôn là "điểm đến" thú vị của học sinh, bằng chứng chính là câu nói truyền tai qua nhiều thế hệ học sinh: "Thích nhất ở trường Marie Curie là nhà vệ sinh, thứ nhì là thầy Khang", vị hiệu trưởng tự hào chia sẻ.
Công việc của một nhân viên vệ sinh tại trường Marie Curie sẽ bắt đầu từ 6 giờ sáng và kết thúc vào 6 giờ tối (có thời gian nghỉ trưa). Các công việc chính bao gồm: lau dọn hành lang, lớp học, nhà vệ sinh,... Công việc được tiến hành thường xuyên và liên tục trong suốt một ngày. (Ảnh chụp nhân viên vệ sinh trường Marie Curie đang làm việc - Ảnh: Doãn Nhàn)
Cô Phạm Thị Hiền - Tổ trưởng tổ vệ sinh cho biết không gian nhà vệ sinh, các hành lang, lớp học luôn được duy trì sạch sẽ do có đội ngũ nhân viên vệ sinh lau dọn thường xuyên. "Tôi yêu và gắn bó với công việc của mình vì làm sạch cho mọi người là niềm vui, niềm hạnh phúc; hơn nữa công việc này cũng phù hợp với sức khỏe hiện tại của tôi, mức lương cũng ổn định nên tôi đã gắn bó với ngôi trường này từ khi mới thành lập cho đến bây giờ", cô Hiền tâm sự. Ảnh: Doãn Nhàn
Cũng theo thầy Khang, để giữ được không gian sạch đẹp, chúng ta đòi hỏi ở đội ngũ nhân viên lau dọn là sự chuyên nghiệp, có qua đào tạo, vậy đồng thời cũng cần đảm bảo cơ chế tiền lương hợp lý để họ yên tâm làm việc.
Kinh phí vận hành nhà vệ sinh tại các trường tư thục là vấn đề dễ dàng giải quyết hơn khi các trường được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí và giá các dịch vụ. Trong khi đó, tại các trường công lập, kinh phí vận hành phụ thuộc vào nguồn ngân sách nhà nước cấp, do đó hạn hẹp về kinh phí, theo thầy Khang là nguyên nhân chính khiến nhà vệ sinh xuống cấp và trở thành thảm họa.
"Kinh phí nhà nước có phần hạn chế thì người dân cần chia sẻ với nhà trường. Xây dựng cơ chế thu chi rõ ràng, sòng phẳng để có kinh phí vận hành công tác duy tu bảo dưỡng, chăm sóc thường xuyên, có như vậy nhà vệ sinh mới luôn sạch sẽ được".
Hiện nay tại trường công, biên chế dành cho nhân công vệ sinh chỉ khoảng từ 1-2 người, trong khi đó khối lượng công việc dọn dẹp rất lớn, không chỉ là khu vực nhà vệ sinh. Do vậy rất khó đảm bảo sự sạch sẽ tuyệt đối.
Hơn nữa, nhà vệ sinh trường học có một đặc điểm riêng là tần suất sử dụng cao trong cùng một thời điểm, vì vậy rất dễ dẫn tới quá tải nhà vệ sinh. Số lượng nhân công vệ sinh không đảm bảo thì rất khó để giữ được nhà vệ sinh luôn sạch đẹp.
Bồn rửa tay tại trường Marie Curie, Hà Nội Ảnh: Doãn Nhàn
Khu vực nhà vệ sinh nữ của trường Marie Curie. Ảnh: Doãn Nhàn
Khu vực nhà vệ sinh nam của trường Marie Curie. Ảnh: Doãn Nhàn
Theo thầy Khang, việc không có kinh phí sẽ dẫn đến nhiều trường không đủ nhân lực, không đủ tiền thuê nhân viên, nhà vệ sinh không có tiền bảo trì, không có tiền mua giấy vệ sinh... từ đó dẫn tới thực trạng nhà vệ sinh xuống cấp và dần trở thành "thảm họa" với các em học sinh. Vì vậy, vị hiệu trưởng trường Marie Curie nhấn mạnh cần tạo cơ chế để giải quyết vấn đề kinh phí vận hành nhà vệ sinh ở trường học.
Hiệu trưởng dùng 'bài hịch' dí dỏm để khích lệ học trò Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) đã dùng cách viết một bài hịch để nhắn nhủ các học sinh những bài học về tình người qua chính các hoạt động vì cộng đồng của trường. Dưới đây là diễn văn của thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) tại lễ khai giảng năm học...