Thay đổi tư duy về việc học với tân sinh viên
Trong bối cảnh giáo dục đại học đang chuyển mình với những đổi mới quan trọng, rất nhiều kĩ năng các tân sinh viên cần trang bị để bắt nhịp với môi trường mới. Không đơn thuần chỉ là kĩ năng, phương pháp học, khó khăn hơn với các tân sinh viên chính là thay đổi tư duy về việc học.
Phạm Ngọc Mai, lớp Quản trị kinh doanh 01-K63 (thứ 3 từ trái sang) và các sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: T.G.
Nắm bắt cơ hội
Giáo dục đại học đang trong bối cảnh chuyển đổi số, điều này tạo ra nhiều thách thức cũng như cơ hội cho người học. Các trường tích cực ứng dụng công nghệ và dạy học kết hợp (blended learning) vào trong chương trình đào tạo của mình để nhằm cá nhân hóa lộ trình đào tạo cho từng sinh viên.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam – Trưởng khoa Các Khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) – ứng dụng công nghệ sẽ giúp sinh viên học mọi nơi, mọi lúc, chỉ cần máy tính hoặc thiết bị thông minh kết nối mạng.
Sinh viên có thể tích cực chủ động học cái mình cần vào bất cứ thời gian nào mình muốn. Nội dung học tập tập trung vào những kỹ năng đa dạng thông qua dạy học thực tế ảo, dạy học qua trò chơi, dạy học mô đun để người học có thể phát triển năng lực học tập suốt đời.
Trong quá trình chuyển đổi này, nhà trường và các chương trình đào tạo sẽ phải tự đổi mới để định hướng nhu cầu và đáp ứng nhu cầu của người học.
Trong bối cảnh ấy, để bắt nhịp ở môi trường mới, PGS.TS Trần Thành Nam lưu ý các tân sinh viên cần chuẩn bị tinh thần để tham gia tích cực vào các hoạt động học tập. Đó là chủ động lên kế hoạch học tập theo lộ trình hợp lý ngay từ năm đầu tiên để đảm bảo tiến độ thời gian và các điều kiện cá nhân; rèn luyện theo kế hoạch đặt ra và tự đánh giá các năng lực bản thân đạt được so sánh với mục tiêu sau khi tốt nghiệp.
Trong quá trình học tập, sinh viên cũng cần chuẩn bị những kỹ năng để hợp tác cùng các sinh viên khác trong lớp giải quyết các nhiệm vụ nhóm, làm các báo cáo hoạt động cá nhân; đặt các câu hỏi truy vấn giảng viên sau khi nghiên cứu tài liệu; thảo luận thuyết trình bên ngoài lớp học về các nội dung môn học thậm chí tham gia hướng dẫn cho các sinh viên khóa dưới.
Theo dự báo, đến năm 2030, sẽ có khoảng 20 triệu người lao động sẽ bị thay thế bởi robot.
Đưa thông tin này, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng: Các tân sinh viên cần phải thay đổi tư duy của việc vào đại học không phải là thời gian để xả hơi, cũng không phải là học tập kiểu “cày cuốc” lấp đầy kiến thức, mà là giai đoạn để suy nghiệm về cách tiếp cận, phương pháp giúp khai mở tư duy, hình thành năng lực phản biện sáng tạo.
Video đang HOT
“Để đón nhận những cách tiếp cận và phương pháp mới, tân sinh viên cũng cần tự trang bị cho mình năng lực ngoại ngữ và năng lực công nghệ thông tin cơ bản để tự tìm kiếm các khóa học online phù hợp với mục đích của mình.
Nên nhớ, vào đại học, giảng viên sẽ đóng vai trò huấn luyện viên, người định hướng và truyền cảm hứng. Sinh viên sẽ là những vận động viên. Sự chủ động nỗ lực rèn luyện hàng ngày sẽ quyết định cá nhân sinh viên có đạt huy chương vàng trong cuộc đua trường đời sau khi tốt nghiệp hay không” – PGS Trần Thành Nam chia sẻ.
4 lưu ý quan trọng
Phạm Ngọc Mai, lớp Quản trị kinh doanh 01-K63 (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội), từ thực tế học đại học đã đưa ra những lời khuyên đáng chú ý với các tân sinh viên.
Lưu ý đầu tiên là sự tự giác và cầu tiến trong học tập. Theo đó, để học tập tốt, trước tiên các tân sinh viên cần tham gia đầy đủ các buổi học trên lớp. Có thể không hiểu hết mọi thứ thầy cô giảng trên lớp ngay, nhưng về nhà cần chủ động tìm hiểu những vấn đề chưa nắm rõ, hoặc ghi chú lại vấn đề muốn tìm hiểu.
Đọc tài liệu cũng là một cách học hiệu quả, bởi nó mang lại nhiều kiến thức, đồng thời cũng giúp cải thiện cách tập hợp kiến thức. Đối với sinh viên, phần lớn phải dành thời gian để tự học, tự nghiên cứu chứ không phải theo cách “thầy đọc, trò chép”. Do vậy, vấn đề tự giác trong việc học cần được thực hiện nghiêm túc nếu bạn muốn đạt kết quả cao.
Lưu ý thứ 2 là chọn không gian học, thời gian học hiệu quả. Đối với nhiều sinh viên, chỗ để học tập khá quan trọng trong quá trình tự học.
Với sinh viên Trường ĐH Bách khoa, thư viện Tạ Quang Bửu là nơi học tập lý tưởng với không gian yên tĩnh, rộng rãi và đầy đủ tài liệu để nghiên cứu. Ngoài ra, không gian học tập sáng tạo CoStudying cũng là nơi học tập lý tưởng của sinh viên sau những buổi lên lớp, đặc biệt phù hợp cho những buổi sinh hoạt nhóm…
Lưu ý thứ 3 là học nhóm. Học nhóm giúp cải thiện học tập rất nhiều. Thường là các nhóm bạn học với nhau, người biết sẽ giảng lại cho người chưa biết giúp cả hai nắm chắc kiến thức hơn và giải quyết vấn đề tốt hơn, phát triển kỹ năng làm việc nhóm.
Cùng với đó, làm việc nhóm sẽ giải quyết nhiều vấn đề, nảy sinh ý tưởng mới và tìm được những đồng đội chung chí hướng. Nếu học tập và làm việc cùng những người có chung mục đích ắt hẳn sẽ thành công, bởi “muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau”.
Lưu ý cuối cùng là cân bằng giữa học tập và các hoạt động khác. Đại học là một môi trường năng động, vì vậy không thiếu các câu lạc bộ, tổ chức Đoàn, hội… Sinh viên cần phải cân bằng được thời gian hoạt động với thời gian học tập của mình, tránh dành nhiều quá thời gian cho các hoạt động mà xao nhãng việc học.
Tuy nhiên, là sinh viên thì nên tham gia vào các hoạt động tập thể để rèn luyện kỹ năng mềm và phát triển sở thích của từng người.
Hải Bình
Theo GDTĐ
Giúp sinh viên hòa nhập môi trường mới
Lần đầu bước vào môi trường ĐH, các tân sinh viên không khỏi bỡ ngỡ, khó khăn. Nhiều trường ĐH có những chương trình hoạt động, hỗ trợ đầu năm học giúp tân SV sớm hòa nhập với nhịp sống giảng đường.
Tân SV NTTU được tư vấn hỗ trợ giới thiệu nhà trọ. Ảnh: NTTU
Những chuyến xe nghĩa tình
Bên cạnh những suất học bổng dành cho tân SV khóa 2019 nhập học, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUE) tổ chức 16 chuyến xe mang tên "Tình yêu HCMUE" với lộ trình xuất phát từ các tỉnh miền Tây và Quảng Ngãi, Bình Định vào TPHCM. Đồng thời, chương trình Hỗ trợ hệ thống nhà trọ của HCMUTE đã hỗ trợ 1.237 chỗ trọ cho tân SV 2019.
Vào thời điểm đón tân SV trên Facebook của PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng HCMUTE thường xuyên xuất hiện các dòng trạng thái lưu ý, hướng dẫn tân SV về thời gian nhập học, các giấy tờ cần thiết, phương tiện đi lại, số điện thoại đường dây nóng, chuyện ăn ở, mức học phí... khi nhập học. Trong thời gian này, các bạn SV của trường có mặt ở 6 điểm đón tân SV nhập học: Ga Sài Gòn, Bến xe miền Đông, Bến xe miền Tây, Sóng Thần, ngã tư Linh Xuân, ngã tư Thủ Đức với bảng hiệu "ĐH SPKT TPHCM". Đặc biệt, vị hiệu trưởng HCMUTE lưu ý "Nếu gia đình không lo tiền kịp thì các em vẫn cứ nhập học".
Ngoài ra, vào thời gian tân SV nhập học, nhà trường mở cửa khu võng máy lạnh cho các phụ huynh và tân SV đến sớm được nghỉ ngơi; Góc sẻ chia của trường tổ chức phát đồ ăn miễn phí cho tân SV trong ngày làm thủ tục nhập học; Hội SV trường phát nước và trà sữa miễn phí tại khu đăng ký nhà trọ...
PGS.TS Đỗ Văn Dũng lưu ý các tân SV: "Tuần sinh hoạt đầu khóa rất quan trọng vì nó giúp các em làm quen với cách học ở bậc đại học. Các em sẽ được đi tham quan thành phố, phòng thí nghiệm, làm quen với các thầy cô, gặp gỡ GV, cựu SV và SV đang học, làm lễ nhập môn, được giới thiệu công việc làm thêm ngoài giờ học để giảm gánh nặng tài chính cho gia đình, hướng dẫn sử dụng thư viện số và hệ thống quản lý học tập online LMS (Learning Management System)...".
Hỗ trợ tân sinh viên nhập học. Ảnh minh họa/ Internet
Nâng cao ý thức công dân
Nhằm mục đích nâng cao ý thức công dân cho tân SV, Trường ĐH Quốc tế (HCMIU - ĐHQG TPHCM) tổ chức khóa tập huấn mang tên "Công dân tích cực" cho 2.100 tân SV khoá 2019 của trường.
Với phương pháp học tập thông qua trải nghiệm, các tân SV tham gia vào các hoạt động thiết thực như Globingo (giúp SV làm quen và kết nối với nhau), Dòng sông học tập (SV tìm hiểu về hành trình khám phá bản thân, văn hóa địa phương và văn hóa toàn cầu), Tôi và bản sắc của tôi (SV khám phá các khái niệm về bản sắc cá nhân, văn hóa cộng đồng trong môi trường đại học và nhận thức việc tôn trọng sự khác biệt), Hai lời nói thật - một lời nói dối (SV hiểu được ý nghĩa và tầm ảnh hưởng của các giả định trong cuộc sống), và Tảng băng chìm (SV một lần nữa nhìn nhận được bản sắc của chính mình, xây dựng hành trang phát triển bản thân trong những năm học sắp tới, cũng như góp phần hình thành và giữ gìn các bản sắc văn hóa tốt đẹp của cộng đồng).
PGS.TS Lê Văn Cảnh - Phó Hiệu trưởng HCMIU cho biết: "Thông qua buổi sinh hoạt như thế này, nhà trường mong muốn giới thiệu và lan tỏa tinh thần "Công dân tích cực" cho SV năm nhất; tạo cơ hội giao lưu, kết bạn và mở rộng quan hệ từ đó giúp các em tăng thêm sự tự tin, nâng cao nhận thức và hiểu sâu hơn về bản sắc cá nhân của chính mình và của người khác. Đặc biệt, chương trình hy vọng nâng cao nhận thức của sinh viên về các nền văn hóa khác nhau và tôn trọng sự khác biệt...".
Mở rộng cánh cửa giảng đường
"Nhà trường có nguồn quỹ học bổng hơn 10 tỷ đồng dành cho tân sinh viên có điểm cao trong kỳ tuyển sinh đại học, tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, anh chị em học chung trường... Đồng thời, trường sẽ có một chuỗi các chương trình chào đón tân SV với nhiều tiết mục chào mừng đặc sắc. Cùng với đó là chuyên đề học thuật dành cho tân SV."
Bí thư Đoàn Trường HUFLIT Phạm Hữu Nghĩa
Bên cạnh những học bổng khuyến tài, nhiều trường ĐH có học bổng hỗ trợ SV có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục con đường học vấn. Tại Trường ĐH Nông Lâm TPHCM (NLU), có 2 GV nganh Công nghệ sinh hoc đứng ra bảo trợ học phí cho SV khó khăn không có tiền đóng học phí nhập học; một cựu cán bộ Phòng Công tác sinh viên tặng 3 suất học bổng khoảng 30 triệu cho 3 tân SV. Ngoài ra, trường còn có các học bổng thường xuyên khác khoảng 400 triệu đồng. TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng NLU cho biết: Phân hiệu Ninh Thuận của trường, thông qua cac nhà tài trợ (BIDV Chi nhánh Ninh Thuận; Bảo Minh Ninh Thuận; Sacombank Ninh Thuận) đã hỗ trợ 25 SV đươc nhận hoc bổng trị giá hơn 100 triệu đồng.
Tuy là cơ sở GDĐH tư thục, nhưng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (NTTU) có các chính sách hỗ trợ dành cho tân SV với tổng kinh phí khá "khủng", gần 20 tỷ đồng. Theo đó, với tân SV xét tuyển vào NTTU theo điểm thi THPT quốc gia, có từ điểm chuẩn đến 20 điểm được nhận học bổng là 2 triệu đồng; Trên 20 điểm nhận học bổng 3 triệu đồng. Đối với điểm xét tuyển theo hình thức đánh giá năng lực: Từ 600 - 700 điểm được học bổng 2 triệu đồng; từ 700 điểm trở lên được học bổng 3 triệu đồng.
Ngoài ra, nhà trường còn giảm 20% học phí năm học đầu tiên dành cho SV nữ học ngành Kỹ thuật - Điện điện tử, Công nghệ kỹ thuật cơ điện; Giảm 50% học phí cho SV học ngành Thanh nhạc và Piano từng đạt kết quả cao tại các cuộc thi nghệ thuật quốc gia; học bổng 100% năm học đầu tiên cho thủ khoa đầu vào của trường, của khoa...
Tương tự, tại Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM (HUFLIT), ngay từ lúc tân SV làm thủ tục nhập học, Đoàn Thanh niên - Hội SV trường đã chuẩn bị hơn 2.000 chỗ trọ gần trường với chi phí phù hợp để giúp tân SV sớm ổn định chỗ ở. Bên cạnh đó, nhà trường còn giới thiệu hơn 1.000 việc làm bán thời gian đến tân SV thông qua bàn hỗ trợ và fanpage của Đoàn Thanh niên - Hội SV trường.
Công Chương
Theo GDTĐ
Hành trang cho tân sinh viên - thái độ hay trình độ? Mỗi năm có vài trăm sinh viên bị buộc thôi học hoặc cảnh báo học vụ do kết quả học tập quá kém. Trong đó, không ít sinh viên có điểm đầu vào khá cao nhưng vẫn bị buộc thôi học. Tham gia hoạt động vì cộng đồng. Ảnh: Thiên Thanh Đối với phương thức đào tạo học chế tín chỉ, thái độ...