Thay đổi thi tốt nghiệp THPT: Theo xu hướng nghề nghiệp của học sinh
Bộ GD-ĐT đã công bố phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2014. Đây là phương án thi tốt nghiệp thể hiện được việc đổi mới mạnh mẽ theo hướng giảm áp lực cho học sinh và xã hội, đã được ngành giáo dục, học sinh, phụ huynh và cả xã hội đồng tình ủng hộ.
Học sinh lớp 12 Trường phổ thông nội trú Langbiang (Lâm Đồng) trong giờ ôn tập môn hóa – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Với phương án này, Bộ GD-ĐT đã đưa ra những thay đổi căn bản, đó là: số môn thi giảm; học sinh được quyền tự chọn 2 môn và điểm xét tốt nghiệp có thêm điểm trung bình cả năm của năm lớp 12.
Thay đổi lối suy nghĩ cũ
Việc Bộ GD-ĐT quyết định chỉ còn 4 môn thi thực sự là một đổi mới về quan điểm. Cách đây gần 10 năm Bộ GD-ĐT có chủ trương “học gì thi nấy” và dự kiến sẽ tăng dần từ 4 môn thi năm 2004 lên 5 môn năm 2005, rồi 6 môn năm 2006 và dự kiến sẽ tăng tiếp môn thi những năm sau. Tuy nhiên, quan điểm này đã không được chấp thuận vì thi cử quá nặng nề, tốn kém nên ngành giáo dục cũng đã xác định dừng lại 6 môn. Hình thức thi cũng thay đổi bao gồm tự luận và trắc nghiệm khách quan.
Cho học sinh tự chọn môn thi cũng là một đột phá vì đây là thay đổi cả một lối tư duy. Tư duy cũ xác định muốn học sinh phát triển toàn diện phải tránh hiện tượng học lệch, học tủ và để làm được điều đó thì Bộ phải chọn môn thi. Điều này dẫn đến tình trạng học sinh nơm nớp lo lắng, cũng như không công bằng đối với tất cả học sinh. Không tôn trọng nguyện vọng chính đáng của học sinh, và đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tiêu cực trong thi cử. Một số học sinh chấp nhận sử dụng “phao thi” đối với những môn mà mình không thích học.
Tại hội thảo khoa học “Tổng kết nghiên cứu giáo dục phổ thông Việt Nam và một số nước trên thế giới đề xuất hướng nghiên cứu tiếp theo về đổi mới giáo dục phổ thông sau năm 2015 của Việt Nam”, do Bộ GD-ĐT tổ chức tháng 11.2012, PGS-TS Ngô Minh Oanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đã đề xuất phương án thi tốt nghiệp THPT với 4 môn thi (3 môn bắt buộc là toán, văn và ngoại ngữ), môn còn lại cho học sinh tự chọn theo khả năng, xu hướng nghề nghiệp của các em. Một số đại biểu tham dự phản đối vì cho rằng nếu để học sinh tự chọn môn thi sẽ dẫn đến tình trạng học lệch.
Quay cóp giảm, chạy điểm tăng
Với phương án thi năm nay sẽ có một số vấn đề nảy sinh sau: Học sinh chọn môn thi như sử, địa chắc chắn là ít vì tỷ lệ học sinh thi đại học khối C thấp. Hiện tượng quay cóp tài liệu sẽ giảm (vì các em được thi những môn hợp với sở trường), nhưng hiện tượng chạy điểm lớp 12 sẽ tăng.
Việc chạy điểm, nâng điểm cũng đã từng xảy ra cách đây hơn chục năm, khi Bộ GD-ĐT có chủ trương tuyển thẳng đại học những học sinh đỗ tốt nghiệp loại giỏi và có bình quân điểm thi trên 9. Tuy nhiên, thực hiện sau 3 năm, Bộ GD-ĐT phải dừng chủ trương này do tiêu cực nảy sinh. Đây chính là điều cảnh báo cho các nhà trường. Việc tổ chức thi năm nay sẽ phức tạp hơn vì các em phải thay đổi phòng trong quá trình thi.
Video đang HOT
Để giảm tình trạng học lệch và việc chạy điểm, nâng điểm, về lâu dài, đối với THPT nên xây dựng chương trình theo học chế tín chỉ như kinh nghiệm một số nước trên thế giới. Trước mắt cần xét điều kiện dự thi là các môn không thi phải có điểm trung bình môn từ 5 trở lên. Em nào chưa đạt, nhà trường phải tổ chức thi lại khi nào đạt mới đủ điều kiện dự thi. Như vậy, đối với những môn không thi, học sinh cũng nắm được những kiến thức, kỹ năng cơ bản.
Việc tổ chức coi thi cũng như chấm thi năm nay sẽ phức tạp hơn, do đó quy chế thi tốt nghiệp phải được quy định một cách chặt chẽ ở tất cả các khâu và phần mềm quản lý thi tốt nghiệp của Bộ GD-ĐT phải thực hiện tốt các khâu từ sắp xếp danh sách phòng thi cũng như ráp phách, lên điểm, xét tốt nghiệp…
Phương án thi tốt nghiệp mới đã được sự đồng thuận của học sinh, giáo viên, ngành giáo dục và toàn xã hội. Kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ nói lên được nhiều vấn đề, và hy vọng đây chính là khâu đột phá để ngành giáo dục vững tin trong quá trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.
Thạc sĩ Hồ Sỹ Anh
(Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM
Theo TNO
Thi tốt nghiệp THPT 4 môn
Bộ GD-ĐT đã quyết định giảm số môn thi tốt nghiệp THPT từ 6 xuống còn 4 môn; bỏ điểm sàn trong tuyển sinh ĐH, CĐ ngay từ năm nay.
Học sinh lớp 12 tỉnh Lâm Đồng tham gia chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên - Ảnh: Nguyễn Tập
Đó là những thông tin được Bộ GD-ĐT công bố tại cuộc gặp gỡ báo chí vào cuối giờ chiều qua 24.2.
Ngoại ngữ thi tự chọn và thêm phần viết luận
4 môn thi bao gồm: 2 môn bắt buộc là toán và ngữ văn; 2 môn tự chọn trong số các môn vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, lịch sử và ngoại ngữ. Như vậy, môn ngoại ngữ đã được thay đổi thành môn tự chọn thay vì môn bắt buộc (như trước đây) và môn khuyến khích (như dự thảo đổi mới Bộ GD-ĐT công bố ban đầu).
Phương án tổ chức các môn thi Dự kiến phương án tổ chức thi các môn như sau: 8 môn sẽ tổ chức thi trong 2 ngày với 8 ca thi. Buổi 1: thi văn và hóa. Buổi 2: thi vật lý và lịch sử. Buổi 3: thi toán và ngoại ngữ. Buổi 4: thi sinh và địa lý.
Thanh Niên đặt vấn đề về việc có thay đổi cách thức thi ngoại ngữ hay không khi mà Bộ đang lo ngại về cách thi ngoại ngữ hiện nay không khuyến khích được cách học ngoại ngữ thực chất? Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT, cho biết: "Ngoại ngữ năm nay sẽ có phần viết luận bên cạnh phần thi trắc nghiệm. Tuy nhiên, thời gian thi vẫn không tăng lên so với năm trước, cụ thể môn ngoại ngữ vẫn là 60 phút". Mặc dù vậy, theo ông Trinh, đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT vẫn chưa xác định cụ thể bao nhiêu phần trăm là câu hỏi trắc nghiệm và bao nhiêu câu hỏi tự luận. Tuy nhiên, ông Trinh cho hay môn ngoại ngữ trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ vẫn giữ ổn định như hiện nay, tức chỉ thi trắc nghiệm.
Ông Trinh khẳng định vẫn giữ nguyên hình thức thi với các môn thi còn lại. Tuy nhiên, tất cả các môn thi sẽ tăng cường câu hỏi mở để tiệm cận dần với việc thi 4 môn thành 4 bài thi dự kiến sẽ áp dụng bắt đầu từ 2015.
Thi hai ca trong một buổi
Năm nay, mỗi thí sinh chỉ thi 4 môn nhưng do học sinh được tự chọn 2 môn nên Bộ sẽ phải tổ chức thi cả 8 môn vào 8 thời điểm khác nhau.
Ông Trinh cho biết cách thức tổ chức thi sẽ theo nguyên tắc mỗi học sinh có một số báo danh duy nhất trong suốt kỳ thi. Phòng thi sẽ được xếp theo môn, trong mỗi ca thi chỉ có 1 môn thi để tránh trường hợp thí sinh tự chọn 2 môn thi nhưng 2 môn đó lại diễn ra trong cùng một thời gian. Ông Trinh cho rằng Bộ cũng chủ định xếp một buổi thi có 2 ca thi với 2 môn thuộc lĩnh vực khác nhau, ví dụ văn là môn khoa học xã hội thì thi với hóa là môn thiên về khoa học tự nhiên... để tránh tối đa số thí sinh phải thi liền 2 ca trong một buổi thi.
Kết hợp điểm lớp 12 và kết quả thi tốt nghiệp
Về công nhận và xếp loại tốt nghiệp, theo Bộ GD-ĐT, năm nay sẽ kết hợp kết quả học tập và rèn luyện của học sinh ở lớp 12 với kết quả 4 môn thi để công nhận và xếp loại tốt nghiệp (theo trọng số đánh giá là 50% 50%).
Về việc xét tuyển sẽ cụ thể hóa trong quy chế thi tốt nghiệp THPT trên nguyên tắc điểm xét tuyển và điểm thi đều có giá trị tương đương nhau. Kết quả xét học bạ lớp 12 của thí sinh được đưa vào cơ sở dữ liệu phần mềm thi trước khi kỳ thi diễn ra và khi chốt rồi thì sẽ không thể thay đổi hay sửa chữa gì nữa. Trao đổi với Thanh Niên cụ thể hơn về cách tính điểm xét học lực năm lớp 12 để xét thi tốt nghiệp, ông Trinh nêu ví dụ: "Nếu thí sinh đạt học lực trung bình cả năm lớp 12 là 6,5 thì sẽ được đổi sang điểm số là 6,5 điểm; điểm trung bình 4 bài thi cộng vào chia cho 4, được kết quả bao nhiêu thì sẽ lấy số đó cộng với điểm học lực lớp 12 và chia đôi".
Tìm tiêu chí khác thay cho điểm sàn
Tại cuộc họp báo, Bộ GD-ĐT cũng công bố tiêu chí duy nhất - điểm sàn - để đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH, CĐ được áp dụng hơn chục năm qua sẽ được thay thế bằng các tiêu chí khác nhau để đảm bảo chất lượng đầu vào phù hợp với yêu cầu tuyển sinh.
Ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, lý giải: "Năm nay không xác định tiêu chí tuyển sinh bằng điểm sàn, thay thế bằng các tiêu chí khác để đảm bảo chất lượng nguồn tuyển. Sẽ có một hội đồng tư vấn cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về việc này. Chúng tôi cũng sẽ mở các diễn đàn để xin ý kiến rộng rãi của các nhà giáo, nhà khoa học, nhà quản lý và đặc biệt là các cơ quan ngôn luận, trên cơ sở đó thì hội đồng tư vấn sẽ có một quyết định cụ thể".
Học sinh vui mừng
Trước phương án thi tốt nghiệp mà Bộ GD-ĐT vừa công bố chiều qua, học sinh và giáo viên đều tỏ ra vui mừng.
Trần Võ Thùy Nhi, học sinh lớp 12A10 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3, TP.HCM), cho biết: "Em rất vui trước thông tin này. Từ 6 môn thi giảm xuống còn 4 môn, như vậy tụi em sẽ có cơ hội đậu tốt nghiệp nhiều hơn". Cùng tâm trạng, Nguyễn Ngọc Hoàn Mỹ, lớp 12A2 Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1), nói: "Giảm môn thi nghĩa là tụi em giảm được rất nhiều áp lực trong học tập lẫn thi cử. Theo đó, tụi em cũng sẽ có nhiều thời gian hơn để ôn tập các môn cho thi ĐH. Như vậy, cơ hội vào ĐH của chúng em sẽ lớn hơn nhiều. Em sẽ chọn 2 môn hóa và sinh cho thi tốt nghiệp, vì em chọn thi ĐH khối B".
Lãnh đạo một trường THPT tại Q.3 nói: "Tôi rất hoan nghênh kỳ đổi mới này của Bộ GD-ĐT. Đây là đổi mới đáp ứng được nhiều kỳ vọng của xã hội. Giảm số môn thi cùng với việc cho học sinh được chọn 2 môn nghĩa là tăng cơ hội cho học sinh, học sinh là đối tượng trực tiếp hưởng lợi. Nhưng tôi đang băn khoăn: Nếu tự chọn môn thi, vậy chúng ta sẽ tổ chức hội đồng thi ra sao, một điểm thi tổ chức thi cùng lúc nhiều môn, hay quy tụ học sinh cùng chọn trùng môn thi sẽ thi ở một hội đồng thi. Mong là Bộ GD-ĐT tiếp tục thông tin sớm về vấn đề này, để nhà trường nắm và còn phổ biến cho học sinh".
Còn tiếp tục đổi mới
Dự kiến ban đầu của Bộ GD-ĐT là đổi mới thi tốt nghiệp THPT áp dụng từ năm 2014 sẽ giữ ổn định cho tới khi có lứa học sinh đầu tiên tốt nghiệp THPT theo chương trình - sách giáo khoa mới (sau 2015). Tuy nhiên, công bố mới nhất của Bộ GD-ĐT lại cho thấy từ những năm tới, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được đổi mới theo hướng: chuyển dần từ 4 môn thi thành 4 bài thi; nội dung của mỗi bài thi bao gồm phần cơ bản (để đánh giá đúng và toàn diện năng lực của học sinh, tạo động lực để học sinh học, phát triển toàn diện) và phần nâng cao (nhằm phân loại học sinh, là một căn cứ để các trường ĐH, CĐ sử dụng trong tuyển sinh). Trên cơ sở đó hướng tới một kỳ thi đáp ứng cả yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ.
Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ sớm đưa dự thảo phương án thi để xin ý kiến nhằm hoàn thiện để công bố trước khai giảng năm học 2014 - 2015.
Theo TNO
Bộ GD-ĐT giải thích về dự kiến đổi mới thi tốt nghiệp THPT Sau khi lắng nghe ý kiến của dư luận, Bộ GD-ĐT tiếp tục đưa ra những lý giải xung quanh dự thảo điều chỉnh phương án thi tốt nghiệp THPT. Chiều 10.2, Bộ GD-ĐT phát đi thông báo giải thích thêm về dự thảo điều chỉnh phương án thi tốt nghiệp THPT trong những năm trước mắt (dự kiến từ năm 2014 cho...