Thay đổi quy chế liên thông để ‘cứu’ chất lượng đào tạo
Về hậu quả “ biến tướng” đào tạo liên thông, Vụ trưởng vụ Đào tạo trăn trở : “sinh viên ra trường với tấm bằng mà không được xã hội thừa nhận”, do đó cần siết chặt để các em có tấm bằng xứng đáng.
Ngày 7/2/2013, quy định mới về đào tạo liên thông trình độ CĐ, ĐH sẽ có hiệu lực. Theo đó, người tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp phải đủ 36 tháng mới được thi liên thông, nếu muốn học luôn sẽ phải tham dự kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH chính quy do Bộ GD-ĐT tổ chức hằng năm (nếu theo học hệ chính quy) hoặc kỳ thi vừa làm vừa học (nếu theo học hệ vừa làm vừa học). Tuy nhiên, thay đổi này khiến nhiều học sinh, sinh viên tỏ ra e ngại, lo lắng khi cánh cửa đại học đang chặn trước mắt.
Liệu quy chế mới sẽ làm hẹp cánh cửa vào đại học của nhiều bạn trẻ? (Ảnh: Internet)
Để làm rõ về vấn đề này, ông Bùi Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học – Bộ GD&ĐT đã có những ý kiến phản hổi làm rõ những thắc mắc của nhiều bạn trẻ.
Thu hẹp cánh cửa vào đại học?
Theo Vụ trưởngBùi Anh Tuấn, quy định mới chặt chẽ hơn, đi vào chất lượng, nhưng cũng tạo nên nhiều cơ hội cho người học. Quy chế này không quy định cùng ngành nghề đào tạo mới được học liên thông,về xác nhận thời gian công tác, và xếp loại học lực…
Mặt khác, nếu người học ra trường đủ 36 tháng trở lên sẽ dự thi các môn chuyên ngành, nghiệp vụ còn chưa đủ 36 tháng sẽ thi các môn văn hoá theo quy định của các khối thi hiện hành. Điều này vừa tạo cơ hội lớn hơn cho người học, vừa tạo công bằng xã hội.
Vụ trưởng cho biết trước khi ban hành quyết định này, ban soạn thảo đã xin ý kiến của nhiều giáo viên ở các trường trung cấp, cao đẳng, cao đẳng nghề. Các thầy cô đều mong muốn sinh viên của khi ra trường sẽ được thị trường lao động chấp nhận.
Vì vậy, sinh viên khi ra trường nên bước vào thị trường lao động, sau thời gian làm việc em nào có quyết tâm, có nghị lực đều có thể học lên.
Nếu sinh viên học xong muốn liên thông đại học ngay thì phải tham dự kỳ thi tuyển sinh cùng các học sinh phổ thông để tạo sự công bằng, bình đẳng với người khác. Mặc dù vậy, các thí sinh đã tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng sẽ được bảo lưu kết quả học tập, rút ngắn thời gian học..
Video đang HOT
Ông Tuấn Còn khuyên các bạn sinh viên: “Mọi con đường đều rộng mở, các bạn cần nghị lực và quyết tâm, hãy đặt mọi việc về đúng giá trị của nó, hiểu đúng, làm đúng thì chúng ta sẽ thành công”.
Thay đổi quy định liên thông – “cứu” chất lượng đào tạo
Việc đào tạo liên thông trước đây được quy định trong Quyết định 06, nhưng sau một thời gian triển khai đã thể hiện nhiều điểm chưa hợp lý và không bao quát được thực tế của đào tạo liên thông hiện nay.
Biện pháp tổ chức đào tạo này giúp người học bảo lưu kết quả học tập đã tích luỹ, rút ngắn thời gian, tiết kiệm công sức, tiền bạc. Thực tế thời gian qua, điều này đã bị hiểu sai và thực hiện không đúng, liên thông đã biến thành một loại hình đào tạo. Vì hiểu sai bản chất vấn đề, dẫn tới thực hiện sai và đã kéo theo hệ lụy.
Ông Bùi Anh Tuấn cho biết: “Hệ lụy đó là trong xã hội tồn tại 2 loại bằng chính quy: bằng chính quy (với kỳ thi 3 chung), bằng chính quy liên thông. Hai loại bằng cùng là chính quy, cùng do một trường cấp ra nhưng chất lượng lại khác nhau”.
Thực tế, trong quá trình triển khai đào tạo liên thông, nhiều trường đã không tuân thủ các quy định hiện hành. Ví dụ nhiều trường đào tạo liên thông theo hình thức vừa làm vừa học nhưng để thu hút người học lại công bố sẽ cấp bằng chính quy. Thậm chí, nhiều trường đạo tạo ngoài cơ sở, ngoài giờ liên kết… cũng cấp bằng chính quy.
Mặt khác, trong quá trình tổ chức và quản lý đào tạo, nhiều trường đã không tuân thủ chương trình đào tạo đã công bố, không xây dựng và công bố chuẩn đầu ra, không thực hiện đầy đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng.
Những yếu tố này làm cho chất lượng đào tạo liên thông thấp, cái đó là đã rõ ràng. Thực tế nhiều nhà tuyển dụng đã nói không với tấm bằng liên thông.
Ông Tuấn trăn trở : “Như vậy, sinh viên ra trường với tấm bằng mà không được xã hội thừa nhận; lợi ích chính đáng và hợp pháp của người học không được đảm bảo”.
Kết quả khảo sát vừa qua cũng cho thấy nhiều trường trung cấp, cao đẳng, trường nghề còn thay đổi mục tiêu, chương trình đào tạo sát với những trường ĐH có cùng ngành đào tạo để “liên thông cho dễ”.
Như vậy những trường này “biến tướng” thành nơi đào tạo “giai đoạn 1″ cho các đại học. Rõ ràng, sứ mệnh, mục tiêu đào tạo, các chuẩn đầu ra của các trường này đã bị bóp méo, không còn đúng như ban đầu.
Vì vậy, việc ban hành quy định mới nhằm giải quyết những vấn đề còn tồn tại, đảm bảo chất lượng đào tạo và quyền lợi của người học. Vụ trưởng nhấn mạnh: “Các trường phải đào tạo đúng luật, đúng quy định, đúng bản chất của vấn đề, trả cho người học đúng giá trị của họ, để khi họ cầm tấm bằng họ cảm thấy tự hào”.
“Nồi cơm” của các trường bị ảnh hưởng?
Hệ đào tạo liên thông tại nhiều trường đang thu hút rất nhiều người học. Với quy chế này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc tuyển sinh của một số trường.
Tuy nhiên theo ông Bùi Anh Tuấn đối với các trường đào tạo liên thông chỉ là một trong số nhiều nguồn tuyển sinh đào tạo của nhà trường. Các trường có đào tạo chính quy làm chuẩn, bên cạnh đó còn được phép đào tạo vừa học vừa làm, đào tạo cao đẳng, đào tạo từ xa. Như vậy, liên thông chỉ là một nguồn nhỏ trong nguồn tuyển sinh của nhà trường.
Ông Tuấn nhấn mạnh: “Nếu trường nào nói liên thông là nguồn chủ yếu để trường tồn tại thì những trường đó cần phải xem lại sứ mệnh, mục tiêu và chiến lược phát triển”.
AN HOÀNG
Theo Infonet
Chấn chỉnh tình trạng liên thông, đảm bảo quyền lợi người học
Quy định mới về đào tạo liên thông mà Bộ GD-ĐT ban hành đã làm dư luận xã hội "nóng" lên về chất lượng đào tạo. Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng lỗi là do sự buông lỏng của cơ quan quản lý trong thời gian vừa qua.
Chất lượng kém do quản lý chưa chặt
GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng: "Liên thông là hình thức đào tạo để tạo cơ hội cho mọi người dân có thể học tập suốt đời. Liên thông ở Việt Nam trong thời gian vừa qua kém chất lượng và mất uy tín là do các trường lợi dụng tăng chỉ tiêu kiếm lợi nhuận cho trường dẫn đến thương mại hóa giáo dục. Dẫn đến tình trạng này là Bộ GD-ĐT quản lý lỏng lẻo. Người đi học không có tội. Do vậy, mong muốn Bộ GD-ĐT khi đã ra quy định thì phải kiểm soát chặt chẽ trong quá trình triển khai ở các trường".
Trao đổi với Dân trí, ông Lê Viết Khuyến, nguyên phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, cho biết: "Theo tôi Bộ đưa ra khái niệm liên thông chưa rõ. Những yêu cầu thắt chặt đầu vào liên thông đối với tất cả các đối tượng là hoàn toàn không phù hợp. Có những trường hợp ở 2 trình độ liên thông khác nhau nhưng ứng với cùng một chức danh thì chuyện đấy không hạn chế việc siết chặt đầu vào. Thậm chí người nào không đáp ứng yêu cầu liên thông đó thì bị xã hội đào thải. Ví dụ: như giáo viên chẳng hạn, giáo viên đủ loại trình độ nhưng theo tôi biết, khu vực phần lớn ở các nước quy định giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, THPT phải có trình độ chuẩn, tối thiểu là trình độ đại học. Nếu Việt Nam muốn hội nhập khu vực và quốc tế để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên thì phải chuẩn hóa trình độ là đại học. Vấn đề là siết chặt chất lượng chứ không siết chặt đầu vào.
Đối với việc liên thông nhằm thay đổi chức danh nghề nghiệp thì phải chặt chẽ để tránh ảnh hưởng cơ cấu ngành nghề vì có khi 50 anh thợ mới cần một kỹ thuật viên. Tỷ lệ này phải được khống chế. Trong trường hợp đó không thể liên thông một cách thoải mái được như vậy làm cơ cấu nhân lực rối loạn".
Về lỗi chất lượng đào tạo liên thông trong thời gian vừa qua, ông Khuyến cho rằng: "Yếu kém là do Bộ GD-ĐT. Để làm tốt hình thức đào tạo này, bộ nên đẩy mạnh khâu kiểm định chất lượng. Bộ không nên ôm hết mà sử dụng các hiệp hội nghề nghiệp làm chức năng kiểm định đó".
Có nhiều cánh cửa để vào đại học, trong đó có hình thức đào tạo liên thông.
Ban hành quy chế mới để sửa đổi bất cập
Trả lời phỏng vấn báo chí về điểm mới quy định liên thông đưa ra, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: "Luật Giáo dục Đại học có hiệu lực từ ngày 1/1/2013. Những quy định nào không còn phù hợp với Luật thì phải được sửa đổi. Bộ đã nhận thấy sự bất cập của đào tạo liên thông và việc ban hành quy chế mới về vấn đề này đã được ưu tiên đặt ra từ rất sớm, đồng thời với thời gian soạn thảo Luật Giáo dục Đại học. Dự thảo quy chế đào tạo liên thông mới đã được đưa ra bàn bạc hơn một năm qua. Việc ban hành thông tư mới quy định về đào tạo liên thông là rất cần thiết, không thể chậm trễ hơn, để chấn chỉnh những bất cập hiện nay, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và đảm bảo quyền lợi người học".
"Giáo dục đại học chỉ có 2 hệ đó là hệ chính quy và hệ thường xuyên. Giáo dục thường xuyên có thể được tổ chức theo phương thức vừa làm vừa học hay từ xa. Để được tham gia học tập, người học phải thỏa mãn các điều kiện đầu vào. Theo quy định hiện hành, người học phải tham gia kỳ thi tuyển sinh dành cho hệ chính quy hay kỳ thi dành cho hệ vừa làm vừa học. Thông tư mới không hề gây khó khăn đối với thí sinh có nguyện vọng học liên thông lên bậc học cao hơn, mà ngược lại còn tạo điều kiện thuận lợi để thí sinh thể hiện năng lực của mình, tùy theo thế mạnh của từng người" - Thứ trưởng Ga khẳng định.
Chia sẻ với người học về quy định liên thông mới, theo PGS.TS. Phạm Văn Điển - Trưởng phòng Đào tạo - ĐH Lâm nghiệp Việt Nam (đơn vị có đào tạo chương trình liên thông mỗi năm dành 500 - 700 chỉ tiêu cho loại hình đào tạo này), từ bậc trung cấp/cao đẳng lên bậc cao đẳng/đại học thì cần phải đi theo hình bậc, phải có thời gian nhất định cho sự chuyển tiếp từ bậc này lên bậc cao hơn. Quy chế nêu từ 36 tháng trở lên là có thể chấp nhận được. Những đối tượng này chỉ dự thi 3 môn, trong đó có 1 môn cơ bản, 1 môn cơ sở ngành và 1 môn chuyên ngành. Trước đây, một thí sinh nào đó đã được phân loại lực học qua kỳ thi tuyển sinh đại học, bây giờ muốn được chuyển lên tầm cao mới thì cần vượt qua một số điều kiện, trong đó điều kiện về kinh nghiệm công tác chuyên môn là một thước đo quan trọng, không được "đốt cháy" giai đoạn này.
PGS.TS Điển cho hay, điểm gây bức xúc dư luận vừa qua là qui định thí sinh có thời gian tốt nghiệp chưa đủ 36 tháng, cần dự thi theo đề thi 3 chung của kỳ thi tuyển sinh đại học. Nhưng nếu hiểu rằng, với những thí sinh không hội tụ đủ yếu tố thời gian hay kinh nghiệm công tác, thì qui định này nhằm tạo thêm cơ hội khác cho thí sinh lựa chọn dù không dễ dàng. Muốn lên một tầm cao mới, thì phải phải có sức vươn. Việc đánh giá kiến thức cơ bản để thay thế cho đánh giá kinh nghiệm công tác chuyên môn cũng là một cách để đo lường sức vươn ấy. Thí sinh có thể lựa chọn một trong hai cách này, và con đường học lên bậc cao hơn cũng cần được thiết kế như vậy.
Hồng Hạnh
Theo dân trí
Đường vòng vào đại học không hẹp Sáng 4/1, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) Bùi Anh Tuấn đã khẳng định như vậy trước những ý kiến trái chiều về quy định siết chặt đào tạo liên thông gây khó cho học sinh và các trường. Vụ trưởng Bùi Anh Tuấn: Trước đây mình thực hiện đào tạo liên thông theo quy định 06. Đây là văn bản...