Thay đổi phương thức đào tạo: Điều tiên quyết để xây dựng thương hiệu trường Sư phạm
“Trước yêu cầu đổi mới chương trình – SGK GD phổ thông, các trường sư phạm cần phải chuyển động nhanh, trong đó phải xác định được mục tiêu đào tạo là chú trọng tới hình thành phương pháp tư duy, linh hoạt, năng động, nhạy bén, tạo năng lực thích ứng cho SV” – Đó là chia sẻ của PGS. TS Trần Thị Minh Hằng, Trưởng phòng Đào tạo sau ĐH, Học viện Quản lý Giáo dục.
Thay đổi để đáp ứng với yêu cầu mới
Theo bà, các trường sư phạm cần có những thay đổi nào trong việc đào tạo đội ngũ sinh viên ra trường đáp ứng với yêu cầu mới hiện nay?
Các trường sư phạm phải nhận thức sâu sắc vai trò của mình trong sự nghiệp đổi mới giáo dục nói chung và trước hết là thực hiện tốt việc đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông mới.
Để thực hiện được nhiệm vụ này, các trường sư phạm cần phải cấu trúc lại khung chương trình đào tạo; Chương trình đào tạo đảm bảo phát triển năng lực giáo viên phổ thông và chú trọng hình thành năng lực tư duy khoa học và khả năng thích ứng với sự thay đổi thường xuyên của xã hội.
Song song với đó cần đổi mới nội dung đào tạo và phương pháp đào tạo theo hướng phát triển năng lực cá nhân, gắn kết chặt chẽ với thực tiễn giáo dục của đất nước và thế giới; Đẩy mạnh ứng dụng nghiên cứu khoa học giáo dục, phát triển năng lực hoạt động xã hội.
Tăng cường sự liên kết phối hợp đào tạo giữa các trường sư phạm, các khoa sư phạm với các trường phổ thông, đồng thời tăng cường giao lưu học tập theo hướng trao đổi sinh viên với các trường đại học tiên tiến trên thế giới, với mục đích để sinh viên được tắm mình trải nghiệm thực tế và được mở mang tầm nhìn ra thế giới.
Vấn đề đặt ra là cần phải xây dựng mạng lưới cơ sở thực hành tốt để tạo môi trường giáo dục thực nghiệm, ứng dụng ý tưởng mới trong đào tạo giáo viên vào các trường phổ thông. Việc nâng cao trách nhiệm của trường phổ thông cũng sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện tốt cho sinh viên sư phạm có điều kiện để thực hành.
Quá trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa đã có tác động như thế nào đối với các trường sư phạm hiện nay?
Tại các trường sư phạm, việc đào tạo giáo viên các cấp hiện nay đang bám vào yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa trên cơ sở chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Các trường sẽ tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ GV về chuyên môn và phương pháp giảng dạy theo hướng tích hợp, liên môn. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc trong việc triển khai đồng bộ với chương trình, sách giáo khoa mới.
Tuy nhiên, chúng ta cần xác định việc giảng dạy với chương trình mới không thực sự dễ dàng đối với giáo viên. Đối với đội ngũ giáo viên hiện tại thì sức ỳ dạy theo lối mòn vẫn còn. Vì vậy, vấn đề cơ bản là phải thay đổi nhận thức và tạo động lực về tinh thần, vật chất cho họ.
Nhà nước cần đầu tư kinh phí để phát triển, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo. Mặt khác cần tinh giản đội ngũ giáo viên cũ, đãi ngộ họ về chế độ để họ có thể được nghỉ ngơi sau một thời gian dài công tác. Có như vậy, chúng ta mới tuyển dụng được một đội ngũ mới có năng lực và trình độ chuyên môn tốt phù hợp với yêu cầu dạy học mới.
Video đang HOT
Năm nay, Bộ GD&ĐT đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở GD&ĐT phối hợp với các cấp, ngành thực hiện tổng rà soát, thống kê hiện trạng đội ngũ giáo viên hiện có, tính toán số lượng giáo viên thừa/thiếu cục bộ theo từng môn học, cấp học; tổng hợp nhu cầu về giáo viên phổ thông từ năm học 2018 – 2019 để Bộ có căn cứ chính xác khi giao chỉ tiêu đào tạo sinh viên sư phạm cho các trường theo nhu cầu của địa phương.
Như vậy, ngoài việc đào tạo về số lượng đáp ứng về yêu cầu của xã hội, các trường sư phạm phải thay đổi phương thức đào tạo. Vấn đề thay đổi phương thức đào tạo không phải chỉ dựa trên sự thay đổi của chương trình sách giáo khoa mới. Việc đào tạo cho sinh viên sư phạm cần chú trọng tới phương pháp tư duy. Đó là sự linh hoạt, năng động, nhạy bén, dám đưa những vấn đề mới vào thể nghiệm.
Tăng cường trải nghiệm thực tế
Để sinh viên có thể thích nghi và đảm nhiệm tốt nhiệm vụ của mình sau khi ra trường, cần những điều kiện và yếu tố nào?
Sinh viên được đào tạo trong 4 năm học trong trường sư phạm, tuy nhiên kiến thức luôn được cập nhật và đổi mới. Vì vậy khi tốt nghiệp, những sinh viên sư phạm không chỉ sử dụng những kiến thức đã được đào tạo trên giảng đường mà cần có sự học hỏi thích ứng với những điều kiện giảng dạy thực tế.
Thế nên các trường sư phạm cần phải tăng cường cho các sinh viên xuống các trường phổ thông trải nghiệm thực tế ngoài chương trình thực tập năm cuối. Các trường mà sinh viên được trải nghiệm cần bao gồm cả hệ thống các trường dân lập, các trường công lập và các trường có yếu tố nước ngoài.
Chúng ta cũng cần phải xây dựng một hệ thống các trường thực hành để tạo thêm nhiều cơ hội cho sinh viên được đào tạo hài hòa giữa lý thuyết và thực tiễn. Điều quan trọng là phải tăng cường kiến thức thực hành. Đây cũng là môi trường tốt, tạo điều kiện cho sinh viên sư phạm phát huy những ý tưởng mới một cách có hiệu quả.
Muốn như vậy không chỉ GV cần được thay đổi, mà những người quản lý cũng cần phải thay đổi. Quan trọng nhất trong quá trình đào tạo, đó là sinh viên khi ra trường có đáp ứng được hay không. Đây chính là một trong những điều làm nên thương hiệu của cơ sở đào tạo.
Năm nay, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường sư phạm phải công khai về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất cũng như chỉ tiêu tuyển sinh. Điều đó có những điểm tích cực.
Thứ nhất, đó là các cơ sở giáo dục muốn đào tạo có chất lượng thì bản thân phải có đủ các điều kiện đặc biệt là năng lực đào tạo. Đào tạo phải gắn với năng lực của các nhà trường trên mọi phương diện từ cơ sở đến đội ngũ.
Thứ 2, khi các sinh viên ra trường cũng phải được đánh giá từ các nhà trường phổ thông. Các trường phổ thông sẽ nhận xét và kiểm nghiệm xem các sinh viên được đào tạo tại các trường sư phạm có năng lực giảng dạy như thế nào.
Việc Bộ GD&ĐT quy định các trường sư phạm phải công khai như vậy sẽ giúp các nhà trường có kế hoạch sát thực hơn về chỉ tiêu tuyển sinh và phù hợp với năng lực đào tạo của xã hội. Như vậy, sinh viên ra trường sẽ có việc làm và đảm bảo được chất lượng đào tạo, hạn chế được sự chồng chéo. Một mặt nữa, các đơn vị đào tạo sẽ có kế hoạch xây dựng được cơ sở của mình trong đó có cả vấn đề uy tín và cũng như các yếu tố về cơ sở vật chất, đội ngũ, năng lực đào tạo.
Xin trân trọng cảm ơn bà!
“Đích đến của đào tạo đội ngũ giáo viên là phải biết khái quát, biết thích ứng với sự thay đổi trong quá trình dạy và học. Các sinh viên sư phạm cần được trang bị khả năng tự đào tạo, tự học hỏi để phát triển bản thân. Và bản thân họ luôn có nhu cầu tự đổi mới, tự hoàn thiện và thay đổi mình thì mới đáp ứng được sự thay đổi của xã hội”. PGS.TS Trần Thị Minh Hằng
Minh Châu (thực hiện)
Theo giaoducthoidai.vn
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học sẽ được ban hành trước năm học mới
Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại cuộc họp với nhóm nghiên cứu xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học mới đây. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học phải được xây dựng cụ thể, đo đếm được, tránh chung chung hoặc chỉ mang yếu tố "phong trào".
Bộ Trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng thầy và trò Quảng Ninh.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại cuộc họp với nhóm nghiên cứu xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học.
"Trống" trong đào tạo kỹ năng sống cho sinh viên trong các trường sư phạm
Tại cuộc họp, các thành viên nhóm nghiên cứu đã chỉ ra những nguyên nhân dẫn tới một số vấn đề về văn hóa ứng xử trong trường học gây bức xúc trong xã hội thời gian qua. Trước hết đó là sự tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường dẫn tới những thay đổi trong đời sống xã hội, thay đổi những giá trị truyền thống, trong đó có môi trường giáo dục.
Một bộ phận thầy cô giáo chưa được trang bị, chuẩn bị đầy đủ nhận thức và tâm thế trước những tác động "tiêu cực" từ bên ngoài xã hội. Trong chương trình, quá trình đào tạo giáo viên hiện nay vẫn còn để "trống" mảng đào tạo về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng sống cho sinh viên; giáo viên không được bồi dưỡng thường xuyên về phương pháp sư phạm, năng lực chuyên môn... là nguyên nhân dẫn tới có một số thầy cô giáo chưa đáp ứng năng lực và theo kịp sự biến động về tâm lý của học sinh, cá biệt còn có biểu hiện thiếu trách nhiệm, cứng nhắc, chưa chia sẻ với học sinh.
Đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn cũng là nguyên nhân dẫn tới việc một bộ phận giáo viên chưa toàn tâm toàn ý với công việc giảng dạy và chăm sóc, giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho người học.
Chỉ ra những tác động từ áp lực cuộc sống dẫn tới việc nhiều bậc phụ huynh phó thác con cái họ cho nhà trường làm cho mối quan hệ nhà trường - gia đình ở một số nơi còn lỏng lẻo hay cách ứng xử thiếu chuẩn mực trong một số gia đình đã tác động tới quá trình hình thành nhân cách của các em, nhóm nghiên cứu cho rằng, giải pháp giáo dục từ gia đình và sự phối hợp quản lý giữa gia đình - nhà trường sẽ là mấu chốt để mang lại hiệu quả tích cực cho quá trình giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh.
Nghiên cứu từ thực tế cũng cho thấy, hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống hiện nay trong các nhà trường chưa đáp ứng được nhu cầu, mong muốn của học sinh, sinh viên; vẫn còn mang tính áp đặt của giáo viên mà chưa quan tâm đến tâm lý lứa tuổi của các em hoặc mang tính phong trào; thời lượng dành cho các môn Đạo đức, môn Giáo dục công dân và các hoạt động giáo dục khác đóng vai trò "dạy người" còn "khiêm tốn", ở một số nơi bị xem nhẹ.
Nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng, đây là vấn đề mà chương trình giáo dục phổ thông mới cần nghiên cứu và giải quyết. Hiện nay, một số trường phổ thông đã xây dựng được các quy tắc ứng xử trong nhà trường nhưng về cơ bản còn chung chung, đa số học sinh chưa quan tâm, giáo viên chưa đủ cơ sở pháp lý để thực hiện. Vì vậy nhóm nghiên cứu đề xuất, Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu, đưa ra một khung quy tắc văn hóa ứng xử trong trường học chi tiết để học sinh, giáo viên, phụ huynh có thể thực hiện, kèm theo đó là chế tài thưởng - phạt cụ thể và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.
Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ cân bằng giữa dạy "chữ" và dạy "người"
Phát biểu định hướng tại cuộc họp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhắc lại một số sự việc xảy ra gần đây thể hiện văn hóa ứng xử trong nhà trường và cho rằng, dù đó chỉ là những trường hợp cá biệt nhưng với xu hướng tăng lên, rõ ràng cần những giải pháp chấn chỉnh mang tính lâu dài và bền vững.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ với học sinh tỉnh Lào Cai
Đề cập tới hàng loạt các nguyên nhân khách quan và chủ quan tác động tới văn hóa ứng xử trong trường học, Bộ trưởng cho rằng, việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo hướng giảm tải kiến thức, tăng cường dạy "người" thời gian qua đã được làm rất tốt nhưng tới đây sẽ phải tiếp tục làm tốt hơn. Chương trình giáo dục phổ thông mới mà Bộ GD&ĐT đang triển khai sẽ theo hướng cân bằng giữa dạy "chữ" và dạy "người"
Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra, chương trình các môn học về đạo đức, giáo dục công dân trong nhà trường còn mỏng về thời lượng, nhẹ về chất lượng, đơn giản về phương pháp, vị thế của môn học chưa được coi trọng đúng mức; các địa phươnh hầu như chưa coi trọng đội ngũ giáo viên dạy những môn học này; ngay cả tại các trường sư phạm, khoa ngành học đạo đức, nhóm ngành giáo dục công dân cũng bị xem nhẹ hơn những khoa ngành khác.
Bộ trưởng nhấn mạnh thêm, thời gian qua, hệ thống văn bản hướng dẫn của ngành Giáo dục chỉ đạo thực hiện văn hóa ứng xử trong trường học đã được ban hành kịp thời, góp phần tạo ra hành lang pháp lý cho quá trình triển khai tại cơ sở nhưng một số ít quy định trong đó vẫn còn chung chung, thiếu điều kiện thực hiện, thiếu chế tài, thiếu kiểm tra giám sát, dẫn tới quá trình thực hiện trong thực tế có lúc, có nơi chưa hiệu quả.
Bộ trưởng yêu cầu, trước mắt ưu tiên và cần tập trung ngay vào việc xây dựng quy tắc ứng xử văn hoá trong trường học phổ thông, cần thay đổi tư duy khi đưa ra các qui định, đảm bảo các yêu cầu: Khả thi, dễ thực hiện, dễ nhớ; quy định rõ những điều cần làm, không được làm; quy định chế tài cụ thể, trách nhiệm của mỗi cấp: trường, sở, địa phương; trách nhiệm của học sinh, giáo viên, phụ huynh...
"Đừng quy định chung chung kiểu như học sinh phải ngoan ngoãn, lễ phép mà nên quy định cụ thể để hướng dẫn dễ thực hiện, ví dụ như học sinh gặp thầy cô giáo phải dừng lại, khoanh tay chào hay giáo viên gặp học sinh phải niềm nở, vui vẻ... có như vậy thì mọi người dễ hiểu, dễ thực hiện và giám sát và đánh giá mới được" - Bộ trưởng yêu cầu.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang triển khai 3 đề tài khoa học cấp nhà nước về xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, thông qua mối quan hệ nhà trường - gia đình - xã hội để giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa và đề xuất mô hình tư vấn tâm lý hiệu quả đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ trưởng đề nghị nhóm nghiên cứu và ban soạn thảo xây dựng quy tắc ứng xử văn hoá trong trường phổ thông bám sát, khai thác những kết quả nghiên cứu này để có cơ sở thực tiễn cho quá trình xây dựng.
"Bộ quy tắc ứng xử văn hoá trong trường học phổ thông phải được ban hành trước năm học mới 2018-2019 để triển khai thực hiện ngay từ đầu năm học, kèm theo đó là các chế tài đủ mạnh. Đây sẽ là giải pháp quan trọng nhằm xây dựng văn hóa ứng xử trường học hiệu quả trong thời gian tới" - Bộ trưởng khẳng định.
Bá Hải
Theo giaoducthoidai.vn
Siết đầu vào, cửa sư phạm hẹp hơn? Với việc Bộ Giáo dục và Đào tạo giữ điểm sàn vào trường sư phạm, dự báo công tác tuyển sinh sẽ khó khăn hơn nhưng học sinh giỏi, đam mê nghề giáo vẫn có nhiều cơ hội Thí sinh trúng tuyển vào Trường ĐH Sư phạm TP HCM làm thủ tục nhập học Ảnh: TẤN THẠNH Theo quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ...