Thay đổi phương án thi THPT 2019: Nguy cơ nào trượt tốt nghiệp?
Phương án thi THPT quốc gia năm 2019 do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đã tạo nhiều ý kiến trái chiều trong giới giáo dục. Theo tính toán của các chuyên gia, phương thức mới sẽ dẫn đến tỉ lệ tốt nghiệp THPT 2019 giảm từ 15 – 20%.
Thí sinh xem kết quả thi THPT 2018 – Ảnh: Internet
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD -ĐT) đã chính thức công bố phương án thi THPT quốc gia 2019 với một số điều chỉnh thay đổi so với năm 2018.
Không chỉ các khâu ra đề, coi thi, chấm thi có những thay đổi, việc công bố kết quả thi và xét công nhận tốt nghiệp của kỳ thi THPT quốc gia 2019 cũng có những thay đổi đáng kể.
Theo Bộ GD-ĐT, kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 vẫn nhằm mục tiêu giảm áp lực và tốn kém cho xã hội và bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh ĐH, CĐ. Đồng thời cung cấp thông tin phản hồi về chất lượng giáo dục phổ thông để điều chỉnh quá trình dạy học…
Đáng chú ý là việc sử dụng kết quả thi để xét tốt nghiệp sẽ có sự thay đổi tỷ lệ so với năm 2018. Năm 2019, việc xét tốt nghiệp điểm các bài thi THPT quốc gia sẽ chiếm 70%, còn lại 30% là điểm trung bình năm lớp 12 của thí sinh.
Trong khi đó, điểm xét tốt nghiệp năm 2018 gồm điểm các bài thi của thí sinh để xét công nhận tốt nghiệp THPT theo quy định, điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có) và điểm trung bình cả năm lớp 12. Điểm của từng bài thi được quy về thang điểm 10 để tính điểm xét tốt nghiệp.
Với thay đổi này, các nhà giáo dục, các thầy cô giáo dự đoán học sinh lớp 12 có học lực trung bình sẽ bị ảnh hưởng và có nguy cơ trượt tốt nghiệp rất cao.
Video đang HOT
Thực tế, những năm vừa qua, điểm thi THPT quốc gia không quyết định việc thí sinh có được tốt nghiệp hay không mà còn phụ thuộc vào kết quả học tập năm lớp 12.
Chỉ tính riêng cho học sinh thi và có xét tốt nghiệp năm 2018 (không tính các thí sinh đã tốt nghiệp ở những năm trước dự thi chỉ để xét tuyển ĐH), điểm trung bình năm lớp 12 của học sinh cả nước là 7,61 (năm 2017 là 7,34). Điều này có nghĩa dù không có điểm khuyến khích, một học sinh lớp 12 năm 2018 chỉ cần điểm trung bình của 4 bài thi THPT quốc gia 2,39 điểm (và không bị điểm liệt) cũng sẽ tốt nghiệp THPT.
So sánh tỉ lệ xét tốt nghiệp mới và cũ của các chuyên gia đưa ra.
Theo phân tích của các chuyên gia, nếu như điểm xét tốt nghiệp THPT gồm: 70% điểm trung bình các bài thi THPT quốc gia dùng để xét tốt nghiệp THPT 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có) là một cách tính hoàn toàn bất lợi cho học sinh có học lực trung bình. Tỉ lệ tốt nghiệp THPT sẽ giảm từ 15% – 20%.
Trong một công bố mới đây, tiến sĩ Lê Thị Thanh Mai (ĐH Quốc gia TP.HCM) nhận định rằng nếu áp dụng công thức của năm 2019, khả năng sẽ có 116.103 học sinh đủ điểm xét tốt nghiệp năm 2018 sẽ không đủ điểm để xét tốt nghiệp năm 2019. Theo đó, tỉ lệ tốt nghiệp sẽ giảm khoảng 15%.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM nhận định, có 3 yếu tố để có thể dự đoán tỉ lệ tốt nghiệp 2019, tuy có thể giảm nhưng chỉ giảm ít, thậm chí vẫn ở mức trên 90%. Một là như đã công bố, đề thi năm 2019 chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12 và ở mức độ dễ hơn để đáp ứng mục tiêu xét tốt nghiệp THPT. Hai là điểm khuyến khích và điểm ưu tiên vẫn tiếp tục được áp dụng, và ba là theo xu thế “nước lên thuyền lên”, nhiều trường THPT sẽ nâng điểm trung bình cả năm lớp 12 của học sinh lên cao hơn nữa.
Các thống kê cho thấy, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT trong những năm gần đây luôn ở mức trên 90%. Cụ thể năm 2014 là 99,09%, năm 2015 là 91,58%, năm 2016 đạt 92,93%, năm 2017: 97,42, và cao nhất là năm 2018 tỉ lệ tốt nghiệp THPT đạt đến 97,57%.
Có thể thấy điều kiện để học sinh tốt nghiệp THPT trong những năm vừa qua là dựa vào điểm trung bình cả năm lớp 12 và điểm khuyến khích. Chỉ tính riêng học sinh thi và có xét tốt nghiệp năm 2018, điểm trung bình năm lớp 12 của học sinh cả nước là 7,61 (năm 2017 là 7,34). Như vậy, nghĩa là một học sinh lớp 12 chỉ cần đạt được điểm trung bình của 4 bài thi THPT quốc gia 2,39 điểm (và không bị điểm liệt) cũng sẽ tốt nghiệp THPT.
Bộ GD -ĐT cần lắng nghe ý kiến phản biện của các chuyên gia, các nhà giáo dục, các thầy cô giáo và chính các em học sinh để có thể điều chỉnh hợp lý về phương thức phương thức thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2019 một cách hiệu quả nhất.
Tú Viên
Theo motthegioi
Thi THPT quốc gia 2019: Tỷ lệ kiến thức trong đề thi sẽ thế nào?
Sau khi Bộ GD-ĐT công bố phương án thi THPT quốc gia 2019, nhiều giáo viên đã đưa ra ý kiến về tỷ lệ kiến thức các khối lớp trong đề thi như thế nào là phù hợp?
Thí sinh làm thủ tục dự thi THPT quốc gia năm 2018 - BẢO CHÂU
10 - 20 - 70 hay 10 - 10 - 80?
Thạc sĩ Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức, TP.HCM), nói rằng thời điểm này sắp kết thúc học kỳ 1, học sinh chuẩn bị bước vào giai đoạn nước rút. Vì vậy Bộ GD-ĐT cần sớm công bố đề minh họa để giáo viên và học sinh nhanh chóng tiếp cận với cấu trúc đề thi. Từ đó có phương án ôn tập tập trung hơn.
Còn ông Hoàng Hoài Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (Q.Tân Bình, TP.HCM) đưa ra nhận định rằng: "Trong phương án xây dựng đề thi THPT quốc gia năm 2019, Bộ GD-ĐT vẫn sẽ xây dựng theo hướng từ dễ đến khó; trong đó khoảng 60% phục vụ xét tốt nghiệp, 40% còn lại phân hóa cho mục đích xét tuyển ĐH. Dự đoán tỷ lệ kiến thức năm nay khoảng 60% nội dung nằm trong chương trình lớp 12; 25% chương trình lớp 11 và 15% chương trình lớp 10".
Hay ông Nguyễn Hoàng Khương, Hiệu phó Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), nói rằng thực ra để giải quyết các yêu cầu của đề thi thì cần sự tổng hợp và liên thông kiến thức từ lớp 10 đến lớp 12. Vì vậy, nếu có đòi hỏi thể hiện kiến thức độc lập, theo tôi có thể sử dụng tỷ lệ kiến thức 10 - 11 - 12 lần lượt là 10% - 20% - 70%.
Còn giáo viên Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM) thì cho rằng nếu như năm trước, tỷ lệ kiến thức lớp 11 và lớp 12 là 20% - 80% thì năm nay có thể giữ nguyên nội dung lớp 12 là 80%, phần còn lại chia đều cho kiến thức của lớp 10 và 11.
Riêng ông Trần Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường THPT Đào Duy Anh (Q.6, TP.HCM), cho rằng kiến thức của lớp 12 cũng đã hàm chứa kiến thức lớp 10 và 11. Và kiến thức lớp 12 cũng đủ sức để đánh giá học sinh nên sử dụng các kiến thức có liên quan trong toàn bậc học mà không cần thiết phải đưa các nội dung cụ thể riêng biệt của từng khối lớp.
Tăng tỷ lệ điểm thi xét tốt nghiệp, hạn chế tiêu cực?
Với việc Bộ GD-ĐT dự kiến tăng tỷ lệ trong đánh giá xét tốt nghiệp lên thành 70 - 30 thay cho 50 - 50, ông Phạm Phương Bình thể hiện sự đồng tình và cho rằng sẽ giảm tiêu cực trong trường hợp có trường, có giáo viên cố tình nâng điểm, tác động đến kết quả xét tốt nghiệp, xét tuyển ĐH, CĐ.
Tương tự, thầy Hoàng Hoài Sơn, khẳng định việc thay đổi tỷ lệ 50 - 50 thành 70 - 30 chắc chắn tác động khá lớn đến tỷ lệ tốt nghiệp. Chẳng hạn, học sinh năm 2018 có điểm học bạ 7,0 điểm thi THPT 3,0 (không bị điểm liệt) sẽ được công nhận đậu tốt nghiệp. Nhưng nếu vào năm nay, học sinh có điểm thi như trên sẽ rớt tốt nghiệp (3 x 7 7 x 3)/10 = 4,2 điểm. Tuy nhiên ông Sơn đánh giá, việc thay đổi tỷ lệ này nhằm giảm thiểu sự bất cập khi điểm trung bình lớp 12 chiếm 50% kết quả xét khiến kết quả không thực chất.
Còn ông Trần Trung Kiên phân tích rằng, đứng về góc độ lý luận, tỷ lệ 50 - 50 là hợp lý vì việc đánh giá học sinh cần nhìn nhận một quá trình học tập. Nhưng thực tế quy định này lại bị "lợi dụng, biến tướng" bằng cách đánh gái năng lực học sinh trên lớp thật cao để việc thi không còn là yếu tố quan trọng khi xét tốt nghiệp. Thế nên việc thay đổi tỷ lệ 70 - 30 để giải quyết cái "đuôi" và là "chốt chặn" thực sự cần thiết.
Theo thanhnien
Năm 2019 tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT sẽ thấp hơn? Việc thay đổi tỷ lệ cách thức xét tốt nghiệp trong năm tới có thể dẫn đến tình trạng rớt tốt nghiệp với những học sinh có điểm thi THPT quốc gia bằng mức của các học sinh đỗ tốt nghiệp năm nay. Cảnh báo này được nhiều thầy cô đặt ra với thí sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi THPT quốc...