Thay đổi nào để giảm nhẹ kỳ thi THPT quốc gia?
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 khép lại nhưng nhiều trăn trở về những ngày thi vẫn còn đó. Một câu hỏi được đặt ra, kỳ thi ‘2 trong 1′ này sau 5 năm có còn phù hợp trong điều kiện hiện tại, khi chi phí và công sức cả xã hội bỏ ra quá nhiều so với giá trị của nó?
Giám thị làm thủ tục cho thí sinh tham dự thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Chưa thấy rõ định hướng
Bộ GD-ĐT đã ban hành Quy chế thi THPT quốc gia năm đầu tiên vào 2015 để bắt đầu tổ chức kỳ thi “2 trong 1″ vừa phục vụ xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển ĐH và CĐ. Đến nay, sau 5 lần diễn ra, dù được điều chỉnh nhiều bước kỹ thuật cho phù hợp hơn với tình hình thực tế nhưng đang cho thấy nhiều vấn đề cần quan tâm.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng các năm gần đây kỳ thi có nhiều thay đổi nhưng không cho thấy rõ định hướng của kỳ thi. Năm 2017, kỳ thi này có sự tham gia nhiều của các trường ĐH, đến năm 2018 lại gần như giao hết cho các sở GD-ĐT. Rồi sau những tiêu cực thi cử xảy ra tại Sơn La, Hòa Bình và Lạng Sơn của năm ngoái thì trong năm nay lại tăng cường vai trò của các trường ĐH đến mức tối đa.
Ông Nghĩa nói dù nghị quyết của Đảng đã ghi rõ kỳ thi vừa phục vụ xét tốt nghiệp, vừa làm cơ sở để tuyển sinh nhưng có lúc chính lãnh đạo Bộ lại khẳng định kỳ thi chỉ chủ yếu xét tốt nghiệp.
Nhìn lại kỳ thi năm nay, dù vẫn được giao cho các sở GD-ĐT chủ trì nhưng các trường ĐH và CĐ không chỉ hỗ trợ tổ chức thi, giám sát mà còn chủ trì chấm thi toàn bộ các bài trắc nghiệm. Gần 50.000 cán bộ giảng viên từ trường ĐH, CĐ di chuyển về các địa phương. Ngoài 5 ngày tham gia tập huấn, coi thi, giám sát thi thì ban chấm thi trắc nghiệm từ các trường ĐH tiếp tục ở lại các điểm chấm thi trên dưới 10 ngày nữa. Chi phí chỉ riêng cho các trường ĐH về địa phương làm nhiệm vụ của cả nước đã có thể lên tới cả trăm tỉ đồng. Nhưng nếu so với kỳ thi “3 chung” (chung đề, chung đợt và sử dụng chung kết quả) trước 2015 được tổ chức tại chính các trường ĐH, CĐ, thì về mặt bản chất sự tham gia của các trường ĐH không khác nhiều.
“Cái khác quan trọng ở đây là sự tham gia của các trường ĐH vào kỳ thi rất lớn nhưng không chắc các thí sinh này sẽ tham gia xét tuyển vào trường mình hay không. Trong khi ở thời điểm “3 chung” các trường tổ chức kỳ thi để xét những thí sinh đó vào trường mình”, tiến sĩ Nghĩa nhìn nhận.
Tiến sĩ Nghĩa đặt vấn đề: “Trong bối cảnh số lượng thí sinh tham gia xét tuyển ĐH bằng kỳ thi này ngày càng giảm, các trường ĐH tăng cường thêm các phương thức khác. Ngay kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM cũng đã thu hút khoảng 60.000 thí sinh tham gia. Vậy thời gian tới kỳ thi này sẽ như thế nào?”.
Duy trì vì tin cậy hơn các phương thức khác
Nhiều người đồng ý tiếp tục duy trì kỳ thi nhưng cần thay đổi cách thực hiện theo hướng gọn nhẹ hơn.
Phó hiệu trưởng một trường ĐH tại TP.HCM nhìn nhận, trong số rất nhiều phương thức tuyển sinh mà các trường đang thực hiện, kết quả kỳ thi này vẫn được xem là ưu việt. Phó hiệu trưởng này nói: “Phương thức đánh giá thí sinh dựa trên một đề thi chung, cùng một chuẩn là cách đánh giá rõ ràng và dễ chấp nhận nhất. Tôi không tin lắm vào điểm số học bạ, nhất là khi từng chứng kiến những học sinh rất giỏi nhưng điểm thí sinh này đạt được trong kỳ thi chung không cao lắm”.
Vị lãnh đạo này cũng cho rằng, để trúng tuyển vào ĐH hiện nay không có gì khó, vấn đề là thí sinh muốn vào học ở trường nào mà thôi. Trong đó, những trường lớn vẫn cần kỳ thi này để đánh giá thí sinh thực sự giỏi trên mặt bằng chung.
Video đang HOT
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cũng cho biết ủng hộ việc tổ chức một kỳ thi chung như hiện nay. “Đề thi có năm khó hơn, có năm dễ hơn nhưng các trường vẫn tuyển được thí sinh trên mặt bằng điểm chung nhất. Còn các phương thức xét khác, như học bạ hoặc thi năng lực thực tế, vẫn chỉ là phương thức bổ sung để các trường xét thí sinh”, ông Dũng nói.
Tăng cường sử dụng công nghệ
Một điểm chung trong đề xuất cải tiến kỳ thi này từ các trường là tăng cường sử dụng công nghệ thông tin để gọn nhẹ trong khâu tổ chức.
Theo tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, với những điều chỉnh của kỳ thi như năm nay, các tiêu cực thi cử có thể sẽ được hạn chế ở mức tối đa nhưng chi phí tổ chức khá lớn. Ông Nhân cho rằng nên tính tới việc tổ chức thi trên máy tính bằng chính những đề thi như hiện tại. Như vậy sẽ đỡ chi phí tổ chức mà vẫn công tâm. Trên thế giới, ngay như Trung Quốc vẫn đang thực hiện cách thức thi này.
Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, vẫn duy trì một kỳ thi chung toàn quốc nhưng nên giao cho các trung tâm khảo thí thực hiện. Có thể chuyển từ hình thức thi trắc nghiệm trên giấy sang trắc nghiệm trên máy tính, tăng cường yếu tố công nghệ thông tin để tiết kiệm chi phí, gọn nhẹ hơn mà vẫn đảm bảo nghiêm túc.
“Không nên giao kỳ thi tuyển sinh về các trường tự tổ chức, vì chỉ đơn giản thi năng khiếu vào từng trường thôi vẫn có tình trạng ôn luyện trước ngày thi. Cũng không nên bỏ một kỳ thi chung vì bỏ kỳ thi này học sinh sẽ không còn chú tâm vào việc học nếu việc thi tuyển không còn”, ông Dũng đề xuất.
“Trong bối cảnh có rất nhiều cách để học ĐH mà không phải tham gia kỳ thi này thì cũng đến lúc cần tính toán lại việc giảm áp lực trong việc tổ chức. Để làm được điều này, kỳ thi cần tính tới tăng cường sử dụng công nghệ. Dù có thể tốn kém hơn nhưng đầu tư cho một kỳ thi mà cả xã hội quan tâm thì tôi tin rằng vẫn có được sự đồng thuận từ xã hội”, Phó hiệu trưởng một trường ĐH tại TP.HCM cũng có cùng ý kiến.
Theo Thanh niên
Thi THPT quốc gia 2019: Kỳ vọng kết quả thi trung thực
Nhiều giáo viên tuy bày tỏ thất vọng về đề thi nhưng kỳ vọng điểm thi sẽ tin cậy hơn.
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 đã chính thức khép lại. Công tác chấm thi đang được các sở GD&ĐT và các trường ĐH ráo riết triển khai. Thế nhưng do kỳ thi năm nay có nhiều đổi mới trong công tác tổ chức, chấm thi, ra đề... nên đến nay vẫn còn nhiều ý kiến đánh giá trái chiều về cả quá trình thi vừa qua.
Cô NGUYỄN THỊ HỒNG CHÂU, giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM:
Đề thi tăng ứng dụng, cách dạy và học cần thay đổi
Nhìn chung, đề thi các môn nhóm xã hội năm nay nhẹ nhàng và gắn liền với thực tiễn hơn. Nó đòi hỏi thí sinh không chỉ học bài đơn thuần là đủ, các em phải biết liên hệ thực tiễn, phải nắm bắt các vấn đề thời sự từ cuộc sống mới hiểu và áp dụng vào bài làm tốt.
Như đề văn có thay đổi về cách đặt câu hỏi cũng như đã gắn được với thực tiễn khi nói về ý chí và khát vọng của con người trong cuộc sống. Tuy nhiên, qua tình hình làm bài của thí sinh lại cho thấy các em hiện nay rất yếu kỹ năng làm bài ngữ văn. Các em vẫn còn nặng học thuộc lý thuyết, học máy móc nên tỏ ra bất ngờ vì đề nằm "ngoài tủ". Điều đó cho thấy việc dạy và học môn này còn nhiều điều đáng bàn dù nhiều năm nay đề thi đã đổi mới rõ rệt.
Hay như môn giáo dục công dân, đề dàn đều ở tất cả bài học, kiến thức rất rộng, từ các bộ luật, vụ án, tình huống... Nếu giáo viên chỉ dạy theo sách giáo khoa hoặc thí sinh chỉ học từ sách vở là thua.
Như thế để thấy cách ra đề những năm gần đây đã thay đổi nhiều theo hướng ứng dụng thực tế để giảm tải lý thuyết và học thuộc, học tủ trong nhà trường. Do đó, bản thân giáo viên phải đổi mới phương pháp dạy. Không chỉ là dạy cho học sinh được bao nhiêu kiến thức mà quan trọng hơn là trang bị cho học sinh được những kỹ năng làm bài, kỹ năng học và tìm tòi kiến thức. Có như vậy, việc học sẽ bớt áp lực và sẽ thú vị hơn, khi gặp bất cứ đề thi hay tình huống nào cũng có phương pháp để giải quyết.
Thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia 2019 tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình, TP.HCM). Ảnh: HOÀNG GIANG
Thầy LÂM VŨ CÔNG CHÍNH, Trường THPT Nguyễn Du, quận 10:
Đề thi quá an toàn, khó phục vụ việc xét ĐH
Nếu điểm số của thí sinh năm nay cao cũng không thể nói là chất lượng giáo dục đang đi lên. Năm trước đề khó, năm nay đề dễ, nghĩa là đề thi thay đổi liên tục. Giá như Bộ GD&ĐT có thể thống nhất đề ở mức độ nào đó thì tỉ lệ tốt nghiệp năm nay mới có thể so với năm trước, từ đó mới đánh giá được chất lượng của học sinh. Còn hiện tại tất cả đang phụ thuộc vào cách ra đề của ban ra đề. Ban ra đề cho đề tương đối nhẹ nhàng thì thí sinh làm được. Ngược lại, ban ra đề cho đề khó thì năm đó tỉ lệ điểm số đi xuống. Đây không phải là cái hay của cách làm giáo dục.
Mặt khác, các trường ĐH đã tổ chức những kỳ thi riêng. Như ĐH Quốc gia TP.HCM mở kỳ thi đánh giá năng lực hay các trường xét tuyển bằng học bạ thì khá nhiều em đã nhận được kết quả đậu ĐH. Các em chỉ cần chờ kết quả xét tốt nghiệp để nhập học. Điều này không khiến các em cảm thấy áp lực khi tham gia kỳ thi THPT quốc gia. Vậy liệu có cần thiết phải tổ chức một kỳ thi để vừa xét tốt nghiệp và các trường cũng có thể dựa vào đó để xét ĐH hay không?
ThS PHẠM THÁI SƠN, thành viên Ban chỉ đạo thi, Giám đốc tuyển sinh của Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM:
Áp lực nhưng hy vọng kết quả thi tin cậy hơn
Với đề thi năm nay, sẽ không có tình trạng mưa điểm 10 nhưng điểm 8, 9 là không ít. Và với việc mỗi năm độ khó dễ của đề thi lại khác nhau thì thật khó để nói rằng khâu ra đề có tính chuẩn hóa cao được. Đây thực sự là vấn đề nên được quan tâm nhiều hơn vì đề thi sẽ ảnh hưởng đến cách học tập của các em.
Về công tác chấm thi, năm nay ngoài việc các trường ĐH chủ trì công tác chấm thi trắc nghiệm và tham gia điều hành chấm tự luận thì những biện pháp kỹ thuật cũng được tăng cường như gắn camera giám sát tất cả phòng chấm, quy trình quét bài thi và xử lý bài thi cũng được cải tiến để tránh tình trạng tiêu cực xảy ra. Công tác thanh tra cũng nghiêm túc hơn, thanh tra của Bộ GD&ĐT túc trực liên tục nên hy vọng kết quả sẽ đáng tin cậy hơn.
PGS-TS ĐỖ VĂN DŨNG, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM:
Gian lận giảm, kết quả sẽ trung thực hơn
Theo tôi, đề thi năm nay được chuẩn hóa hơn, không dễ đến mức nhiều điểm 10 nhưng cũng không khó quá. Nó đáp ứng được mặt bằng chung cho mọi vùng miền trong cả nước, đáp ứng được cả hai mục đích xét tuyển ĐH-CĐ và tốt nghiệp.
Công tác chấm thi năm nay được chú trọng hơn nhiều, nhất là các bài trắc nghiệm giao về cho các trường ĐH.
Quá trình chấm được thực hiện nghiêm ngặt, khu vực chấm có nhiều vòng an ninh chặt chẽ, máy quét được mã hóa nên chắc chắn kết quả sẽ trung thực và chính xác, khó có sự can thiệp từ bên ngoài.
Đúng ngày 14-7, công bố điểm thi THPT quốc gia
Ngay sau khi các môn thi THPT quốc gia 2019 kết thúc, chiều 27-6, nhiều địa phương đã tiến hành bàn giao bài thi trắc nghiệm cho các trường ĐH.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, cho biết các trường đều phải đảm bảo hoàn tất theo đúng lịch chung mà Bộ đã đặt ra.
Trong đó, chậm nhất là ngày 11-7 các trường chấm thi trắc nghiệm xong và gửi về Bộ kết quả chấm trắc nghiệm sau khi chấm chính thức.
Ông Trinh khẳng định dù tiến độ chấm thi có thể khác nhau nhưng các trường đều phải công bố điểm vào ngày 14-7, không tỉnh, thành nào được công bố trước hay sau mốc này.
P.ANH - N.QUYÊN
Theo PLO
Thời điểm Bộ GDĐT công bố đáp án các môn thi THPT quốc gia 2019 Thay vì công bố đáp án chính thức ngay sau khi kết thúc các buổi thi THPT quốc gia như mọi năm, năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) sẽ công bố đáp án chậm hơn, để tăng tính bảo mật, phòng ngừa gian lận thi cử. Năm 2019, Bộ GDĐT thay đổi thời điểm công bố đáp án các môn...