Thay đổi lời khai về số tiền chia hối lộ, cựu Giám đốc CDC Hải Dương xin giảm án
Chiều 15/5, phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án kit test Việt Á tiếp tục với phần thẩm vấn các bị cáo.
Bị cáo Phạm Duy Tuyến (cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật – CDC Hải Dương) bị Tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt 13 năm tù về tội “Nhận hối lộ”. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Tuyến thay đổi lời khai về số tiền chia hối lộ và xin giảm nhẹ hình phạt.
Theo bản án sơ thẩm, trước khi CDC Hải Dương hợp thức hồ sơ đấu thầu, thanh toán tiền cho Công ty Việt Á, bị cáo Phạm Duy Tuyến và bị Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) đã thỏa thuận, thống nhất về việc, Công ty Việt Á sẽ chi cho bị cáo Tuyến và một số lãnh đạo tỉnh Hải Dương số tiền từ 20 đến 25% giá trị hợp đồng.
Việc này để CDC Hải Dương ưu tiên sử dụng kit test xét nghiệm của Công ty Việt Á, hạn chế sử dụng test xét nghiệm của các đơn vị cung cấp khác, đồng thời tạo điều kiện ký hợp đồng, thanh toán tiền cho Công ty Việt Á theo đơn giá mà Công ty Việt Á đưa ra. Từ ngày 19/5/2021 đến 19/11/2021, bị cáo Tuyến đã ba lần nhận tổng số tiền 27 tỷ đồng do Công ty Việt Á chuyển.
Bị cáo Phạm Duy Tuyến (cựu Giám đốc CDC Hải Dương).
Trả lời Hội đồng xét xử, bị cáo Tuyến thừa nhận đã nhận tiền hối lộ như bản án sơ thẩm xác định. Tuy nhiên, bị cáo Tuyến thay đổi lời khai về việc chia số tiền nhận hối lộ. Trước đó, bị cáo Tuyến có lời khai về việc đã đưa số tiền 3,3 tỷ đồng cho một người tên T là không đúng sự thật.
Số tiền nhận hối lộ được bị cáo Tuyến dùng hơn 10 tỷ đồng đưa cho một số lãnh đạo, cán bộ CDC Hải Dương. Số tiền còn lại, bị cáo Tuyến đã sử dụng cá nhân nhưng không nhớ được việc chi tiêu…
Trình bày tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Vũ Đình Hiệp (Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) cho biết, sau khi làm đơn kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét, đánh giá lại đúng bản chất của vụ án và tội danh đối với bị cáo, sau đó bị cáo đã tác động gia đình khắc phục hậu quả thêm 50 triệu đồng.
Bị cáo Nguyễn Thanh Long (hàng sau) và bị cáo Phạm Duy Tuyến (áo dài tay hàng trước) tại phiên tòa phúc thẩm.
Bị cáo Hiệp mong Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt, xem xét mức độ, hành vi phạm tội của mình. Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Hiệp bị tuyên phạt 15 năm tù về hai tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”và “Đưa hối lộ”.
Sau khi tham gia xét hỏi bị cáo Hiệp, đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa nêu quan điểm, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, có đủ cơ sở xác định, bị cáo Hiệp phạm tội với vai trò đồng phạm của bị cáo Phan Quốc Việt. Do đó, toàn bộ hành vi phạm tội của Phan Quốc Việt cũng là hành vi phạm tội của bị cáo Hiệp.
Bị cáo Nguyễn Trường Giang (cựu Tổng Giám đốc Công ty VNDAT) bị Tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt 30 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Đến thời điểm này, bị cáo Giang đã bị tạm giam gần 30 tháng, chỉ còn phải thi hành án hơn 1 tháng nữa.
Trả lời Hội đồng xét xử phúc thẩm, bị cáo Giang vẫn giữ nguyên kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Giang trình bày, ngoài vụ án này, bị cáo còn bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến vụ án xảy ra tại tỉnh Khánh Hòa.
Chủ tọa phiên tòa hỏi: “Nếu bị cáo được giảm án thì bị cáo vẫn tiếp tục bị tạm giam ở vụ án khác. Vậy bị cáo có rút đơn kháng cáo không?”. Bị cáo Giang trả lời: “Bị cáo vẫn giữ nguyên kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt”.
Trình bày tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo khác đều thừa nhận hành vi phạm tội như bản án sơ thẩm đã xác định, đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, giảm nhẹ hình phạt.
Nhật ký xét xử Việt Á: Phan Quốc Việt và câu chuyện "cảm ơn, hoa hồng"
"Có được nguồn lợi nhuận, bị cáo nghĩ đơn giản là chia sẻ bởi vì họ đã có những đóng góp", Phan Quốc Việt khai và cho biết muốn chia sẻ lợi ích trên "tinh thần là người Á Đông".
Video đang HOT
Sau 3 ngày xét xử, phiên tòa đại án Việt Á kết thúc phần xét hỏi, chuyển sang phần tranh luận với những cáo buộc của VKS và phần bào chữa của bị cáo cùng các luật sư.
Những ngày xét xử vừa qua, HĐXX đã làm rõ được nhiều tình tiết, thủ đoạn của Phan Quốc Việt (Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) cùng thuộc cấp đã sử dụng để kit test của doanh nghiệp này "bao sân" tại nhiều tỉnh/TP trên cả nước.
Những bước đi đầu tiên
Tại tòa, Phan Quốc Việt khai cuối tháng 1, đầu tháng 2/2020, bị cáo Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ KH&CN) gọi điện cho Việt gợi ý tham gia cùng Học viện Quân y vào đề tài nghiên cứu sản xuất kit test Covid-19.
Khi đó, ông Hùng lý giải việc tham gia đề tài là để chống dịch, cần Việt Á tham gia bởi công ty này đủ điều kiện của Bộ Y tế nên Việt đồng ý tham gia.
Đầu tháng 2/2020, Việt chỉ đạo cấp dưới ra Hà Nội họp về đề tài nghiên cứu sản xuất kit test Covid-19 do ông Phạm Công Tạc (cựu Thứ Trưởng Bộ KH&CN) chủ trì.
Bị cáo Phan Quốc Việt (Ảnh: Nam Phương).
Sau cuộc họp này, Việt Á tham gia vào việc nghiên cứu, sản xuất 20.000 kit test Covid-19 trong vòng một tháng.
Đến trung tuần tháng 2/2020, Việt Á đã nghiên cứu ra kit test. Sau đó, Phan Quốc Việt cùng cấp dưới mang sản phẩm ra Hà Nội đến Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương để kiểm nghiệm.
Cùng thời điểm này, Học viện Quân y cũng nghiên cứu kit test nhưng sản phẩm không tối ưu bằng Việt Á.
Sau khi kiểm nghiệm tại Viện vệ sinh Dịch tễ Trung ương kit test của Việt Á kết quả "đạt".
Việt khai, do dịch bệnh Covid-19 thời điểm đấy hoàn toàn mới trên thế giới nên Bộ Y tế yêu cầu Việt Á thực hiện nghiệm thu đề tài giai đoạn 1. Sau đó, Bộ KH&CN kết hợp cùng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nghiệm thu đề tài giai đoạn 1, kết quả "đạt".
Đến 4/3/2020, Việt Á được cấp phép lưu hành tạm thời kit test Covid-19 và tới 4/12/2020 mới được lưu hành chính thức.
"Bôi trơn" cho... kit test
Tại tòa, Tổng Giám đốc Công ty Việt Á thừa nhận, quá trình được cấp phép lưu hành chính thức kit test gặp một số khó khăn.
Bị cáo đã nhờ ông Nguyễn Huỳnh (cựu Phó phòng Quản lý giá thuốc, Cục Quản lý Dược Bộ Y tế, cựu trợ lý ông Nguyễn Thanh Long) tác động với một số bên. Bên cạnh đó, bản thân ông Trịnh Thanh Hùng cũng có những "nhờ vả" để kit test Việt Á sớm được cấp phép lưu hành.
Phan Quốc Việt khai, dựa vào từng vị trí làm việc và lợi nhuận người đó đem lại cho Công ty Việt Á, những đóng góp cho việc chống dịch, mà bị cáo sẽ có những mức "quà cảm ơn" cho từng người.
Bị cáo Nguyễn Thanh Long (Ảnh: Nam Phương).
"Có được nguồn lợi nhuận, bị cáo nghĩ đơn giản là chia sẻ bởi vì họ đã có những đóng góp", Việt khai và cho biết muốn chia sẻ lợi ích trên "tinh thần là người Á Đông".
Theo kết luận điều tra, Phan Quốc Việt đã chi tiền "cảm ơn" cho: Nguyễn Văn Trịnh (cựu cán bộ Văn phòng Chính phủ) 200.000 USD; Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ) 200.000 USD; Phạm Công Tạc (cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ) 50.000 USD.
Ngoài ra, cơ quan điều tra xác định Việt còn đưa hối lộ cho các ông: Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Y tế) 2,25 triệu USD; Nguyễn Huỳnh (cựu Thư ký của ông Long) 4 tỷ đồng;
Nguyễn Minh Tuấn (cựu Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế Bộ Y tế) 300.000 USD; Trịnh Thanh Hùng (cựu Vụ phó Vụ KH&CN) 350.000 USD; Nguyễn Nam Liên (cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế) 100.000 USD.
Việt cho biết, trong quá trình điều tra đã chủ động khai báo để làm rõ hành vi phạm tội của bản thân cũng như các bị cáo khác. Ngoài ra, Việt còn cung cấp cho cơ quan điều tra danh tính những người nhận tiền "cảm ơn".
Trong khi đó, bị cáo Trịnh Thanh Hùng khẳng định, việc đưa Công ty Việt Á vào tham gia nghiên cứu đề tài chỉ là tạo ra sản phẩm, không sản xuất thương mại.
Chia "hoa hồng"
Trước bục khai báo, bị cáo Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty Việt Á cho biết, thời điểm diễn ra dịch Covid-19, bị cáo dành nhiều thời gian để chống dịch nên việc công ty giao cho các nhân viên phục trách theo từng vùng, miền, bộ phận.
Cựu Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến (Ảnh: Như Ý).
Đối với các sản phẩm của Công ty Việt Á, sau khi được bán ra và thanh toán hợp đồng, công ty sẽ chiết khấu lại từ 5-20%.
Về tiêu chí trích phần trăm hoa hồng cho các đơn vị mua hàng, cựu lãnh đạo CDC các tỉnh..., Việt khai dựa vào đóng góp cho chống dịch như thế nào, trị giá hợp đồng, chủng loại hàng hóa.
Khi chiết khấu hoa hồng cho các đơn vị mua hàng, Công ty Việt Á chuyển tiền với nội dung "nhờ thanh toán tiền mua hàng" để tránh nhạy cảm.
Lời ngụy biện của các bị cáo
Trong những ngày xét xử, các bị cáo bị cáo buộc nhận tiền "cảm ơn", tiền hối lộ đều thừa nhận cáo buộc của cơ quan tố tụng. Tuy nhiên, các bị cáo đều có chung lý lẽ rằng thời điểm nhận tiền, họ không nghĩ đó là vi phạm pháp luật hoặc "không biết bên trong có tiền".
Cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khai việc nhận tiền diễn ra sau 10 tháng kit test của Việt Á được cấp phép lưu hành chính thức. Khi đưa tiền, Huỳnh (cựu Thư ký ông Long) nói Việt Á làm ăn được nên tự "cảm ơn".
Ông Long khẳng định việc nhận tiền diễn ra nhiều lần nhưng do Việt chủ động chứ ông không "gợi ý".
Đối với cựu Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, ông này trình bày không hề biết trong "túi quà cảm ơn" Việt đưa tại văn phòng ông có chứa 200.000 USD. Mãi sau này khi phát hiện có tiền trong túi, bị cáo đã cất tiền vào vali, bảo nhân viên đưa về nhà để khi nào có dịp sẽ trả lại Phan Quốc Việt.
Cựu Bộ trưởng Chu Ngọc Anh (Ảnh: Nam Phương).
"Bị cáo nghĩ việc nhận tiền là sai nên muốn trả lại", ông Ngọc Anh nói và cho biết 200.000 USD trong túi được bị cáo cất vào vali, đem đến UBND TP Hà Nội.
Tuy nhiên, vì phòng làm việc tại ủy ban chưa sửa xong, ông Ngọc Anh mang về nhà, để ở gara ô tô và dự định sẽ đem trả trong chuyến công tác tới.
"21 tháng ở Hà Nội, bị cáo không có chuyến công tác nào nên quên mất, đây là điều đau xót nhất", cựu Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ phân trần lý do không trả lại tiền cho Việt.
Bị cáo buộc 3 lần nhận tiền của Việt Á với tổng số tiền 27 tỷ đồng, cựu Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến khai rằng: "Lúc đầu bị cáo nhận thấy việc chia sẻ lợi nhuận như vậy là không sai nhưng khi bị bắt, bị cáo mới biết đây là vi phạm pháp luật".
Phong tỏa hàng trăm tỷ đồng của Phan Quốc Việt
Tại tòa, HĐXX cho biết Phan Quốc Việt có 3 tài khoản ngân hàng, 55 sổ tiết kiệm bị phong tỏa với tổng số tiền hơn 320 tỷ đồng. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng phong tỏa 52 sổ tiết kiệm của mẹ bị cáo Việt và 2 sổ tiết kiệm của con bị cáo này (2 sổ này trị giá 20 tỷ đồng).
Tại tòa, Việt lý giải một phần tiền trong các sổ tiết kiệm của mẹ là do bị cáo trả nợ. Trong khi làm ăn, Việt đã mượn tiền của mẹ để phát triển công ty.
Toàn cảnh phiên tòa (Ảnh: Nam Phương).
Đối với số tiền trong 2 sổ tiết kiệm của con, Phan Quốc Việt thừa nhận đây là tiền của mình. Số tiền này Việt có được từ nhiều hoạt động khác nhau.
Tại bục khai báo, Việt cho biết sẽ khắc phục toàn bộ số tiền gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước là hơn 400 tỷ đồng. Tổng Giám đốc Việt Á nói bản thân sẽ khắc phục bằng tất cả những tài sản mà mình đứng tên.
Trong khi đó, đại diện Công ty Việt Á cho biết, nhiều đơn vị đang còn nợ công ty này hơn 700 tỷ đồng nên đề nghị HĐXX xem xét, yêu cầu các đơn vị trả nợ cho Việt Á.
Hôm nay (8/1), Tòa tiếp tục bước vào ngày xét xử thứ 4.
Cựu Giám đốc CDC Hải Dương giải thích lý do nhận 27 tỷ đồng từ Việt Á Sáng 4/1, trả lời thẩm vấn tại tòa trong phiên xử đại án Việt Á, bị cáo Phạm Duy Tuyến (cựu Giám đốc CDC Hải Dương) khai, bị cáo không nghĩ nhiều khi nhận 27 tỷ đồng từ Công ty Việt Á vì nghĩ rằng, công ty này muốn chia sẻ lợi nhuận với CDC Hải Dương. Trước bục khai báo, bị cáo...