Thay đổi hình thức thi chọn HSG khiến thầy trò bất ngờ, Sở GD Vĩnh Phúc nói gì?
“Việc thay đổi này là thiết thực, hiệu quả và thúc đẩy phong trào bồi dưỡng HSG ở các đơn vị, nâng cao chất lượng đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi ĐGNL”.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản hướng dẫn tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi tỉnh Vĩnh Phúc năm học 2022-2023, trong đó có điều chỉnh một số điểm mới so với năm học trước đó.
Đáng chú ý, đối với các kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 10, 11, 12 chương trình trung học phổ thông sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, bao gồm các môn: Toán, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa; thi tự luận đối với môn Văn, Tin; hình thức kết hợp tự luận và trắc nghiệm khách quan đối với môn Tiếng Anh.
Cả thầy và trò đều phải đổi hình thức ôn tập
Thông tin này đã khiến nhiều học sinh, giáo viên khá bất ngờ và có phần lo lắng vì từ trước tới nay các kỳ thi chọn học sinh giỏi của tỉnh đều thi theo hình thức tự luận.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi tại tỉnh Vĩnh Phúc cho hay: “Tôi rất bất ngờ với quyết định mới của Sở Giáo dục và Đào tạo. Vì việc ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi chọn học sinh giỏi tỉnh đã được nhà trường triển khai từ hè, bây giờ đổi sang hình thức thi trắc nghiệm lúc cách thời gian thi chỉ hơn 2 tháng nên cả thầy và trò đang phải làm quen lại từ đầu”.
Thầy giáo này cho hay, với hình thức thi trắc nghiệm bắt buộc thí sinh phải ôn tập sâu, rộng và kĩ hơn rất nhiều so với thi tự luận. “Mặc dù biết nội dung thi sẽ nằm trong phạm vi chương trình học, tuy nhiên mức độ khó dễ từng phần ra sao đến nay chúng tôi vẫn chưa nắm được”.
Khi phóng viên hỏi về thuận lợi của việc đổi sang hình thức thi trắc nghiệm, người thầy có nhiều năm kinh nghiệm ôn luyện thi học sinh giỏi nói: “Bây giờ thuận lợi chưa thấy gì, chỉ thấy khó khăn!”.
“Học sinh trong đội tuyển thi học sinh giỏi của trường tôi mới đổi hình thức ôn tập được hơn 1 tuần nay, hiện tại đã chuyển sang giai đoạn ôn luyện đề. Hiện cũng chưa biết cấu trúc đề thi học sinh giỏi tỉnh như thế nào mà tháng 12 thi rồi”, thầy giáo này chia sẻ băn khoăn.
Thi chọn học sinh giỏi bằng hình thức trắc nghiệm không mới
Để có góc nhìn đa chiều, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc. Trao đổi với phóng viên, ông Trịnh Văn Mừng – Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc) cho hay:
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc đã căn cứ Điều 3, Thông tư số 22/VBHN-BGDĐT ngày 25/8/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia. Cụ thể: “Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tham khảo Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia để quy định cụ thể việc tổ chức các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp cơ sở tại địa phương, đơn vị”.
Ngoài ra, năm học 2022-2023, bắt đầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10 trung học phổ thông trong đó việc đổi mới công tác thi, kiểm tra nhằm đánh giá được phẩm chất, năng lực của học sinh cần thực hiện đồng bộ và là một trong những yêu cầu cấp thiết.
Video đang HOT
Do đó, năm học 2022-2023, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc đã điều chỉnh một số nội dung trong quy chế thi chọn học sinh giỏi tỉnh.
Thi chọn học sinh giỏi theo hình thức trắc nghiệm đã được nhiều tỉnh áp dụng (Ảnh minh họa: Doãn Nhàn)
Lý giải về việc sử dụng hình thức thi trắc nghiệm để lựa chọn học sinh giỏi tỉnh (đối với học sinh trung học phổ thông không chuyên), ông Mừng cho rằng với hình thức ra đề theo hướng trắc nghiệm sẽ đảm bảo bao quát kiến thức, tránh học tủ, việc chấm thi đảm bảo độ chính xác cao hơn;
Đồng thời, việc thay đổi theo hình thức trắc nghiệm phù hợp với đối tượng học sinh trung học phổ thông không chuyên. Hình thức thi này cũng phù hợp với hình thức kiểm tra đánh giá trong quá trình học tập trên lớp của học sinh, gắn công tác bồi dưỡng học sinh giỏi với công tác ôn tập thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thi tuyển sinh đại học theo hình thức đánh giá năng lực của học sinh;
“Chúng tôi cho rằng việc thay đổi này là thiết thực, hiệu quả và thúc đẩy phong trào bồi dưỡng học sinh giỏi ở các đơn vị, góp phần nâng cao chất lượng đối với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và thi đánh giá năng lực. Do đó, hình thức thi được cơ cấu theo hướng tương đồng với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thi tuyển sinh đại học theo hình thức đánh giá năng lực;
Hình thức thi này cũng đồng thời giúp giảm áp lực đối với giáo viên, học sinh, tạo thuận lợi cho giáo viên trong công tác ôn tập theo hướng đồng bộ với hình thức thi tốt nghiệp, trong việc phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi.
Đối với môn Tiếng Anh, việc kết hợp hình thức thi tự luận và trắc nghiệm khách quan nhằm đảm bảo đánh giá được các kỹ năng nghe, đọc, viết”, ông Trịnh Văn Mừng cho hay.
Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục (Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc) cho biết thêm, thi chọn học sinh giỏi theo hình thức trắc nghiệm đã được nhiều tỉnh, thành phố triển khai có hiệu quả như Thanh Hóa, Nam Định, Bắc Ninh, Ninh Bình,…
Tuy nhiên, việc đổi mới hình thức thi ở thời điểm hiện tại trên thực tế cũng phần nào gây ra nhiều bỡ ngỡ cho các thầy cô giáo và học sinh. Trao đổi với phóng viên, ông Mừng cho biết:
“Để việc đổi mới công tác thi học sinh giỏi cấp tỉnh được thành công, Sở Giáo dục và Đào tạo đã điều chỉnh lùi lịch kỳ thi học sinh giỏi lớp 12 trung học phổ thông không chuyên 2 tuần so với năm học trước.
Đồng thời, Sở chỉ đạo các đơn vị phổ biến Quy chế, hướng dẫn thi học sinh giỏi đến toàn thể giáo viên, học sinh biết (đặc biệt là các điểm mới trong công tác tổ chức thi), yêu cầu các nhà trường chỉ đạo các tổ chuyên môn xây dựng Kế hoạch bồi dưỡng học sinh giỏi phù hợp với lịch thi, hình thức và chương trình thi theo hướng dẫn của Sở; tổ chức triển khai kế hoạch bồi dưỡng học sinh giỏi để đảm bảo kiến thức, phương pháp làm bài cho học sinh thi đạt kết quả cao”.
Ngoài điểm mới về hình thức thi chọn học sinh giỏi tỉnh đổi với khối trung học phổ thông không chuyên, năm nay, tỉnh Vĩnh Phúc cũng thực điều chỉnh đổi mới một số điểm ở kỳ thi chọn học sinh giỏi dự thi quốc gia.
Cụ thể, đối với các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin sẽ được tổ chức thi 2 bài, khác với năm học trước chỉ thi 1 bài, các môn còn lại thi 1 bài.
Ông Trịnh Văn Mừng cho biết việc điều chỉnh để hình thức ra đề, tổ chức thi tương đồng với kỳ thi học sinh giỏi quốc gia (môn Khoa học tự nhiên thi 2 bài, môn Khoa học xã hội thi 1 bài).
“Điều này nhằm đảm bảo việc lựa chọn đội tuyển của tỉnh tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia đảm bảo tính khách quan, chất lượng và hiệu quả”, ông Trịnh Văn Mừng nói.
Vĩnh Phúc: 204 trường thiếu GV, hàng trăm trường cơ sở vật chất xuống cấp
Theo Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc: các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn cả về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên.
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc, tính đến tháng 9/2022, Sở Giáo dục Vĩnh Phúc đã thực hiện đánh giá ngoài và công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục, công nhận trường đạt chuẩn quốc gia cho 126 trường, bao gồm 51 trường mầm non, 34 trường tiểu học, 41 trường trung học cơ sở.
Còn tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, cơ cấu giáo viên không hợp lý
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc, hiện nay các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn cả về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên.
Cụ thể, về diện tích, toàn tỉnh có 15 trường diện tích nhỏ hẹp, diện tích bình quân/học sinh không đạt tiêu chuẩn (bao gồm 4 trường mầm non, 4 trường tiểu học, 7 trường trung học cơ sở).
Còn 61 trường trên toàn tỉnh (bao gồm 15 trường mầm non, 17 trường tiểu học, 29 trường trung học cơ sở) thiếu sân chơi, bãi tập, tường rào hoặc sân chơi, bãi tập, tường rào đã xuống cấp, cần sửa chữa.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc, việc đầu tư xây dựng, sửa chữa phòng học, phòng chức năng, các hạng mục công trình khác còn chậm tiến độ. (Ảnh minh họa: Doãn Nhàn)
Toàn tỉnh Vĩnh Phúc còn 171 trường (bao gồm 35 trường mầm non, 72 trường tiểu học, 64 trường trung học cơ sở) thiếu phòng học, phòng bộ môn, khối phòng quản trị, khối phụ trợ; nhiều phòng học đã xuống cấp, cần sửa chữa. Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo, việc đầu tư xây dựng, sửa chữa phòng học, phòng chức năng, các hạng mục công trình khác còn chậm tiến độ.
Về các trang thiết bị, đồ dùng: Thiết bị dạy học lớp 2, 3 và lớp 6, 7 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 chưa được cung cấp đầy đủ, gây khó khăn trong công tác giảng dạy. Thiết bị dạy học đối với cấp học mầm non, các khối lớp theo chương trình giáo dục phổ thông 2006 đã hết thời gian khấu hao, nhiều thiết bị không còn sử dụng được, ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động giáo dục của các nhà trường và việc đảm bảo chất lượng giáo dục.
Theo thống kê của các đơn vị cho thấy, hiện nay trên toàn tỉnh có 87 trường thiếu nhiều thiết bị (bao gồm 28 trường mầm non, 23 trường tiểu học, 36 trường trung học cơ sở). Thiết bị phòng học bộ môn, phòng học chức năng của nhiều trường đã hết khấu hao, hỏng, đặc biệt hầu hết các trường trung học cơ sở chưa có phòng học bộ môn Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội theo qui định về cơ sở vật chất trường trung học cơ sở tại Thông tư số 14/2020/TT-BGDĐT.
Kinh phí của các nhà trường dành cho mua sắm thiết bị dạy học còn hạn chế; công tác xã hội hóa giáo dục để đầu tư mua sắm thiết bị dạy học gặp nhiều khó khăn.
Về điều kiện chất lượng nhà vệ sinh, toàn tỉnh Vĩnh Phúc còn 14 trường thiếu nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh đã xuống cấp (bao gồm 9 trường mầm non, 2 trường tiểu học, 3 trường trung học cơ sở) cần xây dựng mới, sửa chữa.
Về thư viện, còn 29 trường trên toàn tỉnh thiếu nhà thư viện hoặc phòng thư viện không đủ diện tích, nhà thư viện đã xuống cấp (bao gồm 18 trường tiểu học, 3 trường trung học cơ sở) cần xây dựng mới, sửa chữa.
Cũng theo báo cáo của Sở Giáo dục Vĩnh Phúc, hiện nay còn 204 trường trên toàn tỉnh thiếu giáo viên (bao gồm 68 trường mầm non, 66 trường tiểu học, 70 trường trung học cơ sở), và sẽ tiếp tục thiếu nhiều hơn trong 5 năm tiếp theo (do tăng dân số và quá trình chia tách lớp học để đảm bảo tỉ lệ học sinh/lớp theo qui định).
Ngoài ra, toàn tỉnh cũng còn 37 trường thiếu nhân viên chuyên trách (nhân viên y tế, nhân viên phụ trách thiết bị).
"Còn tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, cơ cấu giáo viên không hợp lý, đặc biệt ở cấp trung học cơ sở", Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc nhận định.
Đảm bảo các điều kiện dạy và học tối thiểu đạt chuẩn quốc gia mức độ 1
Ngành giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc hiện đang thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025, theo đó phấn đấu đến năm 2025, tỉ lệ trường chuẩn quốc gia (theo chuẩn mới) đạt 70% trở lên ở tất cả các cấp học.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, ngành giáo dục Vĩnh Phúc thực hiện một số giải pháp như:
Về cơ sở vật chất: Đối với diện tích xây dựng trường học, theo Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc, trên cơ sở rà soát qui mô học sinh, diện tích quỹ đất, các địa phương xây dựng phương án chuyển các trường không đủ diện tích theo qui định đến địa điểm mới hoặc bổ sung đất để ở rộng trường đáp ứng yêu cầu đạt chuẩn quốc gia.
Về khuôn viên, khu sân chơi, bãi tập: Ủy ban nhân dân huyện, thành phố thuộc tỉnh rà soát, chỉ đạo việc lập kế hoạch xây dựng, sửa chữa, đẩy nhanh tiến độ thi công để bảo đảm hoàn thành các hạng mục xây dựng sân chơi, bãi tập đúng thời gian qui định.
Xây dựng phòng học, phòng chức năng: Ủy ban nhân dân huyện, thành phố thuộc tỉnh rà soát, có phương án bổ sung các phòng học, các phòng chức năng để đảm bảo các điều kiện dạy và học tối thiểu đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.
Yếu tố về trang thiết bị, đồ dùng: Đẩy nhanh tiến độ đầu tư, mua sắm đủ thiết bị dạy học tối thiểu đáp ứng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với các trường tiểu học và trung học cơ sở; bổ sung, trang bị thêm thiết bị để cho trẻ mầm non hoạt động.
Khắc phục khó khăn về đội ngũ của ngành giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc tiếp tục thực hiện tuyển dụng, đáp ứng đủ giáo viên theo quy định. Đồng thời xác định cần có cơ chế phù hợp để hợp đồng bổ sung giáo viên còn thiếu trong giai đoạn chưa bổ sung được biên chế.
Vĩnh Phúc: Khen thưởng đơn vị đạt thành tích xuất sắc tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 Sáng 2/8, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Vĩnh Phúc đã trao Giấy khen cho Trường THPT Liễn Sơn, huyện Lập Thạch - một trong những đơn vị có thành tích xuất sắc tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc Phạm Khương Duy (thứ 3 từ trái) trao Giấy khen cho Trường THPT Liễn...