“Thấy con của ta học không được thì kêu lên bảng làm gì?”
Nó nghỉ học là tại cô. Nếu cô cứ bắt con ta đứng dậy trả lời câu hỏi một lần nữa thì ta sẽ bắt con ta nghỉ học, cô không có tiền lương sẽ chết đói”.
Câu chuyện vận động học sinh ra lớp của cô giáo Phan Thị Duyên, giáo viên trường Mường Típ 1 huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đã làm không ít người nghe bật cười nhưng cũng có phần xót xa trước ý thức về việc học của một số người dân nơi thâm sơn cùng cốc.
Kỉ niệm một lần đi vận động học sinh ra lớp của cô giáo Phan Thị Duyên huyện Kỳ Sơn (Ảnh nhân vật cung cấp).
“Nếu cô cứ bắt con ta đứng dậy trả lời một lần nữa, ta sẽ bắt con ta nghỉ học cho cô không có tiền lương ăn sẽ chết đói”
Cô Duyên nói rằng, năm 2012 khi cô đang dạy tại Trường Tiểu học Mường Lống 2, trong lớp học của mình có em Lầu Thị Chùa (học sinh lớp 3) học khá yếu.
Cô chưa bao giờ to tiếng với em, dù có cáu giận cũng phải tươi cười, nhẹ nhàng vì sợ em nghỉ học.
Thế nhưng cứ hôm nào gọi em đứng lên đọc bài thì lập tức hôm sau em sẽ nghỉ học vài ba ngày.
Thời điểm đó, cô Duyên đang mang bầu nhưng vẫn phải thường xuyên đi gần hai chục cây số đến nhà vận động em tới lớp.
Khi thấy cô giáo, em Chùa cứ ôm chặt cây cột nhà khóc và nhất định không chịu đi học.
Mẹ em tỏ ra giận dữ nhìn cô và nói bằng tiếng H.Mông (có lẽ mẹ em nghĩ cô giáo chưa hiểu tiếng của mình nên mới thế):
“Cô thì ngu lắm ấy, con của ta đi học không được gọi lên bảng đọc bài, không được bày làm bài mà cứ để như thế.
Nó nghỉ học là tại cô. Nếu cô cứ bắt con ta đứng dậy trả lời câu hỏi một lần nữa thì ta sẽ bắt con ta nghỉ học, cô không có tiền lương sẽ chết đói”.
Cô Duyên nói mình cũng không trách mẹ cô bé vì nhận thức của họ chỉ đến vậy nhưng nếu nói lại vị phụ huynh này cũng sẽ không thể hiểu.
Nhìn thấy ông bố có vẻ hiểu biết hơn, cô Duyên đã phân tích rằng:
“Bố mẹ đã cho con đi học, đã tin tưởng gửi gắm thì thầy cô cũng xem học trò như con cái của mình để dạy dỗ.
Em học yếu, giáo viên cố gắng, nỗ lực kèm để em học tốt hơn. Thế nên gọi lên bảng đọc bài là cô thương chứ không phải cô ghét”.
Nghe thế, ông bố giật mình vì biết cô giáo hiểu rõ tiếng H.Mông. Vị phụ huynh đã nói với chị vợ: “Mẹ thì ngu lắm” rồi quay qua xin lỗi cô giáo và mong cô thông cảm.
Video đang HOT
Từ hôm đó, ông bố đã chủ động đưa con đi học một thời gian khá dài cho đến khi gia đình chuyển đi một nơi khác.
Cả tuần đi dạy ngày nghỉ phải vào bản vận động phụ huynh cho con đến trường
Giáo viên dạy nơi vùng sơn cước ngoài việc phải chịu bao khó khăn vất vả về điều kiện sống, sinh hoạt thì việc đi vận động học sinh trở lại lớp cũng muôn phần gian nan.
Suốt tuần đi dạy, 2 ngày nghỉ cuối tuần phải lặn lội tới tận nhà học sinh.
Nhiều thầy cô kể, phụ huynh thường đi làm rẫy xa vài tuần mới về nên cũng khó gặp.
Điện thoại không có sóng nên chẳng biết liên lạc cách nào ngoài việc phải đi trong may rủi.
Có em phải đi vài ba lần, có em thầy cô phải hỏi đường lên tận rẫy nơi ba, mẹ làm mới có thể gặp được.
Kinh nghiệm nhiều năm đi vận động học sinh ra lớp của giáo viên Kỳ Sơn là đưa ngay các em về trường chứ nghe phụ huynh hứa để vài bữa có thể sẽ chẳng bao giờ các em sẽ trở lại lớp.
Phan Tuyết
Theo giaoduc.net
Cuộc đời cô Duyên và lá đơn lên rừng bị nhiều người ngăn cản
Nhắm mắt, nín thở để kéo từng con vắt ra làm ám ảnh nhiều đêm liền không ngủ được, cứ thảng thốt, thất thần vì sợ. Những vết cắn bầm tím hàng tuần chưa phai.
Là giáo viên nhưng chúng tôi may mắn được dạy miền xuôi và khá gần nhà.
Cô Phan Thị Duyên giáo viên Trường Tiểu học Mường Típ 1 huyện Kỳ Sơn tỉnh Nghệ An (Ảnh nhân vật cung cấp)
Dù nghề giáo bây giờ áp lực nhiều, gian khó cũng lắm nhưng nghe những câu chuyện của đồng nghiệp dạy nơi miền biên giới xa xôi, vùng đặc biệt khó khăn của cả nước, chúng tôi chỉ biết thốt lên những lời nói tự đáy lòng: "nghiêng mình khâm phục!"
Lá đơn tình nguyện lên vùng sâu giảng dạy khiến nhiều người ngăn cản
Năm 2006, vừa ra trường một năm và đang dạy học hợp đồng tại Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An cô Phan Thị Duyên bất ngờ làm đơn xin chuyển lên vùng núi Kỳ Sơn giảng dạy cách gia đình khoảng 200km.
Quyết định của cô khá bất ngờ cho bạn bè, đồng nghiệp. Nhiều người khuyên cô suy nghĩ lại vì có thể chôn vùi tuổi thanh xuân nơi rừng thiêng nước độc.
Đường đi vào các điểm trường quanh co, đồi dốc, ngày mưa trơn trượt dễ mất mạng trên các khe núi, rồi muỗi, vắt, rắn rết...ngày nắng bụi mù.
Đã có biết bao người lên dạy và không thể trụ nỗi những khó khăn thử thách đã phải bỏ về.
Cô Duyên nói, dù nghe đồng nghiệp kể cũng sợ nhưng cô không nao núng bởi tuổi trẻ cũng muốn được khám phá cùng với khát khao được làm cô giáo, được đem ánh sáng tri thức tới những trẻ em vùng lạc hậu, nghèo đói làm cô thêm vững bước.
Cô Duyên cũng cho biết, may mà gia đình lại rất ủng hộ với quyết định của cô.
Cả bố và mẹ cô từng là bộ đội. Bố là thương binh, mẹ bị ảnh hưởng chất độc da cam.
Thế nên việc con gái xung phong lên nơi khỉ ho cò gáy cũng làm ông bà lo nhưng tôn trọng quyết định của con, cha mẹ cô không ngăn cản.
Ngày nhận quyết định đến Trường Tiểu học Mường Lống 2, huyện Kỳ Sơn cô Duyên nói mình hăm hở vô cùng.
Bố cô đưa đi bằng chiếc xe máy cũ. Đường vào trường theo cô Duyên là: "Không thể tưởng tượng nổi". Đường trơn nhầy nhụa, hai bố con đoạn đi đoạn đẩy xe và té nhào xuống đường biết bao nhiêu lần.
Xót con, bố cô Duyên khuyên con về xuôi tiếp tục xin đi dạy hợp đồng lại. Nhưng cô đã thuyết phục bố và quyết tâm đi đến cùng.
Cô Duyên cho biết, mặc dù trước đó trong đầu đã hình dung ra cảnh trường lớp, học sinh nơi thâm sơn cùng cốc nhưng khi tận mắt chứng kiến vẫn bị "sốc toàn tập".
Lớp học là những bức vách thưng, trẻ em quanh vùng phần lớn chỉ mặc áo không có quần, tay chân mặt mũi đen nhẻm đất cát. Mũi đứa nào đứa nấy thò lò, rồi sụt sịt hít vào hì ra, có đứa lấy tay quẹt lem nhem cả mặt.
Đi học chúng mặc được cái quần nhưng lủng đít, vá víu chằng chịt. Trời lạnh nên nhiều ngày không tắm, đứa nào cũng bốc mùi hôi khó chịu.
Học sinh thường vắng học nhiều vì cha mẹ đi nương cả tuần mới về nên dù nhỏ cũng tự lo lấy thân.
Có điểm trường, nhà ở của giáo viên không có. Cô Duyên ở nhờ nhà một học trò lớp 3 cũng là anh lớn của 3 đứa em nheo nhóc.
Ba mẹ cậu bé đi làm nương cách nhà hàng mấy ngày đường nên thường ở lại vài tuần mới về.
Cô đã trở thành bảo mẫu cho 4 đứa trẻ và một chú lợn vài chục kí lô. Sáng đi dạy, chiều về với biết bao công việc.
Từ việc lên suối bế nước, vào rừng kéo củi, tắm giặt cho 4 anh em, lấy rau bằm cho lợn...đều một tay cô làm tuốt.
Ngoài ra còn dạy, kèm thêm cho những em học yếu mà phải năn nỉ chúng mới chịu học.
Hai mẹ con và chiếc xe rớt xuống dòng suối
Vài năm sau, cô Duyên xây dựng gia đình với một đồng nghiệp. Cô lại chuyển tới một trường xa thị trấn hơn nhưng không còn ở nhờ nhà dân nữa. Chuyện di chuyển, đi lại ở vùng này vô cùng nguy hiểm, đã không ít lần hút chết.
Đó là lần trời mưa lũ nhưng cô Duyên (đang mang thai 5 tháng) vẫn buộc phải đi vì sợ ngày mai không kịp dạy.
Cây cầu bắc qua suối đã bị nước cuốn nên cô đi men bên đường và bất ngờ cả người cùng xe lọt xuống dòng suối. Rừng núi vắng tanh không bóng người nên chẳng biết gọi ai cứu giúp.
Cố gắng lắm cô lên được bờ và đi bộ khoảng 2 km mới gặp được mấy người dân đang làm rẫy nhờ họ vớt dùm xe. Khi chiếc xe được đưa lên, cô biếu họ toàn bộ đồ ăn mang theo và tuần ấy cô đành nhịn ăn sáng.
Hãi hùng vì vắt bám vào người
Trời mưa vắt rừng nhiều vô kể. Thế nên đi ra ngoài phải luôn đi ủng và mặc áo mưa thật cẩn thận.
Cô Duyên cho biết dù đã trang bị kỹ càng nhưng có lần đi về mấy con vắt to chui vào bụng cắt đến no tròn.
Nhắm mắt, nín thở để kéo từng con vắt ra làm ám ảnh nhiều đêm liền vẫn không ngủ được, cứ thảng thốt, thất thần vì sợ. Chỉ nghĩ đến thôi là thấy rùng mình sợ hãi. Những vết cắn bầm tím trên da hàng tuần không phai.
Tình yêu với học trò là động lực giúp cô trụ lại với nghề
Trong câu chuyện của mình, cô Duyên liên tục nói đến ước mơ từ nhỏ là được trở thành cô giáo.
Có lẽ vì điều này đã giúp cô nhiều nghị lực để vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.
Không chỉ trụ lại với nghề mà cô còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một nhà giáo.
Nhiều năm liền đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh và đạt chiến sĩ thi đua cơ sở.
Ngày 16/11, cô Duyên đã vinh dự có mặt tại Hà Nội để nhận bằng khen của Bộ trưởng về thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục học sinh dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Nói về giáo viên của mình, thầy Nguyễn Quốc Trí Hiệu trưởng Trường Mường Típ 1 chỉ dùng 2 từ ngắn gọn là: "Xuất sắc".
Được nhà nước vinh danh, nhà trường công nhận, được phụ huynh và học sinh yêu mến, tin tưởng. Đây chính là phần thưởng vô cùng xứng đáng dành cho cô- một nhà giáo hết lòng vì sự nghiệp giáo dục.
Phan Tuyết
Theo giaoduc.net
Gian nan thầy đi tìm học trò Với mỗi giáo viên dạy học ở vùng sâu, vùng xa đều gặp nhiều gian nan, thử thách. Vượt lên tất cả đó, mỗi thầy, cô giáo ở vùng sâu tỉnh Quảng Bình đều nỗ lực vươn lên, ngày đêm thầm lặng mang cái chữ "gieo" trên miền đất khó. Câu chuyện thầy, cô giáo gian nan đi tìm học trò là tộc...