Thầy cô xúc động khi tâm sự về nghề
Có những người thầy đi dạy ở những miền xa của đất nước, có thầy cô vượt bão lũ đến trường bị lũ cuốn trôi, có giáo viên từ chối tiền bồi dưỡng của phụ huynh để giữ lòng với nghề…
Sáng nay 14/11, 183 Nhà giáo ưu tú (NGUT) tại TPHCM đã có buổi họp mặt giao lưu nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Trong số đó, có 25 nhà giáo vừa được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký quyết định phong tặng danh hiệu NGƯT năm 2012.
Tại buổi họp mặt, những chia sẻ của các NGUT về yêu cầu công việc, về sự tâm huyết, sự thanh bạch của người thầy đã làm không ít người rơi nước mắt.
Cô Vũ Thị Xuân Liên – hiệu trưởng Trường Mầm non Vàng Anh, Q.5, một trong 25 giáo viên (GV) ở TPHCM nhận danh hiệu NGƯT năm 2012 chia sẻ, mỗi lần nghe đâu đó có tình trạng GV bạo hành, xâm phạm thân thể học trò, thiếu kiên nhẫn trong việc dạy học, cô lại đắng lòng vô cùng.
Nhiều thầy cô rơi nước mắt trong buổi họp mặt giao lưu Nhà giáo ưu tú TPHCM.
Và cô cũng không kìm được nước mắt với trạng thái đầy trân trọng, cảm động khi nhắc đến những người thầy giáo hàng ngày dạy học ở biển đảo, các vùng miền xa xôi của đất nước; câu chuyện thầy cô vượt lũ để đến trường rồi ra đi trong dòng nước lũ.
Hay ngay bên cạnh cô, có những GV mầm non đồng lương vô cùng eo hẹp nhưng đã từ chối những khoản bồi dưỡng của phụ huynh để giữ được sự công bằng đối với trẻ và giữ cho lòng và nghề của mình được thanh bạch.
Cô Liên nghẹn ngào: “Có thể còn chuyện này chuyện kia nhưng đại đa số GV đã chọn nghề đều tận tâm và muốn cống hiến với công việc. Uy tín của các thầy cô giáo là điều không thể phủ nhận”.
Hàng trăm người có mặt tại hội trường như lắng xuống, có nhiều người đưa tay lên quệt nước mắt.
Video đang HOT
Đến bây giờ, những năm tháng đến trường gắn liền với bom đạn, hầm trú, lớp học ở giữa rừng gần 40 năm trước vẫn là ký ức quá đỗi gần gũi với với cô Nguyễn Thị Thanh Châu – phó giám đốc Trung tâm GDTX Q. Phú Nhuận.
Đó là hình ảnh người thầy cặm cụi bắt từng con vắt. phủi đất cát trên người học trò khi vừa ra khỏi hầm trú; hay thầy chủ nhiệm lớp 6 luôn dặn dò: “Muốn làm thầy giáo phải cố gắng học giỏi nghe con, sau này đi dạy cùng thầy”. Thầy mang theo ước mong “đi dạy cùng học trò” ra chiến trận và sang thế giới bên kia khi hy sinh tại chiến trường Khe Sanh (Quảng Trị)…
Nhớ về thế hệ thầy cô đi trước là một trong những động lực để cô Châu theo đuổi, gắn bó và không ngừng cống hiến với nghề.
Năm nay, TPHCM có 25 thầy cô được phong tặng danh hiệu NGƯT.
Làm việc tại Trung tâm GDTX, nơi mà trong quan niệm của nhiều người học trò ở đó hư hỏng, khó dạy thì cô tự nhắc nhở mình bất kể với đối tượng học trò nào thì người GV cũng đều phải đến với các em bằng cái tâm, cái tình thực sự của mình. Có như vậy người giáo mới chạm được vào tình cảm, sự tin tưởng và trân trọng của học trò.
Thế nên cô Châu luôn trân trọng những lời chia sẻ, những tâm tư của các em. Đêm khuya 11, 12 giờ đêm vẫn có những học trò gọi điện để nói chuyện với cô về học tập, tình yêu, công việc hay có học viên nữ xin đến ngủ cùng cô để nói chuyện được nhiều hơn…
Tự hào về hàng triệu GV đã và đang dành trọn công sức, tâm huyết, trí tuệ cho công việc dạy người nhưng cô Châu và gần 200 NGƯT cũng chùng xuống khi biết trong vẫn còn những “khoảng tối” trái với đạo đức làm thầy, làm tổn thương danh dự người thầy.
Ông Nguyễn Hữu Hùng – Chủ tịch Công đoàn Giáo dục TPHCM cho rằng một trong những khó khăn thách thức của nhà giáo thời đại này là phải cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình; cân bằng giữa cái chung và cái riêng; giữa tinh thần và vật chất, giữa quán tính của phương pháp giảng đọc chép và phương pháp dạy học gợi mở, cá thể hóa; giữa phương pháp dạy học bằng hình phạt, thiếu dân chủ với xu hướng xây dựng môi trường giáo dục nhẹ nhàng, thân thiện…
Điều này đòi hỏi thầy cô không chỉ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ mà hơn hết là phải đam mê công việc, đối với học trò bằng chính tấm lòng của mình.
“Cái bục giảng không cao / Nhưng đã có một đôi người vấp té / Viên phấn của lòng mình không giữ nổi trên tay / Buông thả đấy rồi những ngón loay hoay…”.
Bài thơ của nhà giáo Đoạn Vị Thượng được đọc lên trong buổi giao lưu như một lời chia sẻ với những áp lực của nhà giáo nhưng cũng là tiếng thở dài buồn lòng của những nhà giáo tâm huyết.
Hoài Nam
Theo dân trí
Náo nức chương trình Ngày hội Thầy và Trò
Chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Thành Đoàn Hà Nội tổ chức chương trình Ngày hội Thầy và Trò để vinh danh những nhà giáo có nhiều đóng góp đối với công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi tại Thủ đô.
Chương trình Ngày hội Thầy và Trò kỷ niệm 30 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2012) đồng thời kỷ niệm 15 năm thành lập Quỹ hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo vượt khó diễn ra sáng nay 8/11 tại Hà Nội.
Trong không khí thân mật, ấm áp của tình thầy trò và tình đồng nghiệp, các đại diện là những nhà giáo ưu tú và học sinh - sinh viên xuất sắc đến từ các trường Đại học, THPT, THCS đóng tại địa bàn Hà Nội đã có một chương trình liên hoan kỷ niệm đầy ý nghĩa.
Mở đầu chương trình là lễ khai mạc triển lãm tranh của các em học sinh. Những bức tranh đẹp nhất, những cuốn bích báo, những tờ báo tường ấn tượng nhất đã được gửi về chương trình để làm nên một triển lãm rực rỡ sắc màu tuổi học trò. Đến với cuộc triển lãm nhỏ này, các thế hệ thầy và trò đã cảm nhận được niềm vui giản dị, ấm áp của ngày 20/11.
Tranh của các em thiếu nhi tại triển lãm.
Những tờ báo tường đẹp mắt chào mừng Ngày 20/11.
Những cuốn bích báo nắn nót nét chữ học trò.
Chương trình văn nghệ chào mừng của các thế hệ học sinh.
Tại buổi liên hoan, đồng chí Trần Anh Tuấn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Phó Bí thư Thành đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Sinh viên thành phố Hà Nội đã có bài phát biểu xúc động để tri ân những đóng góp của các nhà giáo ưu tú đối với nền giáo dục nước nhà.
Đồng chí Trần Anh Tuấn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Phó Bí thư Thành đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Sinh viên Thành phố Hà Nội.
Chương trình giao lưu thầy và trò: Em Nguyễn Phương Linh, sinh viên khoa Luật trường ĐH Công đoàn cùng cô giáo chủ nhiệm thời cấp ba ôn lại những chặng đường khó khăn để "vượt vũ môn" của cô trò nhỏ có đôi chân không lành lặn.
Chương trình cũng đã vinh danh 30 đại biểu nhà giáo có những đóng góp xuất sắc đối với công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi tại Thủ đô trong giai đoạn từ 2007 - 2012. Sau đó là lễ trao học bổng cho 173 học sinh, sinh viên nghèo vượt khó Hà Nội.
Các thầy cô thuộc khối Đại học, Cao đẳng.
Các thầy cô thuộc khối THPT, Trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề
Các thầy cô thuộc khối THCS và Tiểu học.
Pi Uy
Theo dân trí
Cô giáo nói 10 thứ tiếng Cô giáo biết 10 thứ tiếng dân tộc thiểu số, chào cờ sáng thứ hai sân trường một trời sắc màu rực rỡ 32 trang phục các dân tộc. Đó là những nét đặc biệt tại một ngôi trường vùng cao. Cô giáo Đinh Thị Kim Phương (Nhà giáo Ưu tú - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc - Thái...